Tin tức
Tin tức
Tầm ảnh hưởng của Gérald Genta trong thiết kế đồng hồ đương đại
05/08/2020

Năm 1972, thương hiệu đồng hồ 140 năm tuổi Audemars Piguet đã ra mắt bộ sưu tập có tên là Royal Oak, được thiết kế bởi nhà thiết kế trẻ Gerald Genta, cũng là cha đẻ của những chiếc đồng hồ tròn thời đó.


Royal Oak là một thiết kế được lấy cảm hứng từ sở thích du thuyền của Genta. Có hai yếu tố chính đã biến sở thích này trở nên hấp dẫn trong mắt những thế hệ sáng tạo như ông chính là sự tiện ích và tính thẩm mỹ. Một con tàu không chỉ cần trưng ra vẻ đẹp thanh lịch từ thiết kế và vật liệu mà còn phải được lắp đặt tốt để vượt qua con sóng lớn và bảo vệ những mạng sống trên tàu. Theo một cách tự nhiên, đặc điểm thiết kế tàu thuyền đã truyền cảm hứng cho những nghệ nhân trong khoảng giữa thế kỷ 20. Điều đó cũng tiếp diễn tới thập niên 1960 và 1970 khi mà đồng hồ trở thành điểm nhấn hết sức quyến rũ trên cổ tay và khả năng chống nước dường như là đặc tính mà hầu hết khách hàng mong muốn. Thẩm mỹ của tàu thuyền vẫn tạo cảm hứng mạnh mẽ trong ngành chế tác đồng hồ cho đến tận ngày nay.

Audemars Piguet đã ra mắt chiếc Royal Oak vào đầu thập niên 70 với một chiến dịch marketing táo bạo trong khi bấy giờ, các thương hiệu cũng bắt đầu hiểu rõ tầm quan trọng của việc tạo ra một mẫu quảng cáo mang đậm cá tính của thương hiệu thay vì chú trọng vào thiết kế thẩm mỹ đơn thuần. Chiến dịch của Audemars Piguet tập trung vào sự kiện bán chiếc Royal Oak, một chiếc đồng hồ thép bằng giá của một chiếc đồng hồ vàng. Tại sao đây lại là một mức giá tham vọng? Vì Audemars Piguet xem trọng kết cấu và trang trí để biến chiếc đồng hồ thành một món đồ trang sức phức tạp hơn là một chiếc đồng hồ bỏ túi được trang bị dây da để đeo lên cổ tay. Tại sao Audemars Piguet sản xuất ra chiếc Royal Oak ngay từ đầu? Bối cảnh ra đời của Royal Oak trở thành một câu chuyện được kể đi kể lại trong thế giới đồng hồ. Đó là đầu những năm 70 khi mà ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ không thể nào chối bỏ sự hoành hành của cơn khủng hoảng Quartz. Một số những cái tên lớn đã ngã xuống, những hãng còn sống sót thì đang đối mặt viễn cảnh xấu nhất. Royal Oak ra đời là để xoa dịu các nhà phân phối đồng hồ ở Ý đang tìm kiếm một mẫu đồng hồ chưa từng có cho những khách hàng thượng lưu, luôn hướng đến thời trang và mong muốn một chiếc đồng hồ thể thao cho hoạt động của họ.

Trong cơn khủng hoảng quartz, một cỗ máy dựa vào hoạt động điện tử, đã bắt đầu thay thế cho nhiều đồng hồ cơ học truyền thống, có giá cả thấp và độ chính xác cao. Trớ trêu thay những chiếc như Royal Oak lại đại diện cho kỹ thuật đỉnh cao của nghệ thuật chế tạo đồng hồ cơ học. Bộ chuyển động “siêu mỏng”, và bộ vỏ được trang trí công phu có khả năng chống chịu tốt tác động của nước và thời tiết, bên cạnh đó là những đặc điểm như bộ dây đeo nam tính được hoàn thiện cầu kỳ hay mặt đồng hồ đơn giản. Genta đã chưa bao giờ hứng thú với thiết kế phức tạp trong những năm gây dựng sự nghiệp. Tuy rằng sau đó, ông mới thiết kế bộ vỏ cho những chiếc đồng hồ phức tạp, nhưng bản thân Genta chưa bao giờ thực sự đi sâu vào thiết kế mặt đồng hồ. Vì trên hết, ông ấy là một nhà thiết kế chuyên về vỏ và dây đeo kim loại.

Bất chấp chiến lược marketing là nâng cao nhận thức về việc đầu tư vào Audemars Piguet là sự chi tiêu thông minh, Royal Oak vẫn bị coi là “bù nhìn” trong thời kỳ “thanh xuân” của chính mình. Những nhân viên của Audemars Piguet vào thời gian đó, bao gồm cả Jean-Claude Biver, đã đùa rằng Audemars Piguet nên tặng Royal Oak cho nhân viên vì doanh số gần như không tăng trưởng trong khi đã tốn hơn 2 thập kỷ để tạo ra một dòng Royal Oak. Nếu Audemars Piguet muốn hoạt động với tầm nhìn ngắn hạn như nhiều thương hiệu khác ngày nay, chiếc Royal Oak đã không thể nào sống sót nổi vào thập niên 1970. Tiếp tục đầu tư vào Royal Oak dù là quyết định sáng suốt hay bướng bỉnh đều mang tinh thần tiên phong, táo bạo của những bộ não ở Audemars Piguet, để đến bây giờ hơn 45 năm nhìn lại, Royal Oak trở thành huyền thoại của ngành công nghiệp đồng hồ thế giới và là vua của những chiếc đồng hồ thể thao hiện đại, không chỉ thay đổi sự phát triển của thương hiệu mà còn tạo ra xu hướng đồng hồ thể thao được các nhà sản xuất khác theo đuổi.

Khi nhắc đến hầu hết những sáng tạo của Gerald Genta, thế giới chế tác đồng hồ sẽ nghĩ rằng đây đơn giản chỉ là người đàn ông ghét những chiếc đồng hồ tròn cơ bản. Ngay cả khi thiết kế vỏ tròn cho đồng hồ, ông ấy sẽ làm một cái gì đó thú vị hơn, chẳng hạn như đường viền trên Gefica được trang trí với đinh tán kim loại. Thực tế này có liên quan gì đến sự nghiệp và di sản của Gerald Genta?

Tuy qua đời vài năm trước, Gerald Genta dường như vẫn còn sống mãi nhờ vợ ông đã lưu giữ những sáng tạo mà ông để lại. Một số sản phẩm chưa được sản xuất, một thương hiệu hiện đang thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH, và loạt sản phẩm thuộc về các nhà sản xuất như Audemars Piguet, những tác phẩm theo cách riêng của chúng đã làm sống dậy ký ức về một huyền thoại của thế kỷ 20. Giai thoại về Gerald Genta ngày nay mạnh mẽ hơn cả chính bản thân ông trong qua khứ.

Một trong những lý do chính khiến tác phẩm của Genta được tôn sùng bởi vì giới sưu tập đồng hồ hoàn toàn thích thú với một vài sản phẩm mà ông thiết kế cho các thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, những chiếc đồng hồ đáng giá nhất của Gerald Genta lại không mang tên của ông mặc dù có rất nhiều chế tác chạm đến mức giá xứng tầm. Với một nhà thiết kế có tư tưởng sáng tạo như Genta, sự nổi tiếng của những mẫu bấy giờ như Royal Oak đều không liên quan trực tiếp tới bản thân thiết kế cụ thể mà thay vào đó là một tầm hiểu biết đi trước nhiều người khi ông nhận thức rằng một quý ông dư dả sẽ mong muốn nhiều hơn sự “huênh hoang” từ chiếc đồng hồ họ đeo. Sự tự tin của giới quý tộc nằm ở trải nghiệm những sản phẩm mang phong cách trang sức thu hút nhưng vẫn giản dị mà bền bỉ với nguyên liệu trọng yếu như thép chứ không phải vàng.

Tầm ảnh hưởng ở “giai đoạn khởi điểm” của những chiếc đồng hồ thép thuộc thương hiệu uy tín cũng là vấn đề được đưa ra bàn luận. Như Audemars Piguet là thương hiệu có giá sản phẩm cao, nên người sở hữu những chiếc đồng hồ này đều được xem như thuộc giới thương lưu giàu có. Họ đều có thể mua một chiếc đồng hồ vàng, bất cứ lúc nào. Nhưng điều đáng nói là những mẫu thép tuy ít phổ biến, thường sẽ đi cùng với dây kim loại, lại được xem là đẹp và ngầu khi gắn cùng một thương hiệu tầm cỡ mà không ai nghĩ rằng người đeo đang làm quá. Đây là một trong những lý do chính khiến những chiếc đồng hồ này ở giai đoạn khởi điểm lại có nhu cầu cao đến như vậy.

Genta là một nhà thiết kế đầy kiêu hãnh, ông không muốn mình giống như đang sao chép bất kỳ thiết kế nào của người khác. Chính vì luôn dựa vào sở thích của chính mình để sáng tạo nên những thiết kế đặc biệt, nên theo thời gian, những tác phẩm của ông ngày càng dễ nhận biết bởi chúng là một thứ ngôn ngữ riêng. Gerald Genta đã cố gắng trở thành một nhà thiết kế giỏi, hay đơn giản là chính mình khi tạo nên các sản phẩm như Royal Oak. Những gì ông làm là tăng cường khả năng nhận biết về chiếc đồng hồ, yếu tố mà đến hàng thập kỷ sau vẫn rất quan trọng trong ngành công nghiệp đồng hồ xa xỉ.

Một giá trị khác được đánh giá cao bởi những tín đồ đam mê đồng hồ ngày nay chính là sự thoải mái trên cổ tay. Điều này không có nghĩa là chiếc đồng hồ chỉ cần thoải mái về mặt lý tính mà còn cần phải linh hoạt về thời trang hay trong nhiều dịp sử dụng, nhiều lối sống đa dạng khác nhau như trên du thuyền hay trong phòng họp. Gerald Genta đã tìm cách tạo ra những tác phẩm quý giá mà còn có thể gọi chúng bằng một cái tên khác: món đồ trang sức thiết thực “functional jewelry”, chứ không đi theo lối thiết kế tiêu chuẩn tuỳ vào mục đích như đồng hồ racing, đồng hồ lặn… Tư tưởng này rất được đề cao và minh chứng sự thành công thông qua loạt thiết kế nổi tiếng của ông nhờ sự thoải mái và tính linh hoạt thay vì đại diện cho bất kỳ mục đích sử dụng nào.

Ngày nay, giới mộ điệu quan tâm nhiều vào những chiếc đồng hồ mang danh món “functional jewelry” như vậy, và chính Gerald Genta là người đã khởi xướng nên khái niệm thiết kế này khi sáng tạo một số lượng lớn đồng hồ “trang sức” nổi tiếng toàn thế giới. Lưu ý rằng không phải cứ gọi là “trang sức” thì nhất thiết phải nói đến những vật liệu quý giá hay sang trọng. Những gì đang đề cập ở đây chính là một thiết kế thẩm mỹ có sức hút mạnh mẽ từ vẻ ngoài hoặc hình dáng chứ không phải là một thiết bị có chức năng đo lường thời gian thông thường.

Gerald Genta nên được nhớ đến là đã tạo ra một thị trường khổng lồ cho những chiếc đồng hồ “functional jewelry”. Nhưng thay vì vậy, nhiều nghệ nhân đồng hồ ngày nay đã hiểu sai bài học đó và cố gắng sao chép lại các thiết kế của ông. Thật đáng buồn vì “phép thuật” trong di sản thiết kế của Genta không phải là một hình dạng cụ thể mà là một công thức. Đó là những gì các thương hiệu nên phát huy hơn nữa chứ không đơn thuần là sản phẩm mà chính Genrald Genta cũng đã áp dụng theo công thức của mình.

Hãy cùng tóm tắt lại những gì được gọi là công thức thiết kế của Gerald Genta. Nó bắt đầu từ “vay mượn” và “pha trộn”. Ông mượn “sự hứng thú” trong thiết kế tàu thuyền và hòa trộn nó vào những thiết kế đồng hồ đeo tay để tạo ra một cái gì đó mới mẻ. Đó là vào đầu những năm 1970. Những người thiết kế ngày nay giống như Genta có thể không lấy cảm hứng từ tàu thuyền mà có lẽ là một thứ khác, như siêu xe chẳng hạn. Nếu như tại thời điểm hiện tại Genta đang thiết kế Royal Oak cho Audemars Piguet, ông hoàn toàn có thể đang nhìn vào chiếc Lamborghini chứ không phải cửa sổ của con tàu. Các nhà thiết kế tiếp nối thành công của Genta vào năm 2020 nên xem xét lấy ý tưởng từ một cái gì đó và làm thế nào để kết hợp chúng với thiết kế truyền thống cho khách hàng đương đại.

Phần tiếp theo trong công thức là tạo ra một thực sự thoải mái và linh hoạt trên cổ tay. Điều này rất quan trọng bởi đó là một món đồ của cái đẹp và niềm kiêu hãnh, cũng phải kết nối liền mạch với phong cách sống của chủ nhân. Ví dụ, nếu chiếc đồng hồ không thoải mái thì người đeo có thể không chọn lựa hoặc nếu có, sẽ ngăn để người khác không nhìn thấy nó trên cổ tay. Điều này chứng tỏ rằng một thiết kế phải rất đặc biệt về mặt trực quan và dễ dàng nhận biết được từ xa. Khách hàng không cần phải nhớ tên của nó; họ chỉ đơn giản là nhận dạng được nó trông như thế nào đã là biểu tượng của sự thành công.

Không có yêu cầu nào trong công thức cho rằng dây đeo phải là kim loại nhưng dường như nó lại có vẻ giúp ích. Hầu hết các dây đeo đồng hồ đều rất nhàm chán, không có gì khác biệt trong khi đây là một bộ phận dễ dàng tăng khả năng nhận biết của thiết kế. Ngày nay, một bộ dây mới trên cỗ máy hiện đại quả thật rất hiếm bởi nó đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn so với các bộ phận khác. Hãy nghĩ về các mắt nối trên bộ dây của Audemars Piguet Royal Oak, mỗi mắt đều khác nhau và số lượng để cấu thành nên một bộ dây lại cực kỳ phức tạp. Các nghệ nhân do vậy thích sử dụng những mảnh có cùng hình dạng lặp đi lặp lại trong một sản phẩm. Vòng dây càng có nhiều bộ phận độc đáo thì càng đặc biệt về mặt trực quan, vì thế tăng chi phí cho cả nghệ nhân và nhà sản xuất.

Trong những năm 1980, thông điệp mà Audemars Piguet Royal Oak muốn truyền tải không nằm ở nhu cầu thị trường cao. Nếu những thương hiệu như Audemars Piguet cân đo sự thành công thông qua kết quả bán hàng theo quý thì chắc chắn Royal Oak sẽ không còn tồn tại với chúng ta đến hôm nay. Bất kỳ thương hiệu nào đang tìm cách làm giàu với những chiếc đồng hồ xa xỉ mang hơi hướng của Gerald Genta sẽ cần phải đầu tư trong nhiều năm mà không có bất cứ lợi nhuận nào đáng kể. Nó chỉ đơn giản là mất nhiều thời gian để một chiếc đồng hồ được chấp nhận và trở nên phổ biến trong hệ tư tưởng nghệ thuật chế tác đồng hồ đỉnh cao.

Theo một số ý kiến chuyên gia, di sản của Gerald Genta sẽ tiếp tục được sử dụng trong những cuộc đua vài năm tới. Đồng hồ và thiết kế của ông sẽ được tôn vinh rất mạnh mẽ. Đóng góp của Genta tốt nhất nên được ghi nhớ không chỉ vì nó trông như thế nào, mà còn bởi những dự đoán khi ông nhận ra một khoảng trống rất lớn trên thị trường và ngay lập tức nẩy ra một ý tưởng khá sáng tạo để lấp đầy khoảng trống ấy.

Các thương hiệu vẫn đang tìm cách tái tạo thành công của Gerald Genta bằng cách sao chép các thiết kế của ông nhưng lại đi ngược với những bài học ông để lại. Điều đó không có nghĩa là những sản phẩm như vậy sẽ không thành công về mặt thương mại. Nhưng thay vào đó, bất kỳ thương hiệu nào muốn có một Royal Oak của riêng mình nên nhìn vào thế giới hôm nay và chú ý đến mọi mặt của trải nghiệm như du lịch, nghệ thuật, văn hóa, niềm hy vọng, những xung đột hay niềm vui… và hòa trộn nó vào một thế hệ đồng hồ đeo tay đương đại.

The Hour Glass S&S tự hào là nhà bán lẻ chính hãng các sản phẩm của thương hiệu Audemars Piguet tại Việt Nam.


Audemars Piguet by The Hour Glass S&S
Union Square Shopping Center, 171 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Hotline: 0283 620 8787
Giờ mở cửa: 9:00 – 22:00 từ thứ Hai đến Chủ Nhật

___

Các tin bài khác:

Audemars Piguet Golden Royal Oak Jumbo lập kỷ lục mới tại phiên đấu giá thế giới Antiquorum

Audemars Piguet Calibre 4400 – Trái tim của bộ sưu tập đầy tham vọng Code 11.59

Audemars Piguet [Re]master01 Chronograph – Tái hiện quá khứ bằng kĩ nghệ truyền thống và công nghệ đương đại

Audemars Piguet Royal Oak Offshore – cột mốc khai sinh khái niệm đồng hồ thể thao đích thực

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer