Tin tức
Tin tức
Bước vào thế giới nước hoa: Lịch sử của những mùi hương
08/02/2022

Nước hoa cùng mùi hương quyến rũ của mình từ lâu vẫn được xem là biểu tượng của sự tinh tế, làm say đắm hàng triệu triệu người trên thế giới. Thế nhưng, ít ai biết rằng ẩn sau mùi hương phảng phất nhẹ nhàng, vương vấn lòng người ấy là cả một nền văn hoá lịch sử cổ đại của nhân loại.

Khởi nguồn từ thời đại của các Pharaon 

Từ “nước hoa” trong tiếng Anh (perfume) bắt nguồn từ tiếng Latin “perfumus”: trong đó “per” nghĩa là “thông qua” và “fumus” nghĩa là “khói”. Người Pháp sau đó đã mượn gốc từ này để tạo ra chữ “parfum” dùng để miêu tả những mùi hương dễ chịu mà họ cảm nhận được qua làn khói của những chất thơm được đốt lên.

Lịch sử kể lại rằng, trước khi nước hoa trở nên phổ biến, ở khắp nơi trên thế giới, con người đã sống chung với rất nhiều thứ mùi tự nhiên khác khó có thể tránh khỏi. Chỉ đến khi loài người tìm ra cách giữ lại mùi thơm của hoa cỏ trong dung dịch, ý thức hệ về nhu cầu muốn được thơm tho mới bắt đầu hình thành một cách chỉn chu. Ngược dòng về thuở sơ khai, nước hoa đơn thuần chỉ là chất đốt thơm hay thuốc mỡ có mùi thơm, về sau đó được chế thành các loại tinh dầu có khả năng giữ hương trong thời gian dài. 

Trong quá trình nghiên cứu và tìm tòi về lịch sử nhân loại, một bản viết tay trên giấy cói được tìm thấy, và cho rằng đã ghi lại cách sử dụng các loại cỏ thơm và chất đốt thơm mà Pharaoh Khufu, được cho là người xây dựng kim tự tháp lớn nhất Ai Cập (vào năm 2700 trước công nguyên) để lại cho đời sau. Đến chiếc lọ nhỏ có chứa hương trầm được tìm thấy trong ngôi mộ cổ có hơn 3000 năm tuổi của vị vua Ai Cập Tutankhamun. Hay những bức tranh tường của các lâu đài cổ vẽ các vũ nữ và nhạc công vừa nhảy múa vừa đội một dạng dầu thơm trên đầu để nó chảy dần dần xuống tóc và thân thể. Tất cả các tư liệu này đều cho thấy lịch sử hình thành và phát triển của nước hoa bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại.

Nước hoa với xuất phát điểm là một vật phẩm tế thần.

Điều này khớp với khá nhiều giai thoại, người Ai Cập cực kì tôn thờ và xem trọng các hoạt động tôn giáo, nghi lễ và cả việc làm đẹp. Họ sử dụng các loại gỗ thơm, thảo mộc có mùi hương hoặc rễ cây cỏ để làm hương liệu cho các nghi lễ tế thần thiêng liêng. Trong đó phải kể đến loại hương vô cùng nổi tiếng có tên Kyphi được chiết xuất từ nhựa thơm, cây bách xù trứng cá, cây hồ trăn và một số loại cây cỏ thiên nhiên khác.  Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra những bích họa mô tả sự gắn kết của các chất liệu thơm trong cuộc sống hàng ngày của con người Ai Cập cổ đại. Đồng thời, những chiếc bình đựng hương liệu thơm có niên đại 4000 năm TCN chế tác khá tỉ mỉ và công phu đã được tìm thấy trong các ngôi mộ. Chính vì vậy, có thể nói lịch sử của nước hoa gắn liền với lịch sử của nhân loại.

Tại Ai Cập, nước hoa được sử dụng rộng rãi trong các đền thờ cổ với mong muốn là một phương thức kết nối con người và các vị thần. Sự trang trọng này đã kéo dài suốt nhiều thế kỉ và ngày một cải tiến từ những miếng sáp tẩm hương liệu thơm ngào ngạt đến dạng chất lỏng như ta vẫn hay dùng ngày nay.

Người Ai Cập khá khó tính trong thói quen cá nhân và rất kỹ lưỡng trong việc xây dựng phòng tắm. Họ ngâm mình trong các loại tinh dầu thơm bởi nó đem lại sự dễ chịu, niềm vui và giúp bảo vệ cơ thể khỏi những nhân tố gây khô da dưới sức nóng của mặt trời. Nền văn minh cổ đại Ai Cập cũng là nguồn gốc chính đã chế tạo nhiều loại kem và sáp có mùi thơm có khả năng làm mềm và giữ ẩm cho da. Họ nặn những khúc sáp thơm trong những khối hình nón và làm tan chảy chúng để bảo vệ tóc và da của mình.

Một ví dụ điển hình nữa, một trong những người cai trị nổi tiếng nhất và biểu tượng cho sắc đẹp của Ai Cập là Nữ Hoàng Cleopatra. Nàng rất thành thạo và nhận thức rất rõ về sức mạnh của các mùi hương xa hoa trong các loại dầu thơm mà nàng dùng. Và một vẻ đẹp Ai Cập khác, đến từ một triều đại trước đó là Hoàng hậu Nefertiti được bao quanh bởi hộp đựng với nhựa thơm, chứa đầy tinh dầu ngọt, và các lọ dầu khô với cách trang trí rất đẹp.

Những chữ viết tượng hình trên ngôi mộ cổ Ai Cập còn nói lên rằng các loại dầu thơm từ xa xưa đã đóng một vai trò không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Người Ai Cập mang dầu thơm theo họ từ khi sinh ra cho đến sau khi qua đời. Nhiều người Ai Cập đặt dầu thơm trong ngôi mộ của những người đã khuất, với niềm tin có thể giữ cho da mịn màng khi đến với thế giới bên kia. Họ tin rằng các tinh chất thơm chính là một phần linh hồn và giá trị tinh thần của họ.

Những bình hương thơm dạng lỏng đầu tiên xuất hiện tại Hy Lạp và La Mã 

Sau khi người Ai Cập thống trị ngành thương mại ở vùng Địa Trung Hải, những thương gia người Phoenicia đã vận chuyển, buôn bán nước hoa sang Hy Lạp. Mặc dù, tại đây những lái buôn này gặp phải sự hạn chế dưới các nghị định ngăn cản sự lan tràn của nước hoa du nhập thế nhưng người Hy Lạp đã coi nước hoa như một biểu tượng, và họ sử dụng chúng nhưng một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày và trong cả truyền thống văn hóa nghệ thuật của mình. Người Hy Lạp được cho là nơi nghệ thuật làm ra nước hoa lỏng đầu tiên, mặc dù nó khá khác so với nước hoa ngày nay mà chúng ta biết. Nước hoa của họ là bột thơm trộn với dầu nặng, không có rượu. Chất lỏng được lưu trữ trong chai dài làm bằng thạch cao tuyết hoa và vàng, gọi là “alabastrums” (dịch: chiếc bình). 

Người Hy Lạp với một lòng tôn sùng hoa hồng tới cực đoan. Họ có những bữa tiệc hoa hồng lộng lẫy – “rose party” cực hoành tráng.

Dưới sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Đông và Hy Lạp, người La Mã cũng đã hòa nhập với xu thế xã hội và bị lôi cuốn bởi thứ hương thơm quyến rũ này. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại đã học được rất nhiều về “thứ nước thơm” từ xứ Ai Cập. Thương mại giữa Crete và Ai Cập ngày càng thịnh vượng và ảnh hưởng lẫn nhau. Trên thực tế còn có cả những bức tranh tường trong một xưởng sản xuất nước hoa ở Pompeii ghi lại quy trình sản xuất nước hoa Greco-Roman. Đầu tiên dầu được làm bằng cách ép ôliu, sau đó các thành phần như lá, rễ cây và gỗ được thêm vào qua các phép cân đo tỉ mỉ với mục đích chiết xuất hương thơm của tất cả các thành phần. Gia vị để tạo ra một chai nước hoa thì vô vàn. Nhưng vào thưở sơ khai, chỉ những gia vị tinh tuý và chắt lọc nhất mới được phép “lên mâm”. Đó lần lượt là các thảo mộc quý hiếm, hạnh đào, xuân đào, rau mùi, cây tùng, cam bergamot và đặc biệt là hoa “rodo” – hoa hồng cao quý. Với thế giới mùi hương, hoa hồng gần như được đưa lên thành một “nghi thức” (ritual) rộng rãi và chính thống.

Nước hoa thường được sử dụng trong xã hội La Mã cổ đại với mục đích đưa các tín đồ đến gần các vị thần. Tuy nhiên, hương thơm không chỉ được sử dụng cho các mục đích tôn giáo mà nó còn có mặt ở khắp mọi nơi. Vào năm 100, người La Mã đã sử dụng 2.800 tấn trầm hương mỗi năm. Nước hoa còn được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp, các phòng tắm công cộng. Vào ngày lễ, chim được thả từ lồng để phân tán mùi hương từ cánh của chúng. Thậm chí, rèm, nến, bảng biểu, và đệm đều thơm.

Nước hoa là minh chứng lịch sử của nền văn minh cổ đại đã kéo dài hàng thế kỉ với một chỗ đứng lâu dài. Trước khi đi vào và khuấy đảo làng thời trang, nước hoa đã đi vào thơ ca, văn hoá đại chúng và nghệ thuật với những đóng góp riêng không thể bàn cãi.

Nước hoa ở thế giới hiện đại: mùi hương cũng cần có cái riêng 

Xã hội loài người ngày càng phát triển, nhu cầu thể hiện về cái đẹp cũng như tư duy về sự chỉn chu bề ngoài cũng ngày càng tăng cao. Đơn thuần chúng ta luôn hiểu cái đẹp đi đôi với hương thơm. Do vậy, ngành công nghiệp chế tác nước hoa ngày càng phát triển do được công chúng quan tâm đông đảo. Trước khi ngành công nghiệp nước hoa bước vào thế giới thời trang và trở nên thương mại hóa (sản xuất với số lượng lớn), nước hoa được gần như chế tác hoàn toàn từ nguồn gốc tự nhiên, có khi cực kỳ công phu và quý hiếm. Từ những thảo mộc quý trong rừng, đến vô vàn hoa cỏ, rồi dần dà táo bạo hơn với xạ hương và long diên hương. Xạ hương được lấy từ tuyến xạ của hươu xạ Kashmir đực, còn long diên hương lại có xuất phát từ ruột cá nhà táng. Với mùi hương tự nhiên và quý giá, giới say mê nước hoa ngày một săn lùng hai thứ độc nhất vô nhị này. Một cuộc săn bắt hươu và cá nhà táng được công khai liên tiếp suốt nhiều thập kỷ khiến chúng đứng trước bờ vực của sự tuyệt chủng. Vì điều đó, công luận đã dấy lên những cuộc tranh cãi và biểu tình phản đối. 

Hươu xạ Kashmir được xếp vào nhóm động vật nguy cấp theo sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vì sự săn lùng của loài người. Xạ hương là một túi nhỏ mềm có lông bao bọc, toả hương rất thơm và rất xa.

Nước hoa cũng được xếp trong những vật phẩm sưu tầm. Giới mộ điệu luôn tìm tòi những mùi hương riêng biệt để thể hiện cá tính, hoặc đôi khi, mục đích của mình, tùy vào môi trường và hoàn cảnh. Ngoài ra, khoa học cũng chứng minh được rằng, phản xạ về mùi hương là một trong những yếu tố giúp lưu giữ ký ức về thời điểm đó, nhân vật đó hoặc kỷ niệm nào đó lâu nhất. Nước hoa – mùi hương, vô hình chung là một khái niệm khó để miêu tả, nhưng cũng là một kiểu lưu giữ ấn tượng đầu tiên sâu nhất trong tiềm thức mỗi khi bắt gặp. 

Ngày nay khi xã hội văn minh hơn, việc săn bắn động vật (để làm nước hoa) đã bị cấm hoàn toàn do ý thức bảo vệ môi trường cũng như ý thức về bảo tồn hệ sinh thái trên Trái Đất được nhận biết rõ ràng. Thế kỷ 20, khi thời trang có được tầm ảnh hưởng nhất định với thế giới, nước hoa phổ cập rộng rãi tới người tiêu dùng. Thay vì có gì xài nấy, hái hoa về chế tạo tinh dầu thơm lẻ tẻ, có hẳn một đội ngũ chuyên tâm nghiên cứu và phục vụ thị trường với những nhà xưởng chế tác nước hoa nhân tạo.

Trong lịch sử chế tạo nước hoa nhân tạo, các nhà thời thời trang lớn vào những năm 1920 đã mở ra một một cuộc cách mạng vĩ đại trong nghệ thuật hương thơm. Điển hình là quý bà Gabrielle “Coco” Chanel đã sản xuất và giới thiệu với tác phẩm mùi hương huyền thoại mang tên Coco Chanel No.5 (Ernest Beaux – một nhà hóa học chính là cha đẻ của mùi hương này) – đến hơn một thế kỷ sau vẫn là một trong những mùi hương “must have” (chắc chắn phải có) trong mỗi bộ sưu tập nước hoa của giới sưu tầm. Đến thế kỷ 21, những chuyên gia về hương sắc như Jo Malone ra mắt thương hiệu cùng tên của bà vào những năm 1990 và được tập đoàn Estee Lauder đầu tư vào sau này. Ngoài ra, còn có những thương hiệu từ thời trang như Gucci, Dior, Hermes, lối sống-nội thất như Baccarat cho đến thuần về sản phẩm hương liệu như Le Labo (thuộc Estée Lauder) cũng nghiên cứu và chế tạo thành công những mùi hương khó quên, sáng tạo của riêng chính thương hiệu.  Bên cạnh đó cũng không thể không nhắc tới Jacques Polge với biệt tài blend (pha chế) mùi rất độc đáo.

Jacques Polge, nhà pha chế những chai nước hoa đình đám.

Giống như trong lĩnh vực đồng hồ, người yêu thế giới của các mùi hương cũng có nhiều hướng để phát triển bộ sưu tập. Ví dụ như đã sở hữu các dòng “must-have” bắt buộc phải có, những mùi đặc trưng của những thương hiệu được biết đến rộng rãi toàn cầu các nhà sưu tầm có thể tìm đến những nghệ nhân được trời phú cho “những chiếc mũi đặc biệt” và khả năng nắm bắt những mùi hương trong tự nhiên, pha chế, hoà trộn để tạo thành những tác phẩm mùi hương có một không hai. Đó là những nghệ nhân hoạt động độc lập quy tụ trong một thương hiệu như Federic Malle hoặc những thương hiệu nước hoa thuộc sở hữu gia đình không chạy theo sản lượng và giá thành số đông, như Christian Clive hay Henry Jacques. Thế giới nước hoa thực tình rất phong phú và quyến rũ. Sở hữu một bộ sưu tập những mùi hương yêu thích, kích hoạt được cảm xúc của chính mình và những người xung quanh đòi hỏi ở những nhà sưu tầm một tâm hồn thơ mộng và trí tưởng tượng không biên giới. Với các nhà sáng chế ra nước hoa việc đi du lịch đến những vùng đất mới ẩn chứa những nguồn hương liệu quý giá, trở về những nơi ký ức hay thậm chí chỉ là những giấc mơ cũng có thể truyền cảm hứng và kích thích khứu giác để kiến tạo niềm đam mê, kiếm tìm mùi hương và chuyển thành những tác phẩm về hương xuất sắc.

Nguồn: tổng hợp 

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer