Audermars Piguet Royal Oak Offshore từng bị coi như một sai lầm ngớ ngẩn, một thiết kế quỷ quái khi ra mắt công chúng năm 1993. Bây giờ nhìn lại chúng ta khó có thể hiểu nổi vì sao thời ấy họ lại phản ứng thái quá như vậy, tuy nhiên nếu đặt vào địa vị của những nhân chứng ở thời điểm đó, những “bí từ” này dành cho Royal Oak Offshore cũng không phải là không hợp lý.
Royal Oak – huyền thoại cũng từng nhận chỉ trích
Thậm chí những chỉ trích nặng nề vì kích cỡ bắt đầu từ 42mm của Royal Oak Offshore đã khiến Gerald Genta – cha đẻ của Royal Oak và Nautilus – không kiềm được tức giận và tuyên bố ngay tại gian hàng của AP ở Baselworld năm đó rằng Royal Oak Offshore đã “giết chết đứa con của tôi”.
Có lẽ Gerald Genta đã quên mất rằng ông cũng từng phải trải qua khó khăn như Emmanuel Gueit khi ra mắt bản Royal Oak đầu tiên. Một chiếc đồng hồ thép lại có giá mắc hơn cả một chiếc đồng hồ vàng thời đó và thiết kế thì không thuận mắt tí nào. Kích thước 39mm của Royal Oak khi ra mắt cũng là quá to, ngay lập tức chiếc đồng hồ được đặt tên “Jumbo”. Và những cái đinh tán trên viền bezel ư? Tại sao lại trang trí bằng những chi tiết như vậy. Lấy cảm hứng từ ô cửa sổ trên du thuyền của người Ý ư? Tại sao lại có thứ liên tưởng như vậy trong thế giới đồng hồ. Và đây cũng là một trong những chiếc đồng hồ đầu tiên có dây kim loại gắn trực tiếp vào phần vỏ đồng hồ, điều mà bây giờ chúng ta thấy là quá phổ biến nhưng ở thời điểm đó thì không. Người ta cho rằng Genta đã phải làm việc dưới áp lực quá căng thẳng và khi thời gian không ủng hộ, não bộ không còn sang suốt nữa, tâm trí thì tuyệt vọng, chắc hẳn ông đã rất bí bách khi vẽ ra chiếc đồng hồ này. Bởi đúng là Royal Oak được Genta vẽ chỉ trong một đêm, ông chắc chắn cũng không nghĩ rằng những nét vẽ gấp gáp và điên cuồng đó lại cho ra đời một trong những biểu tượng được yêu thích nhất của thế giới đồng hồ cao cấp, phép màu bí hiểm trong đêm định mệnh đó đã mang về cho AP một kho báu và đưa Genta lên đỉnh cao sự nghiệp.
Bối cảnh ra đời của Royal Oak trở thành một câu chuyện được kể đi kể lại trong thế giới đồng hồ. Đó là đầu những năm 70 khi mà ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ không thể nào chối bỏ sự hoành hành của cơn khủng hoảng Quartz. Một số những cái tên lớn đã ngã xuống, những hãng còn sống sót thì đang đối mặt viễn cảnh xấu nhất. Geogres Golay, Giám đốc AP khi đó biết rằng đây là quyết định sống còn. Đơn hàng với những nhà phân phối người Ý khi đó là rất quan trọng, và ông cần một sản phẩm có thể làm họ hài lòng, lúc đó họ là thị trường nổi nhất, sức mua lớn nhất. Nói thêm một chút về phong cách của các quý ông Italia, họ quyến rũ bởi vẻ nam tính, khoẻ khoắn nhưng vẫn lịch lãm. Đó là hình ảnh những quý ông làn da rám nắng trên du thuyền lượn quanh Địa Trung Hải và khi khoác lên mình những bộ suit là lượt hay màu sắc, họ lịch thiệp khó rời mắt. Genta đã thể hiện tình yêu của ông với chất liệu thép qua hình dáng, cảm nhận và phong thái của Royal Oak và đạt được điểm phối ngẫu tuyệt vời giữa chất liệu và thiết kế, tôn vinh cả hai trong một tổng thể hài hoà. Vừa thể thao vừa thoải mái trên cổ tay, Royal Oak cũng như bộ dây trứ danh được biết tới với sự thanh mảnh và khả năng giãn nhẹ, khiến người ta quên mất họ đang đeo kim loại thép.
Viền bezel đa giác duyên dáng, dây thép đính liền một dải với vỏ đồng hồ, sử dụng những con ốc làm chi tiết trang trí, cách xử lý chất liệu quen thuộc thép trong một tổng thể vừa thanh lịch vừa khoẻ khoắn vừa đương đại, tạo nên thành công chung của Royal Oak.
Nếu không có Royal Oak, thật khó để tưởng tượng Audemars Piguet lúc này đang ở đâu. Sự ra đời của Royal Oak là một chiếc mỏ neo chắc chắn, khẳng định vị thế của con tàu Audemars Piguet trở thành một trong những ngôi đền huyền thoại, sở hữu thiết kế đạt tầm biểu tượng mà ai cũng nhận ra giữa những Patek Philippe Calatrava, Rolex Submariner, Cartier Tank hay JLC Reverso. Tất nhiên giới mộ điệu cũng đã chê bai Royal Oak cho đến khi họ yêu thiết kế này, đầu tiên AP Royal Oak chủ yếu phục vụ người Ý – thị trường sành điệu nhất thời đó – rồi mới dần lan ra chinh phục các thị trường khác trên thế giới. 20 năm sau, lịch sử lặp lại đúng như vậy, lần này là với một nhà thiết kế trẻ hơn, Geuit của Offshore.
Offshore – canh bạc nối tiếp Royal Oak
Lý do mà Offshore ra đời là bởi một trong những giám đốc của AP thời đó, Stephen Urquhart đã đưa đầu bài của nhà thiết kế trẻ Gueit vào những năm cuối thập kỉ 80 rằng: chúng ta cần làm một phiên bản lớn hơn cho Royal Oak, hay còn gọi là tăng size. Nhiệm vụ này nhằm chinh phục thị phần cho Royal Oak, để có nhiều khách hang trẻ tuổi hơn nữa, và cũng trong khi đó càng ngày càng có nhiều phụ nữ đeo đồng hồ của nam giới. Gueit cần một thiết kế dành riêng cho nam giới, size khủng mà phụ nữ sẽ chùn bước khi mua theo. Lúc này Gueit mới có 22 tuổi, và điều anh được giao là mang chính tuổi trẻ và trí tưởng tượng của mình vào làm mới một huyền thoại.
Lúc này thì mức độ thành công của Royal Oak đã rất chắc chắn, Gueit không muốn đánh mất bất kì chi tiết nào là biểu tượng của huyền thoại này. Được ca ngợi bởi sự hoàn hảo, hài hoà, thực sự thì Gueit không có nhiều cửa để thay đổi trên thiết kế của Royal Oak, bởi mọi thứ đều đã được đặt đúng chỗ và ăn nhập tuyệt vời. Gueit đã quyết định mạnh dạn chọn size 42mm.
Bây giờ thì size 42mm nghe rất phổ biến và được yêu chuộng, nhưng thời điểm đó nó là một cú shock. Từ công chúng cho tới giới chuyên môn đều không thể cảm nhận được kích thước này và nhanh chóng đặt cho Offshore biệt danh “The Beast” – Quái thú, và tất nhiên họ đều quả quyết rằng đây là nỗi thất bại của Audemars Piguet và rằng sẽ không ai mua Offshore.
Gueit chắc chắn đã phần nào đoán được những phản ứng này bởi ông cũng phải trải qua rất nhiều cái lắc đầu, nhăn mặt từ nội bộ AP. Những câu chuyện về việc Stephen Urquhart tránh mặt Gueit ở nhà máy AP giờ trở thành huyền thoại, cũng như những lời nhận xét đi vào lịch sử của Georges-Henri Meylan sau khi xem bản thử nghiệm rằng:” Gueit tôi xin lỗi nhưng anh mất trí mất rồi.”
Chắc chắn trong suốt 4 năm làm việc trong dự án này Gueit đã có không biết bao nhiêu thời khắc khó khăn. Đã rất nhiều lần dự án của ông bị dừng rồi lại tái khởi động, những nỗ lực trong tuyệt vọng. Những người chơi đồng hồ chắc chắn nên dành lời cảm ơn cho sự kiên định và niềm tin mà Gueit đặt cược vào đây.
Những bộ não ở AP coi dự án Offshore này là một canh bạc và họ cũng đã tính toán nhiều đến trường hợp thất bại. Một trong những bằng chứng rõ rệt nhất đó là họ không cho ra mắt một dòng mới là Offshore ngay mà chỉ thử nhiệm 100 chiếc đầu tiên không hề có chữ Offshore khắc trên lưng như ngày nay mà chỉ có dòng chữ Royal Oak. Offshore cũng như nhà thiết kế Gueit đều đã phải nếm trải những thời khắc khó khăn trươc khi gặt hái được vị trí quan trọng trong AP và mở ra một kỉ nguyên của những chiếc đồng hồ thể thao size lớn, thay đổi thẩm mĩ của ngành đồng hồ cho tới ngày nay.
Giờ đây thì 100 chiếc Offshore đầu tiên không có khắc tên lại trở thành mục tiêu săn tìm của những nhà sưu tầm, vì ý nghĩa lịch sử thú vị của chúng. Đây là bằng chứng cho thấy tầm nhìn của Gueit là có lý và những nhận định mà ông có là hoàn toàn thuyết phục. Ông giữ lại chiếc Offshore số 39 trong lứa đầu tiên cho mình.
Offshore – cánh cửa mở ra khái niệm đồng hồ thể thao thực thụ
Sự ra đời của Royal Oak năm 1972 song hành cùng xu thế của những thiết kế nam tính trong giới xa xỉ. Sau vài năm sóng gió, Royal Oak đã trở thành thiết kế biểu tượng của AP, đưa thương hiệu lột xác trở thành một đại thụ đích thực. Tuy nhiên thì mặc dù Royal Oak có tính thể thao, thiết kế này vẫn sở hữu một độ mỏng thanh lịch, vừa là sự quyến rũ vừa là điểm yếu bởi nó hạn chế không có nhiều đất để sáng tạo thêm.
Trong khi đó khi Offshore ra đời với bộ vỏ dày hơn và lớn hơn, độ nam tính thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết ngay từ cảm quan đầu tiên, tạo tiền đề cho nhiều ý tưởng thách thức những mong đợi của giới mộ điệu
Nếu Royal Oak kết hợp thể thao với sự lịch lãm vốn được làm để chinh phục người Ý thì Offshore giúp Audemars Piguet chinh phục giới thượng lưu Đông Âu, đặc biệt là Nga và sau đó là Mĩ. Họ là những quý ông mạnh mẽ không cần bàn cãi. Họ cao lớn, khoẻ khoắn và ưa thể thao. Sự nam tính của họ cần một chiếc đồng hồ tương ứng, khoẻ khoắn hơn nữa, thể thao thực sự, mạnh mẽ hơn nữa và lớn hơn nữa.
Ngôi sao hành động Arnold Schwarzenegger đeo chiếc Royal Oak Offshore trong bộ phim End of Days là minh chứng rõ rệt nhất về những khách hàng của thiết kế này
Nếu Royal Oak đem lại cho AP thị trường Châu Âu thì Royal Oak Offshore đem tới hai thị trường lớn khác, trong đó Mĩ là cả một châu lục. Điều này giải thích vị thế và sức ảnh hưởng khỏi phải bàn cãi của AP trong làng đồng hồ thế giới giai đoạn mấy chục năm qua, cũng như ngày nay đây là một trong ba công ty độc lập hiếm hoi gia nhập câu lạc bộ tỉ đô doanh thu khi số lượng sản xuất chỉ nằm ở mức 40,000 chiếc.
Kích thước không phải là điểm khác biệt duy nhất giữa Offshore và Royal Oak. Tương lai của Offshore được Gueit gửi gắm trong những chi tiết rất nhỏ. Ví dụ như ngay dưới bezel đa giác là một viền cao su nhỏ. Lần đầu khi người ta nhìn thấy chi tiết này chắc hẳn cảm giác shock là không mấy dễ chịu, bởi cho đến tận ngày nay thiết kế như vậy vẫn không phải là phổ biến. Những chi tiết nhỏ như vậy như nói với chủ nhân của chiếc đồng hồ rằng: “Tôi là một chiếc đồng hồ thể thao, và tất nhiên tôi chống được nước ở mức 100m, đó là lý do vì sao viền cao su này tồn tại.”
Chi tiết viền cao su đơn giản là tuyên ngôn về khả năng chống nước, cũng như cái tên “Offshore” vốn có nghĩa là “ngoài khơi” cũng đã khẳng định nhiều yếu tố liên quan tới đại dương
Không có giải thích chính xác nào về mục đích mà Gueit sắp đặt chi tiết này, có lẽ đó là một trong những xu hướng Postmodern khi mà người trẻ thời đó muốn chống lại những luật lệ, cách làm hoặc đơn giản là lối suy nghĩ rằng phải làm như đã được dạy mới là đúng. Chưa hết, các chi tiết nút bấm chronograph bằng cao su càng góp phần tang them yếu tố shock, đưa diện mạo của Offshore trở thành một chiếc đồng hồ xa xỉ khác biệt. Cụ thể hơn thì vật liệu này không hẳn là cao su thông thường mà có tên là Therban, một loại vật liệu tổng hợp có khả năng kháng nước, đặc biệt là nước nóng và hơi nước cao. Nó có thể chịu được mức biến nhiệt từ biên độ -45 độ C cho tới 165 độ C, thậm chí giới hạn cao nhất là 180 độ C. Vật liệu này được tập đoàn Bayer bắt đầu nghiên cứ năm 1975 và ra mắt vào năm 1986, trong đó năm 1993, Gueit đưa nó lên AP.
Tuy nhiên, đó là những chi tiết rất nhỏ reo hạt cho vô vàn những chân trời sáng tạo sau này, cho tương lai của Offshore. Phiên bản Offshore đầu tiên chỉ là những bật mí cho những gì sắp tới, là tham vọng của những bộ não đứng sau AP với bước đi đầu tiên trong quá trình nắm bắt chuyển biến trong nhận thức của giới sưu tầm đồng hồ, và họ chọn cách tạo ra một thiết kế khá quen thuộc nhưng lại nhiều ẩn số, ở một kích thước lớn hơn.
Royal Oak Offshore Tourbillon Chronograph
Tổng thể lớn, dày dặn, xù xì, mạnh mẽ, trông như thể cái gì ném vào cũng không hề hấn gì, chính là cảm quan về Offshore. Chiếc đồng hồ này không phải là phát minh siêu phức tạp nhưng lại là cánh cửa đưa ngành chế tác đồng hồ vào tương lai của những giới hạn mới, không bị níu chân bởi những suy nghĩ và ranh giới truyền thống trong cách làm. Nếu không có Offshore, có lẽ chúng ta không thấy hệ tư tưởng này thay đổi, và không thấy ngành đồng hồ ở diện mạo như hiện nay. Ngày nay chúng ta sẵn sàng đón nhận những vật liệu mới như ceramic, silicon để tang khả năng chịu lực và công năng hiệu suất của những chiếc đồng hồ. Ngay cả size đồng hồ 42 bây giờ là một điều đương nhiên, rất vừa vặn và được giới yêu đồng hồ các nơi yêu thích. Và những bộ não ở Audemars Piguet đã có tầm nhìn này từ 20 năm trước.
Royal Oak Offshore Selfwinding Chronograph với phần bezel từ Ceramic đen
Ngày nay, Offshore là mảnh đất để phô diễn những sang tạo của AP, tinh thần đó đã chuyển thành kim chỉ nam của thương hiệu. Những mẫu đồng hồ đầu tiên từ thép, vàng và platinum nằm chung trên kệ với những chất liệu mới như titatnium, carbon, ceramic và cao su. Nếu để phiên bản Offshore đầu tiên cạnh những chiếc Offshore sau này đã được sản xuất, bạn sẽ cảm nhận được tinh thần mà thiết kế đầu tiên này đã kết nối với tương lai. Mỗi sự thử nghiệm lại đưa những chiếc Offshore đi xa hơn với điểm xuất phát, tiếp tục kiên định với những nền tảng đã giúp Offshore sống sót, thành công và mở ra định nghĩ về những chiếc đồng hồ thể thao xa xỉ đương đại.
So sánh Royal Oak và Royal Oak Offshore
Phiên bản Offshore đầu tiên sở hữu mặt Petite Tapisserie, như lời khẳng định về dòng dõi gia đình cùng với Royal Oak. Offshore – chiếc đồng hồ thể thao đích thực luôn đi cùng với chronograph – một tính năng được xếp vào hàng phức tạp và có nhiều tương tác nhất với chủ nhân. Ô chỉ ngày được đặt ở vị trí 3h và các mặt số phụ của Chronographs được đặt ở hướng 6h và 9h, mặt số đếm giây được đặt ở vị trí 12h. Các vạch chỉ giờ trắng được phủ lumi, tức là dạ quang trong điều kiện thiếu sáng. Viền bezel trong có thêm viền chỉ Tachymeter, không chỉ thể thao, hài hoà mà còn tinh tế. Cỗ máy mà Offshore sử dụng là bộ 3126/3840 chronograph cấu thành từ 365 chi tiết, rung động ở tần số 21.600 vph và dự trữ năng lượng ở mức 50 giờ.
Royal Oak Offshore Selfwinding Chronograph
Nếu so sánh với mẫu chronograph thuộc dòng Royal Oak thì sự khác biệt đầu tiên là ở độ dày. Tất nhiên là mỏng hơn thì có thể hợp với những cổ tay mảnh hơn và thuận tiện trong đeo hàng ngày nhưng cũng vì thế mà bớt đi vẻ thể thao và khoẻ khoắn. Royal Oak cũng không có những chi tiết cao su, tất cả đều bằng thép vì thế nó thanh lịch kiểu khác. Phần núm crown kiểu xoáy vặn truyền thống có thể chống nước ở mức 50m, trong khi Royal Oak Offshore với chất liệu mới có thể đạt được hiệu suất chống nước ở độ sâu 100m.
Cách thể thiện mặt Chronograph ở Royal Oak cũng truyền thống và phổ biến hơn, với ô ngày ở vị trí 5 giờ. Cỗ máy Chronograph sử dụng cơ chế column-wheel của Royal Oak cấu thành từ 304 chi tiết giúp nó mỏng hơn, rung động ở tần số 21.600 vph và dự trữ năng lượng ở mức 40 giờ.
Chắc chắn với những người mới yêu AP, chọn chiếc nào giữa Royal Oak hay Royal Oak Offshore sẽ là quá trình suy xét không hề dễ dàng, nâng lên đặt xuống và cuối cùng quyết định như thế nào cũng đúng, bởi sở hữu một chiếc đồng hồ là sở thích rất rất cá nhân. Royal Oak thì mỏng mảnh, dễ đeo, gọn gàng hơn, là một biểu tượng không thể chối cãi và giá thành khởi điểm ở mức dễ chịu hơn Offshore. Còn Offshore thì rõ rệt tinh thần tiên phong trong ý thức hệ, phong thái thể thao, công năng hiệu suất và cá tính rõ rệt mà nó đại diện cũng như vị thế của dòng này trong lịch sử AP và lịch sử ngành đồng hồ nói chung.
Tinh thần “làm người dẫn đầu” và cái giá phải trả
Nếu nhìn nhận lại những lần Audemars Piguet trình làng sản phẩm mới, họ đã quen với việc bị chỉ trích. Từ Royal Oak cho tới Royal Oak Offshore, họ luôn nhận được những lời nhận xét khó nghe mỗi lần trình làng thứ gì đó mới. Chỉ có thời gian mới khẳng định được liệu họ đúng hay sai và giới mộ điệu sau đó chuyển từ ghét sang yêu, rồi tới hâm mộ và điên cuồng săn đón. Trong thâm tâm của những thế hệ hậu duệ Audemars Piguet – thương hiệu đồng hồ độc lập duy nhất hơn 140 năm tuổi còn thuộc sở hữu của những gia tộc sáng lập – họ luôn hướng đến phá vỡ các giới hạn “break the rules”. Có thể bởi họ sinh ra và lớn lên từ vùng Le Brassus trên núi cao, có phần cách biệt mà họ học được cách nghĩ khác biệt và luôn muốn mình là người dẫn đầu, tạo ra xu hướng, bắt đầu các cuộc cách mạng. Họ chọn là người ngồi ghế đầu trong đoàn tàu thám hiểm chứ không phải ghế sau an toàn.
Royal Oak Offshore Tourbillon Chronograph phiên bản kỉ niệm 25 năm
Chính vì thế Audemars Piguet là thương hiệu có rất nhiều đối thủ bám theo, cố gắng “học hỏi” và hi vọng gặt hái được phần nào sự thành công mà Audemars Piguet có được. Ngay đến tận 2019, vẫn có những thương hiệu tiếp tục cố gắng trình làng một thứ gì đó na ná như Royal Oak hay Royal Oak Offshore, đều mà AP đã làm hơn 40 năm và hơn 20 năm trước. Đã là người dẫn đầu thì không thể sợ rủi ro, rợ chê trách, sợ thất bại. Đó là tinh thần kì diệu mà Audemars Piguet có bí quyết gì đó đã truyền lại được cho những bộ não làm việc cho thương hiệu. Gần đây nhất khi năm 2012, AP ra bản kỉ niệm 25 năm cho Royal Oak Offshore Tourbillon Chronograph trông chẳng giống chiếc Offshore năm xưa, không còn mặt đồng hồ Tapisserie xanh, không còn viền bezel bát giác, chắc chắn Gueit cũng cảm thấy đau lòng như Genta năm đó, nhưng đó là tiến trình không thể không có, để AP luôn tiến về phía trước và luôn dẫn đầu cuộc chơi.
𝐀𝐮𝐝𝐞𝐦𝐚𝐫𝐬 𝐏𝐢𝐠𝐮𝐞𝐭
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 9:00 am – 10:00 pm từ thứ Hai đến Chủ Nhật