“Đồng hồ đeo tay chính là vật dụng thể hiện cái tôi bản thân một cách rõ ràng nhất của nam giới; chúng chính là trang sức của đàn ông, và đối với nhiều người nếu thiếu chiếc đồng hồ trên tay cũng như là chưa mặc quần áo vậy” – Franck Muller
Franck Muller – một nhà giải trí, một tài năng xuất chúng “lắm tài, nhiều tật” được sinh ra vào năm 1958 trong một gia đình có bố là người Thụy Sỹ và mẹ là người Ý. Người ta từng nhắc tới cái tên Franck Muller như một tượng đài trong thế giới đồng hồ bởi khả năng tiếp cận với những kỹ thuật truyền thống và biến chúng thành những cơ chế vô cùng phức tạp, lạ thường. Nói cách khác, thương hiệu mang tên ông từng đưa việc cải biến những linh kiện thông thường trong đồng hồ như bánh xe cân bằng, dây cót lò xo, bánh răng truyền động thành một thứ nghệ thuật đương đại. “Nếu như không có Franck Muller, thế giới đồng hồ có lẽ đã không gắn kết chặt chẽ với đời sống văn hóa như ngày hôm nay” – lời khẳng định đến từ nghệ nhân huyền thoại Phillipe Dufour. Franck Muller học văn hóa rất kém, nhưng từ sớm đã bộc lộ là một thiên tài về kỹ thuật. Năm 1977, khi chỉ mới 19, Franck Muller đã tốt nghiệp một trường đồng hồ với chương trình học rút ngắn và một tấm bằng loại cao nhất. “Chỉ khi tôi trở thành một nghệ nhân đồng hồ, tôi mới nhận ra năng khiếu thực sự của mình là gì. Và kể từ khi tôi bước chân vào trường dậy về đồng hồ, tôi chưa từng đạt một điểm nào khác ngoài con số cao nhất” – Franck Muller.Franck Muller từ khi ông bắt đầu gây dựng đế chế của mình đều có một chút chất “Charlie và nhà máy Chocolate” hay “Alice và xứ sở thần tiên” trong đó – kì lạ, có một chút “ngông” và đặc biệt khó có thể rời mắt.
Gần như ngay lập tức sau khi tốt nghiệp, Franck Muller đã nghĩ ngay tới việc thành lập một thương hiệu của riêng mình, với mục đích “đưa ngôn ngữ chế tạo đồng hồ lên một tầm cao mới”, ông chia sẻ, “tôi muốn tạo ra một cuộc cách mạng để vén màn bí mật về cách loài người tiếp cận với thời gian”. Nghe tưởng chừng quá xa vời, nhưng Franck Muller không hề là một người viển vông. Khi nhận được một món quà là chiếc Rolex, ông cảm thấy chiếc đồng hồ này chưa đủ phức tạp với mình, nên quyết định cải biến chiếc Rolex thành đồng hồ lịch vạn niên với vạch chỉ retrograde, thêm cả chức năng báo ngày/đêm và hiển thị năng lượng dữ trữ. Ngay sau khi hoàn thành, ông đã kí lên chiếc đồng hồ chữ “Rolex và Franck Muller” rồi gửi tới những kỹ thuật viên hàng đầu của Rolex. Mặc dù cảm thấy rất ấn tượng, nhưng Rolex đã từ chối chiếc đồng hồ này bởi sự khác nhau về triết lý. Franck Muller đem bán sáng tạo của mình cho một quý ông tên Francis Meyer, con trai của một nhà sưu tập đồng hồ bỏ túi rất nổi tiếng với giá 10,000 Franc Thụy Sỹ. Chiếc đồng hồ này sau đó đạt kỉ lục đồng hồ bằng thép đắt nhất lúc bấy giờ, bởi hai năm sau một nhà phân phối người Ý tại Monaco đã mua lại nó với giá 400,000 Francs.Franck Muller là người có công lớn trong việc đưa đồng hồ xa xỉ phổ biến rộng rãi hơn trong đời sống văn hóa của thời đương đại. Ảnh: Franck Muller và huyền thoại bóng đá Christiano Ronaldo.
“Hành trình của tôi bắt đầu khi ngành chế tác truyền thống đi tới hồi kết”, Franck giải thích, “trước đây, đồng hồ gần như được chế tạo hoàn toàn thủ công, và thiết kế đồng hồ đều được bắt đầu bên trong trí tưởng tượng của các nghệ nhân”. Không hề có những thuật toán máy tính phức tạp để kiểm tra chất lượng hay thông số, khiến việc chế tạo đồng hồ trước đây có rất nhiều rủi ro. Thế nhưng những năm 1970s ra đời máy Quartz của người Nhật, và mọi thứ vĩnh viễn thay đổi từ đó. Mặc dù công nghệ máy tính giúp tính toán cấu tạo và cho phép sản xuất các phiên bản thử nghiệm dễ dàng hơn nhưng chúng cũng lấy đi nhiều thứ trong nghệ thuật chế tác đồng hồ: chúng lấy đi tinh thần, công sức và linh hồn của mỗi nghệ nhân khi đồng hành cùng chiếc đồng hồ – cùng đó là trình độ, tâm huyết và kinh nghiệm mà họ đã mất cả một đời người để thuần thục. “Mỗi nghệ nhân vĩ đại đều có bí quyết và phương thức riêng để tiếp cận thời gian, tạo ra sức sống bên trong mỗi chiếc đồng hồ. Bí quyết của tôi chính là khả năng ghi nhớ chính xác bất kì thứ gì tôi đã từng nghiên cứu”. Dưới sự dẫn dắt của người thầy Svend Anderson, Franck Muller kể lại rằng đó còn là thử thách lớn hơn nhiều so với tạo ra những cơ chế phức tạp. Mỗi khi ông kiểm tra những bài tập tái tạo lại các cơ chế mà Franck Muller làm, ông đều lấy kính lúp sâu gấp 3 lần thông thường để vạch ra khuyết điểm dù là nhỏ nhất và ngay lập tức vứt nó đi. Nhờ có thầy Anderson, Franck Muller có được tính chính xác, nguồn kiến thức sâu rộng về đồng hồ và đặc biệt là cách mà những nghệ nhân truyền thống giải các bài toán về kỹ thuật.Không chỉ được biết tới là một thiên tài, Franck Muller còn như một nhà giải trí với tính cách và những bộ trang phục “tay chơi”, khác biệt hoàn toàn trong thế giới nghệ nhân.
Franck tiếp tục đào sâu vào lịch sử của ngành đồng hồ, và đã thành công trong việc đưa vào và cải tiến một trong những cơ chế phức tạp nhất của đồng hồ vào bộ sưu tập đầu tiên của mình: Tourbillon. Tourbillon được ra đời bởi ngài Abraham Louis Breguet để giúp bộ máy đồng hồ đạt độ chính xác tối đa trong mọi điều kiện trọng lực và bất kể tư thế dù đứng dọc hay ngang, được cấp bằng sáng chế năm 1801. Tuy nhiên, Franck Muller thậm chí đã làm một bước tiến lớn với tourbillon khi biến cơ chế này thành một thứ thiên về mặt cảm xúc. “Ngày nay, đồng hồ đeo tay giống như những tác phẩm nghệ thuật, tường thuật lại tinh hoa trong kỹ thuật cơ học của loài người, và đem lại cho mỗi người đeo một cảm xúc khác nhau”, Franck cho biết, “Chúng ta ngày càng biết hưởng thụ cuộc sống hơn. Con người giờ đây cần một thứ có thể thể hiện được thành công của họ, và tourbillon chính là lời đáp!”. Với ý niệm đó trong đầu, Franck Muller đã chế tạo một thứ độc nhất vô nhị, chưa từng có tiền lệ thời bấy giờ, đó là tích hợp hai trong số tứ đại cơ chế phức tạp để trình làng chiếc đồng hồ tourbillon minute repeater đầu tiên trên thế giới. Sau đó chẳng bao lâu, Franck Muller tiếp tục gây shock với một thứ thậm chí còn phức tạp hơn: một chiếc đồng hồ tourbillon tích hợp cùng cơ chế split-second chronograph.Watchland – đại bản doanh của Franck Muller tại Genthod, Thụy Sỹ
Cùng với cộng sự Vartan Sirmakes và một nghệ nhân nổi danh khác là Pierre-Michel Golay, Franck Muller và thương hiệu cùng tên đã trở thành một thế lực mới của thế giới đồng hồ kể từ năm 1984, cùng những tên tuổi khác thách thức lại khủng hoảng Quartz, mang giá trị trở về với đồng hồ cơ học Thụy Sỹ. Một số những khách hàng nổi tiếng của Franck Muller thời bấy giờ phải kể tới: Gianni Versace, Elton John, Jackie Chan. Những sáng tạo vượt thời đại của Franck MullerFranck Muller Giga Tourbillon
Giga Tourbillon, hay còn được gọi là “Tượng thần Mặt Trời của Genthod”, cái tên biến tấu từ một trong bảy kì quan thế giới “tượng thần Mặt Trời của Rhodes” – bức tượng đựng dựng lên trong khoảng 300 năm trước công nguyên. Sau khi ba vị tướng vĩ đại nhất của Alexander Đại đế là Ptolemy, Seleucus và Antigous không thể nào hạ bệ được đảo Rhodes trong hơn một năm trời, bức tượng này được dựng để tôn vinh sự bất khuất của đảo Rhodes, Hy Lạp. Cái tên “Tượng thần Mặt Trời của Genthod” (Genthod là nơi tọa lạc đại bản doanh của Franck Muller) chính là cột mốc cho sự đột phá và những thành tựu về kỹ thuật chế tác của nghệ nhân độc lập thành công nhất trong lịch sử thời bấy giờ. Vậy cái tên Giga Tourbillon có ý nghĩa gì? Toàn bộ phần dưới của mặt đồng hồ được choán bởi một cỗ máy tourbillon có chiếc lồng lớn tới 20mm đường kính. Vận hành dưới chiếc lồng này là bánh xe cân bằng khổng lồ với đường kính 16mm. Jean-Pierre Golay chia sẻ rằng: “chúng tôi thực sự đã chạm tới giới hạn của kỹ thuật, bởi cả những công nghệ khoa học tân tiến nhất bây giờ cũng không thể làm ra một cỗ máy tourbillon lớn hơn như này”.Franck Muller Crazy Hours
Không thể không nhắc tới Crazy Hours khi nói về Franck Muller. Từ cái nhìn đầu tiên, cơ chế đồng hồ “Crazy Hours” trông giống như một tổ hợp những con số sắc màu ngẫu nhiên, đặt tại những vị trí không theo thứ tự trên mặt số. Nhưng đằng sau hình thức có phần “điên rồ” này ẩn chứa quy tắc kỹ thuật thông minh của Franck Muller: sau 60 phút, thay vì nhảy sang vị trí giờ tiếp theo thì kim giờ nhảy thêm 5 vị trí, còn kim phút thì vẫn giữ nguyên. Để gọi Crazy Hours là một chiếc đồng hồ có lẽ sẽ làm giảm giá trị của sáng tạo này, mà nó nên được gọi là một loại hình nghệ thuật: một vật dụng khai thác những giá trị cảm xúc, và là lời khẳng định trong triết lý của cá nhân người đeo. “Thời gian là một khái niệm được hình thành bởi loài người để ổn định trật tự xã hội, từ đó mọi quy trình và tổ chức có thể hoạt động theo hệ thống”, Franck giải thích, “nhưng chúng ta đã quá bị hút vào hệ thống, tiếp nhận từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác mà quên mất việc tận hưởng toàn bộ quá trình. Crazy Hours đối với tôi là tuyên bố rằng chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn, ở bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Với Crazy Hours, bạn phải tập trung vào thời khắc mà đồng hồ chuyển giờ, qua đó tận hưởng được khoảnh khắc ngắn ngủi đó trong ngày”. Hay nói cách khác, cơ chế Crazy Hours được sinh ra dành cho chính người đeo chứ không phải những người chiêm ngưỡng từ phía ngoài. Khi thương hiệu mang tên Fracnk Muller ngày càng phát triển, một trong những thách thức lớn nhất mà ông gặp phải là sao để chiều lòng được khách hàng đương thời. Một doanh nhân hiện đại sẽ thường xuyên phải làm việc và di chuyển qua nhiều múi giờ khác nhau. Giải pháp mà thiên tài Franck Muller đưa ra chính là cơ chế Master Banker – một trong những sáng tạo nổi tiếng nhất gắn liền với tên ông. Master Banker xuất phát từ một trong những người bạn làm trong giới ngân hàng của Franck tên Paul Tange, người đã lý giải triết lý của mình trong môi trường kinh doanh hiện đại như sau: “Thế giới giờ đây đã thay đổi vĩnh viễn. Mỗi khi tôi thức dậy và nhìn vào đồng hồ, tôi muốn biết ngay lập tức lúc nào thị trường tài chính bắt đầu hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới. Đôi khi trong thời gian mà tôi chuyển đổi sang múi giờ cần biết, có khi tôi đã kiếm được hoặc mất đi cả một gia tài”. Sau khi trao đổi qua lại với Paul, Franck đã nghiên cứu và chế tạo ra một chiếc đồng hồ có thể chỉ cùng lúc 3 múi giờ khác nhau, mở ra khả năng theo dõi 3 thị trường tài chính lớn trên thế giới trong cùng lúc.Franck Muller Secret Hours
Trong quá trình nghiên cứu và đột phá truyền thống đồng hồ, Franck Muller bị chìm sâu vào những triết lý của mình, luôn tìm cách để vén màn bí mật về cách mà con người nhìn nhận về thời gian. Từ đó hình thành ra sáng tạo mang tên Secret Hours. Hãy tưởng tượng một chiếc đồng hồ luôn luôn kẹt ở vị trí 12h, dù kim giây vẫn dịch chuyển và đồng hồ vẫn được tiếp năng lượng. Bí quyết nằm ở chỗ: chiếc đồng hồ sẽ người đeo biết giờ chính xác chỉ khi họ muốn điều đó! Chỉ cần giữ nút bấm tại crown và kim giờ cùng kim phút sẽ ngay lập tức nhảy tới vị trí chính xác. Khi nhả núm bấm ra, chúng sẽ quay lại vị trí 12h còn kim giây vẫn sẽ tiếp tục chuyển động như bình thường. Khi tạo ra Secret Hours, Franck muốn gạt bỏ đi điều mà ông cho là một “gánh nặng” – lúc nào cũng bị chiếc đồng hồ nhắc nhở liên tục là thời gian đang trôi qua. “Đây là chiếc đồng hồ duy nhất mà bất kì quý ông nào cũng nên đeo khi đang trong kì nghỉ”, Franck cho biết. Bên trong Secret Hours là một tổ hợp kỹ thuật vô cùng phức tạp, chứa hai lõi của cơ chế split second chronograph gắn với bánh răng của kim giờ và kim phút, giúp cho đồng hồ giữ được thời gian chính xác nhưng hai kim chính vẫn được giữ nguyên nhờ hệ thống côn ly hợp. Mẫu “The Revolution 3-1” là chiếc tourbillon 3 trục đầu tiên trong lịch sử chế tác đồng hồ, được chế tạo bởi Franck Muller và Golay, và thậm chí thiết kế này còn tích hơp cơ chế lịch vạn niên. “Ngắm nhìn chuyển động phức tạp của cỗ máy tourbillon trên 3 trục quả là một điều kì diệu, chưa kể đến tính năng vô cùng phức tạp của lịch vạn niên”, chia sẻ bởi ông Golay. Cỗ máy tourbillon xoay chuyển độc lập so với chiếc đồng hồ trong một lồng máy riêng, với mỗi trục xoay theo chu kì khác nhau (1 tiếng, 8 phút và 60 giây)Franck Muller Aeternitas Mega 4 – chiếc đồng hồ đeo tay phức tạp nhất thế giới. Credit: ABlogtoWatch
Cuối cùng, tầm vóc cao nhất của kỹ thuật chế tạo đồng hồ được tại hiện lại trong sự hợp tác giữa Franck Muller và Pierre-Michel Golay – một chiếc đồng hồ được coi là tuyệt tác mang tên “Aeternitas Mega 4”. Có tổng cộng 36 cơ chế khác nhau, được cấu tạo từ hơn 1,483 bộ phận và con số kỉ lục 99 chân kính, Aeternitas Mega 4 được nhiều connoisseur coi là một tuyệt kỹ “thất truyền”. Kết hợp hình dáng Cintrée Curvex và nguồn cảm hứng Art Deco nổi tiếng của Franck Muller với bộ chuyển động phức tạp kỉ lục, Aeternitas Mega 4 tái hiện trọn vẹn toàn bộ trình độ kỹ thuật, đem mê và tâm của giới nghệ nhân trải qua xuyên suốt lịch sử. Ngoài những cơ chế vốn đã siêu phức tạp như tourbillon, minute-repeater hay lịch vạn niên tích hợp lịch trăng, điểm đột phá nhất của Aeternitas Mega 4 nằm ở sáng tạo của ông Golay: đây là chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên có tính năng “grand et petite sonnerie”, sử dụng Chuông Westminster vô cùng phức tạp về mặt kĩ thuật. Hay nói cách khác, đây là một phiên bản phức tạp hơn của tính năng minute-repeater, có thêm hai chiêng và búa (với con số tổng cộng là 4 ở mỗi bộ phận), cho phép chiếc đồng hồ kêu được bản âm 4 nốt Westminster mỗi khi 15 phút trôi qua. Hơn nữa, trong Aeternitas Mega 4 còn có cơ chế lịch vạn niên phức tạp trên mức thông thường nhiều lần khi có khả năng giữ lịch tới hơn 1000 năm, tính toán chuẩn xác theo từng ngày trong 365.24219 ngày của mỗi năm. Cuối cùng, một trong những tính năng đặc biệt khác của Aeternitas Mega 4 là cơ chế “equation of time” – “cộng hưởng thời gian” giúp cho người đeo có thể nắm được chính xác một ngày dài bao nhiêu dựa vào thời lượng mặt trời khác nhau xuyên suốt cả năm (rất ít ngày có đủ chính xác 24 giờ). “Chỉ với cái nhìn lướt qua, bạn sẽ luôn biết được ngày hôm nay có ít hay nhiều thời gian mặt trời, hoặc thật may mắn khi chọn dịp đặc biệt nào đó theo một trong 4 ngày hiếm có đủ 24 giờ”. Gọi Aeternitas Mega 4 là chiếc đồng hồ đeo tay phức tạp nhất thế giới từng chế tạo, có lẽ cũng khó để phản biện được điều này. Franck Muller: một người tiên phong, một người truyền cảm hứngVanguard – bộ sưu tập đương đại đã đưa Franck Muller bùng nổ về doanh số trong kỉ nguyên mới
Quả thực, sẽ rất khó để tìm kiếm một nghệ nhân thứ hai với tầm nhìn và tư duy khác biệt như Franck Muller. Với sự kết hợp giữa tài năng của Franck Muller, Pierre-Michel Golay và Vartan Sirmakes, thế giới đồng hồ dường như đã thay đổi với những sáng tạo không chỉ đơn thuần chỉ thời gian, mà còn mở ra những giới hạn mới về mặt văn hóa, tinh thần và tư tưởng của người đeo, cho phép họ thể hiện bản thân một cách tinh tế hơn. Những sáng tạo của Franck Muller thay đổi các nhìn của chung ta về thời gian, tái hiện lại những khái niệm truyền thống, lâu đời theo những cách vượt thời đại. Ở tư duy kì lạ của Franck, ta tìm được mối liện hệ với những huyền thoại đi trước thời đại, những người đã từng gây ảnh hưởng tới cả một thế hệ với tầm nhìn khác biệt và trình độ thiên tài của mình như Vua Solomon, Alexander Đại đế, Leonardo Davinci, Albert Einstein,… Franck Muller là một nghệ nhân có đóng góp lớn trong sự thay đổi của thế giới đồng hồ đương đại, không chỉ bởi những concept đồng hồ phi thường, mà còn bởi triết lý về thời gian trong xã hội và trong tư duy của mỗi người. Nguồn: http://www.elliswashingtonreport.com/2019/01/31/the-legend-of-franck-muller-master-of-complications/