Những thành tựu rực rỡ và nét huyền bí mê hoặc của nền văn hóa Ai Cập cổ đại từ lâu vẫn luôn là một chủ đề thú vị thôi thúc sự tò mò của con người và cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sỹ thực hiện nên những tác phẩm hội họa, điện ảnh độc đáo.
Với Cyril Kongo và Karl Lagerfeld cũng vậy, cái “bắt tay” đắt giá giữa người nghệ sỹ Graffiti tiên phong cùng “Ông hoàng thời trang” – Cố Giám đốc Sáng tạo Chanel đã đưa công chúng khám phá sự bí ẩn của thần thoại Ai Cập theo một cách đầy thú vị. Đặc biệt hơn khi “Horus Eye” chính là tác phẩm khổ lớn cuối cùng trong bộ sưu tập “Quai Voltaire” còn lại trên thế giới.
Nghệ sĩ graffiti Cyril Kongo
Xuất phát từ một nghệ sĩ graffiti đường phố, trải qua 3 thập kỷ trong nghề, Cyril Kongo đã từng bước đưa graffiti vượt ra khỏi cái nhìn khắt khe của giới nghệ thuật và để lại ấn tượng trong lòng công chúng với kỹ thuật điêu luyện cùng ngôn ngữ tượng hình đầy màu sắc. Tài năng không giới hạn của Kongo khiến các thương hiệu cao cấp hàng đầu thế giới như Hermès, Richard Mille, hay Chanel ngỏ lời mời hợp tác. Bản thân tác phẩm “Horus Eye” thuộc bộ sưu tập “Quai Voltaire” ra đời vào năm 2018 cũng đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Cyril Kongo và Karl Lagerfeld.
Là một người ưa dịch chuyển và khám phá, chính lịch sử cùng những câu chuyện văn hóa là chất liệu sáng tác tuyệt vời trong nhiều tác phẩm của Cyril Kongo. Tư tưởng ấy cũng đồng điệu với tầm nhìn của nhà thiết kế Karl Lagerfeld dành cho show diễn Métiers d’Art 2018/19 của Chanel. Cùng nhau, họ đã tôn vinh những tinh hoa của kho tàng tri thức Ai Cập cổ đại qua hội họa và thời trang.
Trên nền xanh đen huyền bí, biểu tượng “Horus Eye” quyền năng nổi bật với ánh vàng nhũ lấp lánh gợi nhớ về một thời hoàng kim của đế chế Ai Cập. Theo ghi chép, mắt thần Horus xuất hiện từ những năm 3000 trước Công Nguyên và là vật tượng trưng cho sức khỏe, sự sống và sự tái sinh. Người Ai Cập cổ xem con mắt này như một lá bùa hộ mệnh thiêng liêng bảo vệ cho cả người sống và người chết với niềm tin biểu tượng này có thể đánh tan những nguồn năng lượng xấu.
Bên cạnh biểu tượng “Ankh” - chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của sự sống và “Khepri” – hình tượng Bọ Hung đại diện cho sự hồi sinh, biến đổi và sáng tạo, “Horus Eye” là bức tranh khổ lớn cuối cùng với kích thước 2m x 2m còn sót lại trong bộ sưu tập “Quai Voltaire”. Bộ ba tác phẩm này đều hướng đến sự bất diệt cùng ý niệm về bánh xe luân hồi trong cuộc sống. Từ góc độ nghệ thuật, đây là phép ẩn dụ cho sự trường tồn của chủ nghĩa duy mỹ cùng những giá trị nghệ thuật vượt thời gian mà hai nghệ sĩ Cyril Kongo và Karl Lagerfeld đều theo đuổi.
Kế bên đó, nghệ sĩ Cyril Kongo cũng khéo léo đặt vào trong tác phẩm của mình những biểu tượng cổ của Ai Cập. Đó là những vòng tròn đại diện cho mặt trời và quỹ đạo hành tinh quay xung quanh nó hay đường sóng gợn biểu trưng cho dòng sông Nile - một trong những niềm tự hào thiêng liêng nhất của dân tộc Ai Cập.
Không chỉ tôn vinh nền văn hóa Ai Cập cổ đại, tinh thần của bức tranh “Horus Eye” còn nằm ở ngôn ngữ graffiti hiện đại, phóng khoáng trong phần họa tiết kể về nhà mốt Chanel. Những ký tự biểu tượng gắn liền với đế chế Chanel như nước hoa No.5, Coco, Paris, địa chỉ huyền thoại 29 & 31 Rue Cambon hay New York – nơi buổi diễn Métiers d’Art 2018/19 diễn ra, xuất hiện nổi bật với nhiều gam màu và đường nét ngẫu hứng đậm chất đường phố.
Bản chất của lịch sử nghệ thuật là dòng chảy lịch sử của những thủ pháp cũng như phong cách nghệ thuật không ngừng chuyển hóa và sáng tạo. Cùng với Karl Lagerfeld, Cyril Kongo thực sự đã tạo nên một sự kết hợp đầy mê hoặc giữa quá khứ và hiện tại; giữa nghệ thuật đường phố graffiti hiện đại, phá cách và dấu ấn nền văn minh Ai Cập trải dài hơn 4000 năm.
Tác phẩm hiện đang được trưng bày tại phòng tranh cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ Kongo tọa lạc ở số 9 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây là nơi hội tụ những tác phẩm tiêu biểu của nghệ sĩ graffiti Cyril Kongo, và hi vọng phòng tranh sẽ là cầu nối để nghệ thuật đương đại của ông được tới gần hơn với những khán giả yêu nghệ thuật tại Việt Nam.