Tin tức
Tin tức
RM001 Tourbillon – Chiếc đồng hồ làm nên tên tuổi Richard Mille
05/08/2020

Năm 2001, giới chế tác đồng hồ cùng lúc khám phá một thương hiệu hoàn toàn mới và một mẫu đồng hồ độc nhất vô nhị. Với cơ chế tourbillon, bộ vỏ hình thùng rượu với ba lớp cong gắn liền với thiết kế trong bộ môn xe đua, mẫu đồng hồ RM 001 viết nên chương đầu tiên trong lịch sử thương hiệu Richard Mille. 


Hệt như một câu chuyện cổ tích “ngày xửa ngày xưa, ở một xứ sở nọ… những ước lệ chế tác hà khắc thống trị một xã hội vẫn chưa lành những thương tổn nặng nề sau cuộc chiến giữa “dòng họ” đồng hồ cơ học và “phe nổi dậy” đồng hồ Quartz. Cuộc xung đột lịch sử gần đã như đặt dấu chấm hết cho toàn bộ nền chế tác đồng hồ Thuỵ Sỹ, trước khi nghệ thuật làm đồng hồ được phục sinh bởi một nhóm tinh hoa những nhà tư tưởng có tầm nhìn xuất chúng.

Cuối những năm 90, Richard Mille, bấy giờ là CEO của một thương hiệu cao cấp đặt tại khu vực Place Vendôme lừng danh tại Paris, đã đưa ra ý tưởng về những chiếc đồng hồ đặt hàng riêng cho những vị khách sành sỏi nhất, vừa là món trang sức sang trọng vừa mang những cấu trúc chức năng phức tạp. Nhưng càng gần sang tuổi 50, một ý tưởng khác càng trở nên sôi sục trong ông: ông muốn hệ thống những kiến thức chế tác tinh vi đúc kết sau bao năm kinh nghiệm và ra mắt thương hiệu đồng hồ độc lập riêng của chính mình.

Ông rời khỏi vị trí CEO để nhìn lại toàn bộ cục diện, lặng lẽ nghiền ngẫm thử thách mới mà ông vừa đặt ra cho bản thân: thiết kế một chiếc đồng hồ tuyệt tác. ‘Tôi lên danh sách những thuận lợi và khó khăn, kết quả là khó khăn vượt quá thuận lợi, dù vậy, tôi vẫn quyết chí tiến hành.’ Vốn là một người say mê xe đua, ông đưa ra ý tưởng ban đầu là hình dung và tạo tác một chiếc đồng hồ theo kiến trúc một chiếc xe đua F1. Bản vẽ nối tiếp bản vẽ, mô hình nối tiếp mô hình, dự án dần phát triển, mẫu đồng hồ đầu tiên dần hữu hình và được trau chuốt đến từng chi tiết tinh xảo nhất. Richard Mille thậm chí tự tay gọt khắc một khối xà phòng ra hình dáng ban đầu của bộ vỏ để ướm lên cổ tay của chính ông, thử nghiệm độ cong lý tưởng nhất cho bộ vỏ sau này.

Khi thời điểm đã đến để những ý tưởng của ông trở thành hiện thực, Richard tìm đến người bạn lâu năm, cũng là người đồng hành cùng ông trong ngành chế tác đồng hồ là Dominique Guenat – quản lý tập đoàn gia đình Montres Valgine đặt tại Les Breuleux, vùng núi cao Jura, Thuỵ Sỹ. Richard Mille giãi bày: ‘Vì tôi không hề có ý định sản xuất số lượng lớn, tôi đặt cược tất cả vào một mẫu đồng hồ duy nhất. Tôi coi đây như một “công chuyện gia đình”. Một ngày, tôi thông báo sẽ thực hiện dự án. Bạn tôi Dominique Guenat (nay đã là một thành viên ban quản lý công ty), từng chế tác đồng hồ cho Mauboussin và ủng hộ tôi 100%. Tôi muốn thiết kế những sản phẩm hiện đại tuyệt đối, phá vỡ phong cách cổ điển đương thời và chỉ áp dụng một quy tắc duy nhất: không có gì là quá đà và tôi sẽ chỉ làm cái tốt nhất. Tôi không thoả hiệp với bất kỳ mức độ kỹ thuật nào trừ mức cao nhất, và chiếc đồng hồ làm ra phải cực kỳ dễ nhận diện, lại vừa hết sức thoải mái khi đeo – nhẹ và dễ sử dụng trong cuộc sống thường ngày. Về căn bản, đó là sự công khai chống đối với những mặc định về giá trị của một chiếc đồng hồ cao cấp, vốn khư khư gắn với chất liệu vàng và độ nặng’.

Richard Mille sử dụng titanium cho chiếc đồng hồ đầu tiên của hãng – một chất liệu ít ai nghĩ đến trong chế tác đồng hồ siêu sang. Đối với bộ máy bên trong, ông tìm đến Renaud & Papi. Giulio Papi còn nhớ: ‘Richard Mille muốn một thiết kế sao cho cả bộ vỏ và bộ máy sẽ là một khối thống nhất, một thay đổi mang tính cách mạng với ngành đồng hồ tại thời điểm đó. Thông thường, các nhà sản xuất bộ máy tạo ra những bộ truyền động “dùng chung”, và các nhà thiết kế sẽ điều chỉnh phần vỏ đồng hồ để tích hợp với những cơ chế bên trong này. Nhưng với dự án của Richard Mille, chúng tôi phải xây dựng từ đầu một quy trình mới, trong đó các tiêu chí về thiết kế, công thái học và hiệu năng đều ảnh hưởng lẫn nhau. Mục đích cuối cùng là để tạo ra một tuyệt phẩm tối ưu hoá cả về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ.’ Hành trình chinh phục siêu phẩm thời gian này mang đến hàng loạt những sáng tạo kỹ thuật, như nút crown kích thước lớn, bộ truyền động giảm lực căng xoắn hay bánh xe truyền động ruby đặt trong bộ máy để lên cót và chọn chức năng, giúp đơn giản và tiện lợi hoá hoạt động của chiếc đồng hồ.

Vượt trội hơn những chiếc đồng hồ cổ điển với dự trữ năng lượng thông thường ở mức 48 giờ, chiếc đồng hồ đầu tiên của Richard Mille đạt mức 72 giờ dự trữ. Kim hiển thị lực căng xoắn hoạt động dựa trên cơ chế đo mô men xoắn cũng là những cải tiến hoàn toàn mới. Cảm hứng từ xe đua hiển hiện rõ ràng trên những tiêu chí chế tác nhắm đến độ nhẹ, độ bền và hiệu năng lý tưởng như: hộp cót được cải tiến mang đến hiệu quả đếm giờ chuẩn xác hơn, cơ chế tourbillon được tối ưu hoá, cấu trúc hình học của bộ thanh đỡ được tính toán để cải thiện độ chống sốc, các bộ phận neo đỡ được thiết kế lại để chịu rung chấn hiệu quả hơn.

Về mặt thiết kế, RM 001 mang đậm chất đương đại và thể thao với hàng loạt tiểu tiết tinh xảo gắn liền với thế giới xe đua Công thức 1. Bộ cầu nối có thể được chiêm ngưỡng từ mặt đồng lộ cơ là một ví dụ, với hiệu ứng bề mặt nhám mịn từ hợp kim nhôm đúc, tương tự đường tạo gân trên cần khởi động xe, cũng như kết cấu gợi nhắc đến hệ thống treo động cơ trên những thiết kế xe đua một chỗ ngồi. 

Toàn bộ lối tiếp cận sáng tạo – cả về cách thức và mục tiêu – dẫn lối cho phương thức hoạt động của tất cả những bộ phận chế tác có liên quan. Giulio Papi nhớ lại: ‘Trong giai đoạn từ năm 1998 đến 2000, chúng tôi có vỏn vẹn 55 nhân viên thì có đến 5 trong số đó là nhân viên kỹ thuật. Việc thiết kế và sản xuất bộ máy đòi hỏi đóng góp từ mọi phòng ban, trong đó cả đội kỹ thuật phải dốc toàn lực vì có quá nhiều khía cạnh quá mới mẻ.’

Ví dụ đơn giản: do bản chất bề mặt vật liệu, quá trình đánh phay siêu vi nhằm tạo hiệu ứng như hợp kim nhôm trở thành một công đoạn rất khó lường. Để đạt được mục tiêu thiết kế như đã định, những bậc thầy tại Renaud & Papi phải hiệu chỉnh công cụ và áp dụng cách thức mới. Quá trình lắp ghép sau đó cũng bị ảnh hưởng, bởi những cách thức hoàn thiện tinh tế như đánh mịn bề mặt hay phủ PVD đòi hỏi hàng loạt quy trình bảo vệ khi hiệu chỉnh bộ máy. Quá trình kiểm soát chất lượng khắt khe là lúc những nỗ lực được cảm nhận rõ ràng nhất: Richard Mille chỉ chấp nhận duy nhất những kết quả hoàn hảo tuyệt đối, bất chấp việc sự đam mê hoàn hảo đến mức cực đoan này dẫn đến tỷ lệ loại trừ cao kỷ lục. Giulio Papi còn nhớ những đêm thức trắng để lên kế hoạch thiết kế, hiệu chỉnh các thông số và in bản vẽ: ‘Tôi gửi tất cả đến Richard Mille, và ông ngay lập tức gửi lại tôi với hàng loạt ghi chú và nhận xét!”

Richard Mille chia sẻ: ‘Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật là một quá trình đầy mồ hôi và nước mắt. Một số sáng chế đòi hỏi thời gian mới có thể đạt đến hiệu suất như mong muốn, khiến việc ra mắt mẫu đầu tiên phải lùi lại đến 1 năm. Tôi đã tính trước điều này, và chúng tôi chấp nhận chỉ tập trung vào kết quả tốt nhất.’ Và rồi cũng đến ngày người khởi xướng dự án, những nhà thiết kế bộ máy và nhà sản xuất bộ vỏ hoàn thành sứ mệnh ‘biến hoá’ một ý tưởng dường như xa vời thành một hiện thực hữu hình. Chiếc đồng hồ đầu tiên của Richard Mille cuối cùng cũng hoàn thiện với cái tên RM 001, với số lượng sản xuất khiêm tốn chỉ 17 chiếc thử nghiệm. Nhưng điều quan trọng hơn cả, đây là mẫu đồng hồ không giống với bất kỳ chiếc đồng hồ nào khác.

Ngay từ khi hình thành ý tưởng, RM 001 đã thể hiện rõ ràng nguyên tắc tối thượng: ‘Chức năng quyết định hình thái và công nghệ quyết định diện mạo’. Được trang bị những phẩm chất mẫu mực của một chiếc đồng hồ thiết kế cho những điều kiện khắc nghiệt, kết hợp sự tinh tế về mặt kỹ thuật với độ bền và hiệu năng, mẫu RM 001 ngay lập tức ghi dấu tên tuổi của thương hiệu. Khi Richard Mille đem chiếc đồng hồ tới trưng bày tại hội chợ đồng hồ Baselworld, trước các đối tác tiềm năng và các phóng viên, ông đã không ngần ngại tháo chiếc RM 001 từ cổ tay và ném xuống sàn để minh chứng cho sức bền độc đáo của bộ máy tourbillon vốn mong manh.

11 chiếc RM 001 đầu tiên được làm từ bạc Đức qua xử lý PVD, nhưng 6 chiếc tiếp theo được tích hợp một sáng tạo mà sau này đã trở thành đặc điểm nhận dạng của thương hiệu: bộ đĩa đệm làm từ titanium – kết quả của hai năm tròn phát triển cho mẫu RM 001 nguyên bản. Mẫu RM 002 ra mắt tiếp nối vài tháng sau đó, trở thành mẫu đồng hồ chính thức đầu tiên trong bộ sưu tập của Richard Mille. RM 002 tạo nền tảng cho một kỷ nguyên mới trong ngành chế tác đồng hồ, tiên phong với bộ máy phức tạp và chức năng chọn chế độ độc đáo.

Nhưng đó sẽ là câu chuyện kế tiếp.

Dịch từ bài viết của tác giả STEPHAN CIEJKA 


Richard Mille Boutique
Sofitel Metropole Hotel, 56 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (0084) 24 3266 9356

___

Các tin bài khác:

Richard Mille RM 53-01 và Polo – Trận chiến ‘khốc liệt’ của những quý ông

RM 11-03 McLaren – Cỗ xe đua thực thụ sẵn sàng cho mọi cuộc đua

Đi sâu vào trái tim của RM 71-01 – Cỗ máy Tourbillon Automatic đầu tiên của Richard Mille

Richard Mille và đam mê chinh phục đại dương với RM 60-01 Regatta Flyback Chronograph

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer