Tin tức
Chuyên sâu
Bên trong viện nghiên cứu NTPT – Nơi kiến tạo tương lai của chế tác đồng hồ
05/08/2020

Từ năm 2012, đội ngũ Nghiên cứu và phát triển công nghệ của Richard Mille đã cộng tác với North Thin Ply Technology (NTPT), một công ty danh tiếng về phát triển và sản xuất những nguyên vật liệu phức hợp cao cấp. Giờ đây, việc hai nhà tiên phong cùng mở ra một cơ sở thí nghiệm riêng đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong sự hợp tác này.


Tỉnh Renens nằm ở phía Tây Nam Thuỵ Sỹ không phải là cái nôi của ngành chế tác đồng hồ danh tiếng. Dinh cơ hiện đại – nơi là trụ sở của nhà sáng chế kỹ thuật cao cấp NTPT – cũng khác xa hình ảnh trong trí tưởng tượng lâu đời về một xưởng sản xuất chi tiết đồng hồ. Ngành chế tác đồng hồ đương đại đã có những bước tiến khổng lồ theo hướng tương lai hoá về mọi mặt, bởi thành công trong việc đẩy xa giới hạn của một nghề truyền thống không những đòi hỏi bề dày tri thức chuyên môn, mà còn một khao khát sáng tạo và đổi mới.

Richard Mille và NTPT chia sẻ tầm nhìn hướng tới tương lai này, và cả hai đều không ngần ngại nhanh chóng nắm bắt những công nghệ tiên tiến nhất của thời đại trong mỗi lĩnh vực hoạt động của mình. Hai thương hiệu đã hợp tác cho ra đời những chất liệu với những đặc tính chống chịu vượt trội, có khả năng miễn nhiễm với va chạm và biến đổi nhiệt đột ngột – như một minh chứng cho việc kỹ thuật tối tân có thể được sinh ra từ “phòng thí nghiệm” chế tác thủ công.

Tấm biển phòng thí nghiệm khiêm tốn viết “Ateliers de Renens” – “Xưởng Renens”, giới thiệu một toà nhà với kiến trúc giản dị từ những năm 1980, không quá xa ga tàu Lausanne thuộc vùng công nghiệp ngoại ô. Giống như mọi bí mật, điều thú vị ẩn chứa bên trong đó. Phía sau hàng dài những máy tính – một quang cảnh không khác nhiều với những môi trường chuyên môn thông thường – một nhóm 20 kỹ sư cần mẫn đưa ra những giải pháp kỹ thuật làm từ những hợp chất với công năng đặc biệt. Những mẫu gậy đánh golf làm từ sợi carbon nằm trên bàn.

Trên tường là hình dựng 3D của những mẫu đồng hồ Richard Mille mới nhất, rải rác giữa những bức ảnh thuyền đua của giải America’s Cup – gợi nhớ về khởi nguồn của NTPT là nhà tiên phong trong chế tạo thuyền và cột buồm từ vật liệu carbon. Olivier Thomassin, Quản lý khách hàng trọng yếu và Giám đốc dự án Montres Valgine tại NTPT chia sẻ: “chúng tôi đã làm việc với đội ngũ phát triển của Richard Mille từ năm 2012. Sản phẩm đầu tiên làm từ chất liệu Carbon TPT là mẫu RM 011, ra mắt sau một năm tròn nghiên cứu”. Từ đó, mối dây gắn bó giữa nhà chế tạo đồng hồ từ Les Breuleux và chuyên gia hàng đầu thế giới về các giải pháp hợp chất siêu mỏng nhẹ chỉ càng trở nên khăng khít hơn.

Một minh chứng cho điều này là không gian sản xuất mới hoàn thiện, rộng 300 m2, nằm phía sau toà nhà chính. Khu vực phòng sạch này dành riêng cho việc sản xuất chất liệu Quartz TPT mà Richard Mille nắm độc quyền cung cấp cho toàn ngành đồng hồ. Bên trong không gian hiện đại có thể bắt gặp một vật thể giống như một khối lập phương trắng: một bộ máy độc đáo có khả năng sản xuất 7,500 km Quartz TPT trong một năm.

Công nghệ NTPT™ vốn được dùng để sản xuất cánh buồm cho giải đua thuyền Mỹ. Chất liệu được đăng ký bản quyền sáng chế Carbon TPT mà Richard Mille sử dụng lần đầu được lấy từ phần cột buồm của thuyền Alinghi, quán quân năm 2003 của giải thuyền buồm lừng danh. Chất liệu xếp lớp mỏng nhất thế giới này cũng được áp dụng trong những công nghệ tối tân như sản xuất vệ tinh, xe đua Công thức 1 hay máy bay không thải khí sử dụng năng lượng mặt trời.

Phải cần đến 12 công đoạn cực kỳ phức tạp mới có thể sản xuất được một khối Quartz TPT đủ tiêu chuẩn đưa đến nhà máy tạo hình của Richard Mille. Mọi thứ bắt đầu từ những cuộn sợi thạch anh (sợi quartz) – một vật liệu tiên tiết nhất có khởi điểm khiêm nhường, chỉ tương tự những búi sợi len hay cotton. Một cỗ máy tự động do NTPT phát minh chỉ dùng riêng cho quy trình này sẽ xếp các sợi vào một thiết bị chuyên biệt, tạo ra một vật liệu giống như băng dính ép mỏng – một dải quartz liền mạch nhúng trong một dung môi chất kết dính. Bản thân loại chất kết dính này cũng được phát triển đặc biệt cho việc sản xuất Quartz TPT. Công nghệ xếp lớp dính tự động (ATL) của NTPT giúp lớp băng đạt độ mỏng chỉ 45 micromet và mật độ đặc 52gr/m2, tương đương với chỉ số của Carbon TPT.

Lớp băng thấm dính sau đó được trải thành các lớp và gập theo 4 đến 16 hướng khác nhau, cho đến khi một trăm lớp liên tục được xếp chồng lệch góc 45 độ, tạo thành một “tệp” quartz có thể được chia nhỏ nhờ dao kim loại siêu mảnh. Quy trình sản xuất này thống nhất, không kể độ dày của tệp vốn phụ thuộc vào mục đích sử dụng cuối cùng, ví dụ để chế tạo toàn bộ vỏ hoặc chỉ lớp trên của vỏ. Tệp này sau đó sẽ được đặt vào một nồi nung ở nhiệt độ 150 độ C, trong hơn 8 tiếng ở áp suất 6 bar. Sau khi nung, tệp Quartz TPT sẽ trở thành một khối đồng nhất, hoàn toàn chống nước cũng như kháng axít và kiềm.

Olivier giải thích: “Một ưu điểm vượt trội của Quartz TPT so với Carbon TPT đó là khả năng thẩm thấu sóng điện từ trường. Chúng tôi sử dụng vật liệu này trên drones (phương tiện bay không người lái) và các miếng nối trên xe đua Công thức. Nó cũng có khả năng chống tia UV cao hơn. Hỗn hợp chất dính cũng có thể được nhuộm màu để tạo ra những sắc độ mới. Khi thiết kế yêu cầu hai màu, ví dụ như trên mẫu RM 67-02, bạn cần phải xen kẽ các lớp với các màu khác nhau trong khuôn. Mọi kết quả thiết kế đều đi theo sự sắp xếp chuỗi này: để đạt được hoạ tiết mong muốn, bạn đặt X lớp của một màu nhất định và Y lớp của một màu khác. Chúng tôi tiến hành hàng chục bài thử trong suốt quá trình phát triển mẫu.”

Kết quả đạt được vô cùng ấn tượng về thẩm mỹ, bởi sau khi nung Quartz TPT có thể có màu trắng ngà như vân đá nhờ vào sự kết hợp với các lớp Carbon TPT đen, hoặc sẽ có những màu sắc nổi bật với những vân trắng mảnh xen kẽ. Do các lớp được xếp lệch hướng 45 độ, Quartz TPT hiển thị hiệu ứng như nạm kim loại quý và đạt được độ khúc xạ ánh sáng hoàn toàn tinh khiết – không hề tán sắc và giữ nguyên màu của chất liệu dưới các điều kiện ánh sáng. Aurèle Vuilleumier, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển tại Richard Mille cho biết: “điều chúng tôi thích thú nhất là việc bạn có thể thấy những đường vân như thể vật liệu được làm từ gỗ, nhưng lại có độ trong mờ như được làm từ đá quý. Không có hai khối Quartz nào giống nhau. Có quá nhiều lớp trong một tệp Quartz TPT nên chắc chắn sẽ luôn có những khác biệt tinh vi. Vì thế từng chiếc đồng hồ Richard Mille sẽ là một mẫu độc bản.”

Quartz vốn có màu trắng, khiến NTPT gặp khó khăn trong việc tạo tác một khối thuần khiết, vì 50% thành phẩm bị dính bẩn hoặc lẫn tạp chất. Những sản phẩm này ngay lập tức bị loại bỏ, bởi một khi đã “chế biến hoàn thiện”, không gì có thể được thay đổi. Để giảm thiểu rủi ro này, NTPT đưa ra giải pháp về một “căn phòng trắng”, được trang bị để đạt được độ thanh sạch cao nhất. Richard Mille dành cho cơ sở này sự đầu tư triệt để, nhằm gia tăng khả năng sử dụng Quartz TPT trong những thiết kế sau này. “Căn phòng trắng” đã giảm đáng kể tỷ lệ loại trừ trong sản xuất.

Những màu sắc sống động cũng được nghiên cứu cho ra đời, bao gồm đỏ, xanh, tím, vàng và cả những màu sáng. Mỗi màu đòi hỏi vô số bài kiểm tra về các sợi trước giai đoạn ép tấm nhằm thử nghiệm cách thức những yếu tố cấu thành tương tác, và để đánh giá giá kết quả thẩm mỹ sau khi được nung. “Mỗi màu mới đòi hỏi một năm nghiêm cứu trước khi có thể sẵn sàng sử dụng”, Julien Boillat, Giám đốc Kỹ thuật của Richard Mille cho hay. Toàn bộ chất nhuộm đều có thành phần tự nhiên, và mỗi một màu đều có cấu trúc và phản ứng hoá học khác nhau, dẫn đến những câu hỏi quan trọng: Liệu nó có thể được nung đúng cách? Liệu nó có thể được kết hợp với những thành phần khác? Nhóm nghiên cứu còn phải xác nhận các đặc tính cơ học của thành phẩm khi tiếp xúc với các môi trường như tia UV, nhiệt độ cao, mồ hôi… để đảm bảo vật liệu không thay đổi màu sắc và form dáng.

Sau những tính toán về cấu trúc, mỗi sự phát triển mới đều phải trải qua những bài kiểm tra về sức chịu nhiệt và lực kéo, cũng như các bài kiểm tra quy chuẩn để kiếm chứng những lợi ích tiềm tàng về tính xốp, độ chịu đựng… Thành phẩm sau đó sẽ phải vượt qua các kiểm tra quy chuẩn REACH của châu Âu về việc sử dụng vật chất hoá học trong sản xuất, liệu chúng có gây ra dị ứng cho người dùng hay những ảnh hưởng đến môi trường… Chỉ có những khối Quartz chất lượng nhất mới có thể đạt tiêu chuẩn hiện diện trên một mẫu đồng hồ Richard Mille.

Không gian sản xuất mới này sẽ cho phép đội ngũ nghiên cứu hoạt động hiệu quả hơn và nhạy bén hơn, cũng như lưu trữ tốt hơn nguyên liệu và thành phẩm. Cơ sở này cũng mở rộng tiềm năng phát triển những vật liệu mới: những lớp carbon mỏng hơn, vật chất cấu thành chống chịu cao và nhẹ hơn dùng cho bộ vỏ và các chi thiết khác. Tự hào là người đã góp phần kiến tạo tương lai của chế tác đồng hồ, Oliver chia sẻ: “Ý tưởng của phòng thí nghiệm là rút ngắn thời gian đưa ra thị trường một vật liệu mới và gây dựng một thư viện những tiềm năng cho Richard Mille.”

Dịch từ bài viết của tác giả AYMERIC MANTOUX
Ảnh: VINCENT FOURNIER


Richard Mille Boutique
Sofitel Metropole Hotel, 56 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (0084) 24 3266 9356

___

Các tin bài khác:

RM001 Tourbillon – Chiếc đồng hồ làm nên tên tuổi Richard Mille

Richard Mille và sự kết hợp với trung tâm nghệ thuật Palais de Tokyo

Richard Mille tại SIHH cuối cùng – Bộ sưu tập nổi loạn với những gam màu ấn tượng

Nghệ thuật chế tác thủ công đằng sau những chiếc đồng hồ Richard Mille

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer