Tin tức
Chuyên sâu
Đồng hồ Sapphire – Định nghĩa mới của sự xa xỉ
05/08/2020

Ngành đồng hồ xa xỉ đang chứng kiến cuộc đua của những chiếc đồng hồ sapphire trong suốt và có độ cứng chỉ sau kim cương. Liệu chúng có xứng đáng với những cái giá triệu đô? Liệu cuộc đua sapphire này chỉ là sự ăn theo mù quáng hay thực sự là cuộc thi triển kĩ nghệ đương đại?


Cách đây không lâu một bài báo trên Bloomberg thống kê rằng trung bình một khách hàng của Bugatti sở hữu khoảng 84 chiếc ô tô, 3 chiếc phi cơ và 1 du thuyền. Tương đồng về lý tưởng và độ hoàn mĩ, khả năng cao họ cũng sở hữu những chiếc Richard Mille. Để có được chỗ đứng vững chắc so với các cây đại thụ của làng đồng hồ thế giới, Richard Mille trẻ tuổi chỉ có cách chạy hết tốc lực bên lề đường pit để khám phá và đem lại lạc thú mới cho khách hàng. Giới chuyên môn nhìn nhận Mille là nhà phát minh của nhiều khái niệm và nhiều vật liệu chưa từng thấy trong chế tác đồng hồ. Mille cũng chính là người châm ngòi và dẫn đầu trong cuộc đua Sapphire.

RM 07-02 Pink Lady Sapphire được đẽo từ một khối Sapphire hồng trong suốt hơn 40 ngày chế tác

Để có một chiếc đồng hồ vừa nhẹ vừa bền, Titanium hoặc Thép 316L là lựa chọn quen thuộc. Để có vẻ ngoài cổ điển thì Platinum hoặc vàng là hợp lý. Còn đối với những nhà sưu tầm tiên phong, một chiếc đồng hồ trong suốt bằng sapphire sẽ nói lên tất cả. Sapphire trong cuộc đua này không phải là loại đá quý tự nhiên mà được sinh ra từ các tinh thể Nhôm Ô xit (A12O3) dưới áp lực cao, tạo nên độ tinh khiết, độ cứng 1800 Vickers và độ chống xước chỉ sau kim cương. Sử dụng Sapphire nhân tạo đảm bảo nguồn cung chủ động, chất lượng được kiểm soát, có thể mài cắt được nhưng vẫn có các tính năng ưu việt.

Nếu Sapphire trong đồng hồ không quá hiếm thì điều gì làm nên giá trị của những chiếc đồng hồ Sapphire? Nghịch lý chính ở chỗ chất liệu này quá cứng nên chế tác một chiếc đồng hồ có vỏ hoàn toàn bằng Sapphire đã là một ý tưởng điên rồ khiến các nhà chế tác mệt mỏi. Các mặt đồng hồ Sapphire và các máy mài cắt Sapphire hiện nay hầu hết cho ra miếng tròn phẳng trong khi các chi tiết của vỏ đồng hồ cần độ cong, kích thước và hình dáng đa dạng. Máy CNC để cắt các chi tiết Sapphire cho vỏ đồng hồ phải hoạt động ở công suất lớn hơn trong thời gian dài hơn do đó tỉ lệ phải thay máy cũng cao hơn. Trong khoảng 40 ngày liên tục 24/7 khi máy CNC tạo khối, chỉ một lỗi nhỏ cũng có thể xảy ra nứt vỡ và biến tảng Sapphire nguyên liệu trở thành phế phẩm. Chi phí sản xuất một chiếc vỏ đồng hồ Sapphire bao gồm nhiều lần làm đi làm lại, khiến nhiều người thợ kiên nhẫn bậc thầy cũng phải bức bối. Trung bình, số tiền để đầu tư vào sản xuất một chiếc vỏ đồng hồ Sapphire tương đương với giá bán lẻ của nhiều chiếc đồng hồ đắt tiền khác.

RM 056 Felipe Massa Tourbillon – mẫu đồng hồ đầu tiên có vỏ hoàn toàn từ Sapphire với mức giá 1,5 triệu đô

Năm 2012, ngài Richard Mille khởi xướng cuộc đua Sapphire với năm chiếc RM 056 Felipe Massa Tourbillon – mẫu đồng hồ đầu tiên có vỏ hoàn toàn từ Sapphire với mức giá 1,5 triệu đô. Đến 2013, mười chiếc RM 56-01 Tourbillon Sapphire sử dụng thêm nhiều chi tiết Sapphire, gồm cả cầu trung tâm, bánh xe và mặt đáy. Tiếp nối là chiếc RM 56-02 thừa hưởng cỗ máy siêu nhẹ của RM 27-02 Nadal và hệ thống cáp, ròng rọc đỡ bộ máy công phu nằm gọn trong vỏ sapphire, hiện thân của những điều đáng kinh ngạc trong nghệ thuật chế tác đồng hồ đương đại.

Độ cong ôm lấy cổ tay của những chiếc đồng hồ RM dáng touneaux là một thách thức. Chế tác trên các tấm sapphire phẳng thì vốn quen thuộc và ít rủi ro hơn nhưng phần vỏ của RM đều phải có độ cong tương xứng để tạo thành một parabol mềm mại. Cả ba lớp mặt đáy, mặt trên và cạnh bên gắn với nhau bằng những con ốc Titanium độ 5 mà quá trình khoan tạo lỗ cũng đầy rẫy nguy hiểm. Mille đã khám phá ra những cách tiếp cận mới trong việc mài Sapphire, sử dụng sóng siêu âm trong khi đang nhúng miếng sapphire vào một chiếc hộp chứa một loại bùn đặc biệt đầy các hạt kim cương li ti. Tỷ lệ loại tuy nhiên vẫn rất cao bởi cả 3 bộ phận của vỏ đồng hồ phải vừa khít với nhau tới 1/100 của 1 milimet thì khi ghép lại mới tạo được một vỏ đồng hồ hoàn hảo. Độ cứng 1800 Vickers của Sapphire đòi hỏi khoảng 430 giờ tạo khối bằng máy và 350 giờ đánh bóng. RM 56-01 có cả các chi tiết máy bằng Sapphire nên sẽ mất thêm khoảng 500 giờ gia công nữa cho các phần này. Vậy là chỉ để hoàn thành cơ bản các bộ phận Sapphire sẽ mất khoảng 1500 giờ cả thảy và nếu có rủi ro nứt vỡ, sẽ chỉ còn một phương án duy nhất: trở lại vạch xuất phát – thật quá điên rồ.

Tuy nhiên thì đau đầu là việc của nhà sản xuất, còn tận hưởng là mục đích của khách hàng. Lạc thú của những chiếc đồng hồ Sapphire nằm ở chỗ chúng mở toang tấm canvas khoe trọn bức tranh toàn cảnh cỗ máy đầy nghệ thuật lơ lửng bên trong. Các cầu nối và bánh xe di chuyển như những chuyến tàu, lặp lại những nhịp điệu và màu sắc tuyệt vời. Giống như nghệ thuật trưng bày toàn bộ các chi tiết nội tại của một cơ thể tuyệt đẹp, nhưng không phải theo nghĩa khủng khiếp mà hoàn toàn ngược lại. Đặt RM 56-01 Tourbillon Sapphire lên cổ tay là cả một sự thoải mái đáng ngạc nhiên, phần lưng của đồng hồ cong nhẹ ôm trọn cổ tay, tăng thêm sự thoải mái cho người đeo bởi thiết kế trứ danh Richard Mille. Các chi tiết lộ cơ hoàn hảo siêu nhỏ chỉ đơn giản là tuyệt đẹp. Những điểm sáng thẩm mĩ này tương đồng với chiều sâu kĩ thuật và những cải tiến tiên phong để hạn chế tối đa ma sát và độ tiêu thụ năng lượng.

Mười chiếc RM 56-01 Tourbillon Sapphire sử dụng thêm nhiều chi tiết Sapphire, gồm cả cầu trung tâm, bánh xe và mặt đáy, mất thêm mất thêm khoảng 500 giờ gia công cho toàn bộ phần sapphire

Nhìn vào toàn cảnh BST Sapphire mà Richard Mille theo đuổi sẽ thấy mỗi mẫu ra đời là một chinh phục về kĩ thuật mới là minh chứng rõ rệt cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ. RM 56-02 là sự kết hợp của RM 27-01 Rafael Nadal trong vỏ sapphire, tích hợp 1 chiếc đồng hồ gần như không trọng lượng trong một khung vỏ trong suốt gây kinh ngạc giới chế tác. Cỗ máy nổi danh được treo lơ lửng bằng hệ thống cáp bện dày khoảng 0.35 mm, dệt trong một hệ thống 4 ròng rọc ở các góc của cỗ máy và thêm 6 ròng rọc xung quanh biên của động cơ. Tất cả bám vào mặt trong của vỏ sapphire trong suốt. Trong các đời trước thì một số chi tiết của cỗ máy đã được chế tác bằng sapphire, trong mẫu này thêm một chi tiết được sapphire hoá đó là phần cầu barrell lên giây cót, cầu tourbillon và cầu trung tâm, cả một sự phát triển sâu sắc của phong cách skeletonized. Cỗ tourbillon 1 – phút nằm ở vị trí 6h. Lớp chống loá được phát triển trên tất cả các cạnh, và nhờ có các O-rings Nitrile trong suốt nên RM 56-02 chống nước được ở độ sâu 30 mét. Dây đeo được công ty chế tác tàu vũ trụ Nano Biwi SA sản xuất riêng cho Richard Mille, tạo ra một độ mềm mượt như lụa, gần như hữu cơ cho làn da. Chỉ có 10 chiếc RM 56-02 được sản xuất trên toàn thế giới.

RM 56-02 là sự kết hợp của RM 27-01 Rafael Nadal trong vỏ sapphire, tích hợp 1 chiếc đồng hồ gần như không trọng lượng trong một khung vỏ trong suốt gây kinh ngạc giới chế tác. Giới hạn 10 chiếc trên toàn thế giới

Sẽ là một niệm để đời nếu tặng người thương một món quà nhỏ – chiếc Richard Mille 07-02 Pink Lady Sapphire. Lấy cảm hứng từ thứ cocktail huyền thoại Pink Lady của những năm 1930, RM 07-02 được đẽo từ một khối Sapphire hồng trong suốt hơn 40 ngày chế tác. Các chi tiết cầu được tạc hoạ tiết thủ công trên vàng, mặt trung tâm nạm đá onyx, ngọc trai màu khói và kim cương. Toàn bộ cỗ máy được làm từ vàng khối đỏ, hoàn thiện hoa văn và một số chi tiết máy cũng được nạm kim cương, dây da cá sấu trắng và mức giá không thể quên được: 980,000$.

Mỗi năm mỗi sự phát triển khác nhau làm dầy thêm BST Sapphire của Richard Mille theo nhiều khía cạnh, cũng là bí quyết khiến ông dẫn đầu cuộc chơi Sapphire. Giới chuyên môn ban đầu hoang mang vì sự kiên quyết này của ngài Mille, họ thì thầm: “Lại một chiếc Sapphire nữa ư? Lần này ông ta sẽ làm gì với Sapphire nhỉ?” Nhưng nhìn lại tổng thể BST, thật khó để không đồng ý với ngài Mille rằng RM 56, hay 56-01, 56-02 hay 07-02 không giống nhau, khó mà tựu chung hết trong một mẫu duy nhất.

Lý do mà những chiếc Richard Mille từng được coi là “Cú bắt tay ngầm của các tỷ phú” bởi chúng phổ biến. Các chất liệu mà Mille theo đuổi như NTPT, Carbon không nằm trong suy nghĩ thông thường về trang sức xa xỉ mà số đông vẫn biết đến. Sapphire cũng là một trường hợp tương tự. Một trong những lời nhận xét mà nhìn chung nhiều người sẽ thốt lên khi nhìn thấy một chiếc đồng hồ vỏ hoàn toàn bằng sapphire là “trông nó chẳng đắt tiền gì cả”. Đúng vậy, nó không giống với như vàng, kim cương, đá quý. Có thể nói rằng những chiếc đồng hồ của Richard Mille không nói chung một ngôn ngữ về sự xa xỉ theo kiểu truyền thống.

Những chiếc đồng hồ này không rẻ bởi chúng không dễ để sản xuất được, thế nên chúng hiếm và chẳng có nhiều người từng được trải nghiệm cả một chiếc đồng hồ sapphire hoàn toàn – một trong những thành tựu độc đáo như vậy của ngành đồng hồ. Hầu như chỉ có giới thượng lưu với tiềm lực kinh tế mới dành sự quan tâm và có khả năng sở hữu những siêu phẩm này. Đeo chiếc Sapphire trên tay người ta sẽ không nhận được sự chú ý như những chiếc đồng hồ làm vàng hay kim cương khác – nhưng nó sẽ thu hút sự chú ý của đúng người – những người có khả năng am hiểu được nó. Mua một chiếc đồng hồ nạm đầy kim cương hẳn sẽ được chú ý nhiều hơn và tất nhiên sẽ rẻ hơn chiếc sapphire rất nhiều. Thật không có mẫu số chung nào cho các cách sưu tầm và suy nghĩ của người giàu lại càng cá tính. Những cái giá cao ngất ngưởng của Sapphire cũng không phải là rào cản như trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CNBC của Mỹ, ngài Mille vui vẻ chia sẻ rằng “Tôi đã bán hết số đồng hồ đó rồi”.


Richard Mille Boutique
Sofitel Metropole Hotel, 56 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (0084) 24 3266 9356

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer