2021 là một năm quan trọng đối với Grand Seiko khi chứng kiến sự ra đời của bộ chuyển động thế hệ mới nhất của thương hiệu – cal. 9SA5. Được miêu tả là một bộ máy hiện đại với tính thẩm mỹ cơ khí cùng bộ thoát độc quyền, cal. 9SA5 xuất hiện lần đầu trong phiên bản “White Birch” SLGH005. Không chỉ dừng lại ở đó, hai năm sau, thương hiệu tiếp tục phát triển bộ máy cal. 9SC5 dựa trên 9SA5 và ra mắt Grand Seiko Tentagraph SLGC001.
Sở hữu kích thước lớn cùng vẻ ngoài năng động thể thao, bộ vỏ của Tentagraph được chế tác hoàn toàn bằng Titanium. Sự ra đời của Tentagraph đánh dấu cột mốc quan trọng của Grand Seiko với tư cách là chiếc đồng hồ bấm giờ cơ học đầu tiên của thương hiệu. “Tentagraph” là tên viết tắt đại diện cho chính tính năng độc đáo của chiếc đồng hồ: TEN beats per second, Three days of power reserve, Automatic winding, and chronoGRAPH. (Mười nhịp mỗi giây, dự trữ năng lượng trong ba ngày, lên dây tự động và chức năng đồng hồ bấm giờ.)
Tentagraph có tất cả các đặc điểm của một chiếc đồng hồ bấm giờ thể thao hiện đại, với thông số kỹ thuật cao và hiệu năng tối ưu được Grand Seiko hoàn thiện tỉ mỉ từ trong ra ngoài. Từ góc độ kỹ thuật, Tentagraph là chiếc đồng hồ bấm giờ tần số cao với mức dự trữ năng lượng lớn nhất trên thị trường – 3 ngày.
Về mặt thẩm mỹ, Tentagraph vẫn giữ được những nét đặc trưng của Grand Seiko cùng một số thay đổi đem lại kiểu dáng thể thao và năng động. Các kim và vạch số được thiết kế rộng hơn, trong khi phần tai được đặt cách xa nhau để tạo sự chắc chắn cho chiếc đồng hồ.
Trái ngược với kích thước lớn 43mm của mình, Tentagraph đem lại cảm giác rất thoải mái khi đeo trên cổ tay, phần lớn nhờ vào dây đeo và bộ vỏ bằng Titanium cùng các nút bấm được thiết kế nằm ngang với nút crown – một thay đổi nhỏ nhưng vô cùng tinh tế của các nhà thiết kế đến từ Grand Seiko.
Khi nhìn từ xa, ta vẫn có thể thấy Tentagraph tỏa sáng từ mọi khía cạnh, từ phần vỏ và mặt số được hoàn thiện tinh xảo cho đến thiết kế nổi bật, và không thể thiếu đó là bộ chuyển động tần số cao được đánh giá tiên tiến nhất hiện nay.
Một phiên bản thể thao của dòng Evolution 9
Những ấn tượng đầu tiên của bạn khi nhìn thấy Tentagraph sẽ rất rõ rệt và sâu sắc, vì dù không có quá nhiều màu sắc nhưng chiếc đồng hồ vẫn vô cùng nổi bật trên cổ tay. Phần viền bezel bằng ceramic đen và mặt số màu xanh đậm tích hợp nhiều chi tiết phức tạp của chế tác đồng hồ nhưng vẫn tạo được cảm giác gắn kết gần gũi với chủ nhân của mình.
Mặt số màu xanh đậm là điểm nhấn chính của Tentagraph, khi được lấy cảm hứng từ “Mount Iwate” nổi tiếng của Nhật Bản. Nhìn kỹ hơn, ta có thể thấy phần hoàn thiện tựa những chiếc lông vũ nhỏ bên trong mặt số, đem lại trải nghiệm thị giác mới lạ và thú vị hơn. Đây cũng được xem là một lựa chọn thiết kế thông minh và đặc biệt hiệu quả trên Tentagraph vì sự tương phản của phần mặt số với chi tiết sắc nét, góc cạnh trên bộ vỏ của chiếc đồng hồ, càng được cộng hưởng nhiều hơn nhờ vào kích thước nổi bật của nó.
Ngoài ra, trên mặt số còn là các cọc số rộng được cắt sắc nét, nổi bật trên nền màu xanh lam. Chúng vốn là yếu tố cốt lõi của “Evolution 9” – một dạng ngôn ngữ thiết kế đóng vai trò là nền tảng cho các mẫu đồng hồ hiện đại nhất của thương hiệu.
Phân tích rõ hơn, các cọc số được gọt dũa một cách chi tiết. Mặt trên cùng của chúng đều được nâng lên một chút và có các rãnh tuyến tính (là thành quả của quá trình phay), giúp phân tán ánh sáng tốt hơn ở các góc độ khác nhau. Sau đó, chúng sẽ được phủ một lớp dạ quang giúp nâng cao khả năng hiển thị của Tentagraph trong điều kiện thiếu ánh sáng.
*LumiBrite là một loại sơn dạ quang huỳnh quang được cải tiến và phát triển mới bởi Grand Seiko, nhanh chóng hấp thụ một lượng ánh sáng lớn hơn tiếp xúc với nó, phát sáng hơn và sáng lâu trong bóng tối. Công nghệ mới này hoàn toàn không có chất gây hại, đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. nó là sự kế thừa lý tưởng cho sơn dạ quang phóng xạ và sơn huỳnh quang thông thường
Trong khi các cọc số được làm nổi bật thì ô hiển thị ngày lại được thiết kế để hòa vào mặt số. Phần khung của ô được phủ màu xám đậm, trong khi đĩa ngày có màu xanh đậm. Các nhà thiết kế của Tentagraph có lẽ đã chú ý đến những lời góp ý của giới mộ điệu về ô hiển thị ngày bị tách biệt so với mặt số của các phiên bản trước.
Kim giờ và kim phút đều lớn ngang nhau đề phù hợp với phần cọc số rộng. Được hoàn thiện tương tự như các cọc số nên phần kim hiển thị rất rõ ràng – một yếu tố quan trọng đối với mặt số phức tạp nhiều chi tiết. Bên cạnh đó, kim giờ rộng hơn đáng kể so với kim phút để có thể dễ phân biệt và nhận biết được thời gian.
Ngược lại, các kim trong mặt số phụ Chronograph lại đơn giản hơn và không có lớp lume dạ quang. Các mặt số phụ cũng được sắp xếp khác với quy ước (khi mặt số hiển thị giây thường sẽ nằm ở khu vực 6 hoặc 9 giờ). Đối với Tentagraph, mặt số phụ ở vị trí 3 giờ hiển thị giây, ở vị trí 6 giờ hiển thị số giờ và vị trí 9 giờ hiển thị số phút của chức năng Chronograph.
Tất cả các mặt số phụ đều nằm thấp hơn so với mặt số lớn, đồng thời phần rìa được đánh bóng giúp tạo thêm hiệu ứng chiều sâu cho chiếc đồng hồ.
Trên viền bezel là thang đo tốc độ tachymeter, tiêu chuẩn cho đồng hồ bấm giờ thể thao được sử dụng trong các cuộc đua mô tô trước đây. Đáng chú ý, bề mặt phía trên của viền bezel được chải xước đồng tâm trong khi cạnh dốc được đánh bóng gương, một sự kết hợp khác thường của các lớp hoàn thiện tương phản hiếm thấy.
Xét về tổng thể, mặt trước của Tentagraph có cấu trúc gắn kết, trong khi từng chi tiết riêng lẻ đều được hoàn thiện tỉ mỉ và tinh xảo.
Trọng lượng ấn tượng
Tentagraph có bộ vỏ với kích thước 43,2mm và dày 15,3mm, không quá lớn cũng không quá nhỏ nếu so với một chiếc đồng hồ thể thao. Vỏ và dây đeo được làm bằng titan để tạo độ nhẹ, thoải mái hơn khi đeo nếu so với những chiếc đồng hồ bằng thép.
Bộ vỏ bằng Titan của Tentagraph được hoàn thiện bằng sự kết hợp giữa các bề mặt được đánh bóng và chải tia. Các bề mặt chính, chẳng hạn như ở trên phần tai đồng hồ và ở hai bên bộ vỏ có các đường vân thẳng, trong khi các cạnh được vát và đánh bóng. Những ai thích thay đổi dây đeo sẽ nhận ra chi tiết đặc biệt, đó là các lỗ trên thành lò xo được khoan ở hai bên để quá trình tháo dây đeo thuận tiện hơn.
Một chi tiết quan trọng của bộ vỏ là vị trí của các nút pusher, vì thông thường đối với hầu hết các chiếc đồng hồ bấm giờ, nút pusher thường nằm ở vị trí cao hơn nút crown do cấu trúc phân lớp của bộ chuyển động.
Tuy nhiên, các nhà thiết kế của Tentagraph đã chú ý đến điều này và có chút thay đổi, khi đặt các nút pusher nằm ngang hàng với núm crown.
Bản thân các nút pusher thường lớn và có hình tròn, thậm chí có kích thước gần bằng nút crown. Những nút bấm cỡ lớn này là chi tiết được lấy cảm hứng từ các phiên bản Chronograph trước đây của Grand Seiko, cũng nhờ vậy mà các thao tác với chức năng bấm giờ sẽ thuận tiện và chính xác hơn.
Phần dây đeo bằng titan của Tentagraph, giống như trên các mẫu Grand Seiko khác, được tạo thành từ các liên kết cong tinh tế vừa khít với cổ tay, đồng thời vẫn có nhiều không gian để thoáng khí. Hình dạng tròn của các liên kết cũng loại bỏ các cạnh sắc nhọn có thể tiếp xúc với da khi đeo, tránh gây trầy xước.
Ngoài ra, phần dây đeo còn được trang bị một móc cài có bốn vị trí điều chỉnh để phù hợp với các kích cỡ cổ tay khác nhau.
Bộ chuyển động HI-Beat Chronograph
Cung cấp năng lượng cho chiếc Tentagraph là bộ máy cal. 9SC5 được sản xuất dựa trên bộ chuyển động tiền nhiệm 9SA5 cùng mô đun Chronograph ở dưới mặt số. Bên cạnh đó, dù được tích hợp thêm tính năng Chronograph nhưng không có quá nhiều sự khác biệt giữa mức dự trữ năng lượng của 9SC5 và 9SA5, chứng tỏ các nghệ nhân đã thành công trong việc tối ưu hóa năng lượng của bộ chuyển động.
Nếu chỉ xét riêng về các mẫu đồng hồ Chronograph với tần số cao trên thị trường, thì Tentagraph là phiên bản có mức dự trữ năng lượng tốt nhất – 72 giờ.
Tính năng mới nhất của bộ chuyển động là Bộ thoát xung kép (Dual Impulse Escapement) độc quyền của Grand Seiko. Về cơ bản, đây là sự nâng cấp cho bộ thoát đòn bẩy phổ biến của Thụy Sĩ dựa vào các xung gián tiếp. Bộ thoát xung kép cung cấp xung lực trực tiếp cho bánh xe cân bằng trong một nửa chu kỳ dao động của bộ thoát, tăng hiệu suất tổng thể của bộ thoát.
Một đặc điểm đáng chú ý khác của bộ thoát là bánh xe cân bằng lò xo tự do với cấu trúc đặc biệt gồm bốn quả cân điều chỉnh đặt bên trong. Cấu trúc này giúp tối đa hóa đường kính của bộ phận cân bằng, từ đó tăng cường quán tính cho bộ phận cân bằng, mang lại sự ổn định tốt hơn cho chiếc đồng hồ theo thời gian.
Chức năng Chronograph được điều khiển bởi một bộ ly hợp thẳng đứng nằm gần trung tâm của bộ chuyển động. Với ưu điểm lớn nhất nằm ở độ chính xác, bộ ly hợp dọc đang dần trở thành một tiêu chuẩn phải có đối với các bộ máy Chronograph hiện đại. Sở hữu cấu trúc đặc biệt, cơ chế này tránh được tình trạng kim giây bị nhảy khi kích hoạt tính năng bấm giờ – một điều thường xảy ra với bộ ly hợp hai bên.
Bộ ly hợp dọc được gắn bằng một cặp kẹp cho phép khởi động và dừng lại tính năng Chronograph. Khi tính năng bấm giờ được kích hoạt, bộ kẹp sẽ mở và nhả ly hợp dọc, cho phép nó ăn khớp với bánh răng thứ tư của bộ chuyển động cơ sở. Bánh răng sau đó cung cấp động lực để vận hành chức năng bấm giờ. Điều tương tự cũng xảy ra khi dừng chức năng bấm giờ, khi bộ kẹp sẽ đóng lại, nâng ly hợp dọc và nhả nó ra khỏi bánh răng thứ tư, do đó đóng băng cơ chế bấm giờ.
Bộ ly hợp dọc với các kẹp ở mỗi bên.
Ta có thể quan sát rõ hơn phần kẹp theo góc trực diện
Khi cơ chế bấm giờ đang chạy, cả bộ đếm phút và giờ đều được điều khiển liên tục thông qua xung lực từ bộ ly hợp dọc. Kết quả là cả hai kim đo đều chuyển động mượt mà, thay vì “nhảy” như trên các đồng hồ bấm giờ khác. Ưu điểm của bộ đếm được vận hành liên tục là cung cấp năng lượng ổn định cho bộ chuyển động, có nghĩa là chức năng Chronograph vẫn sẽ hoạt động trơn tru ngay cả khi mức năng lượng dự trữ bên trong sắp hết.
Cơ chế điều khiển đứng sau bộ ly hợp dọc là bánh xe cột, được ưa chuộng hơn so với bánh cam vì khả năng hoạt động mượt mà và liền mạch hơn. Ngoài ra, quá trình sản xuất bánh xe cột cũng tốn kém hơn vì thành của các trụ bánh xe phải được đánh bóng và chế tạo với dung sai chính xác.
Độ hoàn thiện tinh xảo
Hầu hết các bộ máy Grand Seiko truyền thống đều có mặt sau được đóng kín, vì tính thẩm mỹ lúc bấy giờ chưa quá phổ biến nếu so với công năng và hiệu suất. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển, những mong muốn của giới mộ điệu ngày càng khắt khe và đa dạng hơn, đòi hỏi sự thích nghi và đột phá của các thương hiệu. Không chỉ đem lại công dụng về mặt chỉ báo thời gian, những chiếc đồng hồ cần phải có cho mình một nét đặc trưng riêng, từ lớp hoàn thiện bên ngoài cho đến bộ máy phức tạp bên trong.
Với tư cách là một trong những bộ chuyển động cơ học hàng đầu của Grand Seiko, bộ máy 9SC5 sở hữu tính thẩm mỹ đáng ngưỡng mộ khi là cầu nối cho nhiều chi tiết riêng lẻ kết hợp lại với nhau, đồng thời thể hiện được nét đẹp đặc trưng của từng bộ phận. Trên thực tế, đây là một trong số những bộ máy đầu tiên được Grand Seiko chăm chút vẻ ngoài, lấy cảm hứng đặc biệt từ ngành chế tác đồng hồ của Thụy Sĩ.
Kết luận
Tentagraph đại diện cho tham vọng của Grand Seiko trên hành trình chinh phục vũ đài thời gian, với bộ chuyển động chất lượng cao cùng ngoại diện thanh lịch cuốn hút. Bên cạnh đó, với một chiếc đồng hồ đa chức năng và viền bezel có thanh đo tốc độ tachymeter thì thiết kế của Tentagraph lại khá cân bằng và rõ ràng.
Không phải tự nhiên mà Tentagraph được đề cử tại hạng mục dành cho những chiếc đồng hồ bấm giờ Chronograph xuất sắc nhất của sự kiện GPHG 2023 (GRAND PRIX D’HORLOGERIE DE GENÈVE 2023) diễn ra tại Thụy Sĩ năm vừa rồi. Điều này sẽ là động lực to lớn để thương hiệu tiếp tục phát triển trên con đường phía trước, với nhiều tạo tác tinh xảo kế tiếp xuất hiện trong tương lai.
Liên hệ nhà phân phối thương hiệu Grand Seiko tại Việt Nam
Hà Nội
S&S KNIGHTSBRIDGE
Sofitel Legend Metropole Hà Nội, 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hotline: (+84) 944 46 5555
Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00 Thứ 2 – Chủ nhật
TP. Hồ Chí Minh
S&S KNIGHTSBRIDGE
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: (+84) 283 821 6848
Giờ mở cửa: 9:00 – 22:00 Thứ 2 – Chủ nhật