Tin tức
Chuyên sâu
Audemars Piguet và câu chuyện về Guilloché Tapisserie
03/06/2024

Họa tiết trang trí Petite Tapisserie được áp dụng trên mặt số của chiếc Royal Oak đầu tiên là một trong những tiêu chuẩn thiết yếu về thẩm mỹ của bộ sưu tập kể từ năm 1972. Nó bao gồm hàng trăm hình kim tự tháp cắt nhỏ xếp cạnh nhau tạo nên một trải nghiệm thị giác đặc sắc. Bài viết này sẽ đi chuyên sâu về lịch sử của Petite Tapisserie, đồng thời mô tả các kỹ thuật chính và một số biến thể khác, đặc biệt là sự xuất hiện của Grande Tapisserie vào năm 1999 và Mega Tapisserie ba năm sau đó. 


1/ Sự phát triển và lụi tàn của một kỹ nghệ ít được biết đến

Mặt số Tapisserie của BST Royal Oak sẽ không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ của một cỗ máy đặc biệt được gọi là “máy khắc”, hay cụ thể hơn là “máy sao chép guilloché”.

Tất cả bắt đầu tại một thị trấn nhỏ có truyền thống chế tác đồng hồ tên là La Chaux-de-Fonds nằm ở độ cao 1.000 mét, cách Vallée de Joux và Le Brassus – xưởng sản xuất Audemars Piguet đầu tiên được thành lập vào năm 1875 – khoảng 100km. Vào thời điểm đó, La Chaux-de-Fonds đã chọn con đường công nghiệp hóa và thị trấn được mệnh danh là “thủ đô chế tác đồng hồ”. Sự phân công lao động tiến bộ đến mức trong cuốn sách “Capital” của mình, nhà tư tưởng người Đức Karl Marx đã đặt ra thuật ngữ “thị trấn công nghiệp” để miêu tả quá trình đô thị hóa của nơi này. Tất cả các hoạt động sản xuất và chế tạo đều xuất hiện tại La Chaux-de-Fonds, từ các xưởng được cơ giới hóa cho đến những nghệ nhân tài năng đã tốt nghiệp trường nghệ thuật của thành phố. 

Vào cuối những năm 1890, đồng hồ bỏ túi được trang trí bằng họa tiết Art Nouveau rất phổ biến lấy cảm hứng từ môi trường sống của thực vật. Chúng được chạm khắc, trang trí guilloche và thường được tráng men. Các nghệ nhân tiểu họa và thợ điêu khắc đã phải vật lộn để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của giới mộ điệu. Chính vì vậy mà ông Robert-Alfred Lienhard đã phát minh ra chiếc máy khắc đầu tiên vào năm 1895, tiền thân của chiếc máy sẽ được sử dụng cho mặt số của Royal Oak. Cỗ máy cực kỳ tinh vi này được thiết kế để tái tạo các họa tiết trang trí trên bề mặt của đồng hồ bỏ túi.

 Các họa tiết Art Nouveau được khắc theo phương pháp cơ giới hóa 

Các nghệ nhân điêu khắc đều cảm thấy không hài lòng với sự cạnh tranh mà chiếc máy này mang lại khi nó tái hiện những kỹ nghệ điêu luyện và tinh xảo của họ. Cuộc chiến kéo dài giữa tay nghề thủ công và máy móc đã buộc các nghệ nhân phải liên tục sáng tạo và thay đổi nhằm chứng tỏ bản thân vượt trội hơn công nghệ. Tuy nhiên, máy khắc không phải là nguyên nhân lớn nhất gây tổn thất cho các nghệ nhân tại La Chaux-de-Fonds mà là sự xuất hiện của đồng hồ đeo tay trong những năm 1920 và 1930. Không giống như đồng hồ bỏ túi sở hữu bộ vỏ và mặt sau có nhiều không gian để trang trí, đồng hồ đeo tay hầu như không có bề mặt để khắc hoặc vẽ tranh tráng men. Cũng từ đó mà công việc của các nghệ nhân vơi dần. 

Máy sao chép guilloché Lienhard. Được sản xuất từ ​​năm 1950 đến năm 1976 bởi công ty Lienhard và Guedel, cả hai đều có trụ sở tại La Chaux-de-Fonds

Vì vậy, công ty Lienhard đã phải tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi hoạt động của công cụ và tìm kiếm thị trường mới.Và thành quả là một chiếc máy đơn giản chỉ khắc trên các bề mặt hoàn toàn phẳng. Nó được sử dụng để trang trí mặt số đồng hồ, nhưng chủ yếu là trang sức, bật lửa, gương, v.v… Sự đa năng này đã mang lại thành công lớn cho Lienhard, với nhiều loại máy được xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Canada. Một số vẫn còn ở Thụy Sĩ và đáng chú ý là được giao cho công ty Geneva, La Nationale.

_____

2/ Từ La Nationale đến Stern Freres

Năm 2019, sau nhiều năm nghiên cứu, nhà sưu tầm và doanh nhân vĩ đại người Đức Helmut Crott, người sáng lập nên nhà đấu giá cùng tên, đã xuất bản một chuyên khảo mang tên “Le cadran: visage de la montre bracelet au 20e siècle” chia sẻ về công ty chế tác mặt số tinh xảo nhất có nguồn gốc tại Geneva – Stern Freres. 

Để tạo nên tác phẩm này, ông đã dựa vào hồi ức của các nghệ nhân trước đây, đặc biệt trong đoạn: “Nếu ai còn nhớ, vào khoảng những năm 1970, LN, hay còn gọi là La Nationale, nhà máy Geneva nằm bên cạnh Stern Frères chuyên sản xuất các linh kiện kim loại như nút crown của đồng hồ và thậm chí là bật lửa. Sau khi nhận được tin về sự qua đời của một trong những nhân viên, đồng thời là nghệ nhân guilloché xuất sắc, LN đã tự hỏi liệu có cách nào để truyền lại và duy trì được kỹ nghệ hiếm có và đặc biệt này hay không. Đáp án lúc bấy giờ có lẽ là Stern Freres. Stern đã đồng ý nhận đơn hàng đặt theo hợp đồng cho khoảng 50 mặt số với khách hàng là Movado. Các mặt số vào thời điểm đó được chạm khắc bằng “máy sao chép guilloche” (máy khắc). Stern đã được tặng bảy máy sao chép guilloché thuộc sở hữu của La Nationale và đồng thời kế thừa 300 họa tiết thiết kế của công ty.”

Quảng cáo La Nationale – Các máy sao chép guilloché giúp giới thiệu họa tiết Tapisserie tại Stern Frères đến từ La Nationale Manufacturing

Năm 1970, ông Roland Tille, người đứng đầu bộ phận thiết kế tại Stern đã nhận thấy được tiềm năng phi thường của cỗ máy này và chính ông là người đặt tên cho kỹ thuật này là Tapisserie. Ông cũng thừa nhận rằng: “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng biệt danh mà mình đã chọn lại có thể phát triển và phổ biến đến vậy!” Helmut Crott tiếp lời: “Cùng năm đó, Gérald Genta đã xin lời khuyên từ Roland Tille về việc phát triển mặt số cho Royal Oak. Tille tự hào giới thiệu với nhà thiết kế những chiếc máy khắc mới của mình và khả năng của chúng. Cùng nhau, họ đồng ý đưa ra một vài đề xuất cho họa tiết Tappisserie. Trong số 13 mẫu được gửi, Audemars Piguet đã chọn phiên bản mà cho đến ngày nay vẫn in đậm trong DNA của thương hiệu và trong trí nhớ của giới mộ điệu. Tác giả nhấn mạnh “Sự kết hợp đáng kinh ngạc giữa những hoàn cảnh khác biệt” đã giúp hồi sinh một kỹ nghệ thủ công, từ đó trở thành “một trong những kỹ thuật được đánh giá cao nhất trong lịch sử chế tác mặt số hiện đại”.

_____

3/ Sự giao thoa giữa 3 kỹ năng

Kỹ nghệ Tapisserie là sự giao thoa giữa ba kỹ thuật truyền thống bao gồm: chạm khắc, guilloché và pantography. Lâu đời nhất là chạm khắc, một nghệ thuật ra đời từ hàng nghìn năm trước và được mọi nền văn minh sử dụng, cùng với điêu khắc và hội họa. Một người nghệ nhân thực hiện kỹ nghệ chạm khắc bằng cách sử dụng các dụng cụ mài, đục và đánh bóng để tái hiện lại cảnh săn bắn, một nhân vật bất kỳ, một loài hoa hay những sinh vật thần thoại nào đó. Trong chế tác đồng hồ, kỹ thuật này xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ 16 và được sử dụng để trang trí cho đồng hồ để bàn, mặt dây chuyền v.v… Nó vẫn tiếp tục phát triển cho đến ngày nay, đặc biệt đối với các bộ chuyển động openworked của Audemars Piguet. 

Kỹ thuật Pantography

Kỹ năng thứ hai liên quan đến Tapisserie là kỹ thuật guilloché đã tồn tại hàng thế kỷ. Chỉ cần nhắc đến chiếc máy tiện của Sa hoàng Peter I năm 1718, cũng như chiếc máy tiện guilloché (còn gọi là động cơ hoa hồng) do François Houard chế tạo cho Max Emmanuel xứ Bavaria năm 1712. Với những chiếc máy này, các nghệ nhân đã khắc những đường thẳng, đường cong một cách đều đặn, hoặc những đường lượn sóng được đặt cạnh nhau, đan xen hoặc đan chéo nhau để phủ lên bề mặt kim loại những họa tiết hình học trừu tượng tạo nên hiệu ứng ánh sáng thu hút. Từ thế kỷ 18 trở đi, bắt đầu ở Pháp và sau đó đến Thụy Sĩ, kỹ thuật guilloche bắt đầu được cơ giới hóa và áp dụng trên bộ vỏ của đồng hồ bỏ túi. Các họa tiết được “lập trình” vào các cỗ máy để tạo ra những thay đổi nhỏ về vị trí, kết hợp lại tạo ra họa tiết guilloche. Abraham-Louis Breguet đã giúp phổ biến nghệ thuật này trong lĩnh vực chế tác đồng hồ, tô điểm cho những tác phẩm của ông bằng các họa tiết Clous de Paris, Barleycorn hoặc Basketweave. 

Những ví dụ về kỹ thuật guilloché

Kỹ thuật thứ ba là pantography (kỹ thuật chép hình). Từ điển chuyên nghiệp mô tả pantography là “kỹ thuật để sao chép các bản vẽ một cách máy móc, đôi khi có thể phóng to hoặc thu nhỏ chúng”. Musée International d’Horlogerie ở La Chaux-de-Fonds có một số ví dụ tuyệt vời về mặt số với họa tiết pantography nhỏ đến mức khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Pantography cũng được thương hiệu Vacheron Constantin sử dụng từ những năm 1840 trở đi để sản xuất các bộ phận kích thước nhỏ chính xác đến mức chúng không cần trải qua giai đoạn chỉnh sửa thủ công. 

Họa tiết Tapisserie được xem là sự kết hợp của cả ba kỹ thuật trên. Tương tự chạm khắc, nó làm rỗng vật liệt bằng một mũi khoan. Giống với guilloche, nó sử dụng máy tiện cơ giới hóa. Và giống như phương pháp pantography, nó tái tạo thiết kế của một mẫu nhất định bằng cách sửa đổi kích thước của nó. 

_____

4/ Những nguyên tắc về kỹ thuật của Tapisserie

Về mặt kỹ thuật, nguyên lý hoạt động của máy khắc rất đơn giản. Hai tấm kim loại tròn quay cùng tốc độ. Ở phần đầu tiên (phần mẫu), các họa tiết cần tái tạo (Tapisserie) được phóng to lên rất nhiều. Khi chiếc đĩa quay, bộ cảm biến di chuyển dọc theo họa tiết Tapisserie. Nhờ hệ thống pantography, trên tấm thứ hai (mặt số), một mũi khoan làm rỗng vật liệu ở nhiều độ sâu khác nhau, tái tạo một cách cơ học các chuyển động của cảm biến nhưng ở quy mô nhỏ hơn. 

Cận cảnh máy sao chép guilloché

Tapisserie là một kỹ thuật khó để thực hiện. Marc Ferland, người đứng đầu xưởng guilloche tại Audemars Piguet từ năm 2011 đến năm 2021, có thể nói về nó hàng giờ liền. Ông biết rằng việc lắp đặt và điều chỉnh máy móc liên quan đến nhiều thông số và việc thành thạo các thủ thuật đòi hỏi phải có kiến thức và khả năng quan sát nhạy bén. Đỉnh cao của sự thành thạo là khi họa tiết guilloche trên mặt số được trang trí từ một lần duy nhất. Mọi chi tiết đều quan trọng, kể cả độ cứng của phần chân đế của máy, vốn từ lâu đã được làm bằng gỗ để hấp thụ các chấn động. 

_____

5/ Petite Tapisserie và sự thay đổi bước ngoặt

Trong gần 30 năm, họa tiết Petite Tapisserie đã được tìm thấy trên vô số những phiên bản đồng hồ của Audemars Piguet: từ Royal Oak Mini 20mm đến Royal Oak Grande Complication 44mm, bao gồm các mẫu Quartz đầu tiên, lịch vạn niên và chạm khắc đá quý. Dù khoác lên mình những gam màu xanh lam, đá phiến, đen, xanh lá cây, hồng cá hồi hay thậm chí là đỏ, bản chất của họa tiết vẫn không thay đổi, dần trở thành tiêu chuẩn về thẩm mỹ của BST Royal Oak. Tuy nhiên, không như tám con ốc vít hình lục giác hay viền bezel bát giác, không phải chiếc Royal Oak nào cũng được trang trí Petite Tapisserie, mà thay vào đó có thể được phun cát, chải tia hoặc đính đá tự nhiên, xà cừ hoặc thậm chí được khảm hoàn toàn bằng kim cương. Sự đa dạng này đã làm phong phú thêm cho BST và mở ra những hướng tiếp cận mới cho thương hiệu. Khi sắp bước sang năm 2000, nhà thiết kế  Jacqueline Dimier và nhóm thiết kế đã quyết định thay đổi kiểu dáng Tapisserie truyền thống.

1972. Mặt số Royal Oak 5402

_____

6/ Sự ra đời của Grande Tapisserie 

Quyết định được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Sản phẩm: từ mùa xuân năm sau, một họa tiết Tapisserie mới sẽ được phát triển. Kỹ thuật sản xuất sẽ vẫn được giữ nguyên, nhưng phần đáy của các kim tự tháp bị cắt ngắn sẽ lớn gấp đôi, dẫn đến số lượng các kim tự tháp giảm đi đáng kể. Mặt số Royal Oak Jumbo có từ 680 đến 740 kim tự tháp, trong khi họa tiết Grande Tapisserie mới sẽ chỉ có khoảng 380. 

Năm 1999, sau hơn nửa thế kỷ trung thành với Basel Fair, Audemars Piguet lần đầu tiên trình làng mẫu đồng hồ mới của mình tại SIHH (Salon International de la Haute Horlogerie) ở Geneva – một sự kiện được thành lập vào năm 1991. Hai phiên bản mới được trang trí họa tiết Grande Tapisserie bao gồm Royal Oak 25920 và Royal Oak Time for the Trees 15100 giới hạn 450 chiếc nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững do Qũy Audemars Piguet điều hành. Ngoài ra, Model 14790, phiên bản có thiết kế cổ điển trong BST, cũng sở hữu họa tiết Grande Tapisserie. 

Royal Oak 15100ST “Time for Trees” – một trong những thiết kế đầu tiên có họa tiết Grande Tapisserie 

Cận cảnh mặt số Grande Tapisserie 

Sự thay đổi này đã mang đến những thành tựu lớn cho thương hiệu. Vào năm 2000, họa tiết Tapisserie mới đã xuất hiện trên hầu hết các BST Royal Oak: 14790, 15000, 5594, 25960, 25730, 25820, v.v…Trong số đó, mẫu Royal Oak “Jumbo” Model 15202 hoàn toàn mới đã gây ấn tượng khi không chỉ giữ lại các yếu tố đặc trưng của những phiên bản năm 1972 mà còn phơi bày sự phức tạp của bộ máy cơ khí thông qua mặt sau bằng lớp kính sapphire. Không những vậy, chiếc đồng hồ này còn lần đầu tiên có mặt số Grande Tapisserie tông màu bạc hoàn hảo. Thông cáo báo chí của triển lãm còn miêu tả những thay đổi này như một cuộc “lột xác”.

Năm sau, họa tiết Petite Tapisserie gần như không còn xuất hiện trên BST Royal Oak nữa. Tuy nhiên, nó đã quay trở lại mạnh mẽ vào năm 2012 để kỷ niệm 40 năm thành lập BST biểu tượng này trên Model 15202.

_____

7/ Grande … Extra-Grande … Mega! 

BST Royal Oak Offshore từ lâu đã được xem là đứa con với cá tính táo bạo của Haute Horlogerie. Khi được Audemars Piguet giới thiệu vào năm 1993, BST đã tạo nên làn sóng tranh cãi với kích thước quá khổ của mình. Tuy nhiên, từ năm 2001 trở đi, BST bắt đầu được trang trí bởi họa tiết Petite Tapisserie, cụ thể là các mẫu 25721, 25770, 25807, 25854 và 79290. Những năm tiếp theo, trong khi các BST khác dần áp dụng họa tiết Grande Tapisserie thay thế cho người tiền nhiệm, Royal Oak Offshore vẫn tiếp tục áp dụng Petite Tapisserie. 

Mặc dù trung thành với nguồn gốc của mình nhưng Royal Oak Offshore lại yêu thích sự tự do. Là sân chơi để các nghệ nhân thoải mái sáng tạo về thiết kế và chất liệu, vào năm 2001, Audemars Piguet đã giới thiệu họa tiết Tapisserie thậm chí còn lớn hơn phiên bản Grande trên Model 25940SK. Mặc dù giới mộ điệu ban đầu gọi nó là Extra-Grande Tapisserie, nhưng nó đã trở nên nổi tiếng với tên gọi Mega Tapisserie vào năm 2005. Sau đó, họa tiết trang trí này dần xuất hiện trên BST Offshore, bắt đầu với Model 67450 vào năm 2002, tiếp đến là Model 26007, 25986 và 25863 vào năm 2003, rồi 26020 từ năm 2004, v.v…

 Royal Oak Offshore 25940SK – phiên bản đầu tiên sở hữu họa tiết Mega Tapisserie

Là biểu tượng của thể thao mạo hiểm và sự vững chắc, chi tiết kim tự tháp trong họa tiết đã được phóng to hơn bao giờ hết. Quy mô và kỹ thuật sản xuất của Mega Tapisserie cũng có chút khác biệt. Mặc dù hình dạng của nó bắt nguồn từ mẫu Tapisserie truyền thống, nhưng thay vì sử dụng máy khắc, các nghệ nhân lại sử dụng máy dập, ép với lực cực mạnh để có được họa tiết này. Vào năm 2021, một họa tiết Mega Tapisserie phức tạp hơn đã xuất hiện trên các mẫu Royal Oak Offshore mới (26420) với kích thước 43mm: trên mặt số của Model 26420. 

Sau khi không sử dụng Petite Tapisserie trong 5 năm, Royal Oak Offshore đã hồi sinh nó vào năm 2013 (với phiên bản 26218 được sản xuất 20 chiếc giới hạn) và đưa họa tiết này vào BST hiện tại nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập của chiếc đồng hồ này, thông qua Model 26237ST.

_____

8/ Thương hiệu đồng hồ độc lập còn sót lại

Vào năm 2000, nhà sản xuất mặt số Stern Créations SA có trụ sở tại Geneva đã được mua lại bởi Tập đoàn Richemont, một công ty cổ phần có trụ sở tại Nam Phi, đặc biệt khi sở hữu Cartier và Vacheron Constantin và vừa mua lại Jaeger-LeCoultre, nhà cung cấp bộ phận đồng hồ quan trọng nhất của Audemars Piguet. Những thương vụ mua lại này là một phần trong quá trình tái tổ chức thị trường đồng hồ tại Thụy Sĩ được thực hiện sau cuộc khủng hoảng đồng hồ Quartz. Dần dần, các công ty cổ phần lớn như LVMH, Swatch Group và Richemont International S.A. đã mua lại các nhà cung cấp bộ chuyển động và bộ phận đồng hồ truyền thống. 

Trong cùng thời điểm đó, chủ sở hữu của Audemars Piguet – Paulette Piguet và Jasmine Audemars đại diện cho thế hệ thứ ba và thứ tư trong Hội đồng quản trị kể từ khi thương hiệu được sáng lập. Công ty được quản lý bởi Georges-Henri Meylan, nghệ nhân đồng hồ đầu tiên của vùng Vallée de Joux. Văn hóa tại Audemars Piguet tương đối khác biệt với mong muốn duy trì sự độc lập của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền tự chủ này tồn tại trong tương lai, đồng nghĩa với việc đưa ra những lựa chọn: Audemars Piguet phải thực hiện tích hợp theo chiều dọc, bắt đầu từ việc chế tác các bộ máy cơ học vào những năm 1990 và 2000. Trong thập kỷ tiếp theo, thương hiệu sẽ bắt đầu tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật chế tạo mặt số, bắt đầu với một trong những kỹ năng khó nhất: nghệ thuật Tapisserie. 

Xưởng sản xuất des Forges. Tọa lạc tại làng Le Brassus, cách các tòa nhà Audemars Piguet đầu tiên vài trăm mét đóng một vai trò quan trọng trong việc tích hợp sản xuất tại Audemars Piguet

_____

9/ Chinh phục

Vào năm 2004, Hội đồng quản trị của Audemars Piguet đã mời Bruno Moutarlier về làm việc để đẩy nhanh quá trình tích hợp sản xuất theo chiều dọc của thương hiệu. Được đào tạo để làm kỹ sư về robot, chàng trai người Pháp bắt đầu sự nghiệp chế tác đồng hồ của mình tại Cartier. Ông là người góp công lớn cho sự phát triển của AP trong giai đoạn từ năm 2000 cho đến 2010, khi gia tăng về lực lượng lao động từ 350 lên thành 1,100 người, với hiệu suất chế tác đồng hồ mỗi năm tăng từ 16,000 thành 28,000 chiếc. 

Trong quá trình làm việc, Bruno Moutarlier nhận thấy rằng Stern Creations không còn cung cấp đủ chất lượng và sự tin cậy cho định hướng phát triển của Audemars Piguet nữa. Quá trình giao hàng thường chậm trễ, chất lượng các mặt số cũng không đồng nhất, tuy nhiên thương hiệu lại đang bị phụ thuộc bởi vì Stern Creations là nhà cung cấp mặt số duy nhất tại Geneva. Không những không có ai biết cách áp dụng kỹ thuật guilloche cho họa tiết Tapisserie mà các máy khắc cũng không còn được sản xuất nữa. Lienhard đã được đối thủ lúc bấy giờ Güdel mua lại vào năm 1960, nhưng sau đó Güdel cũng tạm ngừng kinh doanh vào các năm 1970. 

Không còn cách nào khác, Bruno Moutarlier phải đi tìm và thu mua các loại máy đời cũ, tuy nhiên tất cả các máy có tại Châu Âu đều đã được mua bởi các tập đoàn lớn. Ông tìm được 3 chiếc máy tại Mỹ được sử dụng để khắc lên các huy chương. Chúng sau đó được Audemars Piguet mua lại và chuyển về Thụy Sĩ và được giao cho Jean-Jacques Rochat – một thiên tài cơ khí vi mô, người đã thành lập một công ty nhỏ ở làng Aubonne vào năm 1973 – với nhiệm vụ tìm hiểu các công năng và khôi phục chúng về tình trạng ban đầu.

Tình cờ thay, Jean-Jacques Rochat cũng đồng thời nhận được những cỗ máy giống hệt từ Stern Créations để sửa chữa, từ đó ông có thể so sánh và phân tích các yếu tố về mặt cấu trúc và cơ khí của bộ máy. 

Máy Guilloché. Trong triển lãm Audemars Piguet được tổ chức vào năm 2016 tại Thượng Hải, Marc Ferland đã chuẩn bị chiếc máy guilloché có niên đại từ thế kỷ 19

Năm 2006, nghệ nhân đồng hồ người Canada Marc Ferland, người đã làm việc trong bộ phận Dịch vụ hậu mãi của Audemars Piguet trong sáu năm, bắt đầu quá trình đào tạo để trở thành một nghệ nhân guilloche. Vào thời điểm đó, kỹ thuật này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng vì chỉ còn lại một số ít các nghệ nhân ở Thụy Sĩ biết đến, trong đó có ông Pierre Rosenberg, 76 tuổi đến từ La Chaux-de-Fonds. Trong 5 năm, người nghệ nhân đáng kính đã truyền lại kiến thức của mình cho các hậu bối, một hoặc hai lần mỗi tuần. 

10/ Sự thành lập của xưởng chế tác họa tiết Tapisserie tại Le Brassus

Trong giai đoạn này, Bruno Moutarlier đã tìm được những chiếc máy khắc ở Hoa Kỳ và Canada. Ông đã nhập chúng về, sửa chữa và học cách sử dụng chúng. Vào năm 2010, 300 mặt số Tapisserie guilloche đầu tiên của thương hiệu đã rời khỏi xưởng. Quá trình tạo màu và khảm đá quý vẫn do Stern thực hiện. Một năm sau đó,  Marc Ferland tiếp quản xưởng và sản lượng tăng lên đạt 9.000 mặt số. Kể từ đó, xưởng không ngừng phát triển, thu hút càng nhiều chuyên gia và nghệ nhân thủ công hơn. 

Công đoạn chuẩn bị cho máy sao chép guilloché. Trước khi quá trình chế tác mặt số Tapisserie có thể bắt đầu, việc chuẩn bị và cài đặt máy đòi hỏi phải có chuyên môn vững vàng vì máy rất nhạy cảm với bất kỳ thay đổi nào

Vào ngày 14 tháng 6 năm 2014, công ty Stern Créations đã thông báo cho Audemars Piguet rằng họ sẽ ngừng hoạt động, bao gồm cả việc sản xuất mặt số guilloché. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các nghệ nhân của thương hiệu đã hoàn toàn thành thạo kỹ thuật tạo họa tiết Tapisserie. Tuyệt vời hơn nữa, nhờ vào kỹ nghệ guilloche truyền thống có được từ năm 2006 đến năm 2011, Marc Ferland đã nâng tiêu chuẩn về độ hoàn thiện lên mức tối ưu. Vào năm 2022, sau khi tìm kiếm trên khắp thế giới,  Audemars Piguet lúc bấy giờ sở hữu 49 chiếc máy khắc, tất cả đều do Lienhard và người kế nhiệm Gudel chế tạo từ năm 1950 đến năm 1976. Trong số đó, 35 chiếc đã được phục hồi và cải tiến để sử dụng trong hoạt động sản xuất hằng ngày. Những chiếc máy còn lại đã được bảo quản cẩn thận để chuẩn bị cho tương lai.

Cận cảnh quá trình tạo họa tiết Tapisserie

Nguồn: AP Chronicles


𝐀𝐮𝐝𝐞𝐦𝐚𝐫𝐬 𝐏𝐢𝐠𝐮𝐞𝐭
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 10:00 am – 9:00 pm từ thứ Hai đến Chủ Nhật

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer