Vật lý lượng tử (Quantum Physics), còn được gọi là Cơ học lượng tử (Quantum Mechanics) là một trong những nhánh nghiên cứu được các nhà khoa học quan tâm nhất hiện nay. Không thể phủ nhận trong hơn 1 thế kỷ được nghiên cứu, rất nhiều giả thuyết & lý thuyết được các nhà khoa học đưa ra, mang tính đột phá trong việc giải thích các quy luật vận hành của thế giới vật chất, gây sự chú ý cho rất nhiều người. Cuộc trò chuyện với người em trai vào năm 2015 về vật lý lượng tử, tưởng chừng chỉ dừng lại ở vấn đề khoa học, nhưng Cyril Kongo đã không do dự nghệ thuật hóa chủ đề khô khan này, sáng tác ra BST “Quantum Physic”. Ông cùng người em của mình - nhà vật lý học - thảo luận về sức mạnh của suy nghĩ và nhiều chủ đề về cơ học lượng tử, và họ quyết định đem những công thức toán học biểu thị những quy luật vật lý thú vị này trên các tác phẩm nghệ thuật.
Nằm trong BST về khoa học mà ít ai dám khai thác này, tác phẩm Hamiltoniens dựa vào khái niệm vật lý cơ học Hamilton, là nền tảng trong cơ học lượng tử, giải thích về sự chuyển động của các vật thể ở cấp độ vi mô nhưng ở những hệ chuyển động phức tạp hơn, như quỹ đạo hành tinh. Các hành tinh trong vũ trụ như ta cảm nhận luôn chuyển động theo cùng 1 quỹ đạo, nhưng thực tế, luôn có sự bất định và thay đổi, và điều này có những ngụ ý sâu sắc đối với cách mà chúng ta nhìn nhận thế giới.
Việc dự đoán những sự kiện tương lai một cách chính xác là điều không thể, ngày cả việc đo đạc những sự kiện về thiên thạch rơi,...bởi chính sự bất định trong cách chuyển động của các hành tinh. Không ai có thể đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra với bản thân, chúng ta cứ cố gắng hết sức mình và hưởng thụ những giây phút của hiện tại. Đó cũng chính là phong cách sáng tác đặc trưng của Kongo, mong muốn truyền tải niềm lạc quan và tinh thần joie de vivre – tận hưởng cuộc sống một cách phóng khoáng qua các tác phẩm của mình. “Hôm nay là ngày bạn tạo nên tương lai của mình. Bạn không thể cứ nghĩ về tương lai nếu bạn không tạo ra ngày hôm nay. Vì thế tôi luôn tận hưởng từng ngày được sống và luôn cố gắng làm chủ cuộc đời mình.”.
Hơn thế, Hamiltoniens là tác phẩm thuộc thuộc chủ đề vật lý lượng tử, theo đó, tất cả các vật chất hữu hình lẫn vật chất vô hình đều là các năng lượng liên tục rung động. Chúng ta đều là năng lượng, mỗi người tỏa ra nguồn năng lượng riêng biệt. Cảm nhận, suy nghĩ và cảm xúc đóng một vai trò quan trọng, vật lý lượng tử giúp chúng ta thấy tầm quan trọng của cách chúng ta cảm nhận. Nếu nội tâm chúng ta đang đầy yêu thương, bình hòa, chắc chắn nó sẽ tác động đến thế giới xung quanh chúng ta, và ảnh hưởng đến cảm giác của người khác. Đối với Kongo, bản thân nghệ sĩ là người chú trọng đến nguồn năng lượng và thế giới tinh thần. Mỗi buổi sáng, gia đình Kongo sẽ cùng nhau ngồi thiền 30 phút để tĩnh tâm, kiểm soát cảm xúc và tạo ra trạng thái tích cực nhất cho ngày mới. Chính vì vậy, nghệ sĩ cảm nhận được sự kết nối giữa những lý thuyết khoa học và những triết lý của bản thân, từ đó hình thành nên mối tương quan giữa khoa học và thế giới nghệ thuật.
Bức tranh "Hamiltoniens" - lấy cảm hứng về cơ học lượng tử Hamilton, là một thách thức cũng như thành tựu với Kongo. Tác phẩm lấy tông màu đỏ làm chủ đạo, gợi lên sự nhiệt huyết và mang một nguồn năng lượng mạnh mẽ, giống như cách mà Kongo tự thách thức bản thân khi tiếp cận lĩnh vực táo bạo để sáng tác nghệ thuật - vật lý lượng tử. Thực tế vật lý lượng từ xưa đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các nghệ sĩ thuộc chủ nghĩa lập thể ở thời kì hậu hiện đại, điển hình như Picasso đã phát triển phong cách vẽ lập thể từ chính thuyết vật lý này.
Những nghệ sĩ theo trường phái siêu thực nổi tiếng như Roberto Matta vào đầu thế kỷ 20 cũng phát triển phong cách cá nhân về tranh siêu thực theo cơ học lượng tử, khi mà các vật chất thực tế là những hạt rất nhỏ, và thế giới siêu thực vì thế không hề có ranh giới giữa các vật thể, không gian, mọi thứ nhập làm một, tạo ra những bức tranh có hiệu ứng thị giác cao, trông như ảo ảnh. Vật lý lượng tử mang đến những cách tiếp cận cho các nghệ sĩ về sự đa dạng, đa chiều và sự mỏng manh của thế giới vật chất chung quanh con người. Tuy nhiên chủ đề này vẫn luôn là cách tiếp cận khó đối với các nghệ sĩ, vì không phải ai cũng thực sự hiểu hết được các lý thuyết và ý nghĩa xung quanh những khái niệm khoa học. Và đến nay Cyril Kongo đã thực sự đưa nghệ thuật graffiti vượt ra khỏi giới hạn khi áp dụng vật lý lượng tử vào bộ môn nghệ thuật này, thông qua những công thức toán học dưới lăng kính graffiti, đồng thời chứng minh sự hiểu biết, mong muốn khám phá và vượt qua nhiều giới hạn của người nghệ sĩ.