Christie’s – với lịch sử hoạt động trải dài hơn hai thế kỷ đã là cái tên góp phần định hình làng đấu giá xa xỉ toàn cầu. Giá trị văn hóa được lưu giữ qua việc tìm chủ nhân cho những tác phẩm nghệ thuật vô giá, những món trang sức độc đáo cho tới hàng loạt bất động sản đề cao chất lượng sống khắp năm châu, đã đưa Christie’s trở thành biểu tượng của sự chắt lọc và chuyên môn bậc thầy trong mắt các nhà sưu tầm trên toàn thế giới. Năm 2024 đánh dấu một mốc son quan trọng, khi Christie’s International Real Estate chính thức đặt chân tới Việt Nam – một trong những thị trường bất động sản đang phát triển nhanh nhất toàn cầu với tư cách là nhà môi giới bất động sản hạng sang đầu tiên tại thị trường này.
Nhà đấu gía Christie’s – 250 năm lịch sử nâng niu những báu vật
Cuộc đấu giá đầu tiên của Christie’s diễn ra vào Thứ Sáu, mùng 5 tháng 12 năm 1766 khi nhà sáng lập – ngài James Christie ra mắt giới sưu tầm London một bộ sưu tập nội thất, trang sức, đĩa bát, súng ngắn và cả bất động sản của một vị danh nhân cao quý. Những tác phẩm được lựa chọn ở buổi đấu giá đó là những vật dụng rất gần gũi theo thẩm mĩ và lối sống của vị chủ nhân được ngưỡng mộ này, gồm cả những bộ ga trải giường, vỏ gối, hai chiếc bình trong buồng ngủ, vân vân. Hẳn ngài Christie cũng không ngờ rằng, từ xuất phát điểm khiêm tốn như vậy ông đã đặt nền móng cho những bước đi vững trãi của nhiều thế hệ sau, cho đến ngày thương hiệu khiêm tốn tổ chức sinh nhật thứ 250 vào năm 2016.
Hậu thế dành sự kính trọng tới ngài James Christie (1730 – 1803) như một thương gia thiên tài. Ông vốn sinh ra ở vùng quê Perth, Scotland lạnh giá, trong một gia đình bình dân, sau đó lớn lên và đi lính Hải Quân Hoàng Gia một thời gian ngắn. 20 tuổi, James Christie tới London tìm một chân trời mới và sớm học được việc trong làng đấu giá ở Covent Garden. May măn cho ông đây là thời kì được gọi là Khai sáng rực rỡ của Vương quốc Anh. Với sự ham học, tuổi trẻ và sự nhạy bén, Christie đã làm việc không mệt mỏi để có nhiều kiến thức và tiết kiệm từng đồng vốn để có thể đứng riêng. Năm 1766, tham vọng của ông đã thành sự thực khi buổi đấu giá đầu tiên được diễn ra tại xưởng của nhà xuất sản bản Hoàng Gia kiêm nhà phân phối sách đáng kính thời bấy giờ – Richard Dalton ở Pall Mall.
Đây là một cú hích lớn bởi nơi này thường là nơi ra mắt các triển lãm của những tài năng trẻ ở Học Viện Hoàng Gia. James Christie đã lĩnh hội được rất nhiều xu thế từ những phồn hoa đô thị hàng đầu lúc đó, đặc biệt là Paris. Ông rất cẩn trọng trong lựa chọn từng món đồ, nghiên cứu và sắp xếp thành những cuốn catalogue riêng cho mỗi cuộc đấu giá. Ông cũng gây dựng mạng lưới với những nhà môi giới nghệ thuật lừng danh như Robert Ansell, người chuyên tìm kiếm những bộ sưu tập quý giá ở nước ngoài cho Christie và sau này trở thành đối tác chung thuyền với ông từ năm 1777 đến năm 1784.
Mô tả quang cảnh buổi đấu giá tranh đầu tiên năm 1767
Sau khi chuyển đến không gian rộng rãi hơn trên phố Pall Mall, Christie có cơ duyên làm hàng xóm với danh họa Thomas Gainsborough (1727-1788) và xây dựng sức ảnh hưởng cá nhân ở London. Người ta thường thấy ông dùng bữa tối với nhà văn, chính trị gia và nhà sưu tập Horace Walpole, họa sĩ Joshua Reynolds, đạo diễn sân khấu nổi tiếng David Garrick và Richard Tattersall, người sáng lập ra nhà đấu giá ngựa đua đầu tiên. Câu lạc bộ quý tộc này được biết đến với cái tên “Hội Bố Già của Christie”. Bản thân James Christie không phải là một nhà phê bình chuyên nghiệp nhưng ông đã học được rất nhiều từ lời khuyên của bạn bè về cách định giá những tác phẩm nghệ thuật.
Christie’s đã chứng kiến sự lên ngôi của nhiều tên tuổi gạo cội trong nền nghệ thuật nhân loại cũng như qua tay nhiều tác phẩm quan trọng. Ví dụ như năm 1780, một bức chân dung của George STUBBS được bán lần đầu tiên ở Christie’s với số lot là 82 và được mua với giá 27 đồng Guineas, tương đương khoảng 3,400$ ngày nay. Bức tranh vẽ hảo mã Gimcrack – một trong những ngựa đua nổi tiếng nhất thế kỉ 18. Khác với những xu hướng thời đó, Stubbs muốn những bức chân dung của ông có thể lột tả được sự độc đáo của từng con vật và muốn đạt được độ chính xác cao nhất có thể. Bức tranh vì thế bắt lại khoảnh khắc rất bình yên của ngựa Gimcrack và tay đua ngựa mặc đồ đua bằng lụa theo phong cách của vị chủ nhân của Gimcrack – ngài William Wildman, người đã đặt hàng bức tranh này năm 1765. Một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật thể thao, bức tranh đã được chuyển nhượng dưới tiếng gõ búa của Christie’s tổng cộng 4 lần, đạt đỉnh cao nhất là mức giá 36 triệu đô năm 2011. Một hành trình ấn tượng trong hơn 2 thế kỉ.
Khi người bạn hàng xóm – danh hoạ Thomas Gainsborough qua đời năm 1788, James Christie đã tổ chức một buổi đấu giá dành cho những người hàng xóm và bè bạn để sưu tầm lại những bức tranh, kỉ vật đáng quý. Bảy năm sau đó khi danh hoạ Joshure Reynolds qua đời, cũng là James Christie tổ chức buổi đấu giá tôn vinh ông. Trong bộ sưu tập những thứ quý giá và ý nghĩa của Reynolds có một bức vẽ trên toan gỗ bởi Rembrandt Van Rijn có tên là Suzanne et les Vieillards (1674) hiện đang được lưu giữ tại Berlin Gemaldegalerie. Vào năm 2015, các chuyên gia đã tìm ra rằng Reynolds, người đã mua bức tranh này vào năm 1769, đã tạo ra một số thay đổi quan trọng trong phần background mà Rembrant đã vẽ trước đó, với dụng ý rằng làm cho tác phẩm của tiền bối hoàn hảo hơn nữa.
Cùng với những thay đổi trong chính trường Pháp, rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật đã trở nên phiêu dạt. Christie đã rất tích cực trong công tác tìm và lưu giữ những tác phẩm này. Và đến năm 1795, Jame Christie đã thu thập được một bộ sưu tập trang sức rất quý của giới quý tộc Pháp, phiên đấu giá này đã đạt trị giá lên tới 2.7 triệu đô la mĩ nếu quy ra giá trị ngày nay, tạo ra một kỉ lục thời đó. Sự kiện này đã đưa tên tuổi Christie’s lên vị trí đỉnh cao trong làng đấu giá và duy trì ở đó cho đến khi các phong trào nghệ thuật Ấn tượng và Hiện đại ra đời khoảng năm 1950s.
Tranh vẽ tổng hợp những món đồ quý giá trong bộ sưu tập của Hoàng gia Pháp
Liệu ngài James Christie sẽ nghĩ gì nếu có cơ hội được quay trở lại với thế gian năm 2024? Chắc hẳn ngài sẽ rất ngạc nhiên và tự hào khi tên mình – Christie’s vẫn là một trong những nhà đấu giá hàng đầu thế giới – một gã khổng lồ trong thế giới nghệ thuật với 85 cơ sở trên toàn thế giới – và đang tiếp tục tạo nên những kỉ lục mới. Nơi duy nhất mà ngài Chritie có thể cảm thấy như ở nhà có lẽ là căn phòng đấu giá Great Hall nơi đã chứng kiến bao nhiêu phiên đấu quan trọng, tạo ra những bước ngoặt trong số phận nhiều tác phẩm nghệ thuật đáng quý, nơi ông đã giúp đặt ra những nền móng sơ khai nhất. Điều đó là minh chứng về dấu ấn mà một vị thương nhân táo bạo có thể để lại cho thế giới. Ta có thể đoán chắc rằng ngài Christie vẫn sẽ thích thú với những trào lưu nghệ thuật mới và cũng sẽ rất tán thưởng với tác phẩm của Beeple đặt kỉ lục ở mức giá 69.3 triệu đô trên phiên trực tuyến của Christie’s năm 2021 mới đây, mà không cần phải chạm búa.
_____
Christie’s trong thế kỷ 20
Christie từng niêm yết trên sàn chứng khoán London từ năm 1973 đến năm 1999. Christie’s tổ chức phiên đấu giá đầu tiên tại Mĩ năm 1977 và tiếp tục hoạt động với phương châm “chậm mà chắc” cho tới năm 1989, Christie’s khi đó đã chiếm 42% thị phần làng đấu giá.
Christie’s mua lại nhiều galleries quan trọng và đặc biệt là một công ty bất động sản được thêm vào danh mục từ năm 1995, mở rộng hoạt động tại Bắc Mĩ. Từ năm 1998, Tập đoàn Artemis của tỉ phú Francois Pinault bắt đầu đầu tư vào mua lại Christie’s và cuối cùng hoàn toàn sở hữu nhà đấu giá này ở mức giá 1,2 tỉ đô. Giờ đây thường niên Christie’s tổ chức hai phiên đấu giá mỗi năm và ngày càng mở rộng hoạt động tới các vùng trên thế giới.
Nhận thấy những tiềm năng của Internet, Christie’s đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để cho ra mắt nền tảng đấu giá trực tuyến vào năm 2006, mở ra cơ hội tiếp cận cho thế hệ nhà sưu tập mới và dân chủ hóa hoạt động đấu giá. Từ 2021 tới nay, trang web christies.com có trung bình 15 triệu lượt truy cập, khoảng 63% lệnh đấu giá được thực hiện trực tuyến, đi kèm 64% khách hàng mới tiếp cận với Christie’s qua nền tảng này. Nền tảng trực tuyến này cũng giúp đẩy mức giá thắng cuộc cuối cùng lên tới 46%.
Nền tảng đấu giá online của Christie’s – một trong những nền tảng đấu giá online đầu tiên và hiện đại nhất thế giới
Cũng trong năm 2006 – nhân dịp mắt nền tảng đấu giá trực tuyến, Christie’s đã bán thành công bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa người Áo Gustav Klimt – “Chân dung Adele Bloch-Bauer I”. Kiệt tác này đã trải qua một lịch sử sóng gió, khi đã từng bị phát xít Đức tịch thu năm 1941, rồi trải qua một loạt tranh chấp cho tới khi trở về tay hậu duệ của chính quý bà Bauer. Kiệt tác này sau đó được trao tay chủ mới với mức giá 173.3 triệu USD tại một thương vụ riêng tư do Christie’s tổ chức. Hiện tác phẩm này đang được trưng bày tại Neue Galerie, New York.
Chân dung Adele Bloch-Bauer I – Gustav Klimt (1907)
Ba năm sau đó, vào năm 2009, Christie’s lại tiếp tục xác lập một kỷ lục mới với tuyệt tác “Nude, Green Leaves, and Bust” của danh họa Pablo Picasso với giá 126.4 triệu USD. Bức họa này được hoàn thành vào năm 1932, sau đó trải qua một hành trình dài chu du từ Pháp vào Thế chiến II, sau đó tới New York vào năm 1951 và nằm trong phòng tranh riêng của gia đình Brody trong gần 60 năm cho tới khi được đấu giá.
Nude, Green Leaves, and Bust – Pablo Picasso (1932)
2017 là năm mà Christie’s đã tạo lập 2 kỷ lục thế giới về giá trị đấu giá. Đầu tiên là bức tranh Salvator Mundi của Leonardo da Vinci được bán với giá 450.3 triệu USD, trở thành tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất từng được bán đấu giá. Tiếp sau đó là viên kim cương “Pink Legacy”, được bán với giá 50.4 triệu USD tại sàn giao dịch Hong Kong, biến nó thành viên kim cương hồng giá trị nhất thế giới.
(Từ trái qua) Bức “Salvator Mundi” – Leonardo Da Vinci; viên kim cương Pink Legacy. Và tính đến năm 2022, Christie’s đã bán tổng cộng 8.4 tỉ đô trị giá các tác phẩm nghệ thuật và đồ xa xỉ, một trong những kỉ lục mới nhất của nhà đấu giá này.
_____
Phần II: Christie’s Real Estate – vươn tầm ảnh hưởng với bất động sản
Christie’s Real Estate được ra đời vào năm 1987 chuyên tập trung vào những bất động sản ở địa thế tuyệt đẹp, kiến trúc độc đáo và lối sống sâu sắc, xứng đáng đưa vào bộ sưu tập của những nhà sưu tầm sành sỏi. Mỗi bất động sản đều mang một câu chuyện riêng biệt để Christie’s truyền tải tới khách hàng, trên hành trình nuôi dưỡng những ngôi nhà đáng sống trên khắp thế gian. Nhờ uy tín lâu đời và tầm ảnh hưởng khắp năm châu của thương hiệu mẹ, Christie’s Real Estate đã nhanh chóng thực hiện được nhiều thương vụ giao dịch những công trình danh tiếng.
Với mạng lưới 1350 văn phòng đại diện tại 48 quốc gia, Christie’s International Real Estate hiện có mặt tại hầu hết các châu lục, từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á đến châu Phi và châu Đại Dương. Tại Bắc Mỹ, Christie’s hoạt động mạnh mẽ tại các thị trường lớn như New York, Los Angeles, Miami và Toronto. Châu Âu, với những thành phố lịch sử và những điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu như London, Paris, và Geneva, cũng là nơi Christie’s để lại dấu ấn sâu đậm. Ở châu Á, Christie’s hiện diện tại các thị trường bất động sản cao cấp như Hong Kong, Tokyo và Singapore. Bên cạnh đó, các khu vực khác như châu Phi và châu Đại Dương cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Christie’s với sự hiện diện tại Cape Town và Sydney.
Trong hành trình hoạt động của mình, Christie’s International Real Estate đã chứng kiến nhiều giao dịch kỷ lục, trong đó nổi bật nhất là thương vụ 270 triệu USD cho ngôi nhà với tầm nhìn bao quát cảng Victoria tại The Peak, Hong Kong – một trong những thị trường nhà đất đắt đỏ nhất thế giới. Hoặc có thể kể đến dinh thự Palais Vénitien tại Cannes, miền nam nước Pháp với tầm nhìn thẳng ra Địa Trung Hải thơ mộng.
Điều làm nên sự khác biệt của Christie’s Real Estate là sự thấu hiểu các tiêu chí xa xỉ mà các đại diện của Christie’s ở mỗi quốc gia đều cam kết và vinh hạnh truyền tải. Trên website của Christie’s luôn có khoảng hơn 30,000 bất động sản, từ những căn hộ vị thế hiếm hoi ở những thành phố là trung tâm văn hoá, có sức ảnh hưởng lịch sử như London, Paris, New York hay những vùng địa danh có thiên nhiên độc đáo. Chưa kể tới các loại hình bất động sản phục vụ chất lượng sống cao, nhiều đam mê, từ biệt thự nối liền sân golf cho đến những hòn đảo riêng. Mạng lưới rộng lớn và quan hệ chiến lược với các công ty quản lý tài sản luôn đảm bảo rằng Christie’s Real Estate sẽ luôn kết nối đúng người mua với bất động sản phù hợp nhu cầu của mình.
Dinh thự Palais Vénitien tại Cannes, cộng hòa Pháp
Cho dù quý vị là nhà đầu tư sành sỏi đang tìm kiếm một bất động sản thực sự đặc biệt, hay chỉ đơn giản tìm một căn nhà ấp ủ trong mơ bấy lâu nay để thực sự “sống”, hãy tin tưởng vào trình độ và phạm vi toàn cầu do Christie’s Real Estate mang lại. Cam kết kiên định về sự xuất sắc và khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giá trị cao đã củng cố vị thế của Christie’s International Real Esate trong thế giới bất động sản hạng sang.
Nhà tiếp thị bất động sản hạng sang hàng đầu thế giới Christie’s International Real Estate đã chính thức có mặt tại Việt Nam – một trong những thị trường bất động sản cao cấp phát triển nhanh nhất toàn cầu – thông qua sự hợp tác chặt chẽ với S&S Group.
S&S Christe’s International Real Estate sẽ mang đến cho khách hàng Việt Nam và quốc tế cơ hội tiếp cận gần hơn mạng lưới bất động sản cao cấp toàn cầu của thương hiệu Christie’s, hiện đã có chi nhánh trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, The Globetrotter – trực thuộc S&S Real Estate sẽ đảm nhiệm việc chăm sóc khách hàng Việt Nam có nhu cầu đầu tư bất động sản tại nước ngoài thông qua mạng lưới rộng lớn toàn cầu. Văn phòng chính thức sẽ sớm ra mắt công chúng tại Hilton Saigon, 11 Công Trường Mê Linh, Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
THE GLOBETROTTER – S&S REAL ESTATE
Đối tác độc quyền của Christie’s International Real Estate tại Việt Nam.
Liên hệ với chúng tôi tại welcome@theglobetrotter.vn
Hotline: (+84) 76 811 1969
Sắp ra mắt tại Hilton Saigon, 11 Công Trường Mê Linh, Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh