Tin tức
Tin tức
Gerard Nijenbrinks và trải nghiệm tham quan Grand Seiko tại Nhật Bản
11/01/2024

Gerard Nijenbrinks là một trong những nhà nghiên cứu, sưu tầm hoạt động trong ngành đồng hồ được hơn hai thập kỷ. Bên cạnh đó, ông sở hữu một cửa hàng đồng hồ ở The Hague, Hà Lan. Ngoài ra ông còn hoạt động báo chí và chụp ảnh trong lĩnh vực đồng hồ. 

Vừa qua, Gerard đã có chuyến thăm quan  Grand Seiko tại Nhật Bản và viết lại những dòng chia sẻ về trải nghiệm của mình. Dưới đây là toàn bộ bài viết của ông.

Vào tháng 10 năm 2023, tôi nhận được cuộc gọi từ Grand Seiko Europe để tham gia cùng họ trong Chuyến tham quan Trải nghiệm Truyền thông năm 2023 của thương hiệu tại Nhật Bản. Bản thân tôi cảm thấy vô cùng phấn khích, một phần vì tôi chưa có cơ hội đến thăm Nhật Bản, một phần vì tôi có thể tìm hiểu rõ hơn về những giá trị truyền thống đằng sau Grand Seiko. Tôi luôn cảm thấy rằng có một điều gì đó khác bên cạnh sự hoàn hảo về kỹ nghệ chế tác và yếu tố thẩm mỹ của chiếc đồng hồ, một điều gì đó sâu sắc hơn bên trong. Và đây là câu chuyện và trải nghiệm của tôi tại đất nước mặt trời mọc. 

Những trải nghiệm đầu tiên

Sau chuyến bay kéo dài 14 giờ cùng cảm giác jet-lag hơi khó chịu, đoàn chúng tôi đặt chân đến thành phố Tokyo vào khoảng 10 giờ sáng. Tôi dành buổi chiều ngày đầu tiên để tản bộ quanh khu vực Ginza của Tokyo – cách khách sạn đầu tiên của chúng tôi một đoạn ngắn; đây là nơi lý tưởng để tìm hiểu về thói quen và con người Nhật Bản, đồng thời thích nghi với múi giờ tại nơi đây. Chúng tôi dùng bữa tối tại nhà hàng của khách sạn, tiện thể làm quen với những người trong đoàn, bao gồm năm thành viên khác đến từ Pháp, Ý, Thụy Sĩ và Đức. Chuyến thăm quan của chúng tôi sẽ được phụ trách bởi một thành viên của đội ngũ Grand Seiko Châu Âu, ba nhân viên của Grand Seiko tại Nhật Bản và một hướng dẫn viên du lịch được chính phủ Nhật Bản chứng nhận. 

Ngày thứ nhất: Thăm quan Seiko House Ginza

Nếu không tính ngày đầu tiên nghỉ ngơi và thư giãn, thì ngày thứ nhất trong Chuyến tham quan trải nghiệm truyền thông của chúng tôi được chia thành 2 phần, bắt đầu bằng buổi giải thích và phân tích về cơ cấu tổ chức phức tạp của Seiko tại một trong những căn phòng có nội thất đẹp mắt nhất của Seiko House Ginza. Tôi sẽ không đi quá sâu về chi tiết nhưng các bạn có thể tìm thêm thông tin trên trang web của thương hiệu. Điều đặc biệt thú vị ở đây là tất cả chúng tôi đều được nhận những chiếc Grand Seiko khác nhau sẽ đồng hành cùng cả đoàn trong chuyến tham quan lần này. 

Sau đó, chúng tôi được thăm quan Atelier Ginza – một xưởng sản xuất nhỏ do Seiko Watch Corporation, Seiko Time Creation Inc., và Wako Co. cùng vận hành. Điều thú vị là bộ chuyển động của chiếc Grand Seiko Kodo cũng được sản xuất tại đây. 

Cuối cùng, đoàn chúng tôi ghé qua tầng thượng của Seiko House Ginza, nơi có tháp đồng hồ nổi tiếng với hai trong số bốn chiếc đồng hồ có mặt số hình chuột Mickey được chế tác dành riêng cho lễ kỷ niệm 100 năm thành lập của Disney. 

Thăm quan bảo tàng Seiko Ginza

Sau bữa trưa, chúng tôi di chuyển đến Bảo tàng Seiko Ginza, nơi sở hữu 10.000 chiếc đồng hồ và 2.000 chiếc đồng hồ phương Tây và truyền thống của Nhật Bản. Lý do tại sao tôi lại phân biệt giữa đồng hồ phương Tây và đồng hồ Nhật Bản là vì cách đây không lâu, cách tính giờ truyền thống của người dân tại nơi đây rất khác biệt. Trước khi Hoàng đế Meiji bãi bỏ lịch âm vào năm 1872, Nhật Bản không có đồng hồ kiểu phương Tây. Người dân nước này đã sử dụng wadokei (和時計), đồng hồ đo thời gian riêng biệt của Nhật Bản. 

Vào lúc bấy giờ, một ngày ở Nhật Bản chỉ có 12 giờ – sáu giờ vào ban ngày và sáu giờ vào ban đêm. Độ dài một giờ thay đổi theo mùa nên một giờ ban ngày vào mùa đông ngắn hơn một giờ ban ngày vào mùa hè. 

Truyền thuyết về Yatsugatake

Sau khi tham quan Bảo tàng Seiko ở Ginza, chúng tôi đi xe buýt từ Tokyo đến Yamanashi để nghỉ đêm ở vùng núi Yatsugatake. Thật không thể tin được là chỉ cách Tokyo nhộn nhịp vài giờ lại có những nơi có bầu không khí nông thôn Nhật Bản độc đáo như vậy.

Theo truyền thuyết địa phương, dãy núi Yatsugatake hiện tại từng chỉ có một ngọn núi. Ngọn núi này cao hơn núi Phú Sĩ nhưng Konohanasakuya-hime, nữ thần của núi Phú Sĩ, đã phá hủy nó vì ghen tị, để lại Yatsugatake như ngày nay. Em gái của Yatsugatake, Núi Tateshina, đã khóc trước hình bóng tan vỡ của anh, nước mắt của cô đã tạo nên Hồ Suwa. 

Nếu xét về mặt khoa học, một số nhà địa chất cho rằng Yatsugatake chỉ là một ngọn núi cách đây hàng triệu năm trước khi nó phun trào và trở thành hình dạng dãy núi như hiện nay.

Ngày thứ hai: Thăm quan Nhà máy Seiko Epson Shiojiri

Sau khi được trang bị kiến thức và thông tin cơ bản vào ngày đầu tiên, ngày tiếp theo của chúng tôi tại Nhật Bản tập trung vào kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Từ khách sạn ở Yamanashi, chúng tôi đi đến nhà máy Seiko Epson ở Shiojiri, nơi tọa lạc của Xưởng đồng hồ Shinshu cùng với các phòng ban khác. 

Tại đây, tôi và những vị khách khác được trải qua một khóa học lý thuyết ngắn về các mẫu đồng hồ và bộ chuyển động quartz 9R Spring Drive và 9F của Grand Seiko được sản xuất nội bộ bên trong Shinshu Watch Studio. Thật là một trải nghiệm ấn tượng khi có thể cầm trên tay tinh thể thạch anh được phát triển trong chính nhà máy, đồng thời tìm hiểu về công dụng của những lỗ li ti trên bộ máy 9F và 9R. Chúng phục vụ cho việc đo lường và điều chỉnh các chuyển động cho bộ máy. 

Là một phần của nhà máy Shiojiri, Shinshu Watch Studio có bốn xưởng đồng hồ riêng biệt. Đầu tiên là Micro Artist Studio, nơi kỹ nghệ chế tác cỗ máy thời gian được nâng tầm và áp dụng để sản xuất các phiên bản Grand Seiko Spring Drive phức tạp. Tiếp theo là Takumi Studio, nơi các nghệ nhân giữ gìn và tôn vinh các yếu tố truyền thống trong chế tác đồng hồ. Ngoài ra còn có Dial Studio, nơi chịu trách nhiệm chế tạo một trong những bộ phận quan trọng nhất của đồng hồ nói chung. Cuối cùng, Studio Case and Jewelry đảm nhận khâu sản xuất bộ vỏ, đánh bóng Zaratsu và chạm khắc truyền thống của Nhật Bản. 

Con đường đến Grand Seiko

Tại sao nhà máy Shiojiri Seiko Epson – hiện đang sản xuất các mẫu đồng hồ Quartz và Spring Drive cho Grand Seiko, lại có một vị trí quan trọng trong lịch sử đến vậy? Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1942, cơ sở sản xuất Daini Seikosha chuyển từ Tokyo đến nhà máy sản xuất đồng hồ địa phương Daiwa Kogyo ở Shiojiri, một thành phố nhỏ phía tây bắc hồ Suwa ở tỉnh Nagano. Chẳng bao lâu, công ty được đổi tên thành Nhà máy Daini Seikosha Suwa và sau đó, vào năm 1959, thành Suwa Seikosha. Chính tại cơ sở này, vào năm 1956, Seiko Marvel đã ra đời.

Đây cũng là mẫu đồng hồ đầu tiên có bộ máy hoàn toàn do Seiko thiết kế. Trước đó, Seiko chủ yếu sử dụng bộ máy Moeris của Thụy Sĩ. Sau nhiều lần cải tiến (Lord Marvel 1958, Gyro Marvel, 1958; Cronos, 1959; và Crown, 1959), chiếc đồng hồ Grand Seiko đầu tiên ra mắt vào năm 1960. Đây là chiếc đồng hồ tốt nhất mà Seiko có thể sản xuất vào thời điểm đó.

Vào năm 1985, nhà máy Suwa Seikosha trở thành Tập đoàn Seiko Epson, trong khi nhà máy Daini Seikosha ban đầu trở thành Morioka Seiko Instruments Inc. vào năm 1987. Cả hai nhà máy đều sản xuất những chiếc đồng hồ cơ Seiko trong những năm 1960 và 1970, như Grand Seiko, King Seiko, Các phiên bản Lord Marvel và Skyliner, cùng nhiều bộ sưu tập khác. 

Ngày nay, Tập đoàn Seiko Epson ở Shiojiri là một nhà máy lớn với 600 công nhân. Như đã đề cập, các mẫu Grand Seiko Spring Drive và Quartz đều đến từ Shinshu Watch Studio. 

Đi qua các xưởng khác nhau, chúng tôi được chứng kiến nhiều công đoạn của quá trình lắp ráp và sản xuất một chiếc đồng hồ. Đối với tôi, việc tạo nên mặt số và kỹ thuật đánh bóng Zaratsu là những điểm nổi bật trong ngày thứ hai tại Nhật Bản. 

Từ Xưởng đồng hồ Shinshu ở Shiojiri, chúng tôi bắt một chuyến xe buýt ngắn đến Ga Nagano, rồi đi tàu cao tốc đến Omiya, ngoại ô Tokyo. Sau đó, chúng tôi chuyển sang Hayabusa, tàu Shinkansen nhanh nhất Nhật Bản, đưa chúng tôi đến Morioka  ở quận phía bắc Iwate trong vòng chưa đầy hai giờ. Ở đó, cách Morioka 15km lái xe về phía đông, Grand Seiko Studio Shizukuishi đang đợi chúng tôi vào ngày hôm sau.

Chuyến thăm quan Grand Seiko

Morioka mang lại cảm giác giống một thị trấn nông thôn dễ gần và gần gũi hơn so với Tokyo nhộn nhịp hoa lệ. Đoàn chúng tôi đã có một buổi tối đi dạo xung quanh thành phố, tận hưởng không khí trong lành của cây xanh và sông nước, trước khi đến với địa điểm tham quan tiếp theo vào sáng hôm sau – Grand Seiko Studio Shizukuishi. 

Tôi không muốn đi quá sâu vào lý thuyết, nhưng hầu hết mọi người trong đoàn đều cảm nhận được sự khác biệt giữa đồng hồ điện tử và đồng hồ cơ, tương tự với nơi Grand Seiko sản xuất các mẫu Quartz và Spring Drive so với các phiên bản cơ khí. Cá thân tôi thấy tỉnh Iwate gần gũi, hài hòa với thiên nhiên hơn Tokyo hay Nagano, và nhà máy chế tác đồng hồ ở 2 nơi cũng có sự khác biệt. Nhà máy Seiko-Epson rộng lớn với 600 nhân viên ở Shiojiri mang bầu không khí công nghiệp của những năm 1970, trong khi cấu trúc bằng gỗ của Studio Shizukuishi được bao quanh bởi thiên nhiên và hướng ra Núi Iwate, để lại ấn tượng yên bình và gắn kết hơn. 

The Nature of Time

Một trong những triết lý của Grand S eiko – The Nature of Time – là minh chứng rõ nét cho thiết kế và môi trường xung quanh Studio Shizukuishi. Xưởng chế tác sở hữu những nghệ nhân thủ công bậc thầy – hay còn được gọi là “takumi” trong tiếng Nhật – lấy cảm hứng từ yếu tố thiên nhiên xung quanh họ để chế tác nên tất cả đồng hồ cơ của Grand Seiko. Sự thay đổi thời gian theo mùa đóng một vai trò quan trọng về văn hóa và biểu tượng ở Nhật Bản, ảnh hưởng đến các lễ hội truyền thống, ẩm thực và các khía cạnh khác nhau của cuộc sống hằng ngày. Bởi vì Studio Shizukuishi có mối quan hệ mật thiết với thiên nhiên, nên bản thân tôi cũng tự hỏi liệu sự thay đổi theo mùa có ảnh hưởng thế nào với công cuộc chế tác đồng hồ tại nơi đây. 

Takumi — たくみ trong chữ hiragana hoặc 匠 trong chữ kanji — là một từ thú vị và quan trọng ở Nhật Bản. Ý nghĩa của nó rất đa dạng và rất toàn diện. Như đã đề cập, “Takumi” ám chỉ những người nghệ nhân thủ công bậc thầy và những người phụ nữ khéo tay, nhưng ý nghĩa của nó còn sâu sắc hơn vậy. “Takumi” là tổng hòa của những yếu tố “nghệ nhân”, “thủ công” và “kỹ năng”. Khi tôi nghe người Nhật sử dụng “takumi”, tôi luôn phải nghĩ đến sự tận tâm và niềm tự hào.

Quy trình chế tác đồng hồ tại Studio Shizukuishi

Khi nhắc đến xưởng chế tác đồng hồ, tôi thường hình dung ra một không gian nơi mà các nghệ nhân đồng hồ mặc áo blouse trắng làm việc với nhau. Và đó chính xác là những gì diễn ra tại Studio Shizukuishi, khi các hoạt động chủ yếu ở đây là lắp ráp, hoàn thiện các bộ phận và thử nghiệm. Về quy trình sản xuất các bộ phận và chi tiết cấu thành nên bộ máy 9S, Grand Seiko sẽ giao cho một cơ sở khác ở một tòa nhà khác. Đây là chủ đích của thương hiệu với mong muốn bảo vệ môi trường xung quanh Studio, khi các bước sản xuất gây ô nhiễm được tách ra khỏi quá trình lắp ráp đồng hồ. 

Tại đây, sự kết nối giữa con người và thiên nhiên hiện diện ở khắp mọi nơi. Hầu hết các quá trình sản xuất đều được thực hiện trong một căn phòng lớn, nơi bạn gần như có thể cảm nhận được sự tập trung và tâm huyết của từng nghệ nhân. Căn phòng được chiếu sáng bởi ánh nắng dịu nhẹ từ bên ngoài, kết hợp với thiên nhiên và núi Iwate ở phía xa. Bên cạnh đó còn có một khu vườn xinh đẹp để mọi người có thể thư giãn và trò chuyện với nhau. Các vị khách vừa có thể ngắm nhìn từng bộ phận của đồng hồ qua chiếc kính hiển vi, vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của đất nước Nhật Bản – một trải nghiệm đáng nhớ tại Studio Shizukuishi của Grand Seiko. 

Với việc chú trọng vào sự kết nối với thiên nhiên thay vì công nghiệp hóa mọi quy trình, cùng với tinh thần “takumi” đặc trưng của Nhật Bản đã giúp Grand Seiko chế tác nên những chiếc đồng hồ có “linh hồn”. Sự hiện hữu này không quá rõ ràng, thậm chí đối với giới mộ điệu lâu năm của thương hiệu, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa một chiếc đồng hồ cơ và đồng hồ Quartz. Có lẽ chính vì tình yêu, sự cống hiến và tỉ mỉ của những nghệ nhân đồng hồ Grand Seiko, những người đã đặt cả trái tim, niềm tự hào và văn hóa của đất nước mặt trời mọc vào các tạo tác của mình. 

Kết thúc chuyến hành trình

Hiểu được tầm quan trọng của văn hóa Nhật Bản đối với triết lý hoạt động và các tạo tác của mình, Grand Seiko mong muốn các vị khách của thương hiệu được tiếp xúc nhiều hơn, không chỉ với những chiếc đồng hồ, mà còn là con người, phong tục tại nơi đây. Đó là lý do tại sao Chuyến tham quan Trải nghiệm Truyền thông này không chỉ tập trung vào việc tham quan các cơ sở sản xuất mà còn đề cập đến một số khía cạnh của lịch sử và văn hóa Nhật Bản. Cách tiếp cận này đã làm cho chuyến tham quan Grand Seiko trở nên đặc biệt hơn so với hầu hết các trải nghiệm khác trước đây của tôi. 

Chúng tôi cũng đã đến thăm ngôi nhà và khu vườn Namshoso truyền thống. Nó được xây dựng làm nơi ở của một doanh nhân đến từ Morioka vào khoảng năm 1880. Hãy chú ý đến sàn gỗ màu đỏ sẫm, nguồn cảm hứng cho mặt số của Grand Seiko SBGJ273. 

Và không thể bỏ qua chuyến tham quan cơ sở sản xuất hiện tại của Kikunotsukasa, nhà máy sản xuất rượu sake lâu đời nhất Nhật Bản. 

Chuyến tham quan trải nghiệm truyền thông Grand Seiko năm 2023 đã kết thúc tại điểm khởi đầu – Ginza House của Seiko ở Tokyo. Trong ngày cuối cùng, tôi đã có thời gian phỏng vấn với ban quản lý và các nhà thiết kế hàng đầu của Grand Seiko. Sau đó chúng tôi có một bữa ăn chia tay với mọi người vào buổi tối. Sau chuyến tham quan này, tôi hiểu Grand Seiko nhiều hơn, không chỉ về những chiếc đồng hồ vốn đã quá thân thuộc mà còn là những câu chuyện thú vị phía sau. 

Grand Seiko không chỉ xoay quanh việc chế tác nên những mẫu đồng hồ chính xác, mà thương hiệu còn mong muốn phát huy triết lý “The Nature of Time” khi kết hợp những yếu tố về văn hóa, thiên nhiên, địa hình của Nhật Bản vào các thiết kế của mình, từ đó lan tỏa những gì tốt đẹp nhất của đất nước mặt trời mọc đến với giới mộ điệu trên toàn thế giới. 

Liên hệ nhà phân phối thương hiệu Grand Seiko tại Việt Nam

Hà Nội
S&S KNIGHTSBRIDGE
Sofitel Legend Metropole Hà Nội, 15 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hotline: (+84) 944 46 5555
Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00 Thứ 2 – Chủ nhật

TP. Hồ Chí Minh
S&S KNIGHTSBRIDGE
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: (+84) 283 821 6848
Giờ mở cửa: 9:00 – 22:00 Thứ 2 – Chủ nhật

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer