Franck Muller – “ông vua của Tourbillon”
Sinh ra trong một gia đình có bố là người Thụy Sỹ, còn mẹ là người Ý, không ngạc nhiên khi Franck Muller vừa có tài năng xuất chúng của những người nghệ nhân La Chaux-de-Fonds, vừa có phong cách và chút ngông cuồng như giới tay chơi tại Milan. Tuy vụng về trong quá tình học văn hóa, nhưng từ sớm Franck Muller đã bộc lộ năng khiếu bẩm sinh với những thiết bị máy móc, cơ học. Đến năm 19 tuổi, ông đã tốt nghiệp trường nghề dành cho những nghệ nhân đồng hồ với tấm bằng xuất sắc. Và chỉ ít lâu sau, danh tiếng của chàng trai trẻ tuổi Franck Muller đã vang xa khắp thế giới như một thần đồng, đến mức những nhà đấu giá và giới sưu tập danh tiếng đều gửi những chiếc đồng hồ quý giá đến để cho cậu thanh nên tuổi đôi mơi phục chế lại. Sau đó Franck Muller làm việc tại bảo tàng Patek Phillipe, nơi ông được tiếp xúc với những chiếc đồng hồ quan trọng và đẹp nhất trong lịch sử. Đây cũng là thời điểm mà Franck Muller bắt đầu dành sự chú ý đặc biệt tới Tourbillon. “Đó là một khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi có cơ hội được phục chế những chiếc đồng hồ đeo tay và đồng hồ để bàn vô cùng nổi tiếng cho nhà đấu giá Antiquorum, và sau đó còn cả những bảo tàng lớn nữa. Những chiếc đồng hồ được đưa đến trong tình trạng hỏng hóc hoặc bị mất linh kiện, cho nên ngoài việc phục chế đồng hồ chúng tôi còn phải tìm hiểu những tài liệu lịch sử liên quan tới chúng, thấu hiểu ngôn ngữ thiết kế và những thông điệp mà tác giả gốc của chiếc đồng hồ muốn truyền tải. Cũng trong thời gian này, tôi nhận ra rằng hầu hết những chiếc đồng hồ đến từ những nhà sưu tập lớn gửi tới đây đều là Tourbillon” – Franck Muller kể lại.Franck Muller Jumping Hours Tourbillon – cơ chế đã được Franck ra mắt từ năm 1986. Credits: Time & Tide Watches
Tourbillon được ra đời bởi ngài Abraham Louis Breguet để giúp bộ máy đồng hồ đạt độ chính xác tối đa trong mọi điều kiện trọng lực và bất kể tư thế dù đứng dọc hay ngang, được cấp bằng sáng chế năm 1801. Bản thân Tourbillon là một cơ chế vô cùng phức tạp, nhưng Franck Muller lại phân tích cỗ máy tinh xảo này theo một góc nhìn đơn giản hơn. Ông giải thích, “Khi Tourbillon lần đầu tiên được tạo ra, nó có mục đích thiên về công năng, bởi trọng lực ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới chiếc đồng hồ khi ở vị trí dọc tay. Thế nhưng ở trong thế giới hiện đại, mục đích của Tourbillon rất khác biệt. Nếu bạn muốn một chiếc đồng hồ chính xác tuyệt đối, hay xem giờ qua điện thoại. Sự chính xác cũng rất quan trọng, nhưng nó đã không còn là mục đích cuối cùng nữa. Ngày nay, đồng hồ Tourbillon được coi là những tác phẩm nghệ thuật để tôn vinh trình độ thủ công của con người, và để tạo ra những cảm xúc nhất định đối với người đeo.” Đến năm 1983, cậu sinh viên mới tốt nghiệp ngày nào giờ đây đã cứng cáp và dày dặn kinh nghiệm hơn, đã bỏ ra hàng nghìn giờ tập trung nghiên cứu để trình làng chiếc đồng hồ đầu tiên mang tên chính mình – một chiếc Tourbillon. Và đó không chỉ là chiếc Tourbillon đầu tiên của Franck Muller, mà còn là chiếc Tourbillon đầu tiên trên thế giới có thể được chiêm ngưỡng rõ rệt từ phía mặt trước của đồng hồ – điều mà cho tới tận ngày nay cũng không nhiều thương hiệu có thể làm được. Ông kể lại, “Khi lần đầu tiên chế tạo đồng hồ Tourbillon, tôi nghĩ mình sẽ làm một việc khác hẳn so với những thứ chúng ta thường thấy ở đồng hồ bỏ túi. Tôi quyết định đưa Tourbillon lên mặt trước, bởi vì dù sao đó cũng chính là lý do mà người ta quyết định mua chiếc đồng hồ phải không? Tourbillon là một “kì quan” về kỹ thuật, vậy tại sao lại không biến nó thành nhân vật chính? Có như vậy thì những ai mua Tourbillon của tôi có thể dễ dàng thể hiện với bạn bè rằng đây là một chiếc đồng hồ tinh xảo và đắt tiền.” Hãy thử nhìn vào bất cứ chiếc Tourbillon nào của Franck Muller ngày nay, chúng ta sẽ đều bị thu hút bởi vẻ đẹp gây trầm trồ của cỗ máy siêu phức tạp này: chiếc lồng xoay đều, chậm rãi, bao trọn bánh xe cân bằng và từng nhịp đập giống như trái tim có hồn của chiếc đồng hồ. “Chúng ta ngày càng biết hưởng thụ cuộc sống hơn. Con người giờ đây cần một thứ có thể thể hiện được thành công của họ, và tourbillon chính là lời đáp!”.Franck Muller Evolution 3-1: chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới sở hữu cỗ máy Tourbillon 3 trục và được tích hợp với cơ chế lịch vạn niên
Năm 1986, Franck Muller lúc đó mới 28 tuổi đã gây chấn động thế giới đồng hồ tại Baselworld khi ra mắt chiếc đồng hồ Tourbillon mà không cần đến bộ phận Oscillation (bộ phận điều hòa dao động), sở hữu mặt số regulator (giờ, phút và giây nằm ở những mặt số phụ khác nhau), trong đó giờ được hiển thị bằng cơ chế jumping hour, hoàn toàn do tự thay Franck thiết kế và phát triển. Phải nói rằng vào những năm 80 thì những thương hiệu có khả năng làm những chiếc đồng hồ siêu phức tạp như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả ngày nay với sự hỗ trợ của máy móc và các phần mềm tính toán, đây vẫn là một công trình siêu phức tạp còn Franck Muller làm được điều này một mình, bằng những tính toán thủ công khi mà ngành đồng hồ nhen nhóm hồi phục sau cơn càn quét khủng hoảng Quarzt và chả có mấy người chế tạo tourbillon trong hàng chục năm trời. Các nhà sưu tầm rủ nhau tìm đến đặt hàng Franck Muller và xưởng của ông ngày một lớn mạnh.Tourbillon Minute Repeater Skeleton dưới lớp vỏ Vanguard – ý tưởng kết hợp 2 cơ chế siêu phức tạp, và thậm chí còn kết cấu mặt đồng hồ theo phong cách lộ cơ xuyên thấu, đã được Franck Muller khởi sướng vào những năm 80s, 90s
Đến cuối những năm 80s, Franck Muller trở thành ngôi sao sáng nhất thế giới đồng hồ và nổi tiếng như những minh tinh màn bạc. Ông tiếp tục gây sửng sốt cho thế giới khi tích hợp hai trong số tứ đại cơ chế phức tạp để trình làng chiếc đồng hồ tourbillon minute repeater đầu tiên trên thế giới. Thế nhưng, dường như những thành tựu trước đó chưa thể thỏa mãn được tham vọng của một bậc kì tài, và sau đó chẳng bao lâu, Franck Muller tiếp tục gây shock với một thứ thậm chí còn phức tạp hơn: một chiếc đồng hồ tourbillon tích hợp cùng cơ chế split-second chronograph. “Nhiều người không biết rằng chế tạo một bộ máy chronograph sao cho tinh tế là một việc không hề dễ dàng, và split-second chronograph thì thậm chí còn khó nhằn hơn nữa chứ chưa nói tiếng việc kết hợp chúng với Tourbillon. Giải pháp của tôi là thay vì thiết lập cơ chế riêng biệt cho chức năng split-second, tôi sử dụng một bánh xe cân bằng bằng vàng với kích thước lớn và độ trì cực lớn, đến mức cơ chế đếm giờ thứ hai có thể chạy tới ba phút mà không hề ảnh hưởng đến biên độ dao động của bánh xe cân bằng.” Franck Muller vẫn chưa dừng lại ở đó, nó giống như một cơn nghiện nặng với việc chinh phục những điều không ai làm được. Ông tiếp tục di sản của mình với một kiệt tác tiếp theo: đồng hồ Tourbillon tích hợp split-second chronograph và lịch vạn niên. Franck Muller kể lại, “Sự kết hợp này có rất nhiều thử thách, ví dụ như vào đêm giao thừa chuyển sang năm mới, khi bộ truyền động được lập trình để điều hành cơ chế lịch vạn niên nhảy sang chu kì năm mới ngay lập tức – nếu lúc này ta kích hoạt cơ chế split-second chronograph thì bánh xe cân bằng bắt buộc phải tiếp tục dao động mà không bị hụt biên độ một cách đột ngột. Đây là một thử thách rất lớn, và quả thực kết hợp các chức năng phức tạp với nhau chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi người làm phải hiểu rất rõ ở khía cạnh nào của chức năng nào có thể ảnh hưởng tới nhau.” Đó là một chiếc đồng hồ trị giá 350.000 USD vào thời điểm những năm 90s, và nó phải hoạt động mà không hề có một sạn nhỏ nào. Điều đáng kinh ngạc nhất là lúc bấy giờ, Franck Muller vẫn cặm cụi ngồi trong xưởng của mình, tận tay lắp ráp và chế tạo từng linh kiện một. Đây cũng là thời kì đỉnh cao của Franck Muller, với sức ảnh hưởng và danh tiếng vươn ra toàn cầu, là cái tên số một trong tâm trí của những nhà sưu tập.Aeternitas Mega 4 ra mắt năm 1992 được coi là chiếc đồng hồ đeo tay phức tạp nhất thế giới. Có tổng cộng 36 cơ chế khác nhau, được cấu tạo từ hơn 1,483 bộ phận và con số kỉ lục 99 chân kính, Aeternitas Mega 4 được nhiều connoisseur coi là một tuyệt kỹ “thất truyền”. Kết hợp hình dáng Cintrée Curvex và nguồn cảm hứng Art Deco nổi tiếng của Franck Muller với bộ chuyển động phức tạp kỉ lục, Aeternitas Mega 4 còn gây shock với lịch vạn niên chính xác đến 1000 năm
Sau đó không lâu, ông gặp cộng sự Vartan Sirmakes, một chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo các bộ vỏ đồng hồ phức tạp trên thế giới, và đồng thời cũng là một doanh nhân nhìn xa trông rộng. Franck Muller và Vartan Sirmakes giống như một cặp bài trùng ăn ý: trong khi Franck chuyên tâm vào chế tạo ra những chiếc đồng hồ siêu phức tạp, thì Vartan sẽ phát triển thương hiệu và đưa những chiếc đồng hồ đó được bán rộng rãi trên toàn cầu. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Franck Muller chính thức thành lập thương hiệu mang tên mình vào năm 1991, đặt nền tảng cho đế chế Franck Muller mà chúng ta thấy như ngày hôm nay. Đến năm 2003, Pierre-Michel Golay – một trong những nghệ nhân lẫy lừng thời bấy giờ đã hợp lực với Franck Muller để tạo ra một trong những chiếc đồng hồ có tính cách mạng: Franck Muller Revolution 2 – chiếc đồng hồ Tourbillon đa trục đầu tiên được sản xuất với số lượng lớn. Nối tiếp thành công của Revolution 2 là Revolution 3 và Revolution 3-1 – những chiếc đồng hồ Tourbillon 2 trục, 3 trục đầu tiên trên thế giới.Franck Muller Fast Tourbillon, hay còn gọi là Thunderbolt, là chiếc Tourbillon có tốc độ quay của lồng nhanh nhất thế giới. Trong phiên bản thử nghiệm, chiếc lồng Tourbillon cứ mỗi 6 giây xoay 1 vòng, nhanh hơn 10 lần so với Tourbillon thông thường. Tuy nhiên, khi các thương hiệu khác trên thị trường đã bắt kịp dần về tốc độ, thương hiệu Franck Muller đã cải tiến chiếc đồng hồ để đạt được con số kỉ lục 12 vòng 1 phút – một con số không thể đánh bại.
Chiếc đồng hồ Tourbillon đã chính thức đưa Franck Muller tới ngôi vua của cơ chế siêu phức tạp này thời bấy giờ chình là Giga Tourbillon – chiếc đồng hồ có cỗ má Tourbillon lớn nhất thế giới. Giga Tourbillon được ví như “Tượng thần Mặt Trời của Genthod”, cái tên biến tấu từ một trong bảy kì quan thế giới “tượng thần Mặt Trời của Rhodes” – bức tượng đựng dựng lên trong khoảng 300 năm trước công nguyên. Sau khi ba vị tướng vĩ đại nhất của Alexander Đại đế là Ptolemy, Seleucus và Antigous không thể nào hạ bệ được đảo Rhodes trong hơn một năm trời, bức tượng này được dựng để tôn vinh sự bất khuất của đảo Rhodes, Hy Lạp. Cái tên “Tượng thần Mặt Trời của Genthod” (Genthod là nơi tọa lạc đại bản doanh của Franck Muller) chính là cột mốc cho sự đột phá và những thành tựu về kỹ thuật chế tác của nghệ nhân độc lập thành công nhất trong lịch sử thời bấy giờ. Vậy cái tên Giga Tourbillon có ý nghĩa gì? Toàn bộ phần dưới của mặt đồng hồ được choán bởi một cỗ máy tourbillon có chiếc lồng lớn tới 20mm đường kính. Vận hành dưới chiếc lồng này là bánh xe cân bằng khổng lồ với đường kính 16mm. Jean-Pierre Golay – người nghệ nhân gạo cội dẫn đầu nhà máy của Franck Muller chia sẻ rằng: “chúng tôi thực sự đã chạm tới giới hạn của kỹ thuật, bởi cả những công nghệ khoa học tân tiến nhất bây giờ cũng không thể làm ra một cỗ máy tourbillon lớn hơn như này”. Từ việc tái cơ cấu bánh xe cân bằng, tính toán và sử dụng vật liệu để làm nhẹ trọng lượng, mọi thứ đều vượt xa những điều chúng ta biết về đồng hồ thời bấy giờ.Giga Tourbillon –Tượng thần Mặt Trời của Genthod”, là chiếc đồng hồ có cỗ máy Tourbillon đường kính 20mm lớn nhất thế giới.
Đối ngược với Giga Tourbillon, Lady Tourbillon dành cho nữ của Franck Muller là chiếc đồng hồ có Tourbillon nhỏ nhất trên thế giới.
Ngày nay, sức mạnh của Franck Muller không chỉ nằm ở những cơ chế siêu phức tạp nữa, mà còn chinh phục thế giới thương mại bởi sự giao hòa ấn tượng giữa nghệ thuật kim hoàn, đá quý xa xỉ và kỹ thuật chế tác đồng hồ cao cấp. Thế nhưng, những chiếc Tourbillon của Franck Muller vẫn luôn là một thứ tuyệt kĩ không chỉ gây ấn tượng thị giác, mà còn có tính lịch sử quan trọng. Ông Vartan Sirmakes cho rằng: “Franck Muller Watchland là nơi đầu tiên có khả năng cung cấp những chiếc đồng hồ đeo tay Tourbillon một cách thương mại tới thị trường người tiêu dùng hiện đại… Tôi cảm thấy Tourbillon như nằm trong một phần DNA của Franck Muller, và chúng tôi xứng đáng được coi như “bậc thầy của Tourbillons” với những sáng tạo mang tính cách mạng của mình”. Hãy nhớ rằng, khi đa số những thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ còn đang tìm cách vươn lên sau khủng hoảng Quartz, một mình nghệ nhân Franck Muller đã có thể “đơn thương độc mã” chế tạo ra những chiếc Tourbillon siêu phức tạp, và chính ông là người đã đưa cơ chế này lộ thiên lên trên mặt đồng hồ, là người tiên phong mở đường cho thế giới đồng hồ đương đại muôn hình, muôn vẻ ngày nay.