Tin tức
Chuyên sâu
Lịch sử thương hiệu BERLUTI – Bậc thầy chế tác đồ da
12/08/2022

Vận mệnh của nhà Berluti tràn đầy những cuộc gặp gỡ và sự nhiệt tình, được thắp lên từ những nét vẽ của thiên tài và những khúc quanh của số phận, là sự chuyển mình qua những tai nạn hy hữu và của phép lạ giữa đời thường.


1895: Hành trình đến với Paris của Alessandro Berluti

Hãy cùng quay trở lại đầu thế kỷ 20 và tập trung vào một gian hàng rất bình thường, riêng biệt và nhỏ nhất trong khu vực trưng bày đồ Italy trong Hội chợ Thế giới Exposition Universelle tại Paris. Gian hàng ấy có thể không phô trương, nhưng lại được vây quanh bởi rất đông các quý ông, họ cùng chiêm ngưỡng và trầm trồ hàng tá đôi giày được sắp xếp trên chiếc bàn nhỏ. Từ góc nhỏ trong gian hàng, Alessandro Berluti có lẽ rất tự hào về thành quả của mình.

Câu chuyện bắt đầu với một chàng trai trẻ người Italy đến từ Senigallia, một ngôi làng ở vùng Marche, đã được đào tạo để trở thành thợ đóng tủ, và bắt đầu kiếm sống bằng kỹ năng đó. Nhưng ngày qua ngày, những câu chuyện được kể bởi một người thợ đóng giày địa phương vừa trở về từ Marseille đã khiến người thanh niên trẻ nhen nhóm giấc mơ về giày.

Người Pháp không bao giờ đánh giá chuyên môn của người Ý một cách nghiêm túc. Hãy gây ấn tượng với họ là bằng những công cụ lâu năm và kỹ năng điêu luyện.” – Ildebrando, một thợ đóng giày từ Senigallia, đã nói với chàng thanh niên Alessandro Berluti.

Bước ngoặc bắt đầu khi Alessandro Berluti tham gia vào một đoàn diễn lưu động và bắt tay vào chế tác những đôi giày tây, giày ba lê, và giày cao gót cho những nghệ sĩ trong đoàn diễn ấy. Năm 1895, ông theo họ đến Paris, nung nấu hy vọng tạo dựng được tên tuổi của mình với tư cách là một thợ đóng giày ở thủ đô danh tiếng. Cùng vào năm 1895 định mệnh ấy, ông đã tạo ra đôi giày Oxford huyền thoại được chế tác từ một miếng da duy nhất mà không lộ ra bất kỳ đường may hay vết cắt nào. Ông đã ưu ái dùng chính tên của mình – Alessandro để đặt tên cho đôi giày ấy. Năm năm sau, cùng những đôi giày tiếp theo ra đời, Alessandro Berluti đã xác định đây chính là thời điểm để ông tạo dựng sự nghiệp riêng với những đôi giày độc bản. Từ đó, vận mệnh nhà Berluti bắt đầu cất cánh.

Vào năm 1895, Alessandro Berluti đã chế tác đôi giày Oxford đầu tiên được làm từ một miếng da duy nhất, không lộ bất kỳ đường may hay vết cắt, đồng thời sáng lập nên thương hiệu BERLUTI

1928: Tiếng chuông kỳ diệu trên đường Mont Thabor

Cửa hàng trên đường Rue du Mont-Thabor, ngay gần quảng trường Vendôme, giờ đây đã được nâng tầm bởi các thiết kế của Torello Berluti, người đã tiếp quản từ cha ông là Alessandro. Torello cũng là nghệ nhân chế tác giày đầu tiên áp dụng kỹ thuật 3D tân tiến, quan tâm không chỉ về kích thước mà còn đến khối lượng và sự vừa vặn của từng đôi giày, điều mà các thợ làm giày cùng thời đã bỏ qua. Ông cũng là người khởi đầu cho những thiết kế túi xách da và phụ kiện từ da mang thương hiệu Berluti.

Torello Berluti – Truyền nhân đời thứ hai của nhà Berluti, “Nhà chế tác giày danh giá” thập niên 1920, người đã nâng tầm thương hiệu cùng những đôi giày mang tính biểu tượng (trái) và con trai ông – Talbinio Berluti đứng trước cửa hàng Berluti đầu tiên, Rue du Mont-Thabor, Quận 1 của Paris (phải)

1945: Chìa khóa đến đường Rue de Marbeuf

Cùng ngày khi hoàn thiện công thức cho mùi hương nước hoa mới, Jacques Guerlain III đã vội vã đến cửa hàng để đặt một đôi giày độc bản, như thể để tự thưởng cho mình đã hoàn thành tốt công việc. Mỗi lần vào, ông ấy lại mang theo những chiếc chìa khóa của chiếc tủ nhỏ cất giữ những công thức yêu thích mình. Giống như Danh hoạ Picasso, Tài tử Eddie Constantine, hay Công tước xứ Windsor, nghệ nhân chế tác mùi hương nổi tiếng là một trong những vị khách quen thuộc của cửa hàng Berluti trên đường rue Marbeuf vừa mới khai trương vào thời điểm đó.

Torello đã hình thành nên “thánh đường của những đôi giày” – nơi chứa đầy hương thơm của gỗ và da để tôn vinh hai lĩnh vực bắt đầu sự nghiệp của cha mình – Alessandro Berluti. Torello đã trang trí cửa hàng bằng đá cẩm thạch Carrare cùng những ô cửa sổ kiểu nhà thờ, và đặc biệt hơn hết chính là phần nội thất với những đường vân bằng da do ông tự mình thiết kế. Thương hiệu Berluti giờ đây đã thật sự có một mái ấm.

Boutique Berluti toạ lạc tại số 26, đường Marbeuf, thủ đô Paris, vẫn hoạt động đến ngày nay

1960: Bước ngoặc của những huyền thoại

Talbinio Berluti – Truyền nhân đời thứ ba của nhà mốt, với sự nhạy bén và tầm nhìn xa của mình, đã giới thiệu những mẫu giày may sẵn mang thương hiệu Berluti dựa trên những thiết kế của cha mình là Torello. Với ý tưởng cung cấp những đôi giày sang trọng cho những người quý ông khắt khe và không có thời gian để chờ đợi. Một cuộc cách mạng ngầm đã diễn ra trong công cuộc khẳng định giá trị thương hiệu, và chàng trai trẻ tuổi Talibinio với ngân sách ít ỏi đã giành chiến thắng. Đối với ông, một thanh niên sinh ra trong thời kỳ hậu chiến năng động, đã đến lúc phải thay đổi, cách tân và mang đến cho Berluti một tầm vóc quốc tế.

Talbinio Berluti – Truyền nhân đời thứ ba của nhà mốt, ban đầu là kiến trúc sư, đã thừa kế kỹ năng chế tác từ cha mình là Torello. Ông là người mang đến cho Berluti một tầm vóc quốc tế với những mẫu giày may sẵn dựa trên những thiết kế độc bản trước đó

Vào một buổi sáng đẹp trời năm 1960, huyền thoại âm nhạc Frank Sinatra – một người cực kỳ bận rộn và được biết đến như là một trong những nghệ sĩ thành công nhất thế kỉ 20, đã gặp một vấn đề nan giải. Bạn của ông ấy là Danh ca Dean Martin, một người hâm mộ thương hiệu Berluti, đã giới thiệu về đôi giày lười độc bản được nhà mốt Berluti làm riêng cho mình. Đây là một món quà hoành tráng và đầy ý nghĩa, nhưng Sinatra sẽ phải đợi vài tháng trong khi các thợ thủ công nhà Berluti thực hiện quá trình chế tác thủ công diệu kỳ. Nhìn thấy khuôn mặt tới sầm của giọng ca Ol ’Blue Eyes khi nghe nói rằng ông ta phải đợi, bà Olga Berluti đã nảy ra sáng kiến mới – thay thế bằng một đôi giày lười thể thao sẵn có.

Quay lại câu chuyện tại cửa hàng trên đường rue Marbeuf, Sinatra xỏ chân vào đôi giày lười và nhảy cẩn lên một cách sung sướng. Ngôi sao người Mỹ vui vẻ rời khỏi cửa hàng và hát, một lúc sau đó lại quay lại để cảm ơn bà Olga, ông đã bắt đầu cất tiếng hát vang cả bài O Sole Mio kéo dài. Ngay cả những người đàn ông vội vàng cũng biết khi nào thì xứng đáng để họ dành thời gian vào.

Dean Martin (trái), Frank Sinatra (giữa) và thiết kế giày lười loafer từ nhà Berluti được cả hai danh ca yêu thích

Vào năm 1962, ông hoàng pop art Andy Warhol qua lời giới thiệu của Yves Saint Laurent đã tìm đến cửa hàng Berluti tại Paris và yêu cầu một đôi giày lười với phần đế vuông được thiết kế riêng. Ông có niềm đam mê đặc biệt với đôi chân của mình và những đôi giày ông mang. Bằng sự sáng tạo và thấu hiểu tâm lý vị khách danh tiếng, bà Olga đã chế tác một đôi loafer từ da của một “con bò nổi loạn”, thích cọ xát vào hàng rào thép gai, tạo nên vết hằn độc đáo. Đôi giày thực sự thể hiện tính cách nổi loạn của Andy và ông đã tuyên bố rằng, từ nay về sau ông chỉ muốn những món đồ da từ những con bò nổi loạn. Ngày nay, đôi giày lười Andy Loafer là một biểu tượng và là một trong những mẫu giày kinh điển của thương hiệu Berluti.

Olga Berluti – Người thừa kế nhà mốt đời thứ tư, một nghệ nhân chế tác giày mang tâm hồn nghệ sĩ và đôi Andy Loafer kinh điển

1992: Những vị khách mang đặc quyền tại khách sạn Crillon

Vào một đêm nọ, trong một phòng tiếp tân sang trọng ở khách sạn Crillon, một nhóm quý ông chỉ đi tất chân đang quây quần vào cùng một buổi tiệc, bao gồm các kiến trúc sư, nhà phân tích tâm lý, luật sư, trưởng phòng kinh doanh và thậm chí cả giám đốc của một rạp xiếc. Trên tay họ cầm những miếng vải lanh Venice hình vuông nhỏ và ai cũng đang tỉ mỉ chăm chú đánh bóng lớp da của đôi giày Berluti đặt trước mặt mình.

Những quý ông này thuộc câu lạc bộ Club Swann, được đặt theo tên của Charles Swann lịch lãm – nhân vật của tiểu thuyết gia Marcel Proust – một trong những khách hàng đầu tiên của nhà mốt Berluti. Club Swann ra đời như một đặc quyền giành cho những vị khách của Berluti, là câu lạc bộ dành cho những quý ông đam mê nghệ thuật chế tác giày da chân chính. Club Swan chào đón đêm đầu tiên chỉ với hai mươi người, nhưng đến ngày nay đã phát triển đến vài trăm thành viên trên khắp thế giới. Điểm chung của những quý ông đam mê giày xa xỉ này không phải là sự thành đạt hay giàu có, mà là cảm giác sành điệu, thích phiêu lưu, và xen lẫn một chút xa hoa.

Vào đêm này, những vị khách đặc biệt đã cùng nhau ngồi xuống và chăm chút cho đôi giày Berluti của mình dưới sự hướng dẫn của bà Olga. Sau khi lớp da được làm sạch, đã đến lúc chuyển sang cách đánh bóng glazing nổi tiếng. Thông thường chỉ cần một giọt nước là đủ mang lại cảm giác như đôi giày được tráng gương. Nhưng với địa vị của Club Swann yêu cầu một loại nước cao quý hơn. Và với một giọt sâm panh, việc đánh bóng giày lại càng trở nên ngoạn mục.

Club Swann – câu lạc bộ đặc quyền dành cho những vị khách của Berluti

1993: Tiếp quản bởi Bernard Arnault – Ông hoàng của đế chế LVMH

“Dịu dàng”, “cao lớn”, “yếu ớt”, “khó chịu”, và “không thích nghi”… Vào những năm 1960, Olga và Talbinio Berluti đã xác định năm kiểu định dạng này dựa trên hình dáng bàn chân. Về mặt lý thuyết, không một người đàn ông nào có thể thoát khỏi sự phân loại này: hầu hết đều thuộc hoặc loại này hoặc loại khác. “Hầu hết, chỉ trừ một người” – bà Olga giải thích: “Tôi chọn Bernard Arnault vì đôi chân của ông ấy,” Olga đã nói khi LVMH bắt đầu tiếp quản Berluti.

“Trong số tất cả những người đàn ông mà tôi đã gặp trong hơn 40 năm qua, tôi ngay lập tức biết ông ta là người có thể thừa kế tiếp theo. Đôi chân của ông ấy bộc lộ một nét tâm linh tuyệt vời và một cảm quan nghệ thuật tinh tế”. Olga quen thuộc với bàn chân của Bernard Arnault bởi vì bà ấy là người đo ni đóng giày cho đôi bàn chân ấy. Trong nhiều năm liền, Bernard đã thường xuyên đến cửa hàng trên đường Marbeuf. “Trong số 3.500 khách hàng, có khoảng 50 người có thể mua được Berluti. Nhưng đặc biệt, tôi biết rằng Bernard Arnault là người duy nhất có thể đưa Berluti lên tầm cao như vậy” – Olga Berluti.

Bản vẽ những đôi giày theo hình dạng bàn chân tại Berluti

1995: Vị pháp sư bí ẩn

Cửa hàng trên 26 rue Marbeuf đã phục vụ nhiều vị khách thuộc mọi ngành nghề, từ ca sĩ, diễn viên, đến họa sĩ hay nhân viên ngân hàng, nhưng đây chắc chắn là lần đầu tiên đón tiếp một pháp sư. Lạ lùng hơn nữa, người đàn ông này không dừng lại ở phòng tiếp khách mà vượt qua cửa, men lên cầu thang xoắn ốc, và dần khuất bóng theo bí mật của các xưởng chế tác. Vị pháp sư đến từ Los Angeles đã giúp bà Olga giải tỏa nỗi ám ảnh lớn nhất trong đời: điêu khắc hình xăm lên những đôi giày Berluti.

“Tôi phải đối mặt với một cuộc chiến hằng ngày. Kết quả của cuộc chiến đó là không thể tránh khỏi: mang lại ý nghĩa vô hạn đến một miếng da nhỏ. “ – Olga Berluti

Với tư cách là giám đốc nghệ thuật đương thời của Berluti, bà Olga luôn khao khát và tìm cách sử dụng da động vật như thể chúng là da người. Để đạt được mục tiêu này, bà đã tạo ra những chiếc khuyên, kỹ thuật cắt lớp vảy và đánh màu Patina . Để đưa những thiết kế của mình vào cuộc sống, không có gì là quá xa vời đối với Olga. Từ việc phát triển các công cụ chuyên dụng đến kỹ thuật thực hiện đến thiết kế các mô hình, bà đã mất gần hai năm luyện tập để có đủ khả năng thành thạo công nghệ phun xăm và có thể đề xuất cho khách hàng. Kỹ thuật này đã đạt được thành công ngay lập tức, và hình xăm đã trở thành dấu ấn đặc biệt của thế hệ giày Berluti mới. Về phần vị pháp sư, không một ai nhìn thấy ông ta một lần nào nữa.

Quá trình chế tác hình xăm lên những đôi giày Berluti

2011 – Nay: Một nhà mốt hoàn thiện

Berluti không bao giờ ngủ. Sau giày dép may sẵn, nhà mốt ra mắt dòng phụ kiện da vào năm 2005. Với tinh thần nhiệt huyết và đầy tham vọng, hãng đã giới thiệu dòng quần áo thời trang may sẵn vào năm 2011, lần đầu tiên giới thiệu những bộ trang phục hoàn chỉnh của Berluti. Được điều hành bởi Tổng Giám đốc Antoine Arnault và Giám đốc Nghệ thuật Alessandro Sartori, Berluti hứa hẹn một sự sang trọng cổ điển nhưng sắc nét, một cái nhìn đặc biệt và hoàn toàn chính xác. Các vết cắt ôm sát, những miếng da hoàn mỹ, màu sắc trầm lắng đến nổi bật. Nghệ thuật cắt may được đưa lên hàng đầu thông qua kỹ năng chế tác bậc thầy và niềm đam mê vô tận đối với đồ da.

Đối với nhà mốt Berluti, nghệ thuật cắt may được đưa lên hàng đầu thông qua kỹ năng chế tác bậc thầy và niềm đam mê vô tận đối với đồ da

Qua việc phát triển các dòng hàng phụ kiện và quần áo thời trang, Berluti đã mở rộng và đa dạng hóa lĩnh vực chuyên môn của mình. Giờ đây, hơn bao giờ hết, nhà mốt đang để cho sự sáng tạo của mình hoạt động cuồng nhiệt. Qua các thế hệ Giám đốc sáng tạo, từ cổ điển với Alessandro Sartori, tinh tế từ Haider Ackermann và sau đó là Kris Van Assche độc đáo và hiện đại. Berluti ngày nay là là một bản giao hưởng hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, và vẫn giữ vững vị thế bậc thầy chế tác đồ da kế thừa di sản thời trang hơn 120 năm lịch sử.


BERLUTI VIETNAM

57 Lý Thái Tổ, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hotline: (+84) 909 57 1895
Giờ mở cửa: 9.00 – 21.00

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer