Từ một kẻ bỏ học trở thành một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng graffiti, Cyril Phan – hay còn được biết đến với cái tên Kongo, với những tác phẩm có giá lên tới 15,000 euro trên diện tích khiêm tốn 1 mét vuông – chưa từng nghĩ những bức graffiti khi ông bắt đầu sự nghiệp năm 1987 có ngày sẽ vươn xa khuôn khổ những bức tường vùng ngoại ô Paris và đưa tên tuổi của ông vang danh trên toàn thế giới.
>> Tháng 5 rực rỡ với những chiến thắng ấn tượng từ những người bạn của Richard Mille
Không hề được rèn luyện qua bất kỳ trường lớp chính thống nào, người nghệ sỹ mang trong mình hai dòng máu Pháp – Việt tạo dựng phong cách riêng bằng cách sáng tạo với những chữ cái. Ông thách thức giới hạn của ngôn từ và truyền tải vào đó niềm lạc quan cũng như tinh thần joie de vivre – tận hưởng cuộc sống một cách phóng khoáng.
Bonbon, đa chất liệu trên nền linen Pháp, kích thước 87 x 127 cm. Bản quyền hình ảnh của Kongo, 2017
Dấu ấn phong cách riêng của Kongo có thể được tìm thấy trên mọi loại “nền tranh” đương đại, trong hàng loạt những dự án hợp tác với những thương hiệu tên tuổi như Hermès, Richard Mille, Daum và La Cornue – từ tường gạch, vải bố, cửa sổ trưng bày, vali, túi xách, khăn quàng cổ, vỏ chai rượu champagne, ô tô và thậm chí cả máy bay. Khi được Karl Lagerfeld đề nghị, Kongo đã diễn giải tinh thần thiết kế của Chanel bằng cách kết hợp chữ tượng hình Ai Cập cổ đại với ngôn ngữ đồ hoạ của riêng ông, khởi nguồn từ loạt tác phẩm hoàn thiện tại studio cá nhân của Karl Lagerfeld ở Quai Voltaire, Paris.
Những thiết kế của Kongo trở thành cảm hứng trực tiếp cho bộ sưu tập Chanel Métiers d’Art 2018/19 ra mắt hồi tháng 12 tại Bảo tàng Nghệ thuật Trung Tâm New York (The Met). Kongo ưa thích ý tưởng bóc tách một vật dụng giản đơn ra khỏi bối cảnh đời thường vốn có, biến hoá nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật và khiến cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
Các tác phẩm của Kongo tạo cảm hứng trực tiếp cho bộ sưu tập Chanel Métiers d’Art 2018/19 ra mắt tháng 12 năm ngoái tại Bảo Tàng Nghệ thuật Trung tâm New York. Bản quyền hình ảnh của Kongo.
Trong năm 2019 này, Kongo sẽ tiếp nối tour trưng bày thế giới hợp tác với Hermès Carré Club, cũng như tiếp tục dự án nghệ thuật trên vải batik truyền thống tại Solo, Indonesia. Mới đây, để tri ân nền văn hoá Caribbean, ông đã cho ra mắt loạt 50 hộp bọc xì gà độc bản, mỗi hộp chứa 100 điếu xì gà được tự tay cuốn bởi Kongo, trên tinh thần những tác phẩm nghệ thuật cũng có thể được tận hưởng trong đời sống. Ông cũng tổ chức triển lãm cá nhân lần đầu tiên mang tên Những điều bất tử (Immortals) tạo Bảo tàng Wallhouse, đảo Saint-Barthélémy vào tháng 3 và kéo dài đến 25/5/2019.
5 Cupcakes, đa chất liệu trên nền linen Pháp, kích thước 206 x 306 cm Bản quyền hình ảnh của Kongo
Mới đây, Kongo tổ chức triển lãm hợp tác với D Gallerie mở màn cho đại hội nghệ thuật Art Moments tại Khách sạn Sheraton Grand Gandaria City, Jakarta. Người xem có thể trải nghiệm loạt tác phẩm tựa đề Gourmandise khai thác ý tưởng về sự tham lam và khoái lạc, cũng như những tác phẩm mới nhất về các khái niệm tài chính điện tử như bitcoin và blockchain, loạt tranh đề tài Love, diễn tả sự thật, tình yêu và hạnh phúc đối chọi với nỗi buồn và sự hận thù – một đề tài xuyên suốt trong các sáng tác của Kongo.
Trong số các trưng bày còn có tác phẩm điêu khắc ra mắt công chúng thế giới mang tên Être Ensemble làm từ chất liệu sợi thuỷ tinh, chất liệu được Kongo ứng dụng lần đầu tiên. Kongo luôn giữ một niềm tin trong sáng rằng tình yêu là đáp án cho mọi vấn đề, và tác phẩm đồ sộ cao 2 mét này là minh chứng cho việc người nghệ sĩ đã đạt đến độ tinh hoa của nghệ thuật lắng nghe tiếng gọi từ trái tim.
Être Ensemble, đa chất liệu trên nền linen Pháp, kích thước 200 x 200 x 75 cm. Bản quyền hình ảnh của Kongo, 2019
Phỏng vấn với Kongo
Xin vui lòng kể về tác phẩm Nord 1000 mà anh mang tới Hội chợ Nghệ thuật và Thiết kế Art Elysées tại Paris, trong đó lần đầu tiên anh đã vẽ nền là toàn bộ chiếc máy bay
Quỹ Thanh niên Antoine de Saint-Exupéry (Antoine de Saint-Exupéry Youth Foundation) tìm đến tôi với mong muốn gây quỹ để chuyển đổi những hình minh hoạ cho cuốn Hoàng Tử Bé thành tài liệu cho người khiếm thị. Dự án này cần các nghệ sỹ tạo ra các tác phẩm để đấu giá từ thiện. Ông của tôi, Tướng Phan Văn Song, người đã bị mù sau khi bị trúng bom trong thời chiến, đã mở một trường học cho người khiếm thị ở Sài Gòn, vì thế đây là một mối quan tâm luôn khiến tôi xúc động đặc biệt. Tôi vẽ một mẫu máy bay Rafale để đấu giá, và cuốn Hoàng tử bé với tranh nổi cho người khiếm thị sau đó cũng đã được xuất bản. Bản thân câu chuyện của Antoine de Saint-Exupéry rất gây ấn tượng đối với tôi. Tôi thích du lịch, những cuộc phiêu lưu và thi ca – những điều làm nên dấu ấn của Saint-Exupéry. Tôi muốn sáng tác về chính chủ đề Saint-Exupéry – về một nhà thơ và một người du hành trưởng thành trên một chiếc máy bay.
Vài năm sau đó, Quỹ trên đã giới thiệu tôi với Hiệp hội Phục chế Caudron Simoun, một tổ chức chuyên phục dựng các mẫu máy bay cổ điển từ những thập niên 1930 và 1940. Khi đó họ đang phục chế hai mẫu máy bay có động cơ có thể thay thế được cho nhau là mẫu Nord 1000 (từng được biết đến với tên Messerschmitt 108 sử dụng bởi quân Đức trong Thế chiến II) và mẫu Caudron Simoun – chính là máy bay của Saint-Exupéry. Họ không muốn giữ những màu sắc gợi đến quân đội Đức, vì thế tôi đề xuất một lớp nguỵ trang sống động theo phong cách tươi vui và rực rỡ của tôi, sử dụng tiêu đề những cuốn sách của Saint-Exupéry. Dần dần, chiếc máy bay trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Tôi đã đem lại cho món phương tiện vô tri một sức sống mới. Chúng tôi đã gây dựng một cầu nối không chỉ mang tính nhân văn, lịch sử mà còn tính biểu tượng thông qua việc giới thiệu một mẫu máy bay năm 1935 trong không gian đương đại của một triển lãm nghệ thuật. Đơn giản mà nói, tôi muốn được nhìn thấy chiếc máy bay của mình thăng hoa.
Mẫu máy bay cổ Nord 1000 trong quá trình phục dựng bởi Hiệp hội Phục chế Caudron Simoun, sắp tới sẽ trở thành tác phẩm “bay được” đầu tiên của Kongo. Ảnh: ISABELLE BEAUVAIS
Anh được biết đến qua những dự án hợp tác với những thương hiệu tầm cỡ như hãng đồng hồ siêu sang Richard Mille, Chanel, Hermes, Daum, La Cornue, PSG and Zhor & Néma, nghệ sỹ đương đại Thomas Lélu và Hacene Sadoune, hay những nhà thiết kế như Fred Pinel và Aaron Jah Stone.
Tại sao những dự án này lại có vai trò quan trọng đối với anh?
Bởi tôi không thể hoàn thành những dự án này một mình, bởi tôi ngưỡng mộ con người, bởi tôi thích khám phá những kiến thức mới. Khi tôi học hỏi từ những thế giới khác biệt này, thứ tôi tìm thấy không phải là những thương hiệu tên tuổi. Tôi được biết đến rộng rãi hơn đúng là vì các hãng mà tôi hợp tác, nhưng thực tế điều thực sự cuốn hút tôi chính là cốt lõi của những thương hiệu này.
Khi tôi làm việc với Hermès, tôi có dịp gặp gỡ những chuyên gia tạo màu từ Lyon và chứng kiến cách thức họ dệt và thiết kế khăn lụa. Với Richard Mille, tôi như lạc vào một trường thời gian khác của riêng những nhà chế tác đồng hồ. Đối với tác phẩm máy bay đã nói ở trên, tôi và đối tác thực sự trở nên gắn bó: Quỹ Thanh niên Antoine de Saint-Exupéry Youth Foundation tin tưởng tôi và tôi đặt niềm tin vào họ. Tôi đề xuất với họ ý tưởng và mong muốn được làm việc, được tương tác trong một không gian nhất định. Khi dự án bắt đầu, chúng tôi ngay lập tức làm việc với một chí hướng thống nhất.
Hơn thế nữa, tôi nghĩ ngày nay không nhiều người thực sự nhắm đến kết quả xuất sắc nhất. Những lĩnh vực tôi từng tham gia đều gắn kết với nhau, bởi những cá nhân tôi cùng làm việc trong các lĩnh vực ấy đều cùng chung nỗ lực đạt đến sự xuất sắc. Phấn đấu cho kết quả tốt nhất đòi hỏi thời gian và sự đầu tư. Tôi đã rất may mắn khi những công ty này công nhận những giá trị tôi tạo ra ở thế giới của tôi, và muốn kết hợp chúng với những giá trị trong thế giới khác biệt của họ. Tất cả đơn giản chỉ là kể chuyện, và tôi muốn kể những câu chuyện về những cá nhân giàu lòng đam mê, có cá tính, có kiến thức chế tác tinh vi, và hoạt động trong những ngành nghề mà có lẽ đang dần biến mất trong thời đại chúng ta chỉ chú trọng đến lợi nhuận, đến sản xuất hàng loạt, nơi chúng ta đã tự đánh chìm mức độ xuất sắc, nơi chúng ta dám làm ít hơn.
Khăn lụa Hermès Graff. Bản quyền hình ảnh của Kongo
Tại sao anh lại sử dụng những chất liệu khác nhau và thường tái tạo những vật dụng đời thường thành những tác phẩm nghệ thuật?
Khởi điểm của tôi là graffiti. Tôi tin rằng các tác phẩm của mình luôn có liên hệ mật thiết với thế giới bên ngoài. Chúng luôn luôn biến động, và tôi khiến công chúng phải chuyển động theo. Khi tôi vẽ lên tường, mọi người vượt khoảng cách không gian để đến xem các bức vẽ. Nhưng tôi còn vẽ lên xe tải, tàu hay những vật dụng công cộng khác mà mọi người thường đi qua. Tôi vẽ nhiều thứ có thể thực sự chuyển động, và nếu bạn tìm kiếm một mẫu số chung cho tất cả những vật thể này, chúng đều không phải là các phẩm “tĩnh”. Chúng độc đáo và có tính động. Tất cả đều liên quan đến sự chuyển động. Những chiếc khăn lụa vuông trên cổ những quý cô sang trọng bậc nhất, chạm vào làn hương của những loại nước hoa tinh tế nhất và chuyển động theo làn gió là một ví dụ. Hay những tác phẩm của tôi trên đồng hồ: liên quan đến thời gian, nhưng những bức graffiti tí hon ấy nằm trên bộ tourbillon không ngừng xoay và sẽ được đeo trên cổ tay của một người luôn dịch chuyển.
Đồng hồ Richard Mille RM 68-01 Tourbillon Cyril Kongo. Bản quyền hình ảnh của Kongo
Anh có thể chia sẻ về một cột mốc đánh dấu sự thăng hoa trong sự nghiệp của anh?
Tôi nghĩ mình làm hai nghề. Với tư cách một hoạ sỹ graffiti, sự nghiệp của tôi phát triển khá nhanh, đặc biệt trong những năm 90, khi tôi nhanh chóng có được sự công nhận từ cộng đồng graffiti toàn thế giới. Và giờ đây với tư cách một nghệ sỹ – dù tôi tự coi mình là một nghệ sỹ mới vào nghề – tôi mới chỉ bắt đầu triển lãm cá nhân từ năm 2011 mà thôi. Thực tế, tôi cảm tưởng mình đã theo học nghệ thuật graffiti từ năm 1987 đến 2011, đạt được những bằng cấp cần thiết, gặp gỡ bè bạn, tự trau dồi và rèn giũa bản thân cả về tư tưởng cũng như kỹ thuật thuật sáng tác để có được những sự ghi nhận cần thiết, và cùng lúc đó vẫn tiếp tục những công việc bên lề như trang trí, tổ chức sự kiện, vẽ tranh… nhưng khi ấy tôi là một hoạ sỹ graffiti, chứ chưa hẳn là một nghệ sỹ. Tất cả giống như một môi trường rèn luyện khắc khổ, trường đời, trường học trên hè phố.
Kongo tại phòng tranh pop-up của ông tại Paris. Ảnh: LAURENT SEGRETIER
Vào năm 2011, tôi có triển lãm đầu tiên rất thành công tại phòng tranh Galerie Wallworks ở Paris. Tôi nghĩ từ thời điểm đó, sự nghiệp của tôi với danh nghĩa một nghệ sỹ bắt đầu, và cùng thời điểm đó, tôi cho ra mắt mẫu khăn lụa hợp tác với Hermès. Trước đó tôi đã từng tham gia rất nhiều triển lãm nhóm, nhưng chúng giống như việc đứng nép sau những nghệ sỹ khác, làm chỉ để cho vui. Khi thực hiện một triển lãm cá nhân, bạn bị đẩy ra ngoài vùng an toàn của bản thân, bởi ngay lập tức mọi người sẽ đánh giá bạn. Bạn bị đặt dưới ánh đèn sân khấu và không còn có thể giấu mình sau bè bạn hay bất kỳ lời biện hộ nào. Mọi người hoặc thích, hoặc ghét, hoặc hiểu, hoặc chẳng hiểu nổi những gì bạn làm. Đó là khi bạn phải vận dụng mọi kinh nghiệm bạn đã tích luỹ: Liệu bạn có được tôn trọng trong cộng đồng của mình? Liệu bạn thực sự có năng lực? Câu trả lời sẽ được đưa ra trước mặt bạn một cách thẳng thắn. Tôi trưng bày 30 bức tranh, bán được 27, tương tự như mọi triển lãm mà tôi thực hiện sau này.
Anh thuộc thế hệ những nghệ sỹ graffiti thứ hai ở Paris. Anh đã làm thế nào để thay đổi cục diện của nghệ thuật graffiti và mở đường cho các nghệ sỹ trẻ tuổi?
Vào thời điểm báo chí vẫn nói về cộng đồng của tôi dưới quan điểm đây là một hành động phá hoại diện mạo công cộng, tôi tổ chức một liên hoan graffiti quốc tế, và cùng với những đồng nghiệp của mình đưa graffiti trở thành một hiện tượng văn hoá. Tôi dồn sức truyền bá và chia sẻ về graffiti, đào tạo một số giảng viên và tổ chức dạy vẽ để tạo cảm hứng cho những trẻ em không có điều kiện tiếp xúc, hoặc chưa hiểu được sức mạnh của việc sống có đam mê – những tâm hồn còn nhiều hoài nghi và sợ hãi. Tôi coi việc trở thành một hình mẫu cho những đứa trẻ này là trách nhiệm của mình, và nỗ lực đề cao năng lực của chúng, để chúng có thể hiểu rằng có đam mê là một điều quý giá, hãy đầu tư vào nó, hãy luôn phấn đấu cho sự xuất sắc. Tôi nỗ lực để các em có thể đối diện đam mê của mình và lao động vì nó. Chúng ta càng dạy những điều này sớm, càng có thể thúc đẩy xã hội tiến xa. Nghệ sỹ có thể mang đến tầm ảnh hưởng như vậy.
Les Nuits Fauves, đa chất liệu trên nền linen Pháp, kích thước 82 x 76 cm. Bản quyền hình ảnh của Kongo, 2019
Phong cách sáng tác của anh đã biến đổi như thế nào trong ba thập kỷ vừa qua?
Tôi có rất nhiều mục tiêu. Cho đến năm 2000, mục tiêu khá rõ ràng của tôi là được công nhận. Khi tôi bắt đầu vẽ trên đường phố, như một đứa trẻ, tôi mong có được sự công nhận từ xã hội, nó như một dạng chống đối để thể hiện sự tồn tại của mình. Khi tôi bắt đầu vẽ những bức tường ngày càng lớn, bắt đầu du lịch xa hơn, mục tiêu vẫn là sự công nhận – từ những đồng nghiệp của tôi, những người bắt đầu mời tôi đến New York, Munich, Barcelona, v…v… Ngày nay, khi tôi đã làm chủ được phong cách của mình, mục tiêu lại quay trở lại điểm ban đầu. Thời khắc tôi cảm nhận mình đã đạt đến độ trưởng thành là khi tôi bắt đầu không có bước tiến mới: tôi đã vẽ trên mọi phương tiện graffiti truyền thống và đã đi vòng quanh thế giới được bốn hay năm lần. Khi ấy, tôi nhận ra mình muốn thay đổi mọi quy tắc thông thường. Muốn thay đổi quy tắc, bạn phải tự mình nhìn lại bản thân. Bạn đã có một vốn sáng tác nhất định và lúc này bạn thay đổi nó, biến nó thành một thức khác, khiến nó trở thành một cuộc kiếm tìm của riêng bạn. Và khi ấy, mọi thứ trở thành niềm vui thuần tuý hệt như bản chất của graffiti.
Giờ đây, tôi muốn sáng tác những gì mọi người ít ngờ đến nhất. Tôi đã sơn những mảng tường lớn từ khi còn là trẻ con. Tôi vẽ trên nền vải và tượng để duy trì sức sáng tạo. Nhưng điều thực sự lôi cuốn là khi tôi bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình và thay đổi chủ đề, chất liệu, nguồn ý tưởng. Ngay lúc này, tôi đang nghiên cứu sáng tác với chủ đề Sự Tham Lam. Tôi vẽ một chiếc bánh rán khổng lồ. Bạn bè tôi đều nói tôi điên, nhưng tôi chỉ đang đối thoại về một chủ đề đương đại. Sự tham lam là một trong 7 tội lỗi của loài người trong kinh thánh ở rất nhiều tôn giáo, đồng thời cũng là sự tận hưởng thời khắc hiện tại. Tôi chỉ đặt ra một câu hỏi; mọi người có thể diễn giải theo cách của họ. Có người có thể nhìn thấy cái bánh rán, có người sẽ nhìn thấy những thông điệp. Điều đó không quan trọng đối với tôi.
Mister Paolo, đa chất liệu trên nền linen Pháp, kích thước 162 x 130 cm. Bản quyền hình ảnh của Kongo, 2018
Tại sao anh bắt đầu vẽ chân dung?
Trách nhiệm của tôi với tư cách một nghệ sỹ là luôn đặt ra những câu hỏi hoặc chắt lọc tinh tuý từ khoảnh khắc chúng ta đang sống. Tôi hào hứng khi tôi làm những gì tôi muốn. Tôi có thể nói về tình yêu, máy bay hay tri ân những gì tôi ngưỡng mộ. Tôi bắt đầu vẽ chân dung sử dụng các chữ cái, để tri ân những người đã có tầm ảnh hưởng đối với tôi. Không ai nghĩ tôi sẽ thử sức với chân dung vì tôi vốn chỉ sáng tác với các chữ cái. Nhưng nếu ta muốn bắt đầu bất cứ điều gì, sẽ luôn có một thời điểm phù hợp – khi bạn cảm thấy sẵn sàng, bạn bắt đầu tiến hành. Khi tôi càng tiến xa hơn trong sự nghiệp, tôi càng cảm thấy thoải mái hơn về công việc của mình cũng như những người mà tôi gặp gỡ, và giờ đây tôi nghĩ họ bắt đầu hiểu hơn về những tác phẩm của tôi cũng như những gì tôi truyền đạt.
Bếp La Cornue (Phiên bản Paris). Bản quyền hình ảnh của Kongo
Chìa khoá đến với thành công của anh là gì?
Tôi có một vài châm ngôn tâm huyết: “Phải có tầm nhìn và nhắm đến sự xuất sắc”. Và “phải chân thành trong công việc, không đưa ra một thứ bản thân bạn cũng cảm thấy tầm thường”. Phải trung thực và lao động hết mình. Tiền bạc, danh tiếng, thành công và sức khoẻ – mọi thứ đều có thể thay đổi, ngoại trừ thời gian. Thời gian bạn đầu tư cho một tầm nhìn đúng đắn sẽ quyết định thành công của bạn.
Cyclone Allen, đa chất liệu trên nền linen Pháp, kích thước 100 x 100 cm. Bản quyền hình ảnh của Kongo, 2018
Nguồn: Forbes
Các tin bài liên quan:
Richard Mile dành mối quan tâm đặc biệt cho vật liệu không gây kích ứng
Richard Mille lần đầu tiên đưa chất liệu Carbon TPT lên dây đeo
Bên trong Quỹ từ thiện mang tên Rafael Nadal
Nghệ thuật chế tác thủ công đằng sau những chiếc đồng hồ Richard Mille
Richard Mille RM 53-01 và Polo – Trận chiến ‘khốc liệt’ của những quý ông