Từ khoảng 20 năm trước những chiếc đồng hồ chất liệu tổng hợp kì lạ của Richard Mille đã bắt đầu đặt nền móng cho loạt tiêu chuẩn mới, tái định nghĩa khái niệm đồng hồ xa xỉ. Việc chinh phục và làm chủ những vật liệu siêu kĩ thuật không chỉ vì yếu tố nghệ thuật mà còn là cuộc thi triển khoa học mà yếu tố an toàn cho chủ nhân khi đeo đồng hồ là điều tiên quyết.
CHINH PHỤC SỰ HOÀN HẢO
Vàng và đồng là những chất liệu được sử dụng từ những buổi đầu của các nhà sản xuất cơ khí Thụy Sĩ, và cho tới gần đây là bạch kim (platinum), chúng đã tô điểm cho cổ tay của hàng triệu người kể từ khi đồng hồ đeo tay xuất hiện vào cuối thế kỷ 19. Lịch sử ngành đồng hồ sẽ đánh dấu thêm một cột mốc để nói về titan, ceramic hay carbon (ngoại trừ dạng kim cương), đó là những nguyên liệu được Richard Mille khai thác và đưa vào sử dụng rộng rãi trong các bộ máy và vỏ đồng hồ trong thế kỉ 21. Trước Richard Mille, không có nhiều nhà sản xuất đồng hồ mạo hiểm kết hợp những phương pháp sản xuất truyền thống với công nghệ hiện đại. Không đồng ý với khái niệm giá trị của 1 chiếc đồng hồ xa xỉ không phải chỉ ở bao nhiêu khối vàng hay trọng lượng của đồng hồ, Richard Mille cho rằng giá trị thực của một chiếc đồng hồ quý phải nằm ở các thách thức kỹ thuật, từ việc phát triển vật liệu mới, tính thẩm mỹ và sự đặc sắc riêng. Chính vì vậy Richard Mille không ngừng thúc đẩy ranh giới của những quy tắc.
Chất liệu Green Quartz TPT trước tiên được khử thành bột (trong lọ) trước khi hòa tan vào trạng thái lỏng để phân tích
Sinh ra trong bối cảnh một chân ở thế kỷ 19 và một chân ở thế kỷ 21, đề bài của Richard Mille là phải đưa ra được các giải pháp khả thi, phản ánh đúng giai đoạn giao thoa này. Vật liệu mới thì rất hấp dẫn tuy nhiên đồng hồ không giống như xe cộ hay quần áo, đó là thứ mà mỗi chủ nhân có thể đeo liên tục hàng ngày, ngay trên cơ thể mình, tiếp xúc với làn da và không phải ngày nào cũng có thể làm vệ sinh. Vì vậy đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của các nhà nghiên cứu yêu cầu họ phải đưa ra thị trường loại vật liệu mới, có công năng nhưng phải đảm bảo không có bất kì rủi ro nào liên quan đến sức khoẻ, không chỉ tuyệt vời trên ảnh hay trên lý thuyết mà còn phải tuyệt vời trên cổ tay. Ngay cả khi những vật liệu tiên tiến này đã được sử dụng trong những ngành công nghiệp lớn nhất và tiên tiến nhất như hàng không vũ trụ, thiết bị y tế và đua xe, nơi những vật liệu này đã chứng minh lợi ích của chúng về mặt sức mạnh và độ nhẹ, khả năng kháng chịu và độ bền đi chăng nưa thì vẫn cần nhiều thử nghiệm cụ thể hơn trong phòng thí nghiệm khi xét tới trường hợp của ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ.
Thiệt hại sẽ là rất nặng nề nếu một loại vật liệu được đưa vào sản xuất bỗng gây ra ảnh hưởng sức khoẻ tới người đeo, nhất là khi họ tìm được một chiếc đồng hồ ưng ý và yêu thích, đeo nó thường xuyên. Một chiếc đồng hồ cũng phải chịu rất nhiều tác nhân gây tác động vật lý như tia UV, nhiệt, độ ẩm và thậm chí là axít từ mồ hôi. Một chiếc vỏ đồng hồ từ chất liệu mới phải được kiểm tra dưới mọi nhân tố trên để đảm bảo không thể gây ra tổn hại da hoặc các phản ứng da nghiêm trọng. Khía cạnh bảo vệ sức khỏe này là mật thiết với Richard Mille bởi trọng tâm của hãng là muốn tạo ra những chiếc đồng hồ phải có hiệu năng từ thiết kế. Ví dụ bộ vỏ Titanium cấp độ V không chỉ cung cấp cho chủ nhân một chiếc Richard Mille siêu nhẹ trên cổ tay mà còn mang đến một vật liệu tương hợp về sinh học và được hoàn toàn chấp nhận bởi cơ thể con người. Tương tự, chất liệu ceramic ATZ và TZP là những vật liệu trơ về mặt hóa học, được làm nóng tới hơn 1000oC và các chất tạo màu mà Richard Mille sử dụng trong các vật liệu này không tồn tại bất kỳ mối nguy hiểm nào.
Các mẫu thử nghiệm Quartz TPT và Carbon TPT chuẩn bị trải qua những bài kiểm tra toàn diện
SỰ QUAN TÂM ĐỐI VỚI CÁC RỦI RO SỨC KHỎE KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG LÀ ĐIỀU NỔI BẬT TRONG NGÀNH ĐỒNG HỒ.
Sức khoẻ không phải là yếu tố lúc nào cũng được quan tâm nổi bật trong ngành đồng hồ, đặc biệt khi mà thẩm mĩ đã đủ quyến rũ người xem, hay là cảm giác của chiếc đồng hồ trên cổ tay sẽ dễ dàng làm lu mờ các mối lo ngại khác. Đơn cử như trước đây vật liệu huỳnh quang thường được dùng làm kim đồng hồ và mặt số phát sáng. Đây là loại vật liệu được khai thác từ nửa đầu thế kỷ 20, bắt đầu bằng loại vật liệu tên là radium-226. Về sau chất này đã bị loại bỏ vì hàm chứa những rủi ro có thể thấy rõ từ phóng xạ, tuy vậy, mãi tới năm 1960 thì nó mới bị cấm. Hoặc ví dụ như các vật liệu như promethium-147 và đặc biệt là tritium vẫn được sử dụng trong ngành đồng hồ. Ngay cả khi được đóng kín, chất phóng xạ vẫn luôn ở đó. Tuy nhiên, khách hàng có thể yên tâm bởi chất liệu Super-Luminova® của Thụy Sĩ được dựa trên strontium aluminate, và tất cả các bộ phận tạo nên một chiếc đồng hồ Richard Mille đều vô hại!
RICHARD MILLE KHÔNG BAO GIỜ ĐƯA MỘT VẬT LIỆU MỚI RA THỊ TRƯỜNG TRỪ KHI NÓ TUÂN THỦ CÁC TIÊU CHÍ CỦA REACH.
Richard Mille đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các vật liệu siêu kỹ thuật trong gần hai thập kỷ, bao gồm các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để chứng minh rằng một vật liệu mới an toàn với sức khỏe dưới mọi điều kiện. Richard Mille không bao giờ đưa một vật liệu mới ra thị trường trừ khi nó tuân thủ các tiêu chí của REACH (Registration, Evaluation, Authorization and Restriction of Chemicals – Đăng ký, Đánh giá, Chứng nhận và Hạn chế các chất Hóa học), những quy định này được áp dụng cho tất cả các chất hóa học được sử dụng trong cuộc sống thường nhật như là quần áo, đồ nội thất và thiết bị điện. Một số thử nghiệm theo yêu cầu của Liên minh châu Âu rất khắt khe và đòi hỏi sự đầu tư tài chính và nhân lực đáng kể. Để vượt qua tất cả các thử nghiệm này, đặc biệt đối với các vật liệu dựa trên công nghệ TPT®, hãng đã sử dụng một phòng thí nghiệm độc lập là Metallo-Tests SA, một phòng thí nhiệm tuân thủ theo ISO / CES 17025. Tiêu chuẩn này là điều kiện để họ tiến hành các thử nghiệm theo gói thầu phụ, đưa ra kết quả hiệu chuẩn hoặc kiểm tra một cách công bằng và đáng tin cậy. Metallo-Tests hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu của REACH và RoHS (Restriction of Hazardous Substances – Tiêu chuẩn hạn chế các chất độc hại) cũng như các yêu cầu khác của khách hàng.
Có trụ sở tại La Chaux-de-Fonds, cách các cơ sở của Richard Mille 20 phút lái xe, phòng thí nghiệm này bao gồm nhiều cá nhân trẻ và năng động, kỹ năng chuyên môn cao; trong số đó có các tiến sĩ hóa học, kỹ sư hóa học, kỹ sư khoa học vật liệu, nhà luyện kim, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm và trợ lý phòng thí nghiệm luyện kim. Ông Aurèle Vuillemier, chỉ đạo Nghiên cứu và Phát triển tại Richard Mille, nói rằng “ Richard Mille và NTPT™ làm việc sát sao với Metallo-Tests để đảm bảo rằng các sản phẩm có nguy cơ gây dị ứng bằng 0 và có khả năng chịu đựng bất kỳ cũng như mọi điều kiện”. “Một điều không bao giờ được quên là một chiếc đồng hồ Richard Mille phải có khả năng đương đầu với mọi hoàn cảnh, cho dù là khắc nghiệt nhất.”
Kính hiển vi điện tử quét trường phát xạ có khả năng xác định thành phần hóa học chính xác của vật liệu tổng hợp tạo nên phần vỏ đồng hồ Richard Mille
Khi một vật liệu tổng hợp TPT® mới được phát triển, an toàn sẽ là thông số chính ngay từ đầu, bắt đầu với việc lựa chọn sắc tố được thực hiện bởi nhóm phát triển vật liệu. Sau khi xác minh khả năng kháng ánh sáng từ tia cực tím, các mẫu thử trước khi đưa vào sản xuất của Quartz TPT® sẽ được thu thập. Ở giai đoạn này, các chất hóa học sẽ được kiểm tra. Chỉ sau khi trải qua những bước đó thì sản phẩm mới được xác nhận bởi Richard Mille. Các quy trình của nhà máy đảm bảo rằng chất lượng đạt được trong giai đoạn phát triển sẽ được duy trì khi đưa vào sản xuất thực. Giấy chứng nhận tuân thủ được cung cấp cùng mỗi chiếc đồng hồ. Tại nhà sản xuất, các thử nghiệm REACH được tiến hành trên các mẫu ngẫu nhiên và việc phân tích hóa học thường xuyên được lặp lại, thường là mỗi năm một lần để liên tục đảm bảo an toàn.
Việc kiểm tra sẽ xét đến cả các sợi và chất kết dính. REACH sẽ liệt kê nồng độ của các chất khác nhau và đo để đảm bảo chúng nằm trong giới hạn của REACH. Tại Metallo-Tests, các phương pháp thận trọng được áp dụng cùng mức phát hiện với giới hạn rất thấp, có thể nói rằng phòng thí nghiệm sẽ có khả năng xác định dấu vết của một cục đường rơi xuống Hồ Geneva! Nhờ quy trình phức tạp và tốn kém này, Richard Mille có thể đảm bảo rằng tất cả các vật liệu tổng hợp TPT® tuân thủ luật pháp trên toàn thế giới liên quan đến các chất hóa học và không chứa bất kỳ sản phẩm nào có nguy cơ gây dị ứng da. Với 5.300 đồng hồ được làm từ vật liệu tổng hợp TPT® được sản xuất và bán ra cho đến nay, chỉ có hai trường hợp gây kích ứng da do chất liệu đã được báo cáo. Điều này đại diện cho 0,03% sản phẩm của hãng trên toàn cầu. Những phản ứng như vậy là có thể xảy ra với nguyên nhân từ sự đa dạng của da người. Trên thực tế, một số người thậm chí có phản ứng dị ứng với vàng, một chất được coi là một kim loại quý (theo nghĩa hóa học).
Mỗi ngày, Richard Mille luôn chăm chỉ thử nghiệm các vật liệu tổng hợp và hợp kim mới, một số trong đó còn chưa được biết đến cho tới vài năm hoặc vài tháng trước. Thực tế rằng từ việc nghiên cứu trong phòng nghiệm, hãng thường đạt những thành tựu mới trong nhiều khía cạnh khác nhau của các thành phần trong bộ máy. “Hoặc là chúng tôi làm mọi thứ tốt hoặc chúng tôi sẽ không tạo ra chúng”, là một trong những phương châm cá nhân và phương châm nghề nghiệp của Richard Mille. Không đợi tới khi những khách hàng của ông yêu cầu công ty phải hành xử có trách nhiệm, với suy nghĩ như vậy Richard Mille đã đi trước trong việc đảm bảo rằng những chiếc đồng hồ của mình liên tục được hoàn thiện về mặt an toàn cho sức khỏe con người.
Dịch từ bài viết của tác giả MICKAEL LECOR
Ảnh: DIDIER GOURDON
Richard Mille Boutique
Sofitel Metropole Hotel, 56 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (0084) 24 3266 9356
___
Các tin bài liên quan:
Richard Mille lần đầu tiên đưa chất liệu Carbon TPT lên dây đeo
Nghệ thuật chế tác thủ công đằng sau những chiếc đồng hồ Richard Mille
Richard Mille tại SIHH cuối cùng – Bộ sưu tập nổi loạn với những gam màu ấn tượng
Bên trong Quỹ từ thiện mang tên Rafael Nadal