Tin tức
Chuyên sâu
Audemars Piguet Royal Oak: Hành trình 50 năm phát triển bền bỉ
14/04/2022

Khi được phát hành vào ngày 15 tháng 4 năm 1972, chiếc Royal Oak do Gérald Genta thiết kế đã tạo nên một sự chấn động với phần vỏ lớn bằng thép không gỉ được đánh bóng bằng tay, viền bezel bát giác được cố định bằng các con ốc lục giác, phần dây đeo bằng thép tích hợp cách điệu cao cùng cơ chế tự lên cót siêu mỏng. Lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng văn hóa và công nghiệp của những năm 1970 và được ra mắt vào những năm đầu của cuộc khủng hoảng quartz, Royal Oak là sự kết hợp giữa tính thể thao và kĩ nghệ chế tác truyền thống đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên đồng hồ mới phù hợp với phong cách sống đang thay đổi.

Qua nhiều năm, Royal Oak đã tạo nên một bộ sưu tập hoàn chỉnh với kích thước, chất liệu, phong cách và chuyển động mới. 50 năm trôi qua, hơn 500 mẫu Royal Oak đã được tạo ra, biến thiết kế này trở thành một biểu tượng văn hóa trong và vượt ra cả ngành chế tác đồng hồ cao cấp.

VẠN SỰ
KHỞI ĐẦU NAN

Vào năm 1970, ba trong số các đại lý phân phối Audemars Piguet đã nhận thức được sự thay đổi trong tiềm thức của khách hàng và yêu cầu thương hiệu phải có sự phản hồi tích cực lập tức. Giám đốc điều hành của Audemars Piguet lúc bấy giờ, Georges Golay, đã giao nhiệm vụ đầy thử thách này cho Gérald Genta, một thợ kim hoàn có tay nghề và kinh nghiệm trong chế tác đồng hồ, với yêu cầu thiết kế một chiếc đồng hồ thể thao bằng thép không gỉ chưa từng thấy trước đây. Genta đã phác thảo bản thiết kế của Royal Oak chỉ trong một đêm, lấy cảm hứng từ chiếc mũ lặn đã gắn liền với tuổi thơ của ông. Những sáng tạo của Genta không những tiếp tục lấy cảm hứng từ hành trình ra đời của những mẫu đồng hồ đặc trưng của Audemars Piguet vào những năm 1930 mà còn có vị trí quan trọng trong thế giới nghệ thuật đương đại, thiết kế, kiến trúc và âm nhạc trong những năm 1960 và 1970.

Tiếp theo đó là quá trình kết hợp với những thợ đồng hồ nổi tiếng nhất trong giới, với Stern Frères phụ trách hoàn thiện mặt số guilloche Petite Tapisserie, Favre và Perret đảm nhận phần vỏ bằng thép và Gay Frères với phần dây kim loại được cách điệu. Chiếc đồng hồ quá phức tạp để có thể chế tác bằng thép cứng nên phiên bản thử nghiệm đầu tiên được làm bằng chất liệu mềm hơn là vàng trắng. Chỉ riêng phần dây kim loại đã bao gồm 154 chi tiết, bao gồm 20 liên kết nhỏ khác, biến nó trở thành một trong những dây đồng hồ phức tạp nhất trong lịch sử chế tác đồng hồ. Ngoài ra, kĩ thuật đánh bóng và chải satin đối với phần vỏ và dây kim loại được thực hiện tỉ mỉ đến mức khâu hoàn thiện phải được thực hiện trong xưởng của nhà sản xuất.

“Royal Oak được ra mắt vào năm 1970, với sự gợi ý đến từ các nhà quản lý, những người có niềm tin rằng việc tôn vinh giá trị của những chiếc đồng hồ bằng cách kết hợp chất liệu vàng đã lỗi thời. Họ yêu cầu chúng tôi thiết kế một chiếc đồng hồ đeo tay bằng thép không gỉ phù hợp hơn với lối sống ngày nay. Chúng tôi đã chế tác một mẫu đồng hồ vừa cá tính vừa phong cách, phù hợp khi kết hợp với trang phục buổi tối và các hoạt động hàng ngày của những người đàn ông với gu thẩm mỹ cao ngày nay.” Georges Golay chia sẻ trong một buổi phỏng vấn năm 1982.

Vào tháng 4 năm 1972, sự kiện ra mắt chiếc đồng hồ bằng thép đắt nhất thị trường lúc bấy giờ đã tạo nên những làn sóng dư luận trái chiều, bao gồm cả chỉ trích. Giai đoạn đầu thật sự khó khăn với những người khách hàng đa nghi và có nhiều trắc trở trong quá trình chế tác và cung cấp những mẫu đồng hồ đầu tiên. Tuy nhiên, doanh số của Royal Oak đã đạt 490 chiếc chỉ trong đầu năm 1972, một kỉ lục đối với Audemars Piguet, và là sự khởi đầu cho quá trình phát triển bền vững của thương hiệu. Trong vòng 4 năm, Audemars Piguet chỉ duy nhất sản xuất mẫu này –  mẫu 5402 nổi tiếng ngày nay. Mãi cho đến năm 1976, chiếc Royal Oak dành cho phái nữ đầu tiên với kích thước 29mm (Mẫu 8638) được thiết kế bởi Jacqueline Dimier mới ra đời. Đầu năm 1977, cả 2 mẫu đồng hồ trên đều được tái thiết kế với chất liệu vàng, vàng trắng và một mẫu kết hợp cả 2 tông màu của thép và vàng trắng, góp phần đa dạng hóa bộ sưu tập. Thương hiệu sau đó còn thêm mẫu 4100 với kích thước 35mm, tự khẳng định mình là chuẩn mức mới đối với đồng hồ nam. Không còn là một kẻ ngoài cuộc, tương lai của Royal Oak trở nên vô cùng hứa hẹn phía trước.

BƯỚC CHÂN
VÀO VÙNG ĐẤT MỚI

Audemars Piguet đã cho thấy khả năng thích ứng và thay đổi đáng kinh ngạc của mình với chiếc Royal Oak vào những năm 1980. Vươn lên từ mẫu 5402, thương hiệu đã khám phá những khía cạnh thẩm mỹ khác của Royal Oak với nhiều chất liệu và kích thước khác nhau, điển hình là 2 mẫu với chất liệu Platinum và Vàng hồng đi kèm với mặt dial được gắn đá quý. 

Đa dạng hóa bộ sưu tập cũng đồng nghĩa với việc phát triển thêm về bộ máy. Theo dòng chảy của thời đại, Royal Oak chứng kiến sự ra đời của đồng hồ quartz vào năm 1980. Mặc dù ban đầu không muốn sử dụng công nghệ này trong bộ sưu tập Royal Oak, Audemars Piguet đã chịu nhường bước trước nhu cầu của thị trường sau khi thử nghiệm công nghệ này trên một mẫu gần như tương tự gọi là “Quartz” (Mẫu 6005) ra mắt vào năm 1978. Mặc dù chiếc đồng hồ này lấy cảm hừng từ một số chi tiết thiết kế của Royal Oak, bao gồm cả phần vỏ hình học và phần dây tích hợp đều được hoàn thiện bằng chất liệu satin và vát bóng, khung bezel của thiết kế không phải là hình bát giác cũng như không được bảo vệ bởi tám ốc vít hình lục giác. Trong vòng mười năm, ít nhất 59 mẫu Royal Oak đã được tạo ra, trang bị sáu bộ máy “quartz” khác nhau và có kích thước từ 26 đến 36 mm.

Công nghệ quartz đã góp phần quan trọng trong việc hồi sinh các bộ máy cổ điển. Năm 1983 chứng kiến sự ra đời của chiếc Royal Oak (5572) hiển thị ngày đầu tiên có kích thước 36mm với 4 phiên bản: thép, vàng, vàng trắng và thép – vàng. Tiếp sau đó là sự ra mắt của chiếc Royal Oak với bộ máy lịch vạn niên tự lên dây cót mỏng nhất thế giới với rotor trung tâm, bộ máy Calibre 2120/2800 vào năm 1978, chính là mẫu 5548. Năm 1986, Audemars Piguet tiếp tục gây kinh ngạc với chiếc Royal Oak kết hợp lịch vạn niên phiên bản Openworked (Mẫu 25636). Đây là chiếc Royal Oak có thiết kế openworked đầu tiên, kết hợp với mặt kính sapphire ở mặt sau để chủ nhân có thể chiêm ngưỡng những tinh hoa của bộ máy bên trong. Thu hút được ánh nhìn và sự quan tâm của những người yêu thích nghệ thuật chế tác đồng hồ truyền thống, những chiếc Royal Oak với chức năng lịch vạn niên này đã mở ra một kỷ nguyên sáng tạo mới cho Royal Oak.

THẬP KỶ CỦA
NHỮNG ĐIỀU PHI THƯỜNG

Audemars Piguet tiếp tục đầu tư cho Royal Oak với hàng loạt các phiên bản với kích thước, chất liệu và bộ máy khác nhau được ra đời trong những năm 1990, đồng thời đạt được những thành tựu về kĩ thuật và thiết kế mới. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm, Royal Oak đã có bước chuyển mình rõ ràng hơn, không chỉ là phiên bản giới hạn đầu tiên (Mẫu 14802) ra mắt vào năm 1992 để tri ân chiếc Royal Oak “Jumbo” với mặt kính sapphire ở mặt sau, mà còn là chiếc Royal Oak gây tranh cãi khi đi với dây đeo bằng da (Mẫu 14800) với kích thước 36mm được phát triển thêm bởi nhà thiết kế độc lập người Thụy Sĩ Jörg Hysek. Ở giữa phần vỏ của nó được để trống ở trung tâm để gắn dây đeo bằng các thanh trụ di động.

Royal Oak đạt đến một bậc mới vào năm 1993 với sự ra mắt của Royal Oak Offshore – hiện thân cho lối sống ưa mạo hiểm của giới trẻ vào những năm 1990. Được lên ý tưởng bởi Emmanuel Gueit, phong cách mạnh mẽ và khỏe khoắn của Royal Oak với kích thước 42 mm nhanh chóng thu hút thế hệ trẻ. Mẫu Royal Oak mới này nhanh chóng đi theo con đường riêng của mình và tạo ra một bộ sưu tập cho riêng mình.

Trong khi Royal Oak thể hiện khía cạnh nam tính của mình một cách tự do hơn vào những năm 1990 với một loạt các thiết kế mạnh mẽ, thì các mẫu dành cho phái nữ cũng bùng nổ với sự sáng tạo về bộ máy. Những mẫu đồng hồ openworked (lộ cơ) dành cho phụ nữ đã ra mắt lần đầu tiên vào đầu những năm 1990 với bộ máy Calibre 2003SQ siêu mỏng, chỉ dày 1,64 mm.

Tương tự, các mẫu đồng hồ được nạm đá quý cũng đạt được nhiều thành công, đỉnh điểm vào năm 1998 với mẫu Royal Oak High Jewellery Openworked (Mẫu 15073) với bộ vỏ, phần dây và kim chỉ giờ được làm bằng vàng trắng và được đính tổng cộng 446 viên kim cương. Các vạch chỉ giờ được làm bằng ngọc lục bảo (~ 4,64 carat). Pha trộn giữa truyền thống Haute Joaillerie và Haute Horlogerie với thiết kế đương đại, mẫu đồng hồ này đã mở ra một làn sóng đồng hồ trang sức cao cấp mới vào đầu những năm 2000. Royal Oak dành cho phụ nữ đạt đến một đỉnh cao khác vào năm 1997 với Royal Oak Mini (Mẫu 67075), là chiếc Royal Oak nhỏ nhất từng được sản xuất. Với kích thước chỉ 20mm với chất liệu bằng vàng, chiếc đồng hồ sẽ nằm gọn trên cổ tay đồng thời tôn vinh sự sang trọng của phái nữ.

Năm 1997 đánh dấu sự ra mắt của Royal Oak Tourbillon với phiên bản giới hạn 25 chiếc bằng thép nhân dịp lễ kỉ niệm lần thứ 25 của thiết kế. Những phiên bản vàng hồng, platinum và vàng cũng được ra mắt sau đó với 5 chiếc giới hạn cho mỗi phiên bản. Mẫu 25831 có kích thước 40mm, được trang bị bộ máy Tourbillon thế hệ thứ 2, Calibre 2875 với chiếc lồng tourbillon được cách điệu đặt tại vị trí 6h. Ngoài ra, để tri ân cho chiếc đồng hồ tourbillon tự lên dây cót của Audemars Piguet ra mắt vào năm 1986, mẫu đồng hồ này có hệ thống lên dây cót ở mặt sau.

Thương hiệu cũng đã ra mắt chiếc Royal Oak Chronograph đầu tiên (Mẫu 25860, 39 mm) vào năm 1997, cũng như chiếc Royal Oak Grande Complication đầu tiên có bộ đếm phút, lịch vạn niên và đồng hồ bấm giờ chia giây. Với phần vỏ được làm bằng vàng trắng có kích thước 44 mm và bộ máy gồm 648 bộ phận, mẫu đồng hồ này có sự tương phản hoàn toàn với chiếc Royal Oak Mini được ra mắt cùng năm. Từ năm 1972 đến năm 1999, Audemars Piguet đã tạo ra khoảng 300 mẫu Royal Oak, gần 200 trong số đó được sản xuất trong những năm 1990.

NHỮNG HƯỚNG ĐI TIÊN PHONG
CHO ROYAL OAK

Royal Oak bước sang thiên niên kỷ thứ ba với phiên bản 15202 mới có kích thước 39 mm, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử “Jumbo”. Chiếc đồng hồ này đã tái hiện các quy tắc thẩm mỹ của Royal Oak một cách mới mẻ hơn, với nhiều màu sắc mới cho mặt số cũng như mặt kính sapphire phía mặt sau, đồng thời kết hợp mặt số guilloché Grande Tapisserie mới xuất hiện trong bộ sưu tập một năm trước. Grande Tapisserie đã nhanh chóng trở thành chi tiết yêu thích trong bộ sưu tập Royal Oak khi sự quan tâm đến các chiếc đồng hồ lớn trở nên phổ biến hơn sau sự ra mắt của Royal Oak Offshore vào năm 1993. Minh chứng cho điều này là kích thước 35mm của các bộ sưu tập chủ đạo của Royal Oak vào năm 2005, thay vì 36 mm trong những năm 1990 và 35 mm trong những năm 1980. Là sư kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, phiên bản này đã trở thành một trong những mẫu Royal Oak được săn đón nhất.

Tuy nhiên, không chỉ có thiết kế truyền thống, các mẫu Royal Oak được chế tác vào những năm 2000 đều mang trong mình sự tiên tiến về kĩ thuật cơ học để phù hợp với thiên niên kỷ mới. Cả 2 dòng Royal Oak được ra mắt vào tháng 2 năm 2002 và Royal Oak Tradition d’Excellence N ° 4 (2004) là minh chứng cho sự tiên phong của thương hiệu. Ra mắt vào năm 1999, bộ sưu tập chéo Tradition d’Excellence đã vượt ra khỏi khuôn khổ của chế tác đồng hồ cổ điển bằng cách kết hợp các chức năng một cách sáng tạo, chẳng hạn như Tradition d’Excellence N ° 4 (ref. 25969PT) là sự kết hợp của một chiếc đồng hồ bấm giờ và tourbillon với phần vỏ làm bằng platinum có kích thước 44 mm. Phiên bản giới hạn 20 chiếc này có khả năng dự trữ năng lượng đến 10 ngày nhờ vào cơ chế double barrel của nó, có thể nhìn thấy qua mặt số openworked. Với hai chỉ báo dự trữ năng lượng (10 ngày và 24 giờ) cùng với lồng tourbillon và bộ đếm phút của chức năng bấm giờ, phiên bản này là niềm tự hào của Audemars Piguet nói chung và Royal Oak nói riêng.

Đặc biệt hơn cả, Royal Oak bắt đầu có sự liên kết với con người hơn vào những năm 2000 với sự nổi lên của các phiên bản giới hạn Royal Oak hợp tác với các vận động viên có sự nổi bật về cá tính. Trong khi lần hợp tác đầu tiên bắt đầu từ năm 1990 với Giải Royal Oak Championship của Nick Faldo, các phiên bản giới hạn khác tiếp theo vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, chẳng hạn như Royal Oak City of Sails (1999) hợp tác với Alinghi, Royal Oak Sachin Tendulkar (2008) hoặc “Oak Leaves” hợp tác với người mẫu Dương Tử Quỳnh (2005). Lấy cảm hứng từ các lĩnh vực đa dạng như thể thao, nghệ thuật, văn hóa và kiến ​​trúc, Royal Oak đã truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ cho những chủ nhân của nó.  Trong những năm qua, sự hợp tác đã đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tải tinh thần trẻ trung và sáng tạo của chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng này.

SỰ KẾT HỢP
GIỮA THIẾT KẾ VÀ KỸ NĂNG

Vẻ bề ngoài to lớn và hiện đại của những năm 2000 dần nhường chỗ cho các thiết kế tinh tế với tính thẩm mỹ cao hơn và các cơ chế hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Trong lễ kỉ niệm 40 năm thành lập Royal Oak vào năm 2012, thương hiệu đã giới thiệu một loạt các mẫu đồng hồ được lấy cảm hứng từ tinh thần táo bạo, nổi bật là “Jumbo” 15202 với kích thước 39mm. Khi ra mắt, phiên bản này cùng với 1 phiên bản openworked với bộ máy Calibre 5122 đã chứng kiến một làn sóng phản hồi tích cực từ những người yêu thích đồng hồ. Đến năm 2012, phần lớn các mẫu Royal Oak dành cho nam giới đều có kích thước lớn hơn 39mm, biến chiếc 15202 thành mẫu đồng hồ duy nhất có kích thước trên. Cùng năm đó, Audemars Piguet cũng cho ra đời chiếc Royal Oak Extra-Thin Tourbillon 41mm (Mẫu 26510) bằng thép không gỉ hoặc vàng hồng 18 carat, cùng với phiên bản giới hạn 40 chiếc openworked (Mẫu 26511, Calibre 2924SQ).

Sự pha trộn giữa tính thẩm mỹ tinh tế và trình độ kỹ thuật thành thạo tiếp tục được chú trọng trong suốt thập kỷ, đặc biệt là chiếc Royal Oak Double Balance Wheel Openworked được ra mắt vào năm 2016.  Bằng cách kết hợp hai bánh xe cân bằng và hai dây tóc được lắp ráp trên cùng một trục, hệ thống dao động đồng bộ hoàn hảo, giúp cải thiện độ chính xác và độ ổn định của đồng hồ. Bánh xe cân bằng đôi cũng mang đến một cái nhìn thực tế và mới lạ hơn về trái tim – bộ máy của đồng hồ. Chiếc đồng hồ này, lần đầu tiên được ra mắt với kích thước 41mm với chất liệu thép hoặc vàng hồng, sau đó phát triển các phiên bản với kích thước 37mm cũng như bằng các vật liệu khác nhau bao gồm vàng trắng, vàng và ceramic đen. Những năm 2010 chứng kiến ​​một bước đột phá kỹ thuật khác với Royal Oak Selfwinding Perpetual Calendar Ultra-Thin (26586), mẫu thử nghiệm được giới thiệu vào năm 2018 còn được gọi là RD # 2. Với bộ máy dày 2,89 mm và cao 6,3 mm, chiếc đồng hồ này đã trở thành chiếc đồng hồ đeo tay lịch vạn niên tự động mỏng nhất thế giới vào thời điểm đó. Để đạt được độ mỏng đáng nể này, các kỹ sư của Audemars Piguet đã hợp nhất các chức năng lịch vạn niên, thông thường được sắp xếp theo 3 lớp, thành một lớp duy nhất, góp công mở đường cho một thế hệ đồng hồ phức tạp có sự hài hòa giữa thẩm mỹ, kĩ thuật cơ khí tối ưu và phong cách sống hiện đại.

Để tri ân 50 năm đổi mới không ngừng, các mẫu Royal Oak mới nhất đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong sự phát triển của bộ sưu tập vượt qua xu hướng của thời đại. Các mẫu đồng hồ năm 2022 hướng đến các khía cạnh sáng tạo và kỹ thuật mới với một loạt các thiết kế tinh tế kết hợp nhiều vật liệu và các bộ máy tiên tiến nhất.

Audemars Piguet đã khai mạc lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Royal Oak bằng một phiên bản mới của mẫu Royal Oak “Jumbo” Extra-Thin 39 mm, ref. 16202, được vận hành bởi bộ máy siêu mỏng tự lên dây cót mới, Calibre 7121, với thiết kế vừa vặn hoàn hảo trong bộ vỏ "Jumbo" 8,1 mm của Royal Oak. Thay thế bộ máy Calibre 2121 lịch sử đã trang bị cho Royal Oak kể từ khi ra đời, Calibre 7121 mang lại hiệu suất, độ tin cậy cao hơn và thiết kế phong cách đương đại cho bộ sưu tập Royal Oak.

Một bước ngoặt đáng chú ý khác cho bộ sưu tập Royal Oak là sự ra đời của Royal Oak Extra Thin Selfwinding Flying Tourbillon - chiếc đồng hồ có flying tourbillon đầu tiên của thương hiệu được với bộ vỏ “Jumbo” siêu mỏng chỉ 39mm. Ngoài ra, phiên bản này còn được trang bị mặt số Petite Tapisserie với màu Bleu Nuit, Nuage 50 hue và logo Audemars Piguet ở vị trí 12 giờ. Được phát triển song song với Calibre 7121, Calibre 2968 đã đáp ứng được thách thức lớn hơn là kết hợp cơ chế tự lên dây cót và chi tiết flying tourbillon mà không làm thay đổi tỷ lệ của bộ vỏ “Jumbo” mang tính biểu tượng. Để làm như vậy, các đội đã hoàn toàn cách tân lồng tourbillon của các mẫu 41 mm hiện có của Audemars Piguet. Và thành quả là một bộ chuyển động flying tourbillon tự lên dây cót có chiều cao chỉ 3,4 mm, có bộ vi cơ học tinh chế đã mang lại cho chiếc đồng hồ biệt danh là RD # 3. Chính sự đổi mới không ngừng về thiết kế trong khi vẫn giữ được tính thẩm mỹ thiết yếu của chiếc đồng hồ nguyên bản đã giúp Royal Oak đạt đến vị thế biểu tượng văn hóa trong và ngoài ngành chế tác đồng hồ. Mới chỉ tròn 50 tuổi, bộ sưu tập này hứa hẹn còn nhiều điều bất ngờ nữa trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tới.

Audemars Piguet

Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Hotline: 0283 620 8787

Giờ mở cửa: 9:00 – 22:00 từ thứ Hai đến Chủ Nhật

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer