Hành trình khám phá vật liệu của Audemars Piguet tiếp tục khi thương hiệu vừa giới thiệu chiếc đồng hồ đầu tiên được chế tác bằng chất liệu vàng cát, một hợp kim vàng 18 carat mang lại hiệu ứng ánh sáng độc đáo. Sở hữu tông màu nằm giữa vàng hồng và vàng trắng, sắc màu của chất liệu vàng cát sẽ thay đổi tùy theo góc nhìn và cường độ ánh sáng vào mỗi thời điểm, do đó mang đến nhiều trải nghiệm thị giác khác nhau. Và để kỷ niệm cột mốc tiên phong này, thương hiệu đã sử dụng vàng cát làm chất liệu cho chiếc Royal Oak Selfwinding Flying Tourbillon Open kích thước 41mm.
Để tạo sự hòa hợp với bộ vỏ, các nghệ nhân cũng đã phát triển tông màu vàng cát cho phần cầu nối và đĩa của bộ chuyển động 2972, với kiến trúc nhiều lớp chiếm vị trí trung tâm ở cả mặt trước và sau của chiếc đồng hồ. Màu vàng cát mới này có sự tương phản đáng kể so với các bộ phận tông màu rhodium của bộ máy, tạo nên chiều sâu và hiệu ứng 3D độc đáo cho mặt số. Kết quả sau cùng là một tạo tác hài hòa giữa sự phức tạp về kỹ nghệ và thiết kế đương đại.
SẮC VÀNG TIÊN PHONG
Phiên bản Royal Oak Selfwinding Flying Tourbillon Openworked 41mm ra mắt với chất liệu vàng cát do chính đội ngũ phát triển của Audemars Piguet nghiên cứu. Về bản chất, chất liệu này được đặt tên theo những cồn cát dưới ánh sáng mặt trời, kết hợp vàng với đồng và palladium để mang lại cảm giác ấm áp. Bên cạnh đó, vàng cát của AP còn có khả năng chống phai màu theo thời gian, trở thành vật liệu bền bỉ, trường tồn và đáng tin cậy cho các nhà sưu tầm.
Bộ vỏ và dây đeo bằng vàng cát được hoàn thiện theo những kỹ nghệ truyền thống của Audemars Piguet bao gồm chải sa-tanh và vát đánh bóng. Các góc vát lớn được đánh bóng như gương trên viền bezel hình bát giác và các đường vát trang trí trên mỗi mắt xích của dây đeo trở nên nổi bật và lấp lánh mỗi khi có ánh sáng chiếu vào.
Để đảm bảo sự đồng bộ cho tổng thể của chiếc đồng hồ, Audemars Piguet đã phát triển tông màu vàng cát thu được qua quy trình xử lý điện để tô điểm cho viền bezel bên trong cũng như phần cầu nối và đĩa của Calibre 2972. Các chi tiết lộ cơ đều được hoàn thiện theo chiều ngang và chiều dọc để tăng thêm chiều sâu cho bộ chuyển động, trong khi các góc được chải tia và đánh bóng.
Ngược lại, hộp cót, các bánh răng và cơ chế flying tourbillon ở vị trí 6 giờ có tông màu rhodium và được tô điểm bởi các vạch chỉ giờ và kim chỉ giờ bằng vàng trắng, tất cả đều được phủ một lớp phát quang nhằm gia tăng khả năng hiển thị trong điều kiện thiếu ánh sáng. Để tôn vinh cấu trúc lộ cơ openworked của chiếc đồng hồ, logo “Audemars Piguet” đã được in màu đen trên mặt kính sapphire chống chói ở vị trí 12 giờ.
Ở mặt sau, ta có thể quan sát thấy rô-to bằng vàng hồng 22 carat tông màu rhodium góp phần tăng thêm vẻ thẩm mỹ cho toàn bộ thiết kế của Royal Oak Selfwinding Flying Tourbillon Openworked 41mm.
_____
BỘ CHUYỂN ĐỘNG MỞ VỚI CẤU TRÚC BA CHIỀU
Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2022 nhân kỷ niệm 50 năm thành lập của BST Royal Oak, Calibre 2972 kết hợp cơ chế tự lên dây cót với flying tourbillon, tất cả đều có thể được chiêm ngưỡng thông qua cấu trúc mở lộ cơ đa tầng, tạo nên hiệu ứng 3D vô cùng độc đáo.
Bộ máy này được phát triển dựa trên các kỹ thuật chế tác lộ cơ lâu đời đã truyền cảm hứng cho những ý tưởng sáng tạo trên đồng hồ đeo tay kể từ những năm 1930. Vẻ đẹp và sự tinh tế của cơ chế được thể hiện bằng cách loại bỏ càng nhiều chi tiết khỏi phần đĩa và cầu nối càng tốt để ánh sáng có thể xuyên qua, nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất của chiếc đồng hồ được giữ nguyên. Tận dụng công nghệ sản xuất tiên tiến hiện nay, phần đĩa chính và các cầu nối đều được tạo hình thông qua hình thức gia công CNC trên máy tính, trước khi được hoàn thiện bằng phương pháp EDM (Gia công bằng tia lửa điện). Quy trình sản xuất này cho phép loại bỏ một lượng nhỏ vật liệu với độ chính xác cực cao để đạt được hình dạng mong muốn.
Các cầu nối và phần đĩa được trang trí thủ công theo chiều ngang và chiều dọc, trong khi các chi tiết còn lại trên bộ máy đều trải qua các công đoạn phức tạp bao gồm chải satin, tạo vân tròn, chải tia và đánh bóng. Các góc chữ V được đánh bóng có thể được nhìn thấy ở cả 2 mặt của đồng hồ, minh chứng cho quá trình chế tác thủ công tỉ mỉ.
_____
DI SẢN CHẾ TÁC CỦA NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ VÀNG
Từ thời xa xưa, vàng đã luôn được tôn sùng và quý trọng vì độ hiếm, giá trị, vẻ thẩm mỹ, độ bền và đặc tính kỹ thuật của mình. Ngoài khả năng chống ăn mòn, oxy hóa và phai màu, vàng còn là vật liệu tương thích sinh học dễ gia công hơn các kim loại khác. Độ mềm và sự linh hoạt của vàng là yếu tố lý tưởng để chế tác đồ trang sức, đồng hồ và các đồ vật trang trí phức tạp khác. Là biểu tượng của sự giàu có và uy quyền, những tác phẩm bằng vàng được trang trí bằng các kỹ thuật thủ công khác nhau từ chạm khắc, tráng men cho đến đính đá quý, v.v…
Trong chế tác đồ trang sức và đồng hồ, vàng nguyên chất (24 carat) thường được kết hợp với các kim loại khác nhau như đồng, bạc, palladium để tạo ra các hợp kim bền hơn; mỗi hợp kim có màu sắc, độ cứng và đặc tính kỹ thuật riêng. Giống như hầu hết các thương hiệu khác trong thị trường, Audemars Piguet chủ yếu sử dụng hợp kim vàng 18 carat cho các bộ phận bên ngoài của chiếc đồng hồ. Với thành phần (75% vàng, 25% kim loại khác), hợp kim vàng 18 carat bền hơn vàng nguyên chất vì khi bổ sung thêm kim loại khiến chúng trở nên cứng hơn và có khả năng chống biến dạng tốt hơn.
Tuy nhiên, tỉ lệ vàng càng cao thì màu sắc sẽ đậm hơn và phong phú hơn so với các hợp kim tỉ lệ thấp. Có một điều chúng ta cần lưu ý rằng là trước những năm 1950, hợp kim được định nghĩa một cách tự do hơn, dẫn đến sự khác biệt lớn về thành phần và màu sắc. Một ví dụ điển hình là hai chiếc đồng hồ bằng vàng 18 carat đôi khi sẽ không có tông màu y chang nhau. Để giải quyết vấn đề trên, “Normes Industrielles de l’Horlogerie Suisse” đã thiết lập các tiêu chuẩn thành phần vào năm 1966 cho hợp kim vàng 18 carat, giúp ổn định màu sắc của chúng.
Hợp kim vàng đã đóng một vai trò quan trọng tại Audemars Piguet kể từ khi thành lập thương hiệu. Trong số 567 chiếc đồng hồ được phân phối kể từ năm 1882 cho đến năm 1969, có 432 chiếc được làm bằng vàng (248 chiếc bằng vàng vàng, 68 chiếc bằng vàng trắng, 41 chiếc bằng vàng hồng, 32 chiếc bằng vàng xanh và 43 chiếc bằng vàng không lẫn kim loại).
Vào những năm 1970, vào thời điểm vàng vẫn đang thống trị ngành chế tác đồng hồ cao cấp, Audemars Piguet bắt đầu thử nghiệm với chất liệu thép không gỉ – một loại vật liệu hiện đại hơn, phù hợp với phong cách năng động trẻ trung hơn. Chiếc Royal Oak (Model 5402) đầu tiên được giới thiệu vào năm 1972 đã đánh dấu một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp chế tác đồng hồ, khi sở hữu bộ vỏ được hoàn thiện thủ công cùng thiết kế mới lạ. Bốn năm sau khi ra mắt, Royal Oak bắt đầu có những phiên bản bằng vàng, góp phần tạo nên bộ sưu tập đa dạng và phong phú như ngày hôm nay.
Chiếc Royal Oak đầu tiên có sử dụng vàng là Royal Oak II (Model 8638), phiên bản 29mm dành cho nữ do nhà thiết kế Jacqueline Dimier phát triển, lần đầu tiên được ra mắt với chất liệu thép không gỉ vào năm 1976. Một năm sau, các nghệ nhân tiếp tục cho ra mắt phiên bản tiếp theo với hai tông màu kết hợp giữa vàng vàng với thép không gỉ và một phiên bản hoàn toàn bằng vàng vàng, tiếp đó là một phiên bản giới hạn từ vàng trắng năm 1978. Năm 1977, Audemars Piguet cho ra mắt mẫu Royal Oak 5402 39mm đầu tiên bằng vàng vàng, vàng trắng cũng như mẫu với kích thước 35mm mới. Từ năm 1979, gần ¾ số đồng hồ của Royal được làm từ một phần hoặc hoàn toàn bằng vàng – một chất liệu quý và vẫn là thành phần chính của bộ sưu tập cho đến ngày nay.
Ít phổ biến hơn vào thời điểm đó là chất liệu vàng hồng xuất hiện trong bộ sưu tập Royal Oak vào giữa những năm 1980 và dần dần có chỗ đứng trong các bộ sưu tập của thương hiệu. Vào những năm 2000, nhu cầu về đồng hồ vàng vàng giảm dần để nhường chỗ cho những mẫu đồng hồ vàng hồng, với màu sắc tinh tế ấm áp đã chinh phục trái tim của giới mộ điệu. Ngày nay, vàng hồng, vàng trắng và vàng vàng được sử dụng rất phổ biến trong ngành chế tác đồng hồ, bên cạnh các hợp kim 18 carat độc quyền khác.
Chiếc Royal Oak Selfwinding Flying Tourbillon Open mới được chế tác bằng chất liệu vàng cát, tiếp nối di sản lâu đời của chất liệu cao quý, đồng thời kết hợp yếu tố sáng tạo mà Audemars Piguet luôn hướng tới.
“Với chất liệu vàng cát mới, Audemars Piguet đang làm sống lại cách tiếp cận sáng tạo đối với hợp kim vàng và màu sắc đã thịnh hành trong hàng nghìn năm cho đến những năm 1960.”
Sébastian Vivas
Giám đốc Di sản và Bảo tàng, Audemars Piguet
“Seek Beyond”
𝐀𝐮𝐝𝐞𝐦𝐚𝐫𝐬 𝐏𝐢𝐠𝐮𝐞𝐭
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 10:00 am – 9:00 pm từ thứ Hai đến Chủ Nhật