Với sự ra mắt của Royal Oak Concept Flying Tourbillon kích thước 44mm này, lần đầu tiên bộ vỏ titan của chiếc đồng hồ phức tạp này được phủ lên một lớp ceramic xanh lá cây, mang đến ngoại diện mạnh mẽ và hiện đại. Bộ chuyển động bên trong có kiến trúc màu đen, được chiêm ngưỡng thông qua mặt số và lớp kính sapphire ở mặt sau bộ vỏ, nổi bật với các chi tiết CVD màu xanh lá cây phù hợp với màu sắc của viền bezel.
SẮC XANH LÁ NỔI BẬT
Phiên bản Royal Oak Concept Flying Tourbillon GMT có bộ vỏ chất liệu bằng titanium phun cát cùng viền bezel, nút crown và các nút bấm đều được làm từ ceramic xanh và hoàn thiện thủ công với các đường vát đánh bóng và chải satin xen kẽ. Mặc dù ceramic xanh lần đầu tiên được Audemars Piguet giới thiệu trong BST Royal Oak Offshore vào năm 2018, nhưng cho đến năm 2022 thì chất liệu này mới xuất hiện trên Royal Oak Concept.
Bột zirconium Oxide (ZrO2), được biến đổi để thu được sắc tố xanh sau khi nung, được trộn với hàm lượng chất kết dính chuyên dụng trước khi chuyển thành ceramic thông qua quy trình công nghiệp phức tạp đòi hỏi các giai đoạn gia công có độ chính xác cao khác nhau. Thành phần chính xác của ceramic vẫn được Audemars Piguet giữ bí mật, và hỗn hợp chỉ đạt được màu xanh lục cuối cùng sau khi chúng được thiêu kết ở nhiệt độ hơn 1.400°C.
Việc đạt được màu sắc đồng nhất là một thách thức lớn khác vì chỉ cần sơ suất trong quá trình thiêu kết có thể khiến cho màu không đồng đều và phải thực hiện lại từ đầu. Sau đó, các nghệ nhân hoàn thiện từng chi tiết của bộ vỏ một cách tỉ mỉ, mang đến cho chiếc đồng hồ một ngoại diện lấp lánh và tinh xảo nhất.
Theo quy tắc thiết kế của Royal Oak Concept, bộ chuyển động bên trong thường sẽ chiếm vị trí trung tâm trên cả mặt số và ở mặt sau của chiếc đồng hồ. Để nhấn mạnh vào chất liệu ceramic xanh, bộ máy lên cót thủ công Calibre 2954 mang đến sự tương phản với phần cầu nối PVD màu đen nhờ vào phương pháp Chemical Vapor Deposition (Lắng đọng hơi hóa học) khi được phủ một lớp màu xanh lá cây rất mỏng. Ngoài việc mang lại hiệu ứng ánh sáng phong phú, kỹ thuật này còn đảm bảo tính đồng nhất màu sắc giữa các thành phần cũng như màu sắc không thay đổi theo thời gian.
Tông màu tương phản của đồng hồ được tô điểm bằng các điểm nhấn bằng vàng hồng. Chi tiết kim chỉ giờ được phủ một lớp phát quang cùng logo AP được đặt ở vị trí 12 giờ. Chiếc đồng hồ đi kèm dây đeo cao su màu xanh lá cây, được trang bị khóa gập AP bằng titan phun cát, hoàn thiện tổng thể của thiết kế.
______
SỰ KẾT HỢP GIỮA YẾU TỐ TRUYỀN THỐNG VÀ THIẾT KẾ TƯƠNG LAI
Bộ máy Calibre 2954 lên cót thủ công bao gồm cơ chế flying tourbillon cùng tính năng GMT (giờ chuẩn Greenwich) – và chỉ báo nút crown ở vị trí 6 giờ với các chữ cái H, N và R tương ứng tượng trưng cho vị trí cài đặt thời gian, vị trí trung tính và các vị trí lên cót.
Ô hiển thị cơ chế GMT nằm ở vị trí 3 giờ cung cấp thời gian ở múi giờ thứ hai. Nó được điều chỉnh bằng nút bấm ở vị trí 4 giờ (mỗi lần nhấn sẽ điều chỉnh thời gian thêm một giờ). Chỉ báo múi giờ thứ hai, bao gồm 2 tấm xếp chồng lên nhau. Tấm đầu tiên hoàn thành một vòng quay trong 12 giờ, được chế tác bằng sapphire sở hữu các hình màu trắng có viền đen. Ngược lại, tấm ngày/đêm được mài giũa từ đồng than, hoàn thành 1 vòng quay trong 24 giờ và có hai vùng màu: nửa màu trắng dành cho ban ngày và nửa màu xanh lá cây tượng trưng cho thời gian ban đêm.
Calibre 2954 được trang bị hệ thống thùng cót đôi song song đã được cấp bằng sáng chế của Audemars Piguet, đảm bảo rằng Royal Oak Concept Flying Tourbillon GMT có thể hoạt động lên tới 10 ngày trước khi cần lên cót trở lại. Năng lượng từ hai thùng cót được đưa vào hệ thống bánh răng cùng lúc thông qua một bánh răng liên kết duy nhất, đảm bảo cho quá trình truyền năng lượng đồng bộ và trơn tru. Bên cạnh đó, khi hệ thống này làm giảm áp suất trong bánh răng, ma sát trong hai thùng cót được sử dụng để bù đắp sự thay đổi mô-men xoắn và gia tăng độ chính xác, khả năng dự trữ năng lượng và sự bền bỉ.
_____
CỘT MỐC 2 THẬP KỶ CỦA ROYAL OAK CONCEPT
Royal Oak Concept ra mắt vào năm 2002 để kỷ niệm 30 năm thành lập Royal Oak. Nhân dịp này, Audemars Piguet đã trình làng phiên bản giới hạn 150 chiếc lấy cảm hứng từ những chiếc xe Concept với chất liệu kết hợp giữa titan với Alacrite 602, một hợp kim nhẹ nhưng có độ bền cao được sử dụng chủ yếu trong ngành hàng không. Trong khi viền bezel vẫn giữ hình bát giác đặc trưng của Royal Oak, thì bộ vỏ kích thước 44mm của chiếc đồng hồ có độ cong phù hợp với hình dạng tự nhiên của cổ tay, từ đó tạo sự thoải mái cho người chủ nhân. Để bổ sung cho tính thẩm mỹ của bộ vỏ, mặt số phơi bày bộ máy lên cót thủ công tiên tiến, đồng thời cung cấp nhiều chức năng cải tiến bao gồm: hệ thống hiển thị vị trí nút crown, ô hiển thị năng lượng dự trữ tuyến tính. Lồng tourbillon và phần cầu nối hấp thụ chấn động của chiếc đồng hồ cũng có thể được chiêm ngưỡng ở vị trí 9 giờ.
CW1 – Chiếc Royal Oak Concept đầu tiên ra mắt năm 2002
Mặc dù ban đầu Audemars Piguet chỉ muốn giới thiệu Royal Oak Concept như một phiên bản giới hạn đặc biệt, tuy nhiên nó đã thiết lập nên một tiêu chuẩn thẩm mỹ hoàn toàn mới cho Haute Horlogerie thế kỷ 21, từ đó dẫn đến việc trở thành một BST riêng biệt. Vào năm 2008. Audemars Piguet đã cho ra mắt Royal Oak Carbon Concept Tourbillon và Chronograph với bộ vỏ tiên phong được làm từ carbon, ceramic và titan rèn. Kể từ đó. Royal Oak Concept đã trở thành nền tảng để các nghệ nhân thử nghiệm nhiều loại vật liệu mới, thiết kế tiên phong và các tính năng cải tiến phù hợp với triết lý của thương hiệu.
Vào năm 2011, Audemars Piguet đã ra mắt chiếc Royal Oak Concept Tourbillon GMT đầu tiên với bộ vỏ được chế tác từ titanium và ceramic đen. Mặt số bao gồm lồng tourbillon của bộ chuyển động openworked, phần cầu nối màu đen có hình dạng của đồng hồ cát, vị trí nút crown và chỉ báo múi giờ thứ hai. Royal Oak Concept Tourbillon GMT tiếp tục được phát triển vào năm 2014 khi Audemars Piguet giới thiệu một phiên bản khác kết hợp giữa titanium và ceramic trắng.
Royal Oak Concept Laptimer Michael Schumacher
Vào năm 2015, Audemars Piguet đã cho ra mắt chiếc Royal Oak Concept Laptimer được cấp bằng sáng chế với sự hợp tác của Michael Schumacher, chiếc đồng hồ cơ đầu tiên có thể đo nhiều thời gian vòng đua liên tiếp trên đường đua. Chiếc đồng hồ này cũng đánh dấu cho mối hợp tác đầu tiên của bộ sưu tập. Cùng năm đó, thương hiệu đã công bố nguyên mẫu Royal Oak Concept Supersonnerie, còn được gọi là RD#1. Công nghệ được cấp bằng sáng chế này là kết quả của tám năm nghiên cứu cộng tác với EPFL, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne và một loạt các chuyên gia, bao gồm cả các nhạc sĩ, để khôi phục âm sắc của đồng hồ điểm chuông cũ.
Royal Oak Concept Flying Tourbillon
Vào năm 2018, Audemars Piguet đã ra mắt BST Royal Oak Concept Selfwinding Tourbillon Chronograph Openworked, với ba phiên bản màu trắng, xanh lam và đỏ. Cùng năm đó, thương hiệu cũng trình làng cơ chế flying tourbillon đầu tiên trong bộ sưu tập Royal Oak Concept, được trang bị trên Royal Oak Concept đầu tiên dành cho phái đẹp – mẫu đồng hồ với kích thước 38,5mm được khảm kim cương.
Flying tourbillon sau đó cũng tích hợp bộ chuyển động GMT mới nhất được trang bị cho chiếc đồng hồ làm từ titanium và ceramic đen. Thế hệ Flying Tourbillon GMT mới được trang bị Calibre 2954 này đã giới thiệu một bộ máy cùng nét thẩm mỹ đặc sắc với các cầu nối bằng titan đen bất đối xứng được làm nổi bật với các điểm nhấn tông màu vàng hồng. Một phiên bản mới của Royal Oak Concept Flying Tourbillon GMT ra mắt vào năm 2020 có vỏ bằng titan, viền bezel bằng ceramic màu xám và bộ chuyển động có phần cầu nối màu xanh trải qua quá trình ALD (lắng đọng lớp nguyên tử) và các miệng đệm màu xám đá phiến.
𝐀𝐮𝐝𝐞𝐦𝐚𝐫𝐬 𝐏𝐢𝐠𝐮𝐞𝐭
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 10:00 am – 9:00 pm từ thứ Hai đến Chủ Nhật