Tin tức
Tin tức
Tìm hiểu kiệt tác đồng hồ dáng bình hơn 200 năm tuổi trị giá 25 tỷ đồng của Jaquet Droz
05/08/2020
Nhà đấu giá danh tiếng Antiquorum từng hé lộ một trong những sáng tạo mang tính kinh điển có nguồn gốc từ Jaquet-Droz & Leschot và Jean-Georges Rémond & Co. Có quá nhiều điều để nói về tuyệt tác này, một thiết kế được nhiều chuyên gia đánh giá là kiệt tác hội tụ những tinh hoa về kỹ thuật, nghệ thuật và trình độ thủ công. >> Di sản vô giá về lịch sử và nghệ thuật của thiên tài Pierre Jaquet-Droz >> Loving Butterfly: Di sản nghệ thuật của ‘kì quan cơ học’ Jaquet Droz Automaton ___ Đồng hồ dáng bình từ Jaquet-Droz & Leschot; Jean-Georges Rémond & Co
Mang vẻ đẹp cổ điển đẹp tới lặng người, và có lẽ là chiếc đồng hồ để bàn có hình dáng độc nhất vô nhị gợi ra hình của những bình thủ công tinh xảo theo phong cách tân cổ điển, Jaquet-Droz & Leschot; Jean-Georges Rémond & Co có bộ hiển thị giờ ở trung tâm, ẩn chứa một cỗ automata chim hót chân thực, được đúc từ vàng 18K và ngọc trai, trang trí hoàn thiện tráng men và được làm riêng cho thị trường Trung Quốc. Phần thân của chiếc đồng hồ có hình dáng một quả lê phẳng, được phủ lớp men trắng màu xanh lam và xanh hoàng gia, trang trí với các họa tiết và vòng hoa từ lá paillons bằng vàng; phần lên cót và khóa điều chỉnh nằm ở phía trên của đồng hồ. Khi cơ chế của automata chim được kích hoạt, cánh cửa bên rìa sẽ mở ra tự động và chú chim bắt đầu cất tiếng hót, đóng và mở phần mỏ một cách chân thực, với cơ thể xoay tròn trong khi chiếc đuôi vẫy lên xuống đều đặn; khi kết thúc khúc hót, cánh cửa sẽ tự động đóng. Trong lịch sử, đồng hồ dáng bình tân cổ điển tương tự từng được miêu tả trong Le Monde des Automates (1928). Vật thể này từng thuộc bộ sưu tập của Ngài David Lionel Salomons (1851 – 1925), giờ đây được lưu giữ trong bộ sưu tập L.A.Mayer Collection tại Jerusalem (Israel). Những vật này vào thời điểm được ra mắt đều sản xuất để phục vụ cho thị trường Trung Quốc, được giám nhận bởi Jean-Frederic Leschot (1746 – 1824), người mà từng là trưởng bộ phận sản xuất của Jaquet Droz những năm từ 1790 đến 1810. Nhiều dấu ấn lịch sử được tìm thấy và ngày nay được công bố bởi rất nhiều tác giả, đem tới cho công chúng nhiều thông tin về những kỳ quan cơ học tí hon mà Jaquet Droz và Leschot đã phát triển trong những năm cuối thế kỉ 18. Từ những năm giữa thế kỉ đó, những nghệ nhân đồng hồ và cơ học này đã có thể chế tạo ra những chiếc đồng hồ, hộp nhạc, rối cơ học automatons và chim máy biết kêu. Điển hình như năm 1780, trình độ hiểu biết đã đưa họ đến đỉnh cao của sự nghiệp khi tạo ra những chiếc đồng hồ vô cùng phức tạp trên kích thước siêu nhỏ. Jaquet Droz, cùng với sự góp sức lớn của Leschot đã phát minh ra công nghệ mang tên “piston coulissant”, tức các pít-tông trượt – thứ công nghệ đóng vai trò cách mạng trong thế giới của automaton. Với sáng chế này, họ có khả năng rút kích thước của bộ máy bên trong thành siêu nhỏ, đồng thời cải thiện chất lượng âm thanh của chúng. Đây được coi là một trong những phát minh vĩ đại trong ngành cơ khi liên quan, được nối bước bởi Jacob Frisard (1753 – 1810) sau này cho ra đời cơ chế giúp đưa những con chim máy lên hót một cách tự nhiên hơn. Chính nhờ phát minh này mà sau này chúng ta có thể thấy được những hình dáng kháng có tích hợp chim máy hót như bình, lọ, hộp hay đồng hồ đeo tay thay vì đồng hồ dạng cây.

Chú chim automata có tên “L’Oiseau privé”

Những con chim máy được miêu họa lại dựa trên loài chim hoàng yến, một biểu tượng phổ biến trong xã hội Châu Âu thế kỉ 18. Vốn là một loài chim có tiếng hót rất hay, việc huấn luyện chim hoàng yến hót theo giai điệu trở thành một thú vui len lỏi khắp Châu Âu. Hộp kêu nhạc thường được sử dụng làm công cụ để huấn luyện chim hót. Về mặt lịch sử, giống chim hoàng yến được người Tây Ban Nha truyền bá tới Châu Âu (chính người Tây Ban Nha đã chiếm đảo Hoàng Yến vào cuối thế kỉ 15). Loài chim này được ưa chuộng tới mức đến cuối thế kỉ 18, người chơi chim đã lai giống thành công 29 giống hoàng yến khác nhau. Quá trình luyện chim được miêu tả bởi Giáo sư Hervieux de Chanteloupe (một chuyên gia hàng đầu thế giới về chim hoàng yến thế kỉ 18) như sau: trong mỗi bài học, mỗi giai điệu cần phải được lặp lại 9 đến 10 lần, nhưng người dậy không được phép lặp lại điểm xuất phát của giai điệu hai lần liên tục.

Phần thân được khắc bởi nghệ sĩ Jean-Jacques Flipart

Trở lại với chiếc đồng hồ dáng bình từ Jaquet-Droz & Leschot; Jean-Georges Rémond & Co, cánh cửa mà tự động mở ra mỗi khi cơ chế chim hót được kích hoạt vốn đã là công nghệ cải tiến so với những chiếc đồng hồ tương tự với chú chim lộ thiên. Ở mẫu thiết kế này, người sở hữu sẽ trải qua cảm giác bất ngờ, ngay cả với những người vốn đã quen thuộc với những cỗ máy cơ học phức tạp như này. Vào ngày 16/02/1787, Leschot gửi từ Geneva đến London hai hộp hương giống nhau, trong đó được tích hợp hộp nhạc, chim máy hót và đồng hồ. Đơn hàng này được đặt bởi James Cox và được gọi tên là No.1 và No.2 – “hộp hương tráng men xanh, nạm ngọc trai, đá quý theo hình tròn và hoa; đồng hồ có linh kiện nạm kim cương; cơ chế hộp nhạc với chú chim máy đậu trên cây và có thể dịch chuyển mỏ và đuôi”. Giá của hai hộp này là 235.18 Bảng (với tỉ giá thời bấy giờ). Trong sổ ghi chép của Jaquet Droz và Leschot cũng ghi lại một đơn hàng tương tự bán lần thứ hai cho James Cox với giá 226.8 bảng, cũng được gửi đến Anh vào ngày 26-27 cùng năm. Trong những tài liệu ghi lại từ lịch sử của Leschot, rất nhiều chi tiết chỉ ra những sáng tạo này được bộ đôi Jaquet Droz và Leschot biến thể theo nhiều hình thức khác nhau, thậm chí tích hợp vào cả đồng hồ, hộp trang trí, bình, … và được gửi đi khắp Châu Âu từ London cho tới Berlin.

Bức họa người phụ nữ thưởng lãm chim cảnh được vẽ bởi danh họa François Boucher

Rất ít trong số những “kỳ quan cơ học” này đến được với Antiquorum. Chiếc đồng hồ dáng bình này được làm trong khoảng năm 1795 với sự hợp tác của Jean-Georges Rémond & Co và có lẽ là vật giá trị và ấn tượng nhất trong bộ Salomons Collection (tại Jerusalem, Viện bảo tồn nghệ thuật Islamic L.A.Mayer), không chỉ bởi thiết kế, kích thước mà còn bởi cách ứng dụng công nghệ pít-tông trượt để tạo âm thanh cho chú chim máy. Nói về trình độ kĩ thuật, chỉ có duy nhất khoảng 2 sáng tạo khác trong lịch sử vượt qua được về kích thước của hộp kêu nhạc mà Jaquet Droz & Leschot chế tạo ra, còn những kỹ thuật xung quanh thì nhà Jaquet Droz được coi là tượng đài số một trong lịch sử. “Di sản” này ra đời vào cuối thế kỉ 18, thời kì mà khoa học và kỹ thuật vẫn là một ẩn số rất lớn với loài người, nhưng cũng là thời kì đỉnh cao của cái tên Jaquet-Droz & Leschot, tái hiện lại đầy đủ những thành tựu thật khó tin mà gia đình Jaquet Droz đã đạt được trong vỏn vẹn hơn 40 năm sự nghiệp. Ẩn trong diện mạo tân cổ điển kì công là chú chim automata có tên “L’Oiseau privé”, với phần thân được khắc bởi nghệ sĩ Jean-Jacques Flipart (1719-1782) – một trong những huyền thoại của ngành điêu khắc; điểm nhấn cuối cùng là bức họa người phụ nữ thưởng lãm chim cảnh được vẽ bởi danh họa François Boucher (1703-1770). Tất cả những yếu tố này đứng riêng đều đã được coi là một tác phẩm nghệ thuật trị giá lớn vô cùng, và bằng cách nào đó Jaquet Droz và Leschot đã quy hội được để tạo thành một tuyệt phẩm về cơ học. Chiếc bình của Jaquet-Droz & Leschot; Jean-Georges Rémond & Co vừa được bán với giá $1,025,000, là minh chứng rõ ràng cho giá trị về lịch sử và nghệ thuật của thương hiệu Jaquet Droz – cây cổ thụ gần 300 tuổi trong thế giới đồng hồ Thụy Sỹ. Tiểu sử về huyền thoại Jaquet-Droz & Leschot
Jaquet-Droz sinh ngày 28/07/1721 tại La Chaux-dèonds (dãy núi Neuchâtel). Ông là con của một nhà nông với kiến thức chuyên sâu về đồng hồ. Jaquet-Droz học về triết học và con người ở Basel từ năm 1738 – 1739 và nảy sinh sự hứng thú đặc biệt với ngành chế tác đồng hồ ngay sau đó. Tính cách của ông ít được nhắc tới, nhưng ai cũng biết ông là một người ít nói, nghiêm chỉnh, nền nã và luôn chú tâm vào công việc. Năm 1750, Pierre Jaquet-Droz kết hôn với vợ là Marianne Sandoz, con gái của Sĩ quan Abraham-Louis Sandoz, người mà sau này đã đưa ông đến Tây Ban Nha và bắt đầu một sự nghiệp lẫy lừng. Ở tuổi 34, vợ của ông qua đời. Kể từ đó, ông dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cho những cỗ máy cơ học. Con trai thứ hai của ông và vợ là Henry-Louis được sinh vào năm 1752, 2 năm sau khi ông kết hôn, và đã bộc lộ năng khiếu thiên bẩm trong nhiều lĩnh vực từ nhỏ. Henry-Louis sau đó được bố nuôi nấng và hướng cho học chuyên sâu từ âm nhạc, khoa học, toán học, vật lý học cho tới vẽ. Năm 1758, Jauqet-Droz đã có chuyến đi dài và trắc trở tới Tây Ban Nha để trình diễn những sáng tạo của ông cho Vua Ferdinand VI. Danh tiếng và nguồn lợi từ chuyến đi này đã giúp ông xây dựng được thương hiệu Jaquet-Droz nổi danh có trụ sở tại London và Geneva, được biết đến rộng rãi là cái tên chuyên chế tạo những cỗ máy phát nhạc và đồng hồ phi thường, nổi tiếng nhất là bộ ba automata (rối cơ học) The Writer, The Draughtsman và The Musician. Đến năm 1769, Henry-Louis bắt đầu tiếp quản sự nghiệp của cha với sự trợ giúp của người con nuôi tên Jean-Frederic Leschot (1746-1824). Đây chính là cột mốc đánh dấu sự hợp tác để đời giữa ba người đàn ông xuất chúng. Pierre Jaquet-Droz là người đầu tiên chế tạo ra hộp nhạc có chim máy biết kêu, đồng thời cũng được biết đến là thiên tài của những chiếc đồng hồ để bàn và rối cơ học phức tạp. Sau này, thương hiệu gia đình được tiếp quản bởi con trai Henry-Louis và Jean Frederic Leschot, dưới cái tên “Jaquet-Droz & Leschot”. Pierre Jaquet-Droz mất năm 1790 tại Biel ở tuổi 69, và Henry-Louis đành tới London để chèo lái cho cơ ngơi của gia đình. Song, ông vẫn luôn giữ mối quan hệ với Société des Arts of Geneva (Hiệp hội Nghệ thuật Geneva), không ngừng nghiên cứu lĩnh vực kỹ thuật đang được nuôi dưỡng tại Geneva cũng như trợ giúp các đồng nghiệp trong việc giải những bài toán kiến thức phức tạp. Đáng tiếc thay, sức khỏe của Henry-Louis không được tốt. Mặc dù đã tìm những cách chữa trị tốt nhất, nhưng ông vẫn qua đời sớm ở tuổi 41 vào tháng 11 năm 1791 tại Naples. Ngay sau đó, Jean-Frederic Leschot tiếp tục di sản của gia đình và xây dựng một đội ngũ những kỹ thuật gia điêu nghệ, trong đó phải kể tới Jacob Frisard (1753-1810) hay gia đình Maillardets. Trong suốt một thế kỉ, cái tên Jaquet-Droz đã làm nên nhiều điều kì diệu trong thế giới kỹ thuật, để lại cho thế giới ngày nay nhiều thành tựu và các nền tảng cơ học hóc búa.

Liên hệ nhà phân phối chính hãng thương hiệu Jaquet Droz tại Việt Nam:

Hà Nội: Hotline: (+84) 944 46 5555

TP. Hồ Chí Minh: S&S Knightsbridge Pop-Up Store Union Square Shopping Centre – 171 Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM Hotline: (+84) 283 821 6848 ___ Các tin bài liên quan:  Hublotista Việt Nam trở thành những người đầu tiên trải nghiệm Baselworld 2019 Novelties tại Đông Nam Á Đêm tiệc Hublot Sapphire Night chào đón Hublot Boutique lớn nhất tại Việt Nam Hublot Sapphire Night: Đêm trình diễn loạt siêu phẩm trong suốt từ Hublot SevenFriday M1B/01: Kết hợp Denim-on-Steel mới lạ cho những cuộc ‘thám hiểm’ đô thị Loving Butterfly: Di sản nghệ thuật của ‘kì quan cơ học’ Jaquet Droz Automaton MB&F Horological Machine No.3: ‘Chiếc đồng hồ đã thay đổi cuộc sống của tôi’ Mick Schumacher – tay đua trẻ khẳng định tài năng với sự hợp tác cùng Richard Mille
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer