Tin tức
Ảnh đẹp
“Ta chỉ sống một lần trên đời”: thăm vương quốc của những chú gấu Bắc Cực
27/10/2021

Khi nói tới những trải nghiệm xa hoa nhất thế giới, hình ảnh những chiếc du thuyền và siêu du thuyền, máy bay cá nhân, xe sang và các bữa tiệc sẽ hiện ra trong trí tưởng tượng của số đông. Những hình thức giải trí đó đương nhiên là xa xỉ không thể bàn cãi và chỉ có một số ít người có thể hưởng thụ, tuy nhiên, gần đây thế giới nhắc nhiều hơn về hai từ “trải nghiệm”. Đỉnh cao của “trải nghiệm xa xỉ” có lẽ là đem đến những cung bậc cảm xúc có sức mạnh lay động nội tâm, khiến cá nhân tham gia cảm nhận được mọi giác quan và tìm ra những góc khác trong mình. Trải nghiệm xa hoa vì thế không chỉ nằm ở giá tiền của các vật dụng tham gia vào hành trình mà giá trị cảm xúc của hành trình đó đem lại.

Từ dãy Himalaya xa xôi, hẻo lánh đến Rococo lộng lẫy của Paris, “trải nghiệm” đích thực sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc chưa từng có về những quan điểm, văn hóa, phong cảnh, ẩm thực và thậm chí cả những địa danh ít nổi tiếng. Cho dù đó là hít thở không khí vùng núi trong lành ở Canada tại một khu cắm trại cao hơn mực nước biển 4.500 feet hay khám phá Quần đảo Komodo trên một chiếc du thuyền cổ kính, những trải nghiệm đáng kinh ngạc này đều mang đến một chủ đề thống nhất: “ta chỉ sống một lần trong đời”. Đây, những trải nghiệm xa hoa đáng để lên kế hoạch trên toàn thế giới.

Trong bài viết này, hãy cùng S&S Knightsbridge ghé thăm Svalbard – thủ đô của Bắc Cực – để tận hưởng cái lạnh cắt da cắt thị, ngắm những dòng sông băng và thăm thú những người bạn ta thường thấy trong sách vở thời thơ ấu: gấu Bắc Cực, tuần lộc Svalbard và cáo.

Từ Svalbard, Na Uy – top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Theo truyền thuyết, những người đầu tiên đặt chân lên khám phá Svalvard là bộ tộc Vikinh vào khoảng năm 1200. Tuy nhiên, nhà thám hiểm Hà Lan Villem Barentsz mới là người đầu tiên ghi chép cụ thể nhất về chuyến đi tới quần đảo này năm 1596 và đặt tên là Spitsbergen có nghĩa “những ngọn núi sắc lạnh”. Nhiều thế kỷ sau đó, các thợ săn cá voi và hải tượng từ Anh, Đan Mạch, Pháp, Na Uy, Thụy Điển và Nga bắt đầu kéo tới đây nhiều hơn. Năm 1920, Hiệp ước Paris về Spitsbergen của Na Uy cho phép quốc gia này được quyền kiểm soát lãnh thổ. Cuối cùng, vào năm 1925 Svalbard chính thức trở thành một phần của vương quốc Na Uy.

Svalbard nổi tiếng bởi các ngọn núi phủ tuyết, dòng sông băng giá lạnh và rất nhiều vịnh hẹp. Bên cạnh đó, những ngôi nhà nằm san sát nhau theo từng hàng ngay ngắn và được sơn nhiều màu sắc sặc sỡ để nổi bật trên nền tuyết trắng, như xua đi cái đơn độc – nơi cây cối không thể sinh trưởng do băng và giá rét quanh năm. Ở Svalbard vẫn có 3 mùa rõ rệt là mùa hè vùng cực, mùa đông với cực quang và mùa đông có nắng. Vì quanh năm nằm trong giá lạnh và tuyết trắng, giữa các khu dân cư không có con đường nào kết nối. Và mọi người buộc phải di chuyển bằng phương tiện tàu thuyền vào mùa hè và xe trượt tuyết vào mùa đông.

Thị trấn Longyearbyen – điểm định cư lớn nhất và là trung tâm hành chính của Quần đảo Svalbard. Đây cũng được coi như “điểm dừng chân cuối cùng trước khi tới Cực Bắc”. Thị trấn có khoảng 2.040 người, họ chủ yếu làm nghề du lịch và các nhà khoa học, thám hiểm chuyên nghiên cứu và khám phá về Bắc Cực đến sinh sống. Đó là một cộng đồng đa văn hóa với gần 50 quốc tịch khác nhau như Nga, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Chile, Philippines và Thái Lan… Trong đó, người Thái Lan là nhóm dân đông thứ 2 chỉ xếp sau Na Uy, thậm chí ở Longyearbyen còn có một siêu thị và một nhà hàng Thái Lan.

Những ngôi nhà ở Longyearbyen nằm san sát nhau theo từng hàng ngay ngắn và được sơn nhiều màu sắc sặc sỡ để nổi bật trên nền tuyết trắng

Tại Longyearbyen, có đầy đủ cửa hàng, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, quán bar, thư viện, rạp chiếu phim. Ngoài ra, còn có rất nhiều lễ hội, sự kiện văn hoá nên dù phải chìm trong bóng đêm trong 4 tháng mùa đông, người dân vẫn có thể tham gia nhiều hoạt động một cách bình thường và tận hưởng hiện tượng đặc biệt đó.

Trên thực tế, nhà và việc làm ở đây đều rất hạn chế, chi phí để mua một căn nhà rất đắt và hầu hết đều đã thuộc sở hữu. Bên cạnh đó, Quần đảo Svalbard cũng là nơi lý tưởng để sinh sống khi chính quyền không yêu cầu visa và tỷ lệ tội phạm thấp. Cuộc sống ở đây trôi qua mỗi ngày yên bình, người dân địa phương rất thân thiện và hiếu khách, mọi nơi đều khá gần và có thể đi bộ.

Đến Vương quốc của ánh sáng và những chú gấu Bắc Cực

Vương quốc của những chú gấu Bắc Cực

Nằm giữa những cánh đồng tuyết trắng mênh mông trải dài, cây cối phủ sương đá long lanh hệt những cánh rừng san hô ngút ngàn, Svalbard đích thực là vương quốc của gấu Bắc Cực. Gần tới bờ biển đã thấy những chú gấu lang thang kiếm ăn, chúng mập ù vì ních no nê cá biển. Một chàng gấu duỗi dài người tựa đầu trên một tảng băng, coi bộ chẳng thèm để ý tới nhóm người xúm quanh chụp hình nó. Cách đó khoảng trăm mét, ba mẹ con gấu đang đùa giỡn vui vẻ, gấu mẹ lăn kềnh ra mặt băng cho hai con nhào lộn qua lại rồi nằm lên bụng.

Ngoài ra có cả những con cáo Bắc cực với bộ lông xù trắng toát như tuyết và chùm lông đuôi rậm. Chúng thường hay luẩn quẩn xung quanh, chắc đợi coi có sơ múi gì không từ đồ thừa của bọn gấu.

Gấu Bắc Cực – những người khổng lồ vĩ đại ở Svalbard

Dựa vào thống kê của Visit Svalbard, trên các hòn đảo ở Svalbard có đến 3.000 con gấu Bắc Cực. Theo Forbes, số lần du khách bắt gặp gấu hoặc các loài vật quý hiếm ở đây ngày một nhiều hơn, đặc biệt vào mùa đông. Thông thường gấu Bắc Cực chủ yếu sống ở phía bắc thị trấn Longyearbyen nhưng do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nguồn thức ăn mất dần đi, đôi khi chúng sẽ mạo hiểm vào thị trấn để kiếm ăn và trở thành mối đe doạ lớn với người dân.

Cáo Bắc cực với bộ lông trắng toát như những quả cầu tuyết

Khi ra ngoài người Svalbard thường mang theo một khẩu súng săn để phòng đối mặt với gấu Bắc Cực vì số lượng loài này còn nhiều hơn số dân, với khoảng 3.000 con so với 2.926 dân toàn quần đảo. Vì vậy, Svalbard có một điều luật mà du khách cần biết là không được bắn gấu khi nó ở khoảng cách xa hơn 30 m; ngay cả khi dưới cự ly này thì phải có ít nhất hai người làm chứng là bị gấu tấn công mới được phép bắn, nếu không sẽ phải hầu tòa về tội giết gấu.

Vùng núi đồ sộ, hùng vĩ

Đập vào mắt những nhà du lịch thám hiểm là cảnh tượng hùng vĩ của núi tuyết Svalbard. Những ngọn núi băng đồ sộ in bóng trên chân trời, thi thoảng vài cơn tuyết lở trôi tuôn xuống tựa thác đổ. Núi băng trôi trên mặt biển càng kỳ thú hơn, có tảng giống vòm cổng trời, tảng hình trái lê, có tảng y như được đục đẽo khéo léo trông như mặt người nhìn nghiêng.

Một trong những phần nguy hiểm nhất của chuyến phiêu lưu ở Svalbard là khám phá các hang băng. Khi đi vào hang băng nằm sâu trong lòng núi tuyết Scott Turner, với ngọn đèn gắn trên nón soi rõ một đường hầm hun hút, hai bên vách nước đá trơn trượt, nhà thám hiểm sẽ ngỡ ngàng, hoa mắt trước vòm hang cao vút cùng những sợi băng dài xuống. Chúng tựa đăng ten nhấp nha nhấp nháy khi ánh đèn rọi vào. Khung cảnh ngoạn mục ấy khiến người ta phải trầm trồ: cứ như lạc giữa cung điện pha lê, chùm chùm dòng thủy thạch trong suốt, đa dạng, phong phú… tha hồ cho sức tưởng tượng của người ngắm nhìn chúng hóa thành chim, thú, bông hoa.

Bên cạnh đó, người dân ở đây săn bắt hàng trăm con chim rồi đem vùi dưới tuyết để dự trữ, đến mùa đông moi lên làm thực phẩm. Tu ngụm bia nóng, cắn miếng thịt chim béo ngậy, mằn mặn, quả là phần thưởng xứng đáng sau một ngày dài vất vả hay chuyến phiêu lưu xa xôi.

Cuộc dạo chơi của ánh sáng

Một món quà tuyệt vời mà mẹ Thiên Nhiên đã tặng cho Svalbard chính là cực quang. Bầu trời cao vòi vọi trong vắt đầy sao, bổng lòe chớp một lằn tím, rồi hai ba tia cam tia hồng tợ pháo bông. Phút chốc cả không gian bừng sáng với những dãy xoắn ốc, xoáy tròn xanh, đỏ rực, vàng óng ả chẳng khác nào triệu triệu sợi tơ đa sắc bung ra, uốn dệt nên một bức tranh vô cùng rực rỡ. Ánh sáng đua nhau khiêu vũ đan chéo với trăm sắc ngàn vẻ: khi ấm áp màu bình minh, khi long lanh sắc lá, nhuộm vàng dáng thu liên tục bay bổng tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Svalbard là nơi xem Bắc cực quang đẹp nhất, thường từ tháng 11 tới tháng 4, các du khách thường kéo nhau tới đây để xem ông trời dệt tơ, đặc biệt vào các đêm trời càng trong thì màu sắc càng đẹp.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cực quang sinh ra do tương tác của các hạt trong gió mặt trời với từ trường của trái đất, vì thế chúng rõ nét nhất ở vĩ độ cao gần cực từ như Bắc bán cầu (Bắc cực quang) và ở Nam bán cầu thì là Nam cực quang. Mê mẩn suốt mấy đêm xem vũ hội màu sắc giữa bầu trời cao, con người vẫn không thôi mãn nhãn, đắm chìm trong vũ trụ thần tiên.

Du khách đến Svalbard đều có thể dừng chân nghỉ ngơi tại các Igloos – được tạo thành từ 10 mái vòm nóng. Một căn lều tuyết ấm cúng, nhà vệ sinh riêng, quản lý trại tại chỗ, hướng dẫn hoang dã Bắc Cực, đầu bếp và đội an ninh – tất cả đều có đủ. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngắm nhìn những vì sao tại trung tâm băng giá của Bắc Băng Dương?

Tổng chuyến đi là bao nhiêu sẽ còn tùy thuộc vào nơi bạn xuất phát, nhưng chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ dành cho các vị khách yêu thiên nhiên, đam mê xê dịch. Bạn chẳng cần lo lắng nhiều, vì sẽ được hướng dẫn mang các dụng cụ hay trang phục phù hợp với nơi đây.

Svalbard – không chỉ là một hòn đảo, mà đích thực là món quà của mẹ Thiên Nhiên đem tặng con người, từ gấu trắng giỡn hớt, hải cẩu, cá voi bơi lặn, đến cảnh tượng bầu trời dệt tơ, cuộc dạo chơi của ánh sáng hay những giây phút bình yên, sống chậm lại giữa cuộc đời vội vã.

Nguồn: Tổng hợp

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer