Một Royal Oak Offshore táo bạo, trẻ trung và đầy sáng tạo đã phá vỡ khuôn mẫu Haute Horology vào đầu những năm 1990. Khi khái niệm “oversized” vẫn còn khá mới mẻ trong ngành công nghiệp chế tác đồng hồ, Audemars Piguet đã tiếp tục làm kinh ngạc giới mộ điệu với con “quái thú” Royal Oak Offshore 42mm.
HỒI SINH TỪ ĐỐNG TRO TÀN
Ra mắt vào năm 1993, Royal Oak Offshore lấy cảm hứng từ những năm 1980, một thập kỷ đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế sau những cuộc khủng hoảng tiền tệ và dầu mỏ. Vào thời điểm khi các chính sách do Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề ra đang đẩy nhanh quá trình bãi bỏ quy định và toàn cầu hóa.
Đắm mình trong những bản hit của Madonna, Sting và Michael Jackson trong bộ trang phục với màu sắc tone sáng màu nổi bật, thậm chí là phản quang trong các buổi tiệc, thế hệ những năm 1980 tôn sùng chủ nghĩa tự do và thành công. Nếu phải chọn một thuật ngữ để mô tả thập kỷ này, thì chủ nghĩa cá nhân – hay đúng hơn là một thái độ vô tư vô lo sẽ phù hợp hơn cả.
Mọi thứ cũng đang dần trở nên tốt đẹp hơn đối với ngành chế tác đồng hồ Thụy Sĩ. Sau mười năm gánh chịu thảm họa kinh tế, ngành công nghiệp đang dần phục hồi sau khi mất ⅔ lực lượng lao động do cuộc khủng hoảng thạch anh (khủng hoảng đồng hồ quartz), và định nghĩa Haute Horology chính là yếu tố mang đến sự hồi sinh này. Sau một thế kỷ giá trung bình của đồng hồ Thụy Sĩ giảm, xu hướng này đã bị đảo ngược, ưu tiên chất lượng và giá trị hơn số lượng.
Vào đầu những năm 1980, Audemars Piguet đã vượt mốc 200 nhân viên
Audemars Piguet đóng vai trò trung tâm trong sự đổi mới này. Các quyết định mang tính chiến lược của thương hiệu đã giúp Audemars Piguet tiếp tục phát triển ngay cả khi trong những năm đen tối và khủng hoảng nhất. Dưới sự lãnh đạo của ngài Georges Golay (1921 – 1987) và sự ủng hộ và đồng lòng của các nhà sáng lập, thương hiệu đã cho ra mắt chiếc Royal Oak vào năm 1972. Song song với việc giới thiệu những thiết kế quartz đầu tiên, Audemars Piguet đồng thời chọn tập trung vào kỹ nghệ thủ công tinh xảo và tinh vi. Nhờ vậy mà thương hiệu đã hồi sinh chiếc đồng hồ lịch vạn niên vào năm 1978, đồng hồ bấm giờ vào năm 1980 và chế tác nên chiếc đồng hồ Tourbillon tự lên cót đầu tiên vào năm 1986.
Vào đầu những năm 1980, Bộ sưu tập Royal Oak là một phần quan trọng trong quá trình sản xuất Audemars Piguet
Bất chấp hoàn cảnh, Audemars Piguet vẫn duy trì theo đuổi và mở rộng quy mô của mình – là một thương hiệu đồng hồ hiếm hoi đi theo con đường độc lập khi tự vận hành, quản lý bộ máy nhân sự cũng như chế tác đồng hồ thay vì chấp nhận những lời chào mời hấp dẫn đến từ các tập đoàn sừng sỏ lúc bấy giờ. Cụ thể vào giữa những năm 1980 thương hiệu đã vượt mốc sản xuất hằng năm là 11.000 chiếc đồng hồ, đạt doanh thu 60 triệu CHF (đồng Thụy Sĩ) và có hơn 200 nhân viên, phần lớn trong số họ vẫn đang sống ở Vallée de Joux. Các thị trường của nhiều lĩnh vực ngày càng hoạt động tích cực, khởi xướng các mối quan hệ đối tác thân thiết và đóng một vai trò quan trọng trong việc sáng tạo nên những ý tưởng mới.
__________
NHỮNG Ý TƯỞNG TIÊN PHONG VÀ ĐẦY ĐỘT PHÁ
Royal Oak Offshore là một trong những bộ sưu tập nổi tiếng nhất trong lịch sử chế tạo đồng hồ. Sự ra đời của nó đã được kể lại vô số lần, đặc biệt là bởi ngài Martin K. Wehrli, cựu giám đốc Bảo tàng Audemars Piguet. Thuật lại trong cuốn sách kỷ niệm Royal Oak xuất bản năm 2012, ông chia sẻ: “Trái ngược với người tiền nhiệm của nó, Royal Oak Offshore không sinh ra để đáp ứng bất kỳ yêu cầu hoặc kỳ vọng cụ thể nào của bất kỳ thị trường nào.” Các chuyên gia cho rằng nó được chế tác dựa trên tài năng thương mại của đồng Giám đốc điều hành lúc bấy giờ – Stephen Urquhart.
Với mong muốn mang đến một mẫu đồng hồ dành cho thế hệ trẻ của những năm 1980, ông đã đặt niềm tin vào một nhà thiết kế trẻ cho dự án của mình. Và kết quả thật sự đáng kinh ngạc khi Audemars Piguet và và Stephen Urquhart đã đưa giới mộ điệu đến với thế giới tương lai nhờ vào trí tưởng tượng và sáng tạo không giới hạn của mình. Royal Oak Offshore xuyên suốt một khoảng thời gian dài vẫn luôn là một trong những thiết kế xuất sắc nhất lịch sử chế tác đồng hồ và được giới mộ điệu thèm muốn săn lùng cho đến tận hôm nay.
Vào ngày 2 tháng 2 năm 1989, Steve Urquhart đã chia sẻ khuyến nghị của nhà phân phối Đức Dierk Wettengel về việc tận dụng khái niệm “Offshore” để tạo ra một chiếc đồng hồ hàng đầu cho những năm 1990.
Đầu tiên, chúng ta phải nhắc đến ông Dierk Wettengel, người đã phụ trách thị trường Đức của thương hiệu trong 20 năm vào thời điểm đó, và là đối tác của Carlo De Marchi người Ý, một trong những người góp công tạo nên chiếc Royal Oak đầu tiên. Wettengel thực chất cũng đã tham gia vào quá trình phát triển ban đầu, vì chính ông là người đã ủy quyền cho nhà thiết kế đồ họa Olaf Leu tạo ra logo Royal Oak vào năm 1972. Sau khi quản lý công ty UHG (Uhren Handels Gesellschaft, tập đoàn SSIH) với tư cách là nhà phân phối độc quyền của thương hiệu tại Đức kể từ năm 1982, Dierk Wettengel đã thành lập công ty phân phối Audemars Piguet Uhren GmbH. Là người đã xuất sắc quảng bá chiếc đồng hồ lịch vạn niên 2120/2800, ông đã biến Đức trở thành thị trường trọng điểm cho những thiết kế phức tạp của Audemars Piguet vào những năm 1980.
Xưởng dịch vụ chăm sóc khách hàng của Audemars Piguet đặt tại Bad Soden, Đức
Trong ghi chú của mình ngày 2 tháng 2 năm 1989, Steve Urquhart đề cập đến việc Dierk Wettengel khăng khăng muốn tạo ra một “tạo tác hàng đầu cho những năm 1990″. Nhưng ông ấy muốn đề cập đến ý tưởng gì khi sử dụng cụm từ “cigarette /offshore”?
__________
OFFSHORE: TỐC ĐỘ, SỨC MẠNH VÀ SỰ THOẢI MÁI
Vào thời điểm đó, bộ môn đua thuyền máy (Powerboat racing) trở nên phổ biến và Audemars Piguet đã rất tích cực tham gia. Vào năm 1986, đội Audemars Piguet Offshore bao gồm hai tay đua, Alberto Di Luca và Alessandro Zocchi, đã cùng nhau lèo lái trên con thuyền Kevlar® catamaran dài 10,5 mét chạy bằng động cơ 150 mã lực. Vào ngày 6 tháng 9 năm 1986, đội đã giành chức vô địch giải Đua thuyền thế giới (World Offshore Racing Championship) tại Ý ở hạng mục 6 lít. Chiến thắng này đã mang về cho đội danh hiệu vô địch Châu Âu cũng như nắm giữ kỷ lục về tốc độ lúc bấy giờ.
Vào giữa những năm 1980, các tay đua người Ý Alberto Di Luca và Alessandro Zocchi đã giành chiến thắng trong nhiều cuộc đua dưới màu áo của Audemars Piguet.
Cùng năm đó, thương hiệu đã tài trợ cho “Audemars Piguet Trophy”, một cuộc đua thuyền máy uy tín từ Monaco đến Saint-Tropez. Hoàng tử Albert II của Monaco đã giành vị trí dẫn đầu và chiến thắng cuộc đua trong sự hân hoan của mọi người dân. Những chiếc thuyền máy luôn tự hào mang đến sự thoải mái tuyệt vời, cùng với chủ nghĩa tự do, hướng đến tư duy nâng tầm phong cách sống mỗi ngày – chính bầu không khí mang tính biểu tượng của năm 1980 này đã tạo nên Royal Oak Offshore.
1986. Trao cúp Audemars Piguet cho Hoàng tử Albert II của Monaco
__________
MỘT CÁI TÊN, HAI ÂM TIẾT, BA THẬP KỶ RỰC RỠ NHỮNG THÀNH TỰU
Cái tên Royal Oak Offshore là một trường hợp khá hy hữu khi không xuất phát từ chức năng hay một câu chuyện cụ thể nào, thay vào đó là một ý tưởng chợt lóe lên trong lúc đăng ký tên. Trong trí nhớ của mình, Steve Urquhart đã chia sẻ về khoảnh khắc đó: “Theo ý kiến của tôi, chúng ta nên xem liệu cái tên “Offshore” đã được đăng ký hay chưa; và nếu chưa, hãy chọn cái tên ấy đi, vì nó sẽ cực kỳ phù hợp.” Bốn ngày sau, Audemars Piguet ủy quyền cho một công ty chuyên trách đăng ký thương hiệu, và “Offshore” đã được hợp lệ hóa vào ngày 22 tháng 2 năm 1989.
1989. Đơn đăng ký thương hiệu phụ Offshore. Lịch sử của bộ sưu tập bắt đầu bằng việc đăng ký nhãn hiệu, thậm chí trước cả bản phác thảo đầu tiên của chiếc đồng hồ.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không có dấu hiệu nào cho thấy cái tên “Offshore” sẽ được sử dụng cho bộ sưu tập Royal Oak. Cái tên này đã được đăng ký riêng và ban đầu được lên ý tưởng dành cho những thiết kế có tính thể thao, mạnh mẽ và đầy phong cách.
__________
TÁI THIẾT ROYAL OAK, TẠI SAO KHÔNG?
Vào năm 1972, Royal Oak đại diện cho một cuộc cách mạng nhỏ trong thế giới Haute Horology. Chiếc đồng hồ bằng thép đắt tiền nhất thế giới và có sức ảnh hưởng khủng khiếp đến ngành công nghiệp đồng hồ, Model 5402 vẫn luôn được xem là biểu tượng của thương hiệu. Tuy nhiên, Audemars Piguet vẫn luôn đi tìm những thử thách mới cho riêng mình, và phiên bản đầu tiên của Royal Oak đã được sinh ra vào năm 1976 dành cho phái đẹp và bộ sưu tập dần được mở rộng từ đó. Kích thước được thu nhỏ, chất liệu cũng có thay đổi với sự xuất hiện của vàng, kim cương và sau đó là các bộ chuyền động có các cơ chế phức tạp. Đến năm 1989, bộ sưu tập đã có 129 thiết kế khác nhau.
Một mẫu quảng cáo cho các phiên bản Royal Oak
Xét theo một khía cạnh rộng hơn, Royal Oak đã hình thành khái niệm “đồng hồ thể thao” – đã truyền cảm hứng cho nhiều thương hiệu trong giới Haute Horology. Do đó, vào cuối những năm 1980, khi Royal Oak chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ra mắt, nó vốn đã trở thành một biểu tượng, một tác phẩm kinh điển của vũ trụ thời gian.
Vào giữa những năm 1990, Royal Oak xuất hiện trong các mẫu đồng hồ nam 36mm – đôi khi có dây đeo bằng da; cũng như trong các phiên bản dành cho nữ 30 mm.
Giờ đây, với khái niệm “Offshore” độc đáo mang phong cách có phần khác biệt, liệu Royal Oak có phải là đối tượng phù hợp để làm nền móng cho một tạo tác hoàn toàn mới?
__________
EMMANUEL GUEIT – LINH HỒN CỦA ROYAL OAK OFFSHORE
Steve Urquhart biết chính xác phải tìm đến ai khi muốn cải tiến Royal Oak, vì đã có một nhà thiết kế tài năng gia nhập vào đội sáng tạo của Jacqueline Dimier hai năm về trước.
Emmanuel Gueit và Jacqueline Dimier
Emmanuel Gueit lúc bấy giờ chỉ mới 22 tuổi. Là người gốc Geneva, ông đã có niềm đam mê thiết kế đồng hồ từ nhỏ. Cha của ông, Jean-Claude là một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất trong thời đại của mình, người đã sáng tạo ra bộ sưu tập đình đám cho các thương hiệu gạo cội khác trong ngành. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Emmanuel Gueit kể về việc ông đã thiết kế rất nhiều đồng hồ khi còn là sinh viên, chỉ đơn giản để giết thời gian trong giờ học.
Năm 1986, ông đã gặp giám đốc điều hành của Audemars Piguet – Georges Golay, để bán cho ông một số bức vẽ, nhằm chi trả cho chuyến đi đến Anh của mình. Ông Georges Golay đã trả lời rằng: “Hãy đến Anh và chúng tôi sẽ chờ cậu quay lại với một công việc hoàn toàn mới”. Ông gia nhập Audemars Piguet vào ngày 1 tháng 6 năm 1987, chỉ một vài tháng trước khi Steve Urquhart kế nhiệm vị trí giám đốc điều hành, đồng thời giới thiệu với ông về thương hiệu và đưa ông đi thăm các thị trường và gặp gỡ trực tiếp giới mộ điệu.
Emmanuel Gueit
Bộ phận thiết kế được đặt tại Geneva vào thời điểm đó. Dưới sự hướng dẫn của Jacqueline Dimier, Emmanuel Gueit đã thường xuyên liên lạc với bộ phận kỹ thuật ở Le Brassus và các nghệ nhân tại đây. Trong một buổi phỏng vấn với nhóm Heritage ở Le Brassus vào năm 2015, ông đã chia sẻ rằng vào thời điểm đó không có phòng ban chịu trách nhiệm về chế tác cũng như bộ phận marketing: “Chúng tôi phải tự làm mọi việc, từ gặp các nhà cung cấp, đi chọn chất liệu da cho phần dây đeo, hợp tác với các nghệ nhân làm mặt số. Mỗi người chúng tôi thiết kế hai đến ba trăm chiếc đồng hồ mỗi năm, rồi trình bày ý tưởng mới của mình với Steve Urquhart mỗi tháng. Là một người am hiểu về thị trường, ông ấy sẽ là người quyết định thiết kế nào được chọn và số lượng sản xuất của từng mẫu.”
Bản phác thảo của Royal Oak
__________
NHỮNG BẢN VẼ CHI TIẾT ĐẦU TIÊN VÀ KẾ HOẠCH CHO ROYAL OAK OFFSHORE
Sáu bản vẽ đầu tiên của Royal Oak Offshore ra mắt vào ngày 19 tháng 4 năm 1989, ngày cuối cùng của Hội Chợ Basel. Các bức tranh bột màu của Emmanuel Gueit đã có sẵn các chi tiết đặc trưng của bộ sưu tập: bộ vỏ cỡ lớn (oversized) (đường kính 42mm, dày 16mm), các miếng đệm cực dày, nút crown được bao bọc bởi lớp cao su màu xanh lam, xanh lá cây, vàng hoặc hồng. Một phiên bản được làm bằng vật liệu mới đã được đề cập trong một ghi chú được viết vào tháng 7 năm đó bởi Georges-Henri Meylan, trong đó ông đề cập đến việc giới thiệu “các vật liệu mới như ceramics, than chì và sợi carbon”.
Bản vẽ các chi tiết bên trong Royal Oak Offshore được lên ý tưởng bởi Frederic Piguet
Ý tưởng nảy ra ở Vallée de Joux. Vào tháng 9 năm 1989, Georges-Henri Meylan đã gặp Jacques Piguet, chủ sở hữu và giám đốc của Frederic Piguet (trước đây là Louis Elisee Piguet), công ty đã cung cấp các bộ chuyển động cho Audemars Piguet từ thế kỷ 19 và sau đó được đổi tên thành Nhà sản xuất Blancpain vào năm 2010. Jacques Piguet đã có một ý tưởng tuyệt vời khi đề nghị cung cấp cho bộ sưu tập “Offshore” trong tương lai bộ máy chronograph, vì chưa từng có một chiếc Royal Oak nào được trang bị một tính năng thể thao phức tạp như vậy.
Mọi thứ tưởng chừng như đã sẵn sàng cho sự ra mắt của Royal Oak Offshore vào năm 1992 nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập của Royal Oak, tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.
__________
SỰ HOÀI NGHI CỦA SỐ ĐÔNG
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Le Point vào năm 2016, Emmanuel Gueit cho biết: “Khi tôi ở Audemars Piguet, Steve Urquhart đã yêu cầu tôi thiết kế Royal Oak Offshore. Ông ấy muốn sản xuất một chiếc đồng hồ nam tính, mạnh mẽ cho giới trẻ. Ý tưởng của tôi lúc bấy giờ là một thiết kế thật to và dày. Vì tại thời điểm đó, phái nữ đang bắt đầu mua nhiều chiếc đồng hồ nam hơn. Vì vậy, tôi đã tăng kích thước cho cả bộ vỏ và các chi tiết của Royal Oak, để nó phù hợp với cổ tay lớn của phái mạnh.”
1989. Chi tiết từ bản phác thảo Royal Oak Offshore
Ba bản vẽ này của Emmanuel Gueit đã hồi sinh dự án vào tháng 9 năm 1991
Vào thời điểm đó, chiếc Royal Oak lớn nhất dành cho nam chỉ có đường kính 36mm và dày 7.7mm (Model 14700). Vì vậy, việc tăng kích thước lên 42mm và 14,05 độ dày là một quyết định vô cùng táo bạo. Thậm chí Steve Urquhart đã thốt lên “Chà, to thật!” khi ông thấy những phác thảo đầu tiên.
Bản phác thảo mặt số Royal Oak Offshore
Kể từ khi thành lập vào thế kỷ 19, Audemars Piguet đã có thói quen đổi mới những thiết kế của mình, nhưng Royal Oak Offshore lại là một trường hợp đặc biệt. Làm thế nào mà một người thợ đồng hồ truyền thống, thường nép mình trong một ngôi làng nhỏ trên núi, lại có thể tạo ra một chiếc đồng hồ nổi bật, quá cỡ như vậy? Trong một bài phỏng vấn vào năm 2011, Jacqueline Dimier kể lại rằng chiếc đồng hồ này đã khiến một số cổ đông của thương hiệu lo sợ. Trong khi phiên bản Royal Oak tiền nhiệm đã gây ra nhiều tranh cãi từ bên trong các nhà máy sản xuất, thì Royal Oak Offshore đã vấp phải sự phản đối kịch liệt. Được thúc đẩy bởi nhà thiết kế tài năng và đầy nhiệt huyết, nhưng thiết kế của Steve Urquhart đã bị những phản hồi nội bộ trì hoãn.
Vào năm 2013, Emmanuel Gueit nói với WorldTempus: “Cứ sau sáu tháng, tôi lại được yêu cầu dừng dự án, nhưng tôi đã bí mật tiếp tục phát triển ý tưởng này.” Vào ngày 19 tháng 9 năm 1991, ông đã thiết kế ba biến thể mới của Royal Oak Offshore với dây đeo bằng kim loại và dây đeo bằng da 2 tháng sau đó.
__________
NHỮNG KHÓ KHĂN ẬP ĐẾN
Để trang bị cho Royal Oak Offshore, Audemars Piguet đã đặt niềm tin vào một bộ chuyển động được thử nghiệm – Bộ máy tự lên dây Calibre 2126/2840 (dày 6,15mm) đã được sử dụng cho bộ sưu tập “Huitième” từ năm 1986. Được sản xuất bởi LeCoultre & Cie., bộ chuyển động có kích thước lớn 26mm, được phân loại theo Reference 889 tại LeCoultre và 2123, 2125, 2225 tại Audemars Piguet. Mặt đồng hồ Chronograph được sản xuất bởi các xưởng của Dubois Depraz, nằm cách Hồ Joux không xa. Trong khi đó, bộ máy nhỏ và mỏng hơn (25,6mm x 5,5mm) do công ty Frédéric Piguet đề xuất sẽ được tích hợp vào Royal Oak Chronograph từ năm 1997 trở đi.
Chi tiết cấu trúc của Royal Oak Offshore
Vào tháng 7 năm 1991, Royal Oak Offshore vẫn được lên lịch để xuất hiện tại Hội chợ Basel 1992 nhằm đánh dấu lễ kỷ niệm 20 năm thành lập của BST Royal Oak. Thậm chí thương hiệu còn có kế hoạch đặt chiếc đồng hồ vào tủ trưng bày hình cửa sổ. Tuy nhiên, quá trình phát triển dự án tỏ ra phức tạp hơn dự đoán và buổi ra mắt phải bị hoãn lại.
Vào tháng 7 năm 1993, sau khi chiếc đồng hồ chính thức ra mắt, quá trình phát triển vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện. Vì phải đối mặt với những ý kiến trái chiều của phần lớn nội bộ Audemars Piguet mà mãi cho đến tháng 3 năm 1993 nhà sản xuất Gay Freres mới bắt đầu phác thảo các kế hoạch cuối cùng cho Royal Oak Offshore. Đối với bộ vỏ được chế tác bởi nhà máy Centror tại Geneva, chỉ có 5 chiếc có thể vượt qua bài kiểm tra khả năng chống nước của nhà máy vào cuối tháng 9 năm 1993.
__________
SỰ KẾT HỢP GIỮA YẾU TỐ KỸ NGHỆ TINH XẢO VÀ TÍNH BỀN BÌ
Giống như tất cả đồng hồ của Audemars Piguet, Royal Oak Offshore 25721 được hoàn thiện để đảm bảo các tiêu chuẩn chế tác đồng hồ cao nhất. Lấy ví dụ, mỗi chi tiết liên kết của phần dây đều được đánh bóng thủ công, mặt số sở hữu họa tiết guilloché Petite Tapisserie, bộ vỏ xen kẽ giữa kỹ nghệ hoàn thiện bằng cách chải sa tanh và đánh bóng, chưa kể đến các yếu tố trang trí của bộ máy. Không những thế, bộ vỏ còn đồng thời được thiết kế để chịu được tác động từ những hoạt động thể thao cường độ cao.
1993. Royal Oak Offshore 25721, No. 32
Mẫu thiết kế mang số hiệu 15721 là một trong số rất ít những chiếc đồng hồ bấm giờ trên thị trường có khả năng chống nước ở độ sâu 100 mét lúc bấy giờ. Khả năng này có được nhờ vào một miếng đệm lớn, được nén ở giữa viền bezel và phần giữa vỏ, đồng thời được bổ sung bởi các miếng đệm bằng bạc liên kết với tám con ốc lục giác xuyên suốt bộ vỏ.
Chiếc Royal Oak Offshore đầu tiên cũng có khả năng chống lại từ trường. Khoảng không lớn bên trong bộ vỏ cho phép thương hiệu bổ sung một lồng sắt mềm để bảo vệ bộ chuyển động. Một báo cáo vào tháng 1 năm 1994 chỉ ra rằng chiếc đồng hồ này có khả năng chống lại 300Oe về lực cưỡng chế, gấp năm lần tiêu chuẩn ISO! Hai nút bấm chronograph và nút crown được bảo vệ bởi lớp Therban®, một loại vật liệu từ cao su siêu bền chống nhiệt, sự mài mòn, hơi nước và khí gas.
Để nhấn mạnh sự chắc chắn và yếu tố hàng hải của chiếc đồng hồ, một hộp trưng bày hình bát giác đặc biệt đã được tạo ra với phần nắp có ô cửa sổ cho phép nhà sưu tầm có thể quan sát chiếc đồng hồ ngay cả khi hộp được đóng lại. Sức mạnh, sự mạnh mẽ, độ ổn định, thiết kế độc đáo của những chiếc thuyền máy đã truyền cảm hứng cho Royal Oak Offshore và biến Model 25721ST trở thành biểu tượng của giới mộ điệu những năm 90.
__________
NHỮNG CÂU CHUYỆN CHƯA KỂ
Các đại diện bán hàng của Audemars Piguet đã công bố ba nguyên mẫu của Royal Oak Offshore tại Hội chợ Basel được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 29 tháng 4 năm 1993 một cách cực kỳ cẩn thận và chừng mực. Bất chấp sự thận trọng này, chiếc đồng hồ đã tạo ra một làn sóng chấn động – phản ứng với Royal Oak Offshore để lại ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi 30 năm sau, trong các buổi workshop của Audemars Piguet, mọi người vẫn truyền miệng với nhau về câu chuyện được thuật lại bởi một trong những người có mặt tại thời điểm đó. Câu chuyện đã bị biến tướng đến mức gần như trở nên khó tin.
1994. Quảng cáo Royal Oak Offshore dành cho nước Ý
Một số câu chuyện “dễ tin” hơn cho rằng khi các đại lý và nhà bán lẻ truyền thống nhìn thấy Royal Oak Offshore, họ đã bày tỏ sự phẫn nộ hoặc than vãn về chiếc đồng hồ. Lý do có lẽ bởi vì đường kính ngoại cỡ 42mm cùng độ dày 14,05mm và mức giá 16.600 CHF, gấp đôi so với một chiếc Royal Oak 14790 bằng thép. Tuy nhiên, khi họ đi cùng với con trai của minh, họ đã có phản ứng hoàn toàn trái ngược với nhau: “Cuối cùng, một chiếc đồng hồ đầy tính duy mỹ của vẻ đẹp từ tương lai, trẻ trung, sành điệu, trông khác hẳn những chiếc đồng hồ của thế hệ trước!”.
Những biệt danh dành cho Royal Oak Offshore bắt đầu xuất hiện, ngành công nghiệp đồng hồ gọi nó là “Quái thú” (The Beast). Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, Emmanuel Gueit kể về việc Gerald Genta xông vào gian hàng của thương hiệu và phàn nàn: “Ông đã làm hỏng chiếc đồng hồ của tôi!” Là một nhà thiết kế theo trường phái thanh mảnh và công thái học, Gerald Genta đã khẳng định quan điểm của mình trong một cuộc phỏng vấn năm 2011: “Khi tôi nhìn thấy chiếc Offshore đầu tiên, tôi đã phát điên lên.” Ông thậm chí còn mô tả chiếc đồng hồ là “Con voi biển”.
Sự ra đời của “Offshore” đánh dấu lần trở lại với sứ mệnh đặc biệt của Royal Oak. Nhưng liệu sẽ có những thành công thương mai ngay lập tức, như cách bộ sưu tập đã làm được 20 năm về trước?
__________
KHÔNG NHƯ KỲ VỌNG?
100 phiên bản đầu tiên của Royal Oak Offshore Model 25721 có khắc chữ “Royal Oak” ở mặt sau, không có “Offshore”. Một số người thầm hy vọng con “quái thú” này sẽ nhận được sự đón nhận lạnh lùng từ giới mộ điệu đến mức dự án sẽ bị dập tắt từ trong trứng nước.
Những thành công về thương mại đầu tiên vẫn còn khá xa vời khi chỉ có 61 chiếc Royal Oak Offshore được bán vào năm 1993, mặc dù phải thừa nhận rằng vì quá trình phát triển kéo dài nên những chiếc đồng hồ đầu tiên phải đến ngày 25 tháng 11 mới được giao. Doanh số bán ra năm 1994 lên tới 330 chiếc và 325 chiếc một năm sau đó. Tất cả đều ở mức trung bình, vì trong ba năm đó, chỉ có 716 chiếc Royal Oak Offshore 25721 rời Le Brassus, tương ứng với 1.6% tổng doanh số bán đồng hồ của Audemars Piguet. Khi so sánh con số này với 1.652 chiếc Royal Oak 5402 được giao từ năm 1972 đến năm 1974, ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự khác biệt. Các thị trường đứng đầu về doanh số mua vào tại Châu Âu là Ý, Thụy Sĩ và Đức, trong khi thị trường Châu Á có Nhật và Hồng Kông.
Mặc dù những khó khăn trong giai đoạn sản xuất có thể được dùng làm lý do cho kết quả này, nhưng điều quan trọng cần nhớ là chiếc đồng hồ này đã đi trước thời đại và thậm chí có sức ảnh hưởng hơn cả chiếc Royal Oak đầu tiên, khi nhìn vào xu hướng chế tác đồng hồ hiện tại. Về mặt này, chúng ta phải công nhận tinh thần tiên phong của Audemars Piguet.
Nước Ý một lần nữa là nguồn động lực của thương hiệu. Franco Ziviani – người đã làm việc nhiều năm với Alessandro Villa về phân phối đồng hồ trong nước và ngay sau đó đã mua lại đại lý Audemars Piguet tại Ý – đã đưa Emmanuel Gueit đi cùng ông trong một chuyến tham quan các nhà bán lẻ. Ở Rome, khi có người nói với ông: “Ông điên rồi, chiếc đồng hồ to quá!”, ông đáp lại: “Rồi bạn sẽ thấy, khi một gã cầm lái chiếc siêu xe thò tay ra khỏi cửa sổ, nó sẽ là điểm nhấn nổi bật nhất, đó là sự khác biệt”. Cuộc tranh luận nổ ra và trong ba năm đầu tiên, gần một phần tư doanh số của Royal Oak Offshore đã được bán ở Ý, nơi thực sự đã bị thiếu hụt về số lượng Offshore – đến mức thương hiệu đã phải sản xuất một quảng cáo kêu gọi khách hàng kiên nhẫn vào tháng 3 năm 1994.
Ngôi sao trượt tuyết người Ý Alberto Tomba – người đã gắn bó cả cuộc đời mình cho thể thao chuyên nghiệp, đã nhận ra những ưu điểm trong thiết kế của Royal Oak Offshore: kích thước oversized mạnh mẽ, khả năng chống nước tuyệt vời đại diện cho sự phóng khoáng và tự do như khi ông bứt tốc trên những chặng đua cuối cùng. Chính những phẩm chất đặc biệt đó đã đánh thức sự đồng cảm sâu sắc giữa ông và con “quái thú”, và cũng từ đó, càng có nhiều người hiểu và thấm nhuần được tinh thần của Offshore hơn. Từng chút một, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và sau đó là Đức đã bắt đầu công nhận Royal Oak Offshore.
__________
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG TƯỞNG ROYAL OAK OFFSHORE MANG LẠI
Royal Oak Offshore không có sự thay đổi trong ba năm, ngoại trừ việc bổ sung một số biến thể bằng vàng vào năm 1995 (14 mẫu 25721 bằng vàng hồng và 27 phiên bản 2 tông màu). Vào năm 1996, sáu mẫu mới đã được giới thiệu, đánh dấu sự ra đời hoàn toàn của một bộ sưu tập. Phiên bản đầu tiên trong danh sách là chiếc Royal Oak Offshore 42mm với phần dây bằng da, Model 25770.
Bốn năm sau khi ra mắt, Royal Oak Offshore đã có nhiều biến thể với chất liệu và kích thước khác nhau
Ban đầu, Emmanuel Gueit chỉ dự định thiết kế Royal Oak Offshore dành riêng cho nam giới. Tuy nhiên, năm 1996 đã chứng kiến sự ra đời của hai biến thể dành cho phái đẹp (Mẫu 79290 và 77151 với dây đeo bằng da). Sở hữu kích thước 30mm cùng bộ vỏ bằng thép và bộ chuyển động Calibre 2140 tự lên cót, Royal Oak Offshore Lady đã đáp ứng nhu cầu của giới mộ điệu về mặt thẩm mỹ với mặt số được trang trí bằng họa tiết Tapisserie.
1997. Ảnh chụp các mẫu Royal Oak Offshore 25721BA (42 mm), 77151BA (30 mm) và 25807BA (37 mm)
Năm 1997 là một năm đặc biệt quan trọng trong lịch sử phát triển của Audemars Piguet và Royal Oak – với sự ra đời của đồng hồ bấm giờ Chronograph, Tourbillon và Grande Complication. Để kỷ niệm 25 năm thành lập của Royal Oak, Emmanuel Gueit đã thiết kế những phiên bản có nhiều màu sắc phong phú hơn của Royal Oak Offshore với các màu vàng, xanh táo, cam, đỏ, nâu, xanh da trời, v.v…
Sự xuất hiện liên tục của đã giúp nâng tầm Royal Oak Offshore. Vào năm 1997, lần đầu tiên doanh số bán hàng vượt mốc 1.000 chiếc và sự ra đời của phiên bản Titanium một năm sau là minh chứng rõ ràng nhất cho đà phát triển này.
__________
NHỮNG PHIÊN BẢN GIỚI HẠN ĐẦU TIÊN
Vào mùa thu năm 1997, tài tử nước Mỹ Arnold Schwarzenegger đã đến thăm những nghệ nhân đồng hồ ở Le Brassus. Một nhân viên bán hàng trẻ tuổi tên là François-Henry Bennahmias đã dẫn ông đi một vòng quanh bảo tàng của thương hiệu. Nam diễn viên đã rất ngưỡng mộ những chiếc đồng hồ bỏ túi vì ông cũng là một nhà sưu tầm, nhưng trên hết, ông cảm thấy có mối quan hệ sâu sắc với tinh thần của “Offshore”.
1999. Arnold Schwarzenegger và François-Henry Bennahmias
Vài tháng sau, đến lượt nam diễn viên chào đón François-Henry Bennahmias đến nhà hàng Schatzi on Main của ông ở Santa Monica. Hai người đàn ông đã đi đến quyết định cùng nhau tạo ra một chiếc đồng hồ. Ở một góc bàn, họ bắt đầu phác thảo chiếc Royal Oak Offshore End of Days, Model 25770SN. Các dòng ý tưởng bắt đầu tuôn trào: Bộ vỏ màu đen kết hợp dây đeo Kevlar® tượng trưng cho tính thể thao và công nghệ cao. Đặc biệt hơn, doanh thu từ việc bán Royal Oak Offshore End of Days sẽ được dùng để tài trợ cho Tổ chức Inner City Games – một hiệp hội được thành lập ở 12 thành phố của Mỹ – cung cấp cho thanh thiếu niên kém may mắn một loạt các chương trình thể thao và giáo dục.
Khi đến thăm Xưởng sản xuất Audemars Piguet với tư cách cá nhân, siêu sao người Mỹ đã khám phá ra chiếc Royal Oak Offshore, chiếc đồng hồ mà anh chia sẻ các giá trị về hiệu suất, sức mạnh và sự hoàn hảo.
Royal Oak Offshore End of Days
Để nâng cao danh tiếng của tổ chức, Arnold Schwarzenegger sẽ đeo chiếc đồng hồ này trong bộ phim sắp tới của ông: một bộ phim bom tấn của Hollywood có tên là End of Days. Bộ phim thể loại kinh dị do Peter Hyams đạo diễn kể về ngày tận thế vào năm 2000. Khi được phát hành vào ngày 24 tháng 11 năm 1999, bộ phim bị các nhà phê bình đánh giá thấp và mặc dù thu hút hơn hai triệu khán giả, thành công thương mại của nó khá khó dự đoán.
Nghịch lý thay, bộ phim “Ngày tận thế” đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Royal Oak Offshore của Audemars Piguet, được đánh dấu bằng sự ra đời của một số phiên bản giới hạn mới như T3 (26029), All-star (26158), Legacy (26378), v.v… tất cả đều được hỗ trợ cho công việc từ thiện của nam diễn viên.
Thương hiệu tiếp tục thiết lập nhiều mối quan hệ đối tác, khám phá các lĩnh vực mà lúc đó còn mới mẻ với thế giới xa xỉ, chẳng hạn như dòng nhạc hip-hop, bộ môn bóng rổ và văn hóa đại chúng. Trong khi đó, François-Henry Bennahmias tiếp quản quyền quản lý thị trường Mỹ vào năm 1999 và chịu trách nhiệm điều hành vận mệnh toàn cầu của thương hiệu từ năm 2012 trở đi.
__________
THỜI KỲ HOÀNG KIM
Trong khi chỉ có 1.339 chiếc (không bao gồm các mẫu dành cho nữ) được bán vào năm 2000, thì mười năm sau, 14.011 chiếc đồng hồ đã được bán ra, một con số vượt xa đáng kể so với Royal Oak (8.081 chiếc). Ra mắt vào năm 2001, Royal Oak Offshore 25940SK (42mm) đã phá vỡ mọi kỷ lục hiện có – với mặt số Mega Tapisserie, và đặc biệt là viền bezel và dây đeo bằng cao su.
Royal Oak Offshore 25940SK
Tiếp nối các phiên bản giới hạn của Schwarzenegger, hàng chục biến thể đã được tạo ra với sự cộng tác của các ngôi sao thể thao như Juan Pablo Montoya vào năm 2004, Rubens Barrichello vào năm sau, sau đó là Shaquille O’Neal, Sachin Tendulkar và Michael Schumacher… Bộ sưu tập tôn vinh các đội thể thao như Alinghi và Ladycat, cũng như tri ân khách hàng của thương hiệu bằng cách thêm các phiên bản dành riêng cho thành phố của họ (chẳng hạn như Tokyo, Milan, New York, v.v.) hoặc quốc gia của họ (trong sê-ri “Niềm tự hào” dành riêng cho các quốc gia bao gồm Mexico, Argentina, Đức và Thái Lan).
Royal Oak Offshore Pride of Mexico
Vào năm 2005, Royal Oak Offshore đã lần đầu tiên tạo mối liên hệ giữa Haute Horology và thế giới tiên phong độc đáo của hip hop. Ra đời nhờ tình bạn giữa rapper kiêm nhà sản xuất âm nhạc Jay-Z và François-Henry Bennahmias, Royal Oak Offshore 26055 đã tôn vinh lễ kỷ niệm 10 năm sự nghiệp của nam nghệ sĩ.
Royal Oak Offshore Jay-Z 26055
Royal Oak Offshore đã trở thành một sân chơi đặc biệt cho màu sắc, thiết kế và vật liệu độc đáo. Titanium được giới thiệu vào năm 1997, tiếp theo là cao su vào năm 2001, carbon vào năm 2004 và ceramics vào năm 2008. Từ năm 2007 trở đi, các biến thể 44 mm và thậm chí 48 mm dần xuất hiện và hình thành một khái niệm mới về kích thước oversized – từ đó đưa toàn bộ ngành công nghiệp chế tác đồng hồ lên một vị thế mới.
Ảnh hưởng của Royal Oak Offshore mạnh đến mức kích thước trung bình của đồng hồ nói chung trong ngành tăng lên đáng kể trên thị trường. Ngay cả trong chính Audemars Piguet, bộ sưu tập Royal Oak cốt lõi cũng bắt đầu phát triển về kích thước. Năm 2003, Model 14790 (36mm) lần lượt nhường chỗ cho Model 15300 (39mm) và Model 15400 (41mm) vào năm 2012.
Thế thì to quá – hay quá to – những định kiến đều dập tắt từ đó.
__________
SỰ SẮP ĐẶT CỦA SỐ PHẬN
Xét trên nhiều phương diện, sự phát triển của chiếc Royal Oak đầu tiên vào năm 1972 dường như đối xứng ngược lại với hậu duệ Offshore năm 1993.
Royal Oak được đặt tên chỉ vài tháng trước khi ra mắt, trong khi Offshore được sinh ra từ một cái tên đã được đăng ký trước cả bản phác thảo đầu tiên. Royal Oak đã đạt được vô số những thành công thương mại ngay lập tức ở mọi nơi, trong khi Offshore bắt đầu hành trình của mình với nhiều ý kiến trái chiều.
2022. Royal Oak Offshore “Music Edition” 77601BC
Tuy nhiên, cả 2 bộ sưu tập lại có nhiều điểm chung hơn là khác biệt. Cả hai đều ra đời xuất phát từ nhu cầu tiềm ẩn của thị trường, đều được lên ý tưởng và phát triển bởi công sức của nhiều người, từ nhà thiết kế, nhà cung cấp, các nhà đại lý từ những thị trường khác nhau, nghệ nhân đồng hồ ,v.v… và đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng lớn của mình ngay khi xuất hiện.
Royal Oak đã hình thành khái niệm “đồng hồ thể thao” bằng thép, trong khi Royal Oak Offshore mở đường cho những mẫu đồng hồ thể thao oversized phát triển. Cả 2 đều đã làm kinh ngạc giới mộ điệu và chuyên môn – trở thành biểu tượng của thế giới cỗ máy thời gian.
“Born in Le Brassus, raised around the world.”
𝐀𝐮𝐝𝐞𝐦𝐚𝐫𝐬 𝐏𝐢𝐠𝐮𝐞𝐭
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 9:00 am – 10:00 pm từ thứ Hai đến Chủ Nhật