Tin tức
Tin tức
Những tiếng tíc tắc mãnh liệt của ngành đồng hồ xa xỉ thế giới
05/08/2020

Cứ mỗi năm, Baselworld lại dành 1 tuần để đón tiếp và thu hút sự chú ý của các tín đồ, báo chí, nhà bán lẻ đồng hồ trang sức xa xỉ hàng đầu thế giới. Thời kì thịnh vượng Baselworld đón tiếp khoảng 150 nghìn lượt khách thăm quan, 1,800 nhãn hàng trưng bày. Con số để các thương hiệu bỏ ra xây dựng những gian trưng bày khổng lồ cũng không thể nào khiêm tốn. Để thưởng thức Baselworld, du khách phải đi bộ mỏi chân trong những không gian triển lãm nối tiếp nhau, vô vàn những đám đông trai thanh gái lịch từ khắp nơi trên thế giới tụ hội.


Baselworld là một trong những lễ hội phù hoa của ngành đồng hồ xa xỉ, là sân khấu của hàng trăm năm lịch sử làm đồng hồ, gửi gắm trong các tác phẩm được nâng niu trưng bày và giới thiệu tới giới phê bình tại đây. Các thương hiệu phô diễn cả kĩ nghệ bậc thầy trong những chiếc đồng hồ siêu phức tạp, với cuộn lịch có thể trải dài cả ngàn năm, hay chiếc đồng hồ moonphase chỉ lịch mặt trăng ở bốn múi giời khác nhau, hay chiếc Aeternitas Mega 4 của Franck Muller, chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới cấu thành từ 1,483 chi tiết, gồm 36 tính năng, trị giá khoảng 2.2 triệu Bảng Anh.

Franck Muller Aeternitas Mega 4

Tất cả những điều kể trên là minh hoạ sống động cho sức hút khó lý giải của đồng hồ trong thế giới hiện đại. Rõ ràng là ngày nay không mấy ai mua đồng hồ cơ vì mục đích xem giờ, nếu vậy họ có thế mua bất kì chiếc nào và sản xuất từ bất kì nước nào, miễn là chạy tốt. Thậm chí ngay trên điện thoại của chúng ta, xem giờ còn tiện hơn và chính xác hơn. Vậy nhưng sự tồn tại của đồng hồ cơ vẫn là một biểu tượng không thể thiếu, và là số ít ngành có khả năng kì diệu này. Những boutiques lớn của những hãng đồng hồ xa xỉ vẫn chiếm những vị trí đắc địa, toả sáng trên những trang tạp chí xa hoa, sân bay, khu mua sắm. Vào năm 2015, thế giới đã tiêu thụ 28.1 triệu chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ, trị giá khoảng 21.5 tỉ Swisss Francs.

Ngay cả khi đồng hồ thông minh Apple ra mắt, doanh số của đồng hồ Thuỵ Sĩ vẫn phát triển. Câu hỏi là tại sao ngành đồng hồ không chỉ đã sống sót qua được cả cuộc chuyển mình số hoá của thế giới, mà còn trở thành một biểu tượng nghệ thuật? Không chỉ để xem giờ, những chiếc đồng hồ cũng đại diện cho chủ nhân. Câu trả lời nằm ở chính những ước mơ của chúng ta, trong những giá trị vô hình mà ta hướng tới và sự tôn trọng dành cho những môn nghệ thuật thủ công đang dần tuyệt chủng trong thế giới số hoá.

Audemars Piguet là thương hiệu lâu đời nhất vẫn được gìn giữ bởi gia tộc sáng lập nên với hơn 140 năm lịch sử, và là một trong những đầu tàu của ngành đồng hồ Thụy Sĩ với thiết kế đương đại từ Royal Oak cùng doanh thu tỉ đô. (Ảnh:Audemars Piguet Royal Oak Tourbillon Extra-Thin)

Trước khi ngành đồng hồ được khai sinh, nhân loại đâu có khái nghiệp về một cuộn lịch, về những chuỗi deadlines phải tuân thủ hay những khái niệm về thời gian như “sống gấp” hay “sống chậm”. Nhịp sống của chúng ta thuở đó không bị quản lý bởi những chiếc đồng hồ. Còn ngày nay thì sao? Chúng ta đã khai sinh ra công cụ để quản lý chính mình, những chiếc đồng hồ không chỉ là những cỗ máy tuyệt đẹp của nghệ thuật cơ khí mà còn là một biểu tượng hữu hình của những khái niệm vô hình như cảm giác kiểm soát, quy củ, khoa học, ngăn nắp.

Và đồng hồ cũng là món trang sức gần như duy nhất mà một quý ông có thể thoải mái đeo. Nó đẹp. Nó có chiều sâu. Nó không chỉ là một vật thể hay một viên đá quý, nó là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Chúng ta cũng có thể tặng cho con hay tặng quà kỉ niệm ngày cưới cho vợ bằng một chiếc đồng hồ điện tử hoặc đồng hồ quartz, nhưng liệu nó có tồn tại lâu dài? Trong thế giới của kĩ thuật số, giống như điện thoại thông minh, mỗi năm lại hiện đại thêm một chút, phải nâng đời lên cho kịp với xã hội. Vậy món quà sinh nhật kỉ niệm, kỉ vật rồi sẽ đi về đâu vào năm tới?

Trong thế kỉ trước, chúng ta được thưởng thức những phát minh vượt trội như đồng hồ khí quyển, những chiếc đài cát-sét kiêm đồng hồ rồi tới kỉ nguyên của internet thì tới những chiếc đồng hồ điện tử nằm ngay trên màn hình điện thoại hoặc máy tính.  Và tần ấy những phát minh chưa hề khiến ngành đồng hồ xa xỉ truyền thống Thuỵ Sĩ phải gặp khó khăn. Xuất khẩu trong thời kì Thế Chiến thứ 2 vẫn đủ duy trì ngành, mặc dù khắp Châu Âu khi đó loạn lạc, binh biến. Số liệu của năm 2014 cho thấy Thuỵ Sĩ xuất khẩu 29 triệu đồng hồ, chẳng đáng là bao, chỉ khoảng 1.7% lượng đồng hồ trên toàn thế giới, nhưng lại chiếm đến 58% giá trị. Tại sao một quốc gia bé nhỏ, toàn miền núi hẻo lánh lại có thể làm chủ ngành này?

Bước tiến đột phá của Richard Mille với việc giới thiệu RM 056 Sapphire trị giá gần 2 triệu đô vào năm 2012

Chiếc đồng hồ cơ học đầu tiên không phải sinh ra ở Thuỵ Sĩ. Chiếc được tìm thấy sớm nhất, dáng tròn, và sau đó dáng oval, đeo cùng vòng cổ, là thuộc những năm 1510 ở Đức, Hà Lan, Pháp và Ý. Vài thập kỉ sau đó, một cộng đồng nhỏ ở Geneva mới hình thành, bao gồm những nghệ nhân kim hoàn, thợ pháp lam, những thợ chạm khắc, có khiếu với những chi tiết siêu nhỏ mới bắt đầu vào ngành này. Vào thế kỉ 16 ở Geneva chỉ có khoảng 176 thợ kim hoàn. Những kĩ năng làm đồng hồ của họ còn sơ khai, và phát triển dần lên khi những người Huguenot di dân đến tị nạn ở vùng này.

Tất cả những điều này vẫn chưa lý giải được tại sao Thuỵ Sĩ, chứ không phải Đức hay Pháp lại có được danh tiếng về độ chính xác và sự hoàn mỹ. Thật ra thì đồng hồ Thuỵ Sĩ mạnh lên từ đầu thế kỉ 20. Trước đó là thời kì vàng son của những tên tuổi như Breguet, Cartier của Paris, và nhiều thương hiệu nhỏ vùng Glasshutte – Đức.

Anh Quốc cũng là một trong những cái nôi sáng tạo của ngành đồng hồ từ thế kỉ 17 và 18, với tên tuổi những nghệ nhân thế hệ đầu ngay vẫn còn được vinh danh trong Đài quan sát Greenwich và British Museum. Những nghệ nhân làm đồng hồ này đã tạo ra cho người Anh những công cụ để đo lường thời gian trên biển, giúp hang hải Anh Quốc mở ộng và đưa nước Anh lên vị trí dẫn đầu thế giới.

Vấn đề là người Thuỵ Sĩ rất cần mẫn, trong khi các nước khác bỏ cuộc để chuyển sang những ngành khác thì họ dần dà mua lại những xưởng, thương hiệu uy tín của Châu Âu và tạo thành nghiệp đoàn, có chứng chỉ để tăng bảo hộ về thương hiệu, chất lượng cũng như sự minh bạch cho ngành công nghiệp này. Vào thế kỉ 18, Thuỵ Sĩ bắt đầu trở thành bậc thầy của những cỗ máy chỉ thời gian, cải tiến đồng hồ từ quả quýt bỏ túi trở thành đồng hồ đeo tay, tiện dụng và đẹp, trở thành một món trang sức ngay trên cổ tay, đặc biệt dễ sơm giờ khi cưỡi ngựa.

Người Thuỵ Sĩ rất biết cách khai thác những phát minh mới, hào hứng cải tiến những phương pháp cũ bằng cách sang chế ra cơ chế núm crown như ngày nay. Đến đầu thế kỉ 20, người Thuỵ Sĩ còn học hỏi tư duy sản xuất khoa học của người Mĩ vào thành những hệ thống để trợ giúp các nghệ nhân truyền thống đạt được hiệu quả cao hơn.

Rolex – công ty đồng hồ lớn nhất thế giới

Ngày nay Thuỵ Sĩ bảo hộ ngành đồng hồ bằng những bộ luật ngặt nghèo để chắc chắn chất lượng xứng với thương hiệu “đồng hồ Thuỵ Sĩ”, giống như cách người Pháp bảo vệ “champagne’. Mọi việc trôi chảy cho tới khoảng những năm 1970, khi ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ bị trúng thương thảm thiết. Một thập kỉ cạnh tranh kéo dài tưởng chừng đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của ngành đồng hồ cơ học xa xỉ Thuỵ Sĩ. Thời khắc tháng 9 năm 1975, tờ Horological Journal (thành lập từ năm 1858) đã viết rằng đây là dấu mốc lịch sử của ngành đồng hồ. Trên bìa của tạp chí là một chiếc đồng hồ Quartz. Những chiếc đồng hồ Quartz đã bắt đầu được nghiên cứu từ những năm 1920, nhưng mãi đến những năm 60 thì Seiko và Casio mới đưa vào phát triển. Mức giá tốt, số lượng sản xuất hàng loạt, cùng với sự tham gia của Mĩ và Nhật, những chiếc đông hồ điện tử đại diện cho một tư duy thay đổi, công nghệ mới. Những chiếc đồng hồ lên tay được nhiều chủ nhân hơn và trở thành biểu tượng của sự chuyển giao giữa thế giới cơ học và thế giới điện tử. Thời gian trở nên bủa vây chúng ta từ mọi hướng.

Người Thuỵ Sĩ phản ứng trước cơn tấn công của kĩ thuật số bằng một tổng hợp những cung bậc cảm xúc, từ không chấp nhận sự thật cho tới hoảng loạn. Từ năm 1970 đến năm 1983, một nửa số lao động trong ngành bị mất việc. Thuỵ Sĩ chỉ còn chiếm 15% sản lượng đồng hồ trên thế giới. Thế nhưng, cuộc hoành hành vũ bão của đồng hồ Nhật Bản cũng không phải là vĩnh viễn. Đầu những năm 80, ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ đã tề tựu, đoàn kết và cùng chiến đấu lại bằng nguyên lý riêng. Đó chính là khi tập đoàn Swatch ra đời. Những chiếc đồng hồ màu sắc, trẻ trung là một trang mới của ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ. Công ty mở cả các showroom cho những chiếc đồng hồ này và còn quảng cáo trên cả MTV, với các nghệ sĩ, đạo diễn cũng đeo những bản giới hạn. Sau cơn hoảng sợ, Thuỵ Sĩ đã bình tĩnh, đoàn kết và tập trung vào cứu lấy túi tiền của họ. Năm 2014, doanh thu của tập đoàn Swatch khoảng 9 tỉ Swiss Francs. Ngày nay đây cũng là tập đoàn đồng hồ lớn nhất thế giới, gồm những thương hiệu như Longines, Blancpain and Rado.

Swatch Group thành công đã tái đầu tư vào loạt thương hiệu truyền thống để giữ gìn lịch sử ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ, trợ sức cho những thương hiệu như Jaquet Droz 275 năm tuổi tiếp tục ra những chiếc đồng hồ cơ học kì diệu. (Ảnh: Jaquet Droz Magic Lotus Automaton)

Đối với những ai sinh ra trong thời kì kĩ thuật số, khái niệm về làm một chiếc đồng hồ thủ công nghe có vẻ quá xa vời. Nhưng đó chính là quá trình tuyệt vời, có trí tuệ và kĩ thuật của những nghệ nhân hàm chứa trong đó, cũng là lý do một chiếc đồng hồ xa xỉ đích thực không có giá mềm. Chế tác những chi tiết thật nhỏ bằng tay chắc chắn đắt đỏ. Nhất là đối với ngành đồng hồ, độ chính xác của những chi tiết siêu nhỏ này lại càng quan trọng. Càng đòi hỏi độ chính xác thì chi phí càng cao, dù chỉ là một con ốc nhỏ xíu. Nhưng phần quý giá nhất vẫn là cách làm truyền thống, những kĩ nghệ giàu lịch sử, những ngón nghề thủ công đã tồn tại nhiều thế kỉ, tựu hợp để làm ra một tác phẩm không chỉ đẹp mà còn có công năng, hiệu suất.

Một chiếc đồng hồ là minh chứng của sự thành công, ý chí. Một món trang sức trên cổ tay là kết quả của bao cố gắng mà cá nhân đã gửi gắm, về khả năng tài chính, về kiến thức và gout thẩm mĩ. Chiếc đồng hồ chứa đựng nhiều giá trị vô hình, trong đó có đem lại cho chủ nhân cả cảm giác rằng họ có một thước đo, một công cụ đang kiểm soát thế giới bên mình.

Năm 2020, một lần nữa ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ cũng như bao ngành nghề khác trên khắp thế giới phải đối mặt với cơn khủng hoảng mang tên Covid-19, ngay trước khi bất kì triển lãm, buổi launching nào kịp diễn ra. Baselworld và Watches and Wonder đều phải tạm hoãn. Các thương hiệu lớn đóng cửa nhà máy để cùng xã hội chống dịch. Các nghệ nhân sống ở các vùng biên Pháp –Thuỵ Sĩ cũng không thể tới được nhà máy làm việc. Mọi sản phẩm mới, kế hoạch truyền thông đều được ngưng để chờ tình hình tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh này, có lẽ điều mang lại cảm hứng hơn cả là nhìn lại chiều dài lịch sử của ngành đồng hồ với bao nhiêu biến cố, từ Thế Chiến cho tới cuộc khủng hoảng Quarzt, tới những phát minh công nghệ. Nếu ngành đồng hồ đã tồn tại được qua nhiều cột mốc sống còn như vậy chắc hẳn người Thuỵ Sĩ sẽ lại vượt qua được sóng gió này. Sự cần mẫn, kiên nhẫn, yêu truyền thống và sự đoàn kết đã giúp người Thuỵ Sĩ đi qua khó khăn trước đây chắc chắn là vũ khí để giúp họ tiếp tục chiến đấu, sức sống mãnh liệt đó có lẽ cũng là niềm cảm hứng cho mỗi người chơi đồng hồ chúng ta trong những ngày này.

The Hour Glass S&S tự hào là nhà phân phối chính hãng của thương hiệu Audemars Piguet, Franck Muller, Hublot, Jaquet Droz, MB&F, Tudor tại Việt Nam.


Tại Hà Nội:
THE HOUR GLASS S&S
Sofitel Metropole – 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại : (+84) 24 3715 1279
Hotline: (+84) 944 46 5555

Tại Tp. Hồ Chí Minh:
THE HOUR GLASS S&S
Union Square – 116 Nguyễn Huệ, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Điện thoại : (+84) 28 3821 6848
Hotline: (+84) 28 6682 0565

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer