Tin tức
Chuyên sâu
Không chỉ mang đến những phiên đấu giá – Christie’s còn là điểm hẹn kết nối di sản văn hóa và nghệ thuật nhân loại đến với nhà sưu tầm
04/06/2024

Christie’s – thương hiệu tổ chức đấu giá lớn bậc nhất thế giới, với hành trình hơn 250 năm chọn lọc lưu giữ những báu vật xuyên suốt hàng trăm năm. Xuất phát điểm chỉ là một doanh nghiệp nhỏ tại London, Christie’s đã liên tục mở rộng lĩnh vực vât phẩm đấu giá, từ tranh vẽ, gốm sứ cổ đến quần áo, kỷ vật, và gần nhất là mảng bất động sản, mang đến cho những nhà sưu tầm không chỉ di sản của nghệ thuật mà đó còn là văn hoá và chứng tích lịch sử của nhân loại. 


Từ những phiên đấu giá tuyệt phẩm lịch sử… 

Cuộc đấu giá đầu tiên của Christie’s diễn ra vào năm 1766 bởi nhà sáng lập – ngài James Christie tại một văn phòng nhỏ ở Pall Mall, London. Tuy nhiên, các sản phẩm đấu giá lúc bấy giờ hầu hết chỉ mới là tranh ảnh, đồ nội thất, chén đĩa và trang sức của những yếu nhân có thời kỳ ấy.  

Đến tận năm 1778, James Christie mới thực hiện một cuộc mua bán tầm cỡ, đó chính là bán bộ sưu tập nghệ thuật của Sir Robert Walpole cho Nữ hoàng Catherine Đại đế Nga. Bộ sưu tập bao gồm nhiều bức tranh khác nhau từ các họa sĩ nổi tiếng như Van Dyck, Poussin, Rubens bên cạnh những bức ảnh chân dung của các thành viên trong gia đình. Hiện nay, bộ sưu đã trở thành một phần trong viện bảo tàng Hermitage tại Saint Petersburg, Nga.  

Bức tranh phác họa hai chị em nhà Wharton vẽ bởi Van Dyck là một trong những tác phẩm thuộc bộ sưu tập Walpole, hiện đang trưng bày tại viện bảo tàng Hermitage, Nga. Nguồn ảnh: Web Gallery of Art

Vào năm 1785, giới hạn của sản phẩm đấu giá được mở rộng sang cả một thư viện. Sau khi nhà văn, nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng, Tiến sĩ Samuel Johnson qua đời, Christie’s đã xây cả một thư viện cất giữ tất cả những quyển sách và công trình nghiên cứu của ông sau đó bán đấu giá chúng. Được biết đến là người đầu tiên viết một quyển từ điển về tiếng Anh (cuốn Dictionary of the English Language, 1755), gia tài sách của ông Johnson cực kì đồ sộ, trải dài khắp các lĩnh vực từ văn học cổ điển đến thần học, triết học, lịch sử, luật, y học, toán học và khoa học. 

Hai cuốn từ điển tiếng Anh được viết bởi ông Samuel Johnson. Nguồn ảnh: Jkarjalainen

Năm 1848, Christie’s tổ chức một phiên đấu giá dài lịch sử, xuyên suốt 40 ngày, nhằm bán bộ sưu tập của Công tước Buckingham tại Stowe House, trong đó, bao gồm cả những chú nai trong công viên và một bức tranh phác họa chân dung của ngài William Shakespeare. Bức tranh về sau đã trở thành tác phẩm đầu tiên được treo trong phòng tranh London’s National Portrait Gallery và cho đến nay vẫn là một trong những điểm nhấn giá trị nhất của phòng tranh này.

Bức chân dung của William Shakespeare, một trong những tác phẩm được bán ở phiên đấu giá tại Stowe kéo dài suốt 40 ngày. Nguồn ảnh: National Portrait Gallery

Năm 1877, Christie’s bán đấu giá một sản phẩm được xem là cột mốc của hàng hải, chiếc đồng hồ bấm giờ H5 của John Harrion, một phát minh được xem là thay đổi cuộc chơi của những thủy thủ thế kỉ bấy giờ. Đây là chiếc đồng hồ đầu tiên có thể tính toán kinh độ trên biển, điều mà trước đó các thủy thủ luôn đau đầu rằng không thể nào thực hiện được. 

Chiếc đồng hồ được xem là thay đổi cuộc chơi của những nhà thủy thủy thế kỉ 19, cũng là một sản phẩm được đấu giá bởi Christie’s. Nguồn ảnh: Racklever

Năm 1882, Christie’s lại tiếp tục thực hiện một phiên đấu giá mang tính lịch sử khác, đó chính là bán đấu giá một phần của cung điện Hamilton. Đây được xem là một trong những phiên mua bán quan trọng và lớn nhất của thế thế kỉ 19, diễn ra trong suốt 17 ngày và thu hút sự quan tâm của rất nhiều nghệ sĩ, nhà sưu tầm và báo chí. Trong phiên đấu giá có cả những món đồ nội thất được thiết kế riêng dành cho vua Louis XVI và nữ hoàng Marie Antoinette với giá trị lên đến £9,450. Vào thời điểm bấy giờ, theo tờ Illustrated London News, chưa từng có một món đồ nội thất nào được đấu giá cao đến vậy. Việc đấu giá cung điện này cũng chính là một bước đệm để Christie’s mở rộng lĩnh vực đấu giá của mình trong tương lai.

Một phần trong cung điện Hamilton đã được đấu giá bởi Christie’s, trở thành phiên đấu giá lớn nhất thế kỉ 19. Nguồn ảnh: Christie’s

Từ năm 1883 đến 1995, nhà đấu giá Christie’s liên tục thực hiện nhiều phiên mua bán khác nhau với các tuyệt phẩm trong những lĩnh vực mới như tiểu thuyết, phim ảnh và thời trang. Một trong số đó có thể kể đến như chiếc máy đánh chữ bằng vàng của Ian Fleming, một món quà ông tự mua cho bản thân sau khi hoàn thành bản thảo của cuốn tiểu thuyết James Bond đầu tiên; đôi giày đỏ lấp lánh được mang bởi Judy Garland trong bộ phim Phù thủy xứ Oz và tủ quần áo của nhà thiết kế thời trang huyền thoại Coco Chanel. Đặc biệt, nhờ vào sự thành công của phiên đấu giá cung điện Hamilton, vào năm 1995, Christie’s quyết định lấn sân sang thị trường bất động sản, nhờ vào cuộc thu mua đại lý Great Estates, một trung gian môi giới bất động sản lớn ở Mỹ. 

Chiếc máy đánh chữ bằng vàng của Ian Fleming, đôi giày đỏ của Judy Garland và tủ trang phục của Coco Chanel là những tuyệt phẩm được Christie’s đấu giá. Nguồn ảnh: Christie’s

… đến những phiên đấu giá bất động sản triệu đô 

Từ năm 1995 đến nay, Christie’s International Real Estate đã mua bán nhiều mảnh đất, ngôi nhà và căn hộ hạng sang khác nhau hướng đến tệp khách hàng là giới thượng lưu, những người muốn tận hưởng sự thành công bằng cách nâng hạng trải nghiệm sống hằng ngày thông qua nơi sinh hoạt. Không chỉ vậy, gắn liền với giá trị cốt lõi của Christie’s là nâng niu những giá trị văn hóa và lịch sử, Christie’s International Real Estate cũng thường xuyên dành nhiều sự quan tâm đến những dinh thự, cung điện và lâu đài. 

Dinh thự Solana tại Montecito, California, được Christie’s đứng ra đấu thầu với giá trị lên đến gần 40 triệu Đô, là nơi đã được cả hai vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, John F. Kennedy và nhà vận động huyền thoại Martin Luther King Jr. ghé thăm. Được xây dựng năm 1916, nơi này từng là trung tâm của Học viện Dân chủ, nơi cả hai nhà lãnh đạo đến tham dự và sở hữu vị trí địa lý ấn tượng, tầm nhìn 360 độ hướng ra bờ biển Thái Bình Dương và dãy núi Santa Ynez. 

Lâu đài Glin tại County Limerick, Ireland, được Christie’s bán đấu thầu với giá trị 6.5 triệu Euro. Có thể nói, lâu đài Glin là một trong những bất động sản có giá trị lịch sử cao và quan trọng nhất tại Ireland. Tòa lâu đài được xây theo phong cách Georgia với hai tòa tháp đôi mang huy hiệu của gia đình FitzGerald, những người đã sống ở đây trong suốt hơn 700 năm. Đây cũng là nơi ở chính thức của những người thừa kế, Hiệp sĩ Glin, đại diện quốc gia chống lại nhiều cuộc xâm lược. Bên trong lâu đài hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều những bước tranh mang đậm văn hóa Ireland và xung quanh là những khu vườn rộng mở, kéo dài đến tận cửa sông Shannon.

Lâu đài Le Mans, một trong những chứng tích lịch sử của Pháp nằm tại Pays de Loire, cũng là một trong những bất động sản từng được Christie’s đấu giá. Nằm bên bờ sông Sarthe, lâu đài đã đón chào nhiều nhân vật lịch sử như nhà văn, triết học Pháp nổi tiếng Voltaire, nhà triết học Thụy Sỹ Rousseau và nhà văn Đức Goethe. Trong thời kỳ thế chiến thứ hai, tòa lâu đài đã được sử dụng như nơi cất giấu và bảo tồn của hàng trăm tác phẩm tranh nghệ thuật nay được trưng bày tại viện bảo tàng Louvre. Hiện nay, tòa lâu đài đã được phục dựng lại hoàn toàn, sở hữu nội thất tinh tế với 15 phòng nghỉ xa hoa và khu vườn rộng 74 hecta.

Khi đấu giá những sản phẩm bất động sản, nhà sưu tập không chỉ mua được một nơi để nghỉ dưỡng, mà họ còn sở hữu những bộ sưu tập tranh ảnh và nội thất giá trị cao của những chủ nhân trước đó để lại, bước vào thế giới lịch sử và văn hóa sống động suốt bao thế kỉ kể từ khi tòa nhà được xây dựng. Chính vì vậy, có thể nói, việc chuyển mình sang lĩnh vực bất động sản, là một bước tiến cao cấp hơn của Christie’s, nhằm nâng niu những tinh hoa của nhân loại.

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer