Tin tức
Tin tức
Swatch Group – Đế chế đồng hồ sinh ra trong nghịch cảnh
05/08/2020

Vào thập niên 70-80, sự lên ngôi của đồng hồ quartz đã đẩy ngành đồng hồ Thụy Sĩ vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có khiến ngành công nghiệp từng là niềm tự hào của quốc gia này đứng trươc nguy cơ sụp đổ. Trước tình cảnh ngặt nghèo đó, tư duy táo bạo phá vỡ các rào cản truyền thống cùng quyết tâm khôi phục tên tuổi cho đất nước sản sinh ra đồng hồ của người đàn ông mang tên Nicolas Hayek đã mang lại sự hồi sinh kì diệu cho ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục.


Đồng hồ Quartz và sự thoái trào của đế chế đồng hồ Thụy Sĩ

Sự kiện ra mắt chiếc đồng hồ quartz đầu tiên với tên gọi Quartz Astron vào ngày 25/12/1969 của Seiko đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong lịch sử ngành đồng hồ bởi nó không chỉ giới thiệu chiếc đồng hồ chạy pin đầu tiên ra thị trường mà còn làm thay đổi vĩnh viễn bức tranh phát triển của ngành công nghiệp đồng hồ. Năm 1979, Nhật Bản đã sản xuất được hơn 30 triệu đồng hồ quartz, chiếm khoảng 55% trong số 60 triệu sản lượng sản xuất trong năm. Năm 1980, số lượng đồng hồ được sản xuất tại Nhật đã vượt lần đầu qua Thụy Sĩ đưa đất nước mặt trời mọc trở thành công xưởng sản xuất đồng hồ trên thế giới.

Sự xuất hiện của đồng hồ quartz đã đưa giá trị sản xuất của ngành đồng hồ Nhật Bản tăng vọt từ 350 triệu USD từ năm 1970 lên 2 tỷ USD vào năm 1980. Trong giai đoạn từ 1981-1985, giá trị trung bình của ngành sản xuất đồng hồ Nhật cũng tăng chóng mặt từ 350 triệu USD năm 1970 lên 2,0 tỷ vào năm 1980, cho phép nước này vượt qua Thụy Sĩ trong giai đoạn 1981-1985. Trong giai đoạn 5 năm này, giá trị trung bình của sản xuất đồng hồ Nhật Bản đạt ngưỡng 1,96 tỷ USD, bỏ lại Thụy Sĩ phía sau với giá trị chỉ đạt 1,69 tỷ USD.

Chiếc đồng hồ quartz đầu tiên ra mắt trên thị trường của Seiko – Quartz Astron 1969

Trước sự nổi lên nhanh chóng của đồng hồ quartz, ngành đồng hồ Thụy Sĩ đã đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có khiến ngành công nghiệp từng là niềm tự hào của quốc gia này lung lay dữ dội trong suốt gần hai thập kỉ. Tính đến năm 1980, hơn 1.000 nhà sản xuất đồng hồ phải đóng cửa đẩy 65% công nhân trong ngành tương đương với gần 60.000 người rơi vào tình trạng mất việc. Ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ ban đầu áp dụng phân công lao động theo chiều ngang như một phương thức sản xuất với việc để các nhà sản xuất đồng hồ làm việc trên quy mô sản xuất nhỏ cho các thương hiệu hay. Các doanh nghiệp gia đình độc lập vừa và nhỏ với công nghệ truyền thống thì được đặt hàng để sản xuất các chi tiết nhỏ cho các công ty hoặc thương hiệu thuộc cùng tập đoàn. Toàn bộ các hoạt động của ngành công nghiệp lúc này, từ sản xuất cho đến marketing, bán hàng đều diễn ra rời rạc, lẻ tẻ mà không hề có tính định hướng chiến lược như thể một đoàn tàu chạy trong đêm mà không biết đích đến. Điều này đặt ra yêu cầu phải có một đầu tàu đủ lớn để kéo cả ngành công nghiệp đồng hồ Thũy Sĩ ra khỏi vũng bùn.

Sự ra đời của SHM và hành trình tìm lại hào quang

Trước sự xuống dốc không phanh tưởng chừng như không có lối thoát của cả ngành đồng hồ Thụy Sĩ, sự xuất hiện của người đàn ông mang tên Nicolas G. Hayek như một định mệnh mang đến sự hồi sinh cho quê hương của đồng hồ.

Vào đầu những năm 1980, Nicolas G. Hayek lúc bấy giờ đang là nhà tư vấn tài chính được nhiều nhãn hàng săn đón, đã đưa ra đề xuất táo bạo để vực dậy nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ  bằng cách sáp nhập hai tập đoàn đồng hồ lớn nhất đất nước nhưng đều trên bờ vực phá sản là ASUAG và SSIH.

Nicolas G. Hayek – Người đàn ông đóng vai trò quan trọng cho sự hồi sinh của ngành đồng hồ Thụy Sĩ

Ra đời vào năm 1930, sau sự kiện sáp nhập 2 công ty đồng hồ lớn của Thụy Sỹ là Omega và Tissot, SSIH sau đó còn sở hữu Hamilton Electric và Bulova Accutron và là hãng đồng hồ có doanh thu cao thứ 2 Thụy Sĩ. Trong khi đó ASUAG, nhà sản xuất bộ máy đồng hồ và các chi tiết đồng hồ lớn nhất thế giới ở thời điểm bấy giờ sở hữu một loạt thương hiệu đình đám mà nổi bật nhất là Longines và Rado. Tuy nhiên, trước sự ảnh hưởng của làn sóng đồng hồ quartz cùng với tác động của việc suy thoái kinh tế toàn cầu từ cuộc khủng hoảng dầu lửa, cả hai tập đoàn này đều đứng trên bờ vực phá sản vào những năm 80.

Bằng việc sáp nhập 2 tập đoàn này, Nicolas. G. Hayek đã thực hiện một thương vụ táo bạo để khôi phục thể diện cho ngành đồng hồ Thụy Sĩ sau khi nhận được yêu cầu lên kế hoạch cho việc bán lại chính 2 tập đoàn này cho người Nhật. Không cam tâm để mất di sản quốc gia này,  Nicolas. G. Hayek  đã ngay lập tức lên kế hoạch và thành công trong việc thuyết phục các ngân hàng trong nước việc sáp nhập ASUAG và SSIH thành Tập đoàn SMH (tiền thân của Tập đoàn SWATCH) vào năm 1983; đánh dấu sự ra đời của tập đoàn đồng hồ lớn nhất thế giới.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Nicolas Hayek đã đưa ra một chiến lược vô cùng sáng suốt trong bối cảnh bấy giờ đó là thế hệ đồng hồ mới của Thụy Sĩ sẽ nhắm cả vào thị trường với phân khúc khách hàng hạng trung và đồng thời phải đủ “thú vị” để được giới trẻ lựa chọn như một phụ kiện thời trang. Ông muốn cả những đối tượng đã sở hữu đồng hồ cũng phải bỏ tiền ra mua chiếc đồng hồ mới này bởi nó có tính thời trang và có thể thay thế những món trang sức hay  phụ kiện khác. Chủ nhân của những chiếc đồng hồ này phải cảm thấy thích thú và hào hứng đến nỗi họ có thể lựa chọn vài chiếc khác nhau để liên tục thay đổi theo hoàn cảnh, theo trang phục hay thậm chí theo tâm trạng.

Với kế hoạch đầy thuyết phục và sáng tạo của mình, Hayek đã nhanh chóng nhận được những cái gật đầu từ các ngân hàng và họ không ngần ngại đầu tư cho ý tưởng đối vưới dòng đồng hồ mới này. Bản thân Hayek không có nhiều kinh nghiệm khi sản xuất đồng hồ, và khi bắt tay vào việc triển khai kế hoạch này, ông đã tìm đến một kẻ ngoại đạo khác là Ernst Thomke. Sự hợp tác không tưởng này lại bất ngờ đem lại những thành tựu lịch sử mà cả ngành đồng hồ Thụy Sĩ sẽ phải ghi nhớ.

Trên thực tế, Thomke đã có thời gian nghiên cứu một chiếc đồng hồ đi ngược lại với các quan niệm truyền thống của ngành chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ  để đáp ứng các tiêu chuẩn mà Hayek đề ra: “Chất lượng cao, giá thấp, có cảm xúc, phá cách và tràn đầy niềm vui sống”. Chiếc đồng hồ mới sẽ phải là chiếc đồng hồ quartz chạy bằng pin với thiết kế hợp thời trang mang phong cách thời thượng. Đặc biệt, giá thành của nó cũng phải đủ hấp dẫn để thu hút giới trẻ cũng như nhóm khách hàng có thu nhập trung bình. Với sự thay đổi mang tính “cách mạng” này Hayek đặt ngành chế tác đồng hồ Thụy Sĩ  đứng trước thách thức tạo ra những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với đồng hồ Nhật Bản để có thể dành lại thị phần đã mất.

Sau một thời gian nghiên cứu, Thomke đã thành công trong việc phát triển và chế tạo các bộ máy thạch anh và ông cũng đã giúp giới thiệu hệ thống tự động hóa trong chế tạo đồng hồ Thụy Sĩ. Năm 1982, ông được bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị tại ASUAG và điều hành ETA, đơn vị sau này trở thành nhà chế tạo máy và linh kiện lớn nhất của Thụy Sỹ. Với một đội ngũ kĩ sư tuyệt vời tại ETA, Thomke đã đáp ứng được các tiêu chí mà Hayek đặt ra về kiểu dáng, giá cả cạnh tranh, độ bền cao và công nghệ hiện đại. Hayek cho một chiếc đồng hồ sẽ tạo cơ sở cho sự phục hồi trong ngành đồng hồ Thụy Sĩ.

Swatch – bước ngoặt định mệnh của đồng hồ Thụy Sĩ

Ban đầu, Ernst Thomke và các kỹ sư của ông đã phát triển một chiếc đồng hồ thạch anh siêu mỏng mang tên (Concode) Delirium. Việc sở hữu tính năng siêu mỏng vượt trội hứa hẹn sẽ là đòn chí mạng mà Delirium nhắm vào các đối thủ trên thị trường. Delirium dày chưa đến một milimet và có lớp vỏ được gia công tỉ mỉ để tạo nên một cỗ máy hoàn chỉnh. Các chi tiết của đồng hồ được thu nhỏ đến mức tối đa với dung sai 0,001 mm – nghĩa là có độ chính xác gấp 10 lần với tiêu chuẩn thông thường. Mặt số Delirium chỉ có kim phút và kim giờ tuy nhiên giá thành cho chiếc đồng hồ bằng vàng này lại rơi vào khoảng 5.000 đô la, đồng nghĩa với việc nó chưa thể đáp ứng được mục tiêu tối ưu hóa chi phí sản xuất và khó cạnh tranh với các đồng hồ giá rẻ khác.

Tuy nhiên, thử thách này là cơ hội để tài năng của Thomke tỏa sáng, ông đã ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tiên phong trong Delirium để sản xuất một chiếc đồng hồ thạch anh tương tự với chi phí rẻ hơn nhiều. Thomke và hai cộng sự của ông, Elmar Mock và Jacques đã tìm cách sử dụng  hợp chất dẻo nhân tạo thông qua một quy trình hàn siêu âm và công nghệ lắp ráp hoàn toàn mới. Điều đặc biệt, những chiếc đồng hồ thế hệ mới này chỉ cấu tạo bởi 51 thành phần thay vì hơn 90 chi tiết như thông thường.

Chiếc đồng hồ mang tính cách mạng này cuối cùng được ra mắt vào năm 1983, với tên gọi “Swatch” – một sự kết hợp khéo léo của “Second watch”. Trong vòng hai năm kể từ khi ra mắt, đồng hồ Swatch đã bán được hơn 2,5 triệu chiếc và trở thành một cơn sốt trong giới đồng hồ. Chính những thiết kế đa dạng và sự đầu tư tỉ mỉ vào các chi tiết trang trí đã làm nên sức hút của những chiếc đồng hồ Swatch đối với công chúng đặc biệt là giới trẻ và các tín đồ thời trang.

Thành công từ tư duy đột phá

Những tín hiệu lạc quan mà Swatch mang lại như một đòn bẩy thúc đẩy tái tổ chức ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ. Swatch cũng được ví như một chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của những chiếc đồng hồ có cấu trúc đơn giản hơn, vui tươi hơn, giá rẻ hơn mà ở đó yếu tố thời trang và thiết kế được đặt lên hàng đầu. Bằng việc hợp tác với các hoạ sĩ, nhà thiết kế lừng danh như Kiki Picasso, Alfred Hofkunst, Keith Haring v.v..  Swatch đã thực sự tạo ra một cơn sốt thời trang thu hút mọi tầng lớp khi liên tiếp ra mắt các bộ sưu tập đồng hồ với thiết kế theo chủ đề qua mỗi mùa.

Một thiết kế trong bộ sưu tập Kiki Picasso

Những chiến lược marketing mà Hayek đề ra cũng đặc sắc và sáng tạo để những bộ sưu tập đầy biến hoá của Swatch tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng nhất có thể. Swatch đã đi tiên phong trong việc khéo léo marketing các sản phẩm của mình trong các sự kiện thể thao, giải trí đình đám khắp nơi trên thế giới. Để có thể chinh phục thị trường Mỹ rộng lớn và giàu tiềm năng, họ đã không ngần ngại tài trợ và tạo ra một dòng sản phẩm đặc biệt cho sự kiện World Breakdance Championship tại nhà hát Roxy, New York. Họ cũng tổ chức các cuộc thi vẽ tranh đường phố tại các kinh đô thời trang châu Âu như Paris hay London, đồng thời tài trợ cho nhiều sự kiện thể thao của các bộ môn mà giới trẻ đang ưa chuộng như trượt tuyết tự do, trượt tuyết trên ván (snowboarding), leo núi bằng xe đạp v.v.

Sôi nổi và đầy màu sắc là điểm nhấn trong chiến dịch Marketing của Swatch

Thành công bất ngờ của đồng hồ Swatch rõ ràng không thể đến nếu tiếp tục cách làm và tư duy có phần bảo thủ và lỗi thời của người Thuỵ Sĩ trong cuộc chiến với các quốc gia mới nổi về đồng hồ. Dù thành công này không giải quyết được hậu quả của cuộc khủng hoảng sau một đêm nhưng nó cũng ít nhiều cho thấy tư duy nhạy bén và sự thích nghi với thời cuộc mới là những điều đem đến sức bật để ngành công nghiệp này trở lại đường đua.

Tháng 4 năm 1992, hãng đã sản xuất chiếc đồng hồ Swatch thứ 100 triệu và chỉ mất thêm 4 năm để đạt sản lượng 200 triệu chiếc, đánh dấu một kỉ nguyên rực rỡ dưới đế chế của Hayek. Thế nhưng, thành công từ những chiếc đồng hồ vỏ nhựa không khiến Swatch ngủ quên trên chiến thắng mà ngược lại, thể hiện bản lĩnh không ngại thay đổi và luôn luôn nâng tầm cuộc chơi để cạnh tranh song phẳng với các thương hiệu đang nổi lên như Fossil hay Guess. Năm 1993, Swatch đã giới thiệu chiếc đồng hồ vỏ kim loại đầu tiên thông qua bộ sưu tập đồng hồ thép “Irony”. Bước đi này cho thấy sự trưởng thành không chỉ trong tư duy kinh doanh mà trong cả nhận thức của Swatch đối với các vấn đề toàn cầu khi hạn chế việc sử dụng nhựa nhằm giảm thiểu các tác động xấu lên môi trường.

Năm 1998, cái tên SHM chính thức lui vào dĩ vãng để nhường ngôi cho Swatch Group, thương hiệu đã quen thuộc với mọi tầng lớp trong suốt một thập kỉ và góp phần giải cứu cả ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sĩ. Từ đó đến nay, Swatch Group luôn giữ vững ngôi vị là đế chế đồng hồ số 1 thế giới khi liện tục thâu tóm các thương hiệu danh tiếng như Breguet, Blancpain, Glashütter Uhrenbetrieb GmbH, Harry Winston, Jaquet Droz, v.v. Tập đoàn hiện đang sở hữu tới 20 thương hiệu đồng hồ và đạt doanh thu khổng lồ 8,1 tỉ USD vào năm 2017.

Jaquet Droz- một trong những niềm tự hào thuộc sở hữu tập đoàn Swatch

Cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của Swatch đã trở thành bài học để đời cho tất cả các thương hiệu về tư duy vượt khó và tầm nhìn xa rộng để có thể vượt qua nghịch cảnh. Chìa khoá thành công của Hayek, như tạp chí Harvard Business Review đã ca ngợi, “không phải bởi ông miễn cưỡng tìm cách thoát ra khỏi lịch sử mà bởi cách ông tạo ra sự thay đổi dựa trên sự trân trọng lịch sử và những giá trị truyền thống của ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ”.


Các tin bài khác: 

Huyền thoại Jean-Claude Biver và những chia sẻ về ngành đồng hồ hậu đại dịch COVID 19

Những tiếng tíc tắc mãnh liệt của ngành đồng hồ xa xỉ thế giới

Jaquet Droz kết hợp nghệ thuật thủ công và kĩ thuật tinh hoa trong những sáng tạo mới năm 2019

Báu vật của TUDOR – bề dày lịch sử của TUDOR Chronograph

Franck Muller Vanguard™ Racing Skeleton – sống để chinh phục cuộc đua đầy mạo hiểm 

guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Bài viết liên quan
S&S Group newsletter



LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe mọi ý kiến từ bạn!

Created with Visual Composer