Bạn luôn có cảm tình với những cỗ máy chỉ thời gian và muốn sở hữu một chiếc đồng hồ có thể đồng hành với nhịp sống mỗi ngày, tuy nhiên đứng trước hàng ngàn mẫu mã và thương hiệu, khối lượng lựa chọn đồ sộ, thật khó để tìm điểm bắt đầu. Bài viết này hi vọng có thể làm sáng tỏ một vài điều cho những bước đầu tiên.
Đồng hồ là hiện thân của nỗ lực mà nhân loại nhiều đời đã nghiên cứu và phát triển. Con người khác với các loài vật khác khi sớm nhận ra cuộc đời là hữu hạn. Và dù loài người có thông minh, trí tưởng tượng và hoài bão lớn đến thế nào, thì vẫn không thể điều khiển được thời gian. Biết vậy, nên tổ tiên chúng ta đã rất nỗ lực tìm cách “quản lý”, việc phân chia và đo đếm được thời gian một cách chính xác, hữu hình hoá giá trị vô hình này để từ đó phân chia được ngày, đêm, giờ, phút, giây rồi tới mùa màng, lễ hội, năng suất, vận tốc, công nghiệp, khoa học và tiếp tục mở ra muôn vàn những ranh giới mới của sự phát triển. Ngày nay sở hữu một chiếc đồng hồ để xem giờ tuy không còn là điều cấp thiết nhưng sưu tầm đồng hồ cơ và tôn vinh nghệ thuật chế tác truyền thống vẫn là một thói quen thú vị của những người bận rộn, nhắc nhở và truyền cảm hứng tới họ về hiệu suất trong công việc hàng ngày.
Đồng hồ – công cụ không thể thiếu trong lịch sử nhân loại
Từ cuối những năm 1200, đồng hồ mặt trời và đồng hồ nước đã xuất hiện và trở thành một trong những phát minh phổ biến ở các nền văn minh cổ đại, đầu tiên là Ai Cập và Iraq, tiếp đến là Hy Lạp và La Mã. Cơ chế hoạt động dựa theo việc theo dõi mặt trăng, mặt trời, dòng thủy triều để ước lượng các mốc thời gian trong ngày. Đây là tiền đề cho sự phát triển của những chiếc đồng hồ về sau.
Vào đầu thế kỷ 13, ba chiếc đồng hồ cơ khác được chế tạo ở Ý bao gồm đồng hồ rung chuông mỗi giờ, đồng hồ thiên văn và chiếc thứ ba theo dõi mặt trời mọc, chỉ ngày và giờ. Tuy nhiên, đến thế kỉ 16, khi chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên xuất hiện tại Thụy Sĩ năm 1574 là một bước tiến lớn. Được cấu tạo bằng những chất liệu đồng thau, đồng, bạc với những nét vẽ mô tả tôn giáo được thể hiện ở cả mặt trước và mặt sau của đồng hồ – đã gây tiếng vang lớn trong hoàn cảnh tất cả mọi người bị cấm đeo trang sức. Năm 1680, có sự thay đổi quan trọng trong thiết kế: những người thợ thủ công đã thêm vào một chiếc kim giờ, phút và khoảng một thập kỷ sau đó thì kim giây xuất hiện.
Breguet Napoleon được trưng bày ở Milan – Ý
Trong giai đoạn này, đã xuất hiện thêm nghề mới – nghề chế tác đồng hồ & cũng mở lối cho Horology – một lĩnh vực mới được ra đời. Đây cũng là giai đoạn nở rộ sản sinh ra trường phái chế tác đồng hồ tinh hoa, những bậc nghệ nhân, những nhà thiết kế và những nhà sưu tập đồng hồ thời đa phần là Vua Chúa, Hoàng Gia, Quý tộc, nhà khoa học, nhà thám hiểm luôn hướng tới sự xuất sắc, đổi mới và cải tiến.
Năm 1571, nữ hoàng Anh Elizabeth được tặng một vòng tay có gắn một mặt đồng hồ nhỏ. Đây có thể coi là chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới. Nhưng mãi đến năm 1880 của thế kỉ 19 đồng hồ đeo tay mới được sử dụng rộng rãi không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng ưa thích bởi nó như món đồ phụ kiện. Đồng hồ đeo tay phát triển mạnh và phổ biến hơn trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Quân đội Đức đã trang bị đồng hồ đeo tay từ những năm 1880, và sau đó, năm 1910 lính Mỹ mới bắt đầu trang bị đồng hồ.
Cơ bản: Máy cơ lên giây bằng tay vs. Máy cơ tự động
Ngày nay khi mà các thiết bị điện tử sử dụng pin rất thịnh hành thì trong thế giới sưu tầm đồng hồ các cỗ máy thuần cơ học lại được tôn vinh hơn cả. Bởi xem giờ không còn là điều quá khó khăn ở xã hội hiện đại nữa, điều mà các nhà sưu tầm bỏ món tiền lớn để sở hữu chính là nghệ thuật cơ khí và nghệ thuật trang trí trong các cỗ máy đồng hồ cơ học có sức sống vĩnh cửu, không phụ thuộc vào pin hay một nguồn năng lượng ngoại biên nào.
Đồng hồ cơ lên giây bằng tay và đồng hồ cơ tự động đều là máy cơ, tức là trong bộ máy không có pin hay thiết bị điện tử nào, thuần tuý là các chi tiết cơ khí. Sự khác biệt lớn nhất ở hai cỗ máy này là cơ chế tạo năng lượng. Đối với đồng hồ cơ lên giây bằng tay thì khi chủ nhân vặn cót thì năng lượng sẽ được dự trữ vào ổ cót (barrel). Trung bình mỗi ổ cót dự trữ được khoảng 40 tiếng, tức hoạt động sau khoảng 36-40 tiếng thì chủ nhân phải làm động tác lên giây cót lần nữa để tiếp thêm năng lượng cho chiếc đồng hồ hoạt động liền mạch. Có một số chiếc đồng hồ đặc biệt các nhà chế tác đã trang bị nhiều hơn 1 ổ cót (barrel) để có thể tích trữ được nhiều năng lượng hơn.
Không nói đâu xa, La Ferrari của Hublot đã lập kỉ lục trữ được 50 ngày, tương đương 21.600 giao động/tiếng, vì có sở hữu 11 barrels.
Hublot LaFerrari
Còn đồng hồ cơ tự động thì sử dụng một lưỡi Rotor xoay để tạo ra năng lượng. Khi chủ nhân đeo đồng hồ và cử động cổ tay trong đời sống hàng ngày, chiếc đồng hồ sẽ phát sinh năng lượng và chạy liền mạch. Mỗi chiếc automatic trung bình cũng chỉ trữ được khoảng 40 tiếng. Với điều kiện thói quen, hành vi nhân khẩu học khác nhau, ví dụ người làm văn phòng vs người chơi thể thao sẽ có tần suất hoạt động khác nhau, nên dự trữ năng lượng sẽ tương xứng với mức độ hoạt động nhiều hay ít. Bởi thế, nếu để đồng hồ automatic qua cuối tuần không đeo (tức quá 40 tiếng) có thể hết năng lượng khi chủ nhân đeo lại vào sáng thứ hai đầu tuần. Ngày nay cũng có nhiều thương hiệu đã làm được đồng hồ có thể dự trữ năng lượng lâu hơn 40 tiếng, ví dụ như Tudor trung bình sở hữu dự trữ năng lượng là 72 tiếng điều đó có nghĩa là kể cả không đeo suốt cuối tuần, sáng thứ hai đồng hồ vẫn còn năng lượng để chạy tiếp.
Tudor Black Bay Fifty-Eight 925
Cả trong đồng hồ cơ tự động và đồng hồ cơ lên giây cót chủ nhân đều có thể lên giây cót ở núm crown. Ví dụ như trong đồng hồ cơ dự trữ năng lượng 40 giờ, sau một cuối tuần không đeo, vào sáng thứ hai chủ nhân có thể tạo năng lượng gấp cho đồng hồ bằng cách lên giây cót một chút để đồng hồ có thể chạy ngay, rồi tiếp tục tự tạo thêm năng lượng qua cơ chế rotor trong suốt cả ngày. Một bí quyết nhỏ cho người mới chơi đồng hồ đó là với những chiếc đồng hồ có mặt lưng mở, hãy quay mặt lưng đồng hồ và tìm xem ở đó có Rotor hay Barrel, bạn sẽ phân biệt được ngay đó là đồng hồ cơ lên giây cót bằng tay hay đồng hồ cơ tự động mà không cần phải hỏi nhân viên tư vấn.
Thăng hạng: Skeleton – Lộ cơ
Đồng hồ Skeletonized hay còn gọi là “lộ cơ” đòi hỏi thiết kế cỗ máy đồng hồ có thẩm mĩ hơn so với đồng hồ đóng kín cả hai mặt. Các nhà chế tác phải tính toán để tinh giản, đục rỗng các chi tiết máy nhất có thể để chủ nhân có không gian ngắm được càng nhiều càng tốt hoạt động cơ học của cỗ máy này. Chẳng phải sưu tầm đồng hồ ngày nay không còn để thuần tuý xem giờ mà là để tôn vinh nghệ thuật chế tác? Vậy thì phải mở, càng nhiều càng tốt cỗ máy thì chủ nhân mới có thể tận hưởng được, đó là nguyên lý chính trong đồng hồ lộ cơ.
Royal Oak Frosted Gold Double Balance Wheel Openworked
Bên cạnh bản thiết kế đòi hỏi nhiều tính toán thì các chi tiết máy phải được hoàn thiện và trang trí cầu kì hơn, không chỉ phải hoạt động bền bỉ và chính xác như lúc chưa đục rỗng, chúng còn phải đẹp mắt. Chính vì thế thời gian và công sức để hoàn thiện được một tác phẩm đồng hồ lộ cơ sẽ lâu hơn so với thông thường, và cũng rất được yêu thích ngày nay. Càng tìm hiểu bạn sẽ càng thấy nhiều nhãn chinh phục các cỗ máy siêu phức tạp và họ quyết định mở bung hết hoặc xây trên các cấu trúc đa diện để người xem tha hồ ngắm trọn vẹn các kiến trúc này.
Richard Mille RM 56-02 Sapphire
Thăng hạng: LỊCH NGÀY
Đối với người mới chơi đồng hồ và cả người chơi đồng hồ lâu năm, không cứ phải đồng hồ siêu phức tạp hay thiết kế rất kì lạ thì mới xứng đáng được đưa thêm vào bộ sưu tập. Đôi khi những chiếc đồng hồ thường được chủ nhân cưng và đeo nhiều nhất lại chỉ cần những tính năng cơ bản nhất.
Đối với đồng hồ chỉ giờ thông thường các nghệ nhân cũng đưa ra rất nhiều lựa chọn để phục vụ thói quen sử dụng của chủ nhân, ví dụ như một số trang bị thêm bánh 24h để khi nhìn vào có thể biết đang là 8h tối hay là 8h sáng. Tiếp đó là tích hợp thêm tính năng Lịch chỉ ngày – hay thường được gọi là “ô ngày”, đặt ở vị trí 3 giờ hoặc 6 giờ tuỳ thiết kế của mỗi hãng. Khi kim phút và giờ chạy đủ vòng 24h tiếng thì ô ngày sẽ nhảy sang ngày mới. Các hãng cũng không ngừng đưa ra các cách chỉnh ngày từ truyền thống đến tối giản hơn, phục vụ các hệ “người chơi” khác nhau.
Tudor – chỉnh ngày bằng cách vặn nút crown hết 24h thì ô ngày sẽ nhảy sang ngày mới. Lưu ý chỉnh tịnh tiến theo hướng tăng chứ không lùi, để tránh bị kẹt đĩa ngày. Dành cho chủ nhân thích tương tác với đồng hồ.
Richard Mille với cơ chế N-H-W tương tự như hộp số ô tô, chỉnh ngày bằng nút bấm, an toàn và tiện lợi, dành cho người bận rộn.
Ở cấp độ phức tạp (complications), một số chiếc đồng hồ lịch có thể trang bị thêm ô thứ bên cạnh ô ngày, thế là ngoài xem giờ ra chủ nhân liếc mắt qua đồng hồ cũng biết hôm nay ngày bao nhiêu, thứ mấy. Nâng thêm chút nữa là những chiếc đồng hồ có lịch đầy đủ, gồm cả ngày, thứ và tháng, quả là chu đáo.
Bộ lịch sử dụng hệ thống scam (ghi nhớ bằng cơ khí các lệnh đếm quãng thời gian), ví dụ hết 24 giờ thì nhảy ngày – nhảy thứ – đủ 30 hay 31 ngày thì nhảy tháng tương ứng (trong annual calendar). Tuy nhiên điểm trừ của cỗ máy này ở ở tháng 2 và đặc biệt là tháng 2 của năm nhuận thì chủ nhân bắt buộc phải tự hiệu chỉnh. Còn muốn hiệu chỉnh được cả phần tháng 2 đặc biệt này thì các chủ nhân sẽ cần phải dùng tới chức năng Lịch Vạn Niên – vốn được coi là siêu phức tạp.
Jaquet Droz Grande Seconde Moonphase
Đối với một số nơi sử dụng lịch Mặt Trăng phổ biến như ở Việt Nam ta (tháng âm lịch) thì tính năng Moonphase quả là gây được nhiều cảm tình. Chu kì mặt trăng của tháng đó hiện hữu ngay trên mặt đồng hồ, khi nào trăng tròn hay khuyết, trăng đầu tháng hay cuối tháng không chỉ khiến mặt đồng hồ sinh động hơn mà còn có cảm giác như ngắm cả bầu trời đêm trên cổ tay.
Thăng hạng: ĐA MÚI GIỜ
Gốc gác của đồng hồ khi xưa được sinh ra vốn phục vụ tầng lớp quý tộc, mà chính xác hơn cả là những thương gia và nhà thám hiểm (đi biển) thời bấy giờ. Từ việc xác định được thời gian, chia được các múi giờ, kết hợp cùng phương hướng bản đồ thế giới đã dần hình thành toàn vẹn hơn. Ngày nay những chiếc đồng hồ đa múi giờ vẫn được các doanh nhân của thời hiện đại yêu thích, nhất là khi thế giới ngày một phẳng hơn và giao thương quốc tế nở rộ. Xem giờ là một chuyện, tinh thần khai mở hiện hữu trong các thiết kế này cũng rất truyền cảm hứng.
Đồng hồ World Time có thể chỉ nhiều múi giờ, bằng một bản đồ vẽ trên mặt đồng hồ. Về diện mạo chiếc đồng hồ trông sinh động hơn so, đặc biệt nếu có bản đồ sử dụng màu sắc thì càng đỡ khô khan hơn. Chính từ bản đồ này chủ nhân có thể tự cộng trừ để suy ra giờ của các địa điểm khác trên thế giới.
Tudor Black Bay GMT
Chức năng GMT hay còn gọi là Dual Time có thể chỉ được 2-3 múi giờ tuỳ vào cách thể hiện của từng hãng. Mặt đồng hồ có độ tương phản và sử dụng các dãy số là chính, thường phổ biến trong giai đoạn các lực lượng quân đội trang bị đồng hồ rộng khắp.
Thăng hạng: Bấm giờ thể thao Chronograph
Ý nghĩa Chronograph có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, đó là sự kết hợp của từ “chronos” trong tiếng Hy Lạp là thời gian và “graph” có nghĩa là ghi. Nói một cách đơn giản nhất, Chronograph là một chiếc đồng hồ bấm giờ dùng để đo chính xác các khoảng thời gian của một sự kiện, thường được dùng trong sản xuất hay thể thao (ngày nay chủ yếu trong thể thao). Không khó liên tưởng đến bảng số điều khiển của những chiếc xe đua thể thao hoặc bảng điều khiển buồng lái của chiếc máy bay phản lực khi đắm chìm vào mặt đồng hồ Chronograph.
Richard Mille RM 11-04 Automatic Flyback Chronograph
Ra đời đã hơn 200 năm, nhưng Chronograph chưa bao giờ vơi sức hút, dường như trở thành điều “phải có” trong bộ sưu tập của nhiều nhãn đồng hồ. Nở rộ đặc biệt trong thập niên 60, Chronograph thú vị vì nó tương tác được với chủ nhân ngay trong những việc nhỏ mỗi ngày, ví dụ như đo thời gian chạy bộ, nấu bếp, làm việc. Các phi hành gia hay tay đau công thức 1 cũng đều chuộng Chronograph. Dấu hiệu nhận biết Chronograph cũng rất đặc trưng, nếu từ xa bạn thấy người đối diện đeo một chiếc đồng hồ có nhiều núm, trên mặt đồng hồ có tận mấy mặt số phụ và đặc biệt có một kim đỏ đứng im ở vị trí 12h, đó chính là Chronograph.
Tudor Black Bay Chrono
Trông thì có vẻ phức tạp nhưng Chronograph cũng không khó sử dụng. Qua nút bấm “start” (bên trên) kim chronograph (thường có đầu đỏ) sẽ chạy, các khung thời gian đo được sẽ thể hiện ở mặt số phụ từng cấp độ phút, giờ, nhiều giờ, tuỳ vào thiết kế khác nhau của các hãng. Khi đo xong chủ nhân bấm nút stop (bên dưới) để kết quả được khoá lại. Và nút stop bấm thêm lần nữa thì kim chronograph sẽ quay về vị trí xuất phát, sẵn sàng nhận lệnh cho vòng đếm tiếp theo.
(Còn tiếp)
Tại Hà Nội:
THE HOUR GLASS S&S
Sofitel Metropole – 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại : (+84) 24 3715 1279
Hotline: (+84) 944 46 5555
Tại TP. Hồ Chí Minh:
THE HOUR GLASS S&S
Union Square – 116 Nguyễn Huệ, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Điện thoại : (+84) 28 3821 6848
Hotline: (+84) 28 6682 0565